Đại tá, nhà thơ Mai Nam Thắng:

"Thuận tay" nhất khi viết về quê hương và đồng đội

Thứ Hai, 21/07/2014, 08:00
Đại tá Mai Nam Thắng được công chúng biết đến là một nhà báo Quân đội xông xáo trên nhiều thể loại báo chí. Bên cạnh công việc làm báo, anh còn là một nhà thơ, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Đến nay, Mai Nam Thắng đã cho xuất bản 2 tập thơ, 1 tập trường ca và 2 tập truyện ký. Trong đó, trường ca "Cổ tích làng Cát" đã đoạt Giải thưởng Văn học 5 năm (1999-2004) của Bộ Quốc phòng...

- Thưa nhà thơ, đọc các tập thơ "Mùa cũ","Rét hạ" và trường ca "Cổ tích làng cát" của anh, thấy đề tài về chiến tranh và người lính chiếm số lượng đáng kể. Đây là một đề tài truyền thống, từng được nhiều thế hệ nhà văn đi trước "cày xới" và đã có nhiều thành tựu khó vượt, vì sao anh vẫn tiếp tục đề tài này?

+ Tôi thuộc thế hệ "gạch nối" giữa thế hệ các nhà thơ chống Mỹ và thế hệ các nhà thơ Đổi mới. Ở thế hệ chúng tôi, nhiều người vẫn tiếp tục mạch đề tài truyền thống; có người nhạy bén cách tân, đổi mới, hòa nhịp với thơ trẻ đương đại và ít nhiều có thành tựu. Bản thân tôi cũng có ý thức đổi mới giọng điệu, mở rộng đề tài và điều quan trọng nhất là đổi mới tư duy, cảm xúc. Còn về đề tài, quả thực tôi cảm thấy mình "thuận tay" nhất khi viết về quê hương tôi và đồng đội của tôi - những người lính hôm qua và hôm nay.

Thật khó lý giải vì sao tôi rất khó dứt khỏi đề tài chiến tranh và người lính. Có lẽ tại vì tôi là thế hệ "gạch nối"? Có lẽ tại vì tôi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất tuyến lửa Quảng Bình những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước ác liệt nhất. Hay tại vì tôi là một nhà thơ mặc áo lính đã hơn 30 năm nay? Có lẽ tại vì tất cả những điều đó!

- Anh bắt đầu làm thơ từ khi nào? Anh có thể tiết lộ đôi chút về bài thơ đầu tiên của mình?

+ Từ khi ngồi trên ghế nhà trường tôi đã làm thơ, nhưng mãi đến khi tròn 20 tuổi tôi mới có thơ đăng báo. Đó là bài thơ "Bài địa lý sáng nay" đăng ở Tạp chí Sông Hương số tháng 3/1979. Dạo đó, tôi là sinh viên sư phạm, khoa sử, đi thực tập ở Lệ Thủy - Quảng Bình. Sáng chủ nhật ngày 17/2/1979, Đài Tiếng nói Việt Nam loan tin quân Trung Quốc bất ngờ nổ súng tràn qua biên giới phía Bắc. Cả nước sục sôi hướng về biên cương, sẵn sàng lên đường bảo vệ Tổ quốc. Sáng hôm sau, trong giờ lên lớp đầu tuần bài lịch sử 3 lần đánh tan quân Nguyên, tôi đã diễn thuyết rất hùng hồn về những vấn đề thời sự nóng bỏng đang diễn ra trên biên giới phía Bắc, giáo học pháp gọi là phần "liên hệ thực tế" để củng cố mục đích, yêu cầu của bài giảng. Học trò lắng nghe rất say sưa và nhiều em giơ tay phát biểu rất sôi nổi. Một tứ thơ vụt đến và để phục vụ cho chủ đề tư tưởng của bài thơ, tôi đã tưởng tượng ra đó là một giờ địa lý để gắn với những địa danh đang nóng bỏng ở biên giới. Thế đấy, bài thơ đầu tiên được đăng báo của tôi là một bài thơ chiến sự. Có lẽ cũng vì thế mà đề tài chiến tranh và người lính cứ "đeo" mãi theo tôi.

