Biên đạo múa Tuyết Minh: Những người sống nhanh, sống gấp sẽ không xem múa

Thứ Bảy, 19/06/2021, 15:51
Trong những ngày cuộc sống tưởng chừng như bị gián đoạn do dịch COVID- 19 thì biên đạo múa Tuyết Minh vẫn ngược xuôi Bắc- Nam để thực hiện chương trình “Nhóm nhảy siêu Việt”. Tôi hiểu, chị kỳ vọng sẽ mang đến một sắc màu mới cho nghệ thuật múa - thứ nghệ thuật mà chị nói, sẽ dành cả cuộc đời để cống hiến.


- Chúc mừng sự trở lại của Tuyết Minh, lần này chị ngồi ghế nóng chương trình “Nhóm nhảy siêu Việt- Vietnam's Best Dance Crew”. Điều gì ở các game show truyền hình hấp dẫn chị?

+ Nghệ thuật nhảy múa thường khá kín tiếng và không có nhiều sân chơi hay chương trình truyền hình khai thác sâu về đề tài này như các loại hình nghệ thuật khác. Nhận lời làm giám khảo cho chương trình “Nhóm nhảy siêu Việt - Vietnam's Best Dance Crew” vì tôi thấy được ở đây có 2 yếu tố mang đến lợi ích. Đầu tiên là các bạn vũ công, biên đạo đã có nơi để thể hiện mình, nâng cao trình độ chuyên môn, thỏa sức cho đam mê, cống hiến tuổi trẻ và kết nối nghệ thuật với khán giả. Cái lợi thứ 2 là về phía khán giả vì thông qua chương trình, họ có cơ hội tiếp cận, theo dõi trực tiếp các nhóm nhảy đang gây được sự chú ý hiện nay. Với tôi, đây không chỉ là sân chơi quyền lực dành riêng cho nghệ thuật nhảy múa mà còn là chương trình mang điểm nhấn khác biệt trong năm 2021 này.

Biên đạo múa Tuyết Minh tiếp tục ngồi ghế nóng. 

- Chị là người theo đuổi múa đương đại với những dự án theo hướng xã hội hóa. Nhưng bây giờ giới trẻ có vẻ thích hip hop, rap hay sự mix, trộn của nhiều loại hình nhảy múa. Chị làm thế nào để bắt kịp với giới trẻ?

+ Nghệ thuật múa đến từ chiều sâu của tác phẩm, mang đến cho người xem những thông điệp riêng. Bất kỳ một loại hình múa từ dance sport, múa đương đại, múa ballet, múa dân gian dân tộc, hip hop, jazz… cũng đều là ngôn ngữ, cách đối thoại giữa vũ công thông qua tác phẩm đến với khán giả. Tôi cũng sẽ thông qua các hình thức nhảy múa này để nhìn sâu vào thông điệp mà tác phẩm muốn truyền tải, từ đó cho điểm số cũng như lời khuyên thích hợp cho các biên đạo và nhóm nhảy tham gia chương trình. 

Nghệ thuật múa đến từ chiều sâu của tác phẩm, mang đến cho người xem những thông điệp riêng. Bất kỳ một loại hình múa từ dance sport, múa đương đại, múa ballet, múa dân gian dân tộc, hip hop, jazz… cũng đều là ngôn ngữ, cách đối thoại giữa vũ công thông qua tác phẩm đến với khán giả. Tôi cũng sẽ thông qua các hình thức nhảy múa này để nhìn sâu vào thông điệp mà tác phẩm muốn truyền tải, từ đó cho điểm số cũng như lời khuyên thích hợp cho các biên đạo và nhóm nhảy tham gia chương trình.

- Năm 2020 nhạc rap nổi lên và dự đoán thời gian tới sẽ là rock, có lúc nào chị nghĩ, múa sẽ đi vào đời sống và trở thành trend?

+ Tôi cũng như tất cả những nghệ sĩ, dancer sống với múa, dù điểm đến là yêu thích, đam mê, lựa chọn có chủ đích hay một duyên đưa đẩy nào đó thì múa đã, đang và sẽ là nghề, là nghiệp của chúng tôi. Múa ở Việt Nam đã có một nền tảng vững chãi và tạo được một cộng đồng cả những người làm nghề và công chúng quan tâm, yêu thích rộng, sâu. 

Hai năm gần đây rap, rock nổi lên và hiện tượng bắt trend thường hướng đến những thể loại nghệ thuật được du nhập vào nền văn hóa bản địa, hoặc do một hiện tượng nào đó trong quá trình hội nhập được cộng đồng hoặc giới trẻ quan tâm trong một khoảng thời gian nổi trội tạo thành trend. Múa đi vào đời sống và không còn xa lạ nên việc bắt trend trong múa sẽ hướng đến tác phẩm hoặc một style, một phong cách nào đó nổi lên trong cộng đồng vị nhân sinh hoặc đi cùng những vấn đề nóng, thời sự như điệu nhảy “Ghen COVID” chẳng hạn.

- Rõ ràng, nghệ thuật múa ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, và chưa được chú trọng bằng các loại hình khác, từ chất lượng biểu diễn cho đến bài toán khán giả. Theo chị, lý do vì sao?

