Họa sĩ Phạm Mùi:

Thùy và tôi, có phải một chuyện tình?

Thứ Ba, 03/03/2015, 08:00
Khuấy nhẹ ly cà phê, họa sĩ Phạm Mùi trầm ngâm nhìn rèm liễu buông mình trên mặt hồ Xuân Hương: "Sống trên đời chỉ có thân phận và tình yêu. Thân phận thì hữu hạn, tình yêu thì vô cùng. Chúng ta làm cách nào nuôi dưỡng tình yêu để tình yêu có thể cứu chuộc thân phận trên cây thập giá đời. Người bạn của tôi, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng thốt lên như vậy".

Từ những bức ký họa…

Nâng niu một hồi, ông khẽ trao cho tôi bức ký họa bác sĩ Đặng Thùy Trâm đang bón cháo cho thương binh tại trạm xá Đức Phổ và lá thư chị gửi trước ngày hy sinh. Dưới lớp nhựa ép cẩn thận, kỷ vật quý giá còn lại của ông về một con người có vị trí đặc biệt trong những năm tháng "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" đã hoen màu thời gian.

Tốt nghiệp hệ trung cấp mỹ thuật Trường Cao đẳng Mỹ thuật Yết Kiêu Hà Nội cuối năm 1966, họa sĩ Phạm Mùi được phân đi chiến trường Lào và 3 năm sau sẽ được trở lại miền Bắc. Nhưng nhớ thương quê hương, ông xin vào chiến trường Quảng Ngãi, một trong những rốn chiến tranh tàn khốc bậc nhất khi ấy.

Đoàn vào miền Nam có hơn 70 người gồm văn nghệ sĩ và y, bác sĩ. Mang trên vai hơn 30kg, đoàn đi bộ vượt Trường Sơn. Thấy tấm lưng nhỏ bé của nữ bác sĩ Hà thành ứa máu, nhiều lần Phạm Mùi giành mang bớt túi lương thực cho Thùy. Nhưng Thùy không chịu vì manh áo của người đồng đội cũng tươm máu.

Gian khổ là vậy nhưng khi nghỉ chân hoặc có đơn vị bộ đội hành quân qua, Thùy lại cất cao giọng hát trong trẻo của mình trên tiếng đàn đệm của ca sĩ Thanh Đính để động viên tinh thần anh em. Phạm Mùi đem giấy bút ra ký họa. Ông muốn ghi lại khoảnh khắc tuyệt vời này bởi khi ấy, trong mắt ông, Thùy xinh đẹp, hiền dịu và đáng cảm phục biết nhường nào. Biết chàng họa sĩ vẽ mình, có lần hát xong, Thùy líu ríu chạy theo xin tranh.

Họa sĩ Phạm Mùi.

Phạm Mùi coi những bức ký họa đó là nhịp cầu duyên. Còn Thùy Trâm phát hiện ở cậu họa sĩ nhỏ hơn mình một tuổi này là một tâm hồn nghệ sĩ bay bổng. Bác sĩ Thùy Trâm là người lãng mạn, tinh tế. Dọc đường, hai người thường đi chung với nhau để trao đổi chuyện thơ văn nhạc họa. Câu chuyện bất tận, để từ đó Phạm Mùi hiểu hơn về Thùy, về gia đình, lý tưởng và cả mối tình tuyệt đẹp của Thùy với anh Khương Thế Hưng (con trai nhà thơ Khương Hữu Dụng).

"Vì nhiệt huyết cách mạng, Thùy sẵn sàng bỏ lại tương lai tốt đẹp: bằng cấp, một công việc ổn định ở Hà Nội, gia đình yêu dấu… để dấn thân vào chốn lửa đạn. Tôi càng yêu mến Thùy khi dường như chỉ cô mới hiểu hết con người nghệ sĩ của tôi. Chúng tôi có nỗi buồn vui của thế hệ mình, lãng mạn và nhạy cảm. Trong nhật ký, nhiều người nhầm M. là tôi. Thực ra, Thùy viết tắt bút danh Đỗ Mộc của anh Khương Thế Hưng" - họa sĩ Phạm Mùi tâm sự.

