Tản văn

Tiếc mình

Thứ Hai, 04/11/2013, 08:00

Tôi có anh bạn đồng khóa, là sinh viên Khoa Ngữ văn (Đại học Tổng hợp Hà Nội) vào những năm 80 của thế kỷ trước. Anh là người mộng mơ và lãng mạn lắm. Chính vì thế mà hồi ấy, anh đã viết khá nhiều thơ. Nhiều lúc, anh say làm thơ đến mức xao nhãng cả việc học hành. Thơ anh làm ra, chủ yếu là để làm kỷ niệm, để đọc cho bạn bè nghe, tuyệt nhiên không để đăng lên báo và in thành sách.

Có một bài thơ có tên là "Tiếc mình" được anh viết trong một khoảng thời gian đầy khó khăn của anh. Thời điểm ấy, anh có yêu một người con gái, rồi hai người chia tay nhau trong buồn bã mà không rõ lý do tại ai. Cũng không biết là do anh "không được yêu" hay anh "không yêu được". Bài thơ xoay quanh cái việc anh đã tiếc anh sau khi kết thúc một cuộc tình.

Thật ra không chỉ có anh bạn tôi mới "tiếc mình" như thế. Vì trước đó đã lâu lắm rồi, trong ca dao, đã có nhiều người con gái "tiếc mình". Bằng chứng rõ rệt nhất còn lưu lại trong những câu:

Em tưởng nước giếng sâu, em thả sợi dây dài
Không ngờ giếng cạn, em tiếc hoài sợi dây

Còn cái sự tiếc hộ người khác, thì trong "Truyện Kiều", cách nay lâu lắm rồi, đại thi hào Nguyễn Du từng hạ bút:

Tiếc thay một đóa trà mi
Con ong đã tỏ đường đi lối về

Tất nhiên, cái sự "tiếc mình" ở đây, thuộc về người con gái, không thuộc về người con trai. Và cái sự "tiếc mình", lắm khi không chỉ có, không chỉ nằm lĩnh vực yêu đương.

Trong "Tam quốc diễn nghĩa" (tác giả La Quán Trung) hồi thứ một trăm mười, có đoạn:

"Ương (tức Văn Ương - một tướng trẻ nhà Ngụy cùng cha là Văn Khâm - người dưới trướng của Vô Kỳ Diệm phản nhà Ngụy) nổi giận, đưa giáo ra đánh nhau. Hai bên giao chiến năm chục hiệp, chưa phân thắng phụ, thì quân Ngụy đã kéo ùa cả ra, vây bọc trước sau mà đánh. Thủ hạ của Văn Ương trốn sạch, Ương chỉ còn trơ một mình một ngựa, đánh rẽ đôi đám quân Ngụy, chạy về phía nam. Tướng Ngụy hơn trăm viên hăm hở đuổi theo. Đuổi mãi đến cầu Lạc Gia, dần dần kịp, Ương quay ngựa lại quát to một tiếng, xông thẳng vào trong đám tướng Ngụy. Vung quất đánh lộn bậy một lúc, tướng Ngụy nhao nhao ngã ngựa, còn người nào phải rút lui cả. Ương buông lỏng cương ngựa, lững thững lại đi.

Tướng Ngụy tụ lại một chỗ, bàn với nhau rằng:

- Chúng ta lại góp sức mà đuổi, xem người này có thể đánh đổ được chúng ta nữa không?

Bởi vậy các tướng Ngụy lại xô đến đuổi.

Ương nổi giân bừng bừng nói rằng:

- Đàn chuột kia! Sao không biết tiếc thân thể?".

Cũng có thể, không biết "tiếc thân thể" trong trường hợp này, cũng chính là không biết "tiếc mình" theo nghĩa đen.

Từ câu chuyện trên, soi vào việc phê bình sách trên báo chí ta hiện nay, ta có thể bắt gặp nhan nhản những từ: "Những câu thơ đáng được chú ý", "Một cuốn sách đáng đọc"…của người A., người B., người X., người Y…qua những bài đọc sách, phê bình sách.

 - Họ yêu nhau quá ấy mà!

 - Họ PR nhau ấy mà!

 - Họ là cánh hẩu của nhau ấy mà!

 - Họ "bơm" nhau ấy mà!

Khá nhiều người khi trót đọc những bài viết kiểu "yêu nhau", "PR nhau", "cánh hẩu của nhau", "bơm nhau" đã thốt ra những nhận xét như vậy. Và sau đó, họ cảm thấy…tiếc thời gian.

Nên nhớ: Những sự thái quá như thế không chỉ bất cập, mà còn chống lại sự thật, chống lại khách quan. Còn những người viết ở dạng trên, cũng nên biết "tiếc mình". Hay nói nhẹ nhàng hơn là nên giữ mình, giữ tên tuổi và "thương hiệu" của mình.

- Nhưng họ phải có "mình" thì mới "tiếc mình" chứ! Còn không có…thì còn có gì để giữ với tiếc! - Một nhà thơ có uy tín, sau khi nghe tôi nói về cái sự "tiếc mình" đã buông mấy lời như vậy

Ngọc Trản
.
.