- Được biết, anh đã đi nhiều nơi trên đất nước ta và đã được ra nước ngoài. Vậy nơi nào khiến anh ấn tượng và nhiều kỉ niệm nhất?

+ Trước hết, phải nói rằng, quê tôi là mảnh đất tôi yêu quý nhất, ấn tượng nhất và nhiều kỷ niệm nhất và vì, thế theo đánh giá của nhiều đồng nghiệp, những bài thơ khá nhất của tôi là viết về quê hương. Ngoài ra, do môi trường công tác, tôi đã được đi nhiều nơi, trong đó có những chuyến đi rất ấn tượng, giúp tôi có những sáng tác được bạn đọc ghi nhận. Chẳng hạn chuyến lên Vỵ Xuyên cuối năm 1988, ăn ở cùng các chiến sĩ Sư đoàn 316 đang chốt giữ trên đó. Những ghi chép trong chuyến đi ấy được tôi khai thác cho cả văn thơ lẫn báo chí đến nay vẫn chưa hết.

Gần đây nhất là bài thơ "Vỵ Xuyên có thể" đã đăng Báo Quân đội nhân dân. Hoặc như chuyến đi Trường Sa hè 1989, tôi bám theo một chiếc tàu vận tải chở đá ra xây nhà ở cho bộ đội trên đảo Thuyền Chài, được sống cùng anh em trên các nhà chòi hơn 1 tuần trong thời gian chờ chuyển tải 400 tấn đá hộc lên đảo. Nhờ vậy mà tôi thấy được những khó khăn, gian khổ của các chiến sĩ đang canh gác vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Và chính những khó khăn, gian khổ của các chiến sĩ luôn là những ám ảnh cho sáng tác của tôi sau này.

Mặc dù sau này tôi còn được ra Trường Sa nhiều lần, được đi tàu lớn, tiện nghi đầy đủ… nhưng tôi không có được cảm hứng như chuyến đi gian khổ năm ấy. Cũng mùa hè 1989, tôi còn có hơn chục ngày lăn lộn với quân tình nguyện Việt Nam đang truy đuổi tàn quân Pôn Pốt ở Pai Lin - Campuchia. Và mùa hè năm 2003, lần đầu tiên tôi được đặt chân lên mảnh đất tột cùng của Tổ quốc ở Cà Mau. Đó cũng là một trong những địa danh ám ảnh tôi mãi…

- Đã bao giờ anh bị ám ảnh bởi một tác phẩm hay nhân vật của mình trong một thời gian dài chưa? Anh có thể chia sẻ về nhân vật ấy?

+ Đã nói đến "đứa con tinh thần" thì đứa nào cũng cần được cha mẹ yêu thương hết mình. Cha mẹ nào cũng mong những đứa con mình xinh đẹp, khỏe mạnh, khôn ngoan, giỏi giang, tiến bộ… nhưng cũng có những đứa chưa được như vậy thì mình càng phải chăm sóc, quan tâm nhiều hơn. Văn thơ cũng như vậy. Nhưng có lẽ đứa con tinh thần mà tôi  tự hào nhất đó là tập trường ca "Cổ tích làng cát", tôi viết về một ngôi làng 3 lần hồi sinh: Hồi sinh sau nạn đói, hồi sinh sau chiến tranh và hồi sinh sau thiên tai.

Thời gian viết trường ca ấy, có khi tôi ngồi cả đêm chỉ viết được 2-3 câu, có khi buông bút ngồi khóc. Trong tập trường ca đó, nhân vật ông Xờng được tôi xây dựng kì công nhất và sau này được các nhà phê bình đánh giá là thành công nhất, ấn tượng nhất trong các nhân vật của thơ tôi. Nhân vật ông Xờng chính là hình ảnh của bố tôi, từ năm 10 tuổi đến 15 tuổi đã 3 lần nửa đêm ôm xác các cô chú tôi mới vài tháng tuổi đi chôn vì chết đói, chết rét, chết vì bệnh tật...