Đường hành quân càng ngắn lại, Phạm Mùi càng náo nức khi ngày hạnh ngộ hân hoan của cô bạn thân thiết với người yêu sau nhiều năm xa cách sắp gần kề. Vào chiến trường, Thùy tức tốc tìm gặp người yêu. Nhưng anh Khương Thế Hưng, Chính trị viên Tiểu đoàn đặc công 48, người con trai Hà Nội tài hoa năm nào giờ đây đang mang trên người hàng chục vết thương. Câu nói lạnh lùng, dứt tình đầy đớn đau của anh khiến Thùy tan nát. Gặp Phạm Mùi, nước mắt Thùy giàn giụa. Làm sao Thùy chỉ coi anh Hưng là bạn, là đồng chí? Làm sao Thùy tàn nhẫn mặc anh Hưng tìm quên nỗi đau trong khi Thùy hạnh phúc bên người mới, dù đó là điều anh Hưng cầu chúc?

Không thể chịu được cảnh người thân thiết của mình nén chặt nỗi đau, Phạm Mùi van xin anh Hưng: "Anh yêu Thùy thì xin đừng tàn nhẫn với mình và cô ấy như thế. Trong chiến tranh, sống chết mong manh, còn giây phút nào để yêu nhau là điều quý giá".

Phạm Mùi không hiểu trong quyển nhật ký thứ nhất (đã bị đốt), Thùy đã viết những gì nhưng trong quyển đã công bố, Thùy chỉ có hai lần viết về ông. Một lần chị trách: "Tại sao lần này Mùi chỉ gửi tranh vẽ mà không viết thư cho Thùy?". Ông kể: "Trong nhật ký, còn một chỗ nữa Thùy viết : "... điều ấy không được đâu. Giữa mình với Mùi mãi mãi chỉ là tình bạn mà thôi".

Vâng, giữa chúng tôi chỉ là tình bạn, tình đồng chí. Dù có đớn đau đến mấy, Thùy không bao giờ bỏ rơi người yêu của mình. Tôi, Thùy và anh Hưng nhiều lần tranh luận về tình yêu trong chiến tranh nhưng chưa bao giờ tôi thổ lộ rằng tôi yêu Thùy. Duy có một lần tôi viết thư khuyên: "Nếu Thùy muốn quên anh Hưng đi, hãy tìm cho mình hạnh phúc mới". Vì lẽ gì cô lại viết vào nhật ký như vậy?".

Ngày Thùy về nhận công tác ở trạm xá Đức Phổ, ông tiễn Thùy đến cuối con dốc có nhiều khối đá lớn. Trên khối đá phẳng, hai người lặng ngồi bên nhau rất lâu. Nhìn dáng Thùy nhỏ dần rồi chìm khuất sau cánh rừng, ông nghe lòng nghẹn đắng, đôi chân nặng trĩu như màn đêm kéo tím trời chiều. Đêm ấy, Phạm Mùi không ngủ. Nước mắt ứa ra, ông xót thương đến cháy lòng cho cô Thùy yếu ớt đang dấn thân vào vùng khốc liệt nhất.

Bức ký họa bác sĩ Đặng Thùy Trâm chăm sóc thương binh tại trạm xá Đức Phổ năm 1969 của họa sĩ Phạm Mùi.

Sau chiến dịch Mậu Thân 1968, Ban Tuyên huấn Quảng Ngãi nơi Phạm Mùi công tác bị địch khui hầm bí mật. Nhiều người hy sinh, bị bắt. Phạm Mùi may mắn thoát chết. Thế nhưng, mọi người đều tưởng ông hy sinh. Nghe hung tin, Thùy tức tốc lặn lội lên Ban Tuyên huấn. Đúng chỗ khối đá ông tiễn Thùy về Đức Phổ, hai người gặp nhau. Thùy ôm chầm lấy ông òa khóc. Ông cố nén nhưng không kìm được nước mắt. "Đó là lần duy nhất chúng tôi ôm nhau. Về sau này, tôi vẫn nhớ hoài cảm giác khi ấy. Một cảm giác xót thương cho thân phận của chính tôi, của Thùy, của cả thế hệ trẻ và của đồng bào, đồng chí mình…". Giọng người họa sĩ già lạc đi trong tiếng gió.

... Đến bức thư cuối cùng

Mùa hè năm 1970, trên đường đi công tác, Thùy bị địch phục kích. Nghe tin Thùy hy sinh, ông khóc mấy đêm liền, rồi bị trận sốt rét thập tử nhất sinh. Vừa đỡ bệnh, ông vội gượng dậy xin công tác về Đức Phổ, nằng nặc theo du kích cho mình đi tìm xác Thùy. Nhưng nơi Thùy hy sinh là khu vực Mỹ đóng quân, rất nguy hiểm nên không ai cho ông đi.