+ Nghệ thuật múa của chúng ta đang phát triển và thay đổi rất ngoạn mục trong 15 năm trở lại đây. Chúng tôi đang có những thế hệ biên đạo, nghệ sĩ, nhóm nhảy ưu tú. Chúng tôi đã dần giải mã được vấn đề “Dân tộc và hiện đại”, những giá trị bản sắc từ chất liệu ngôn ngữ múa dân gian các dân tộc Việt với các loại hình nhảy múa mới được giới trẻ theo đuổi như múa đương đại, hiện đại, hiphop, Jazz... Lớp nghệ sĩ trẻ đã sáng tạo được những tác phẩm tốt trên các chất liệu ngôn ngữ đó. Khán giả đến với múa cũng nồng nhiệt hơn ví dụ các vở Ballet của chúng tôi như Ballet “Kiều”, “Hồ Thiên Nga” và nhiều chương trình khác đều cháy vé.

Biên đạo múa Tuyết Minh.

- Nhưng đó chỉ là một vài tác phẩm nổi bật chưa làm nên diện mạo của múa. Chị ấp ủ những dự định gì với múa trong thời gian tới để múa được đến gần hơn với công chúng?       

+ Mỗi một đơn vị nghệ thuật, mỗi nghệ sĩ giỏi nghề, với các dự án của mình đều cố gắng tìm được chìa khóa đưa nghệ thuật múa nói riêng, nghệ thuật biểu diễn nói chung đến gần hơn với công chúng. Tôi nghĩ, chúng ta nên tạo ra nhiều món ăn đa dạng hơn, từ nghệ thuật truyền thống hay cổ điển, nghệ thuật múa đương đại... để hấp dẫn nhiều đối tượng khán giả, mang lại cho công chúng nhiều món ăn tinh thần và giá trị sống đẹp. 

Ở Việt Nam, múa đã được mở rộng ra ở rất nhiều vị trí. Bất kỳ lễ hội hay sự kiện nào cũng đều có sự xuất hiện của múa. Trên gameshow truyền hình hay là chương trình âm nhạc thì yếu tố múa, mặc dù chỉ là phụ họa, hỗ trợ cho ca sĩ nhưng luôn tạo nên một màu sắc chung cho chương trình nghệ thuật. Việc khán giả bỏ ra một số tiền lớn để tham gia các chương trình âm nhạc, nơi có thần tượng của họ là điều khá dễ hiểu. Những bài hát có thể gắn liền với giai đoạn nào đó trong cuộc đời họ hay đơn giản họ dễ dàng đồng cảm với ca từ trong đó.

Mỗi loại hình nghệ thuật sẽ hướng đến một đối tượng khán giả riêng của mình. Với nghệ thuật múa thì cần những khán giả có chiều sâu, đủ sự trải nghiệm cùng tâm hồn nghệ thuật nhạy cảm để có thể rung động và bỏ thời gian ra cho nó. Những người sống nhanh, sống vội chắc chắn sẽ không chọn xem múa.

- Chị từng chia sẻ với tôi về một dự án dài hơi, phát triển các tác phẩm múa dựa trên các tác phẩm văn học nổi tiếng, các nhân vật lịch sử... Đến nay, chị đã đi được đến đâu trên chặng đường của mình?

+ Với nhiệm vụ mới là Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, tôi sẽ nỗ lực giúp việc cho Chủ tịch Hội để đưa ra những chương trình, dự án, kế hoạch cụ thể góp phần giải quyết các khó khăn do thực trạng nghệ thuật múa trước ảnh hưởng của đại dịch COVID hiện nay và chương trình hành động cụ thể đối với các lĩnh vực về sáng tác, đào tạo, biểu diễn, nghiên cứu lý luận, phong trào, sự kiện và đối ngoại trên toàn quốc. Tuy nhiên, tôi vẫn tranh thủ triệt để thời gian để theo đuổi các dự án riêng về quảng bá nghệ thuật nhảy múa như tham gia các chương trình truyền hình thực tế có tính chuyên môn cao và đặc biệt là vẫn viết kịch bản, tìm đầu ra và sáng tác các vở diễn lớn.

Tôi đang gấp rút cho ra đời một vở nhạc kịch lớn về Bác Hồ. Đây là một vở diễn tôi tâm huyết sáng tác trước vở Ballet Kiều, nhưng thời điểm này mới hội đủ duyên để êkíp nghệ thuật hội tụ và đơn vị bảo trợ đầu tư cho vở diễn ra đời. Tôi và êkíp sẽ nỗ lực hết mình để mang đến một vở nhạc kịch đầu tiên về Vị Chủ tịch vĩ đại - giai đoạn Người ra đi tìm đường cứu nước. 30 năm bôn ba này là giai đoạn hình thành hệ thống tư tưởng của Người và sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho chặng đường lịch sử - chèo lái Con thuyền Cách mạng Giải phóng Dân tộc, giải phóng đất nước Việt Nam khi Bác về đến Pác Bó - Cao Bằng năm 1941.

- Đây là một năm khó khăn của nghệ thuật biểu diễn khi các hoạt động đều bị đình trệ, với múa có lẽ càng khó khăn hơn?

+ Múa vốn không phải là nghệ thuật dành cho đại chúng, ngôn ngữ múa có những đặc thù riêng. Vì thế, khán giả của chúng tôi không đông. Dịch bệnh đã làm đình trệ mọi hoạt động, các nghệ sĩ rất khó khăn, tôi sợ nếu kéo dài, chúng tôi sẽ không giữ được nguồn nhân lực vốn đã rất ít. Nhưng chúng ta nên có cái nhìn lạc quan hơn, đây là thời gian thai nghén, ấp ủ những sáng tạo mới để bung nở khi dịch bệnh được kiểm soát. Tôi tin như vậy và mong chờ các vở diễn mới của bạn bè, đồng nghiệp.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của chị!

Linh Nguyễn (thực hiện)
.
.