Ý kiến ngắn

Thương cho "mặt gương Tây Hồ"

Thứ Tư, 29/08/2012, 08:01

Một khu công viên nhỏ ven hồ, dành cho thiếu nhi do một cơ sở kinh doanh làm tặng thiếu nhi quận Tây Hồ cũng bị ai đó đập ghế đá, lột biển đề tặng đi, thay vào đó là tấm biển vẽ những "vật quý hiếm" dung tục của trai gái. Có một điều lạ hơn, là tấm biển bậy bạ ấy như một biểu tượng độc nhất của công viên này, tồn tại đã khá lâu, hằng ngày có hàng ngàn, hàng vạn lượt người qua lại, nhưng vẫn không thấy ai được trao quyền bỏ nó đi.

Câu ca dao về vẻ đẹp nên thơ của Hồ Tây có lẽ chẳng mấy người Việt Nam không biết đến:

Mịt mờ khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ

Ngay cả nhà thơ Tế Hanh, không phải người Hà Nội mà thuở sinh thời, đi thăm Hàng Châu - một thành phố nên thơ vào loại nhất nhì của Trung Quốc, khi ngắm "trăng Tây Hồ vời vợi thâu đêm" ở Hàng Châu còn làm ông chạnh lòng nhớ tới vẻ đẹp của "nước Hồ Tây" ở Hà Nội…

Ấy vậy mà, ngày ấy, bây giờ… sao mà cũng đã xa vời vợi!

Nhằm tăng thêm vẻ đẹp văn hóa cho Hồ Tây, hơn chục năm qua, Tp Hà Nội đã làm được một việc thuộc "phúc lợi dân sinh" thật có ý nghĩa. Đó là việc kè bờ hồ và làm công viên quanh Hồ Tây. Công viên có đủ loại cỏ hoa, cây cảnh, có đường lát gạch màu rộng rãi thênh thang, có ghế đá nhỏ to cho khách trẻ già ngơi nghỉ. Chạy theo ven hồ lại là con đường rộng gần 2 mét dành cho người đứng ngắm sóng nước Hồ Tây. Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, khu công viên, đường sá ven hồ này đã được chỉnh trang, nâng cấp một cách triệt để: đẹp và lộng lẫy! Việc chăm lo cho vẻ đẹp văn hóa của Hồ Tây thật công phu và tốn kém. Hàng ngày có cả một đội hàng chục công nhân túc trực làm việc: tưới cây, xén cỏ, tỉa lá, sửa hoa…Có cả mấy người đàn ông vận sắc phục bảo vệ màu xanh, trên mũ gắn phù hiệu lấp lánh như chiến binh cảnh vệ.

Tiền của và công sức con người đầu tư cho công viên ven Hồ Tây là thế! Công viên được chăm lo bảo vệ là thế, mà sao những gì diễn ra hàng ngày ở đây lại hoàn toàn trái ngược, ngoài cả sức tưởng tượng của mọi người: Một số lớn ghế đá của công viên bị đập gẫy nát. Ai đập và đập với mục đích gì? Hỏi những người có trách nhiệm bảo vệ công viên đều được trả lời "Không biết". Buổi chiều mùa hè, các thảm cỏ của công viên đều được trải chiếu hoặc kê bàn ghế cho khách ngồi ăn uống, nhậu nhẹt, kể cả các ghế đá của công viên cũng bị các nhà hàng chiếm dụng, kê bàn vào để đón khách. Giờ tan tầm, đường giao thông ven hồ đủ loại xe chen lấn nhau đi, thường xuyên bị tắc. Có lẽ vì vậy mà vào giờ này, xe máy từ lòng đường tràn lên chiếm hết đường đi lại của công viên, không ít người đã bị xe máy cho những trận "chết hụt" nhớ đời.

Một khu công viên nhỏ ven hồ, dành cho thiếu nhi do một cơ sở kinh doanh làm tặng thiếu nhi quận Tây Hồ cũng bị ai đó đập ghế đá, lột biển đề tặng đi, thay vào đó là tấm biển vẽ những "vật quý hiếm" dung tục của trai gái. Có một điều lạ hơn, là tấm biển bậy bạ ấy như một biểu tượng độc nhất của công viên này, tồn tại đã khá lâu, hằng ngày có hàng ngàn, hàng vạn lượt người qua lại, nhưng vẫn không thấy ai được trao quyền bỏ nó đi.

Chung quanh hồ đã có biển đề:"Cấm bắt cá bằng mọi hình thức, cấm xả rác xuống hồ". Còn có cả những xuồng máy thường xuyên đi lại trên mặt hồ để kiểm tra, bắt người câu trộm, thả lưới trộm. Thế nhưng những người câu trộm, thả lưới trộm vẫn thản nhiên, cần mẫn với công việc của mình. Thỉnh thoảng lại có những thanh niên khiêng cả bao tải rác ném xuống hồ trước sự "kinh ngạc nhưng phải làm ngơ" của mọi người.

Nước thải từ các nơi đổ vào Hồ Tây, nước hồ ô nhiễm nặng. Cá không sống nổi thì phải chết nổi, lềnh bềnh trắng mặt hồ. Đủ các loại rác thải vô tư xả xuống hồ… Tất cả đã bốc lên một mùi xú uế rất riêng biệt của Hồ Tây, không biết gọi là gì?

Con người đối xử với "mặt gương Tây Hồ" là như vậy! Thật xót xa!

Nguyễn Nam
.
.