Cuộc hội ngộ với người bạn thân thiết, người đồng chí vô vàn thương yêu mãi mãi không còn. Trong chiến tranh, biết bao nhiêu thư và tranh vẽ về Thùy thất lạc. Ông vuốt lại cánh thư cuối cùng - cánh thư Thùy gửi trước ngày hy sinh khoảng một tháng. Nước mắt và thời gian làm đôi chữ nghiêng nghiêng nhòe đi.

Bức thư đề ngày 6/5/1970: "Mùi thân thương. Được thư Mùi rất cảm động trước tấm tình của người bạn thủy chung. (…) Tuổi trẻ của chúng ta sẽ qua đi trong lửa đạn chiến trường, ta không hề tiếc hay ân hận vì đã chọn con đường gian khó. Ta có thể ngã xuống miệng vẫn cười vì cuộc sống ta đã dâng trọn cho đất nước. Nhưng Thùy thương vô cùng những thanh niên lớn lên từ trong đau khổ chưa hề được hưởng một ngày hạnh phúc mà đã phải ngã xuống. Mùi ơi, bằng nét bút Mùi hãy tả cho hết những gì ta đã nghe, đã thấy trong cuộc chiến đấu này nghe Mùi.

Ngày mai nếu được trở về, được gặp lại nhau Thùy sẽ mời người bạn thân thương đến căn phòng nhỏ của Thùy trên đất thủ đô. Thùy sẽ lại mở cho Mùi nghe bản nhạc ngày xưa: "Lòng mừng mùa xuân đến nơi/ Rồi ngàn cây thêm tươi thắm sáng ngời…". Và Mùi cho Thùy xem những tác phẩm đi ra từ trong cuộc chiến đấu sinh tử hôm nay. Còn nếu như không còn ngày đó nữa thì ai còn sống người đó sẽ không được quên người đã mất, phải làm gì cho xứng đáng với người đã mất (...)".

Lá thư ấy, họa sĩ Phạm Mùi coi như bản di chúc của Thùy dành cho mình. Những gì Thùy gửi gắm được ông xem như lý tưởng cho hành trình nghệ thuật sau này. Trong gió lạnh Đà Lạt, đôi mắt người họa sĩ 72 tuổi trìu mến: "Thùy nhìn yếu đuối, dịu dàng là vậy nhưng không ngờ cô ấy rất anh hùng. Ba lần, cô ấy từ bỏ cơ hội an toàn cho mình để bám lại Đức Phổ. Một lần là bỏ Hà Nội vào Nam, một lần Bệnh viện Quân y Trà My xin Thùy về và một lần anh Hưng có ý định đưa Thùy rời Đức Phổ, ra Hà Nội".

Sau giải phóng, Phạm Mùi công tác tại Sở Văn hóa Thông tin Quảng Ngãi rồi chuyển về đường Mai Hắc Đế, Đà Lạt sinh sống và làm việc. Ông viết một vở kịch mang tên "Bác sĩ Đặng Thùy Trâm" cho Đài Truyền hình Quảng Ngãi, tái hiện một Thùy Trâm đầy nhiệt huyết, can đảm nhưng không kém phần lãng mạn, cảm xúc. Vở kịch đoạt giải thưởng trong một liên hoan toàn quốc. Ghé thăm gia đình của Đặng Thùy Trâm tại Hà Nội, người ta thấy kịch bản vở kịch ấy được đặt trang trọng trên bàn thờ chị. Vở kịch cùng bao tác phẩm cho cuộc đời và cho Thùy chính là nén tâm nhang của "người bạn thân thương" - như cách chị vẫn thường gọi ông.

Năm tháng hoa lửa, biết bao hy sinh đau thương, phải chăng tình yêu đã cứu chuộc tâm hồn ông? Tình yêu ấy có hình bóng của Thùy hòa quyện thiêng liêng với non sông đất nước, với gương mặt đồng đội. Nâng nhẹ một nụ hoa chớm nở, bất chợt ông khe khẽ cho tôi nghe bài hát "Khát vọng mùa xuân" - bài ca quen thuộc mà ngày nào ông cùng Thùy mắc võng giữa rừng ngân nga: "Ta muốn được như ngày niên thiếu/ Cắt giấy xây ngôi nhà xinh/ Bầu trời tự do thắm thiết mãi trong lòng/ Bước đi thiết tha bao tình…".

Mai Quỳnh Nga - Xuân 2015
.
.