- Nhiều người nhận xét rằng, tính chất thông tin và giải trí trở thành xu hướng của văn học hiện nay? Anh nghĩ sao về quan điểm này?

+ Nhận xét ấy khá đúng và theo chỗ tôi biết thì đó gần như là qui luật của lịch sử văn học nhân loại: Mỗi khi quốc gia, dân tộc, cộng đồng… phải trải qua những giai đoạn cam go, những biến cố lịch sử… thì văn chương thường nở rộ, đạt được những thành tựu đỉnh cao, trở thành những tác phẩm kinh điển, chứa đựng những tư tưởng lớn, những triết lý nhân sinh, những quan điểm mỹ học… Nhưng khi "thiên hạ thái bình" thì văn chương lại dễ dãi thỏa mãn nhu cầu giải trí, sự hiếu kỳ… của công chúng. Đặc biệt, trong thời đại kỹ thuật số với các tiện ích nghe nhìn phổ biến, con người dễ sinh ra ngại đọc, ngại xem những tác phẩm văn học, nghệ thuật cần sự động não nhiều. Điều đó còn có lý do từ áp lực của cuộc sống hiện đại nữa. Nhưng tôi biết vẫn có những nghệ sĩ lao tâm khổ tứ với văn chương hàn lâm, nghệ thuật đỉnh cao. Trên thế giới đã và đang có những nhà văn như thế và ở Việt Nam cũng vậy. Tôi tin họ vẫn có độc giả của mình và chắc chắn họ vẫn luôn luôn có một vị trí sang trọng trong đời sống văn học nhìn bề mặt có vẻ nặng về giải trí như hiện nay.

- Được biết, anh mới trở về từ Điện Biên Phủ và có bài thơ "Lau trắng Điện Biên" đã được giải A của Hội diễn văn nghệ Tổng cục Chính trị trung tuần tháng 5/2014 vừa rồi. Anh có thể chia sẻ thêm về tin vui này?

 + Tôi đã nhiều lần lên Điện Biên và vừa rồi là theo đoàn đua xe đạp mở rộng toàn quốc cúp Báo Quân đội nhân dân, chào mừng kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Mỗi lần trở lại Điện Biên lại thấy cảnh vật thay đổi không ngừng, duy những đồi lau, những bãi lau miên man bạt ngàn dọc đường lên Điện Biên là không thay đổi. Đó như là những chiến binh ngàn đời chắn che bờ cõi, như cờ lau reo mừng tin thắng trận, như bạt ngàn những nghĩa trang liệt sĩ vô danh, như mái tóc của những lão tướng và cựu chiến binh đi qua mấy cuộc trường kỳ kháng chiến vệ quốc, như mây trắng Ba Đình, như sóng bạc đầu thao thức với Hoàng Sa và Trường Sa… Bài thơ "Lau trắng Điện Biên" được viết theo mạch liên tưởng ấy, đã đăng Báo Quân đội nhân dân cuối tuần số kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và nhận được nhiều phản hồi đồng cảm của bạn đọc.

- Anh có thể bật mí đôi chút về dự định sáng tác sắp tới của mình?

+ Chẳng có gì phải bí mật mà "bật mí" cả. Tôi vừa lựa chọn và tập hợp hơn 50 bài thơ sáng tác trong mấy năm gần đây, tạm đặt tên là "Tập tàng", mượn ý một bài thơ có tên là "Rau tập tàng" để đặt tên cho cả tập. Tập thơ có 2 phần tương đương về số bài. Phần "Thuở binh nhì" gồm những bài thơ về chiến tranh và người lính; phần "Những vòng quay" gồm những bài thơ về tình yêu, về quê hương, về thế sự… Bản thảo đã được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đưa vào kế hoạch xuất bản năm 2014. Nếu mọi việc thuận lợi đúng kế hoạch thì đây là tập thơ đầu tiên tôi in ở NXB Quân đội nhân dân. Các tập trước, tôi in ở NXB Văn học và NXB Thanh Niên.

- Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này! Chúc anh tiếp tục có nhiều sáng tác mới!

Đỗ Thị Ngọc Mai (thực hiện)
.
.