"Thù lao chất xám" ở đâu?

Thứ Tư, 21/07/2010, 09:12
"Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm vừa qua không có tiểu thuyết"- Lời thắc mắc ấy đã được lãnh đạo Hội giải thích là vì những tiểu thuyết có chất lượng cao đã tập trung vào một cuộc thi tiểu thuyết khác, cũng của Hội Nhà văn. Thoạt nghe thấy có lý. Song thực tế cũng cho thấy một điều: Nếu nói "trong bó đũa chọn cột cờ" thì từ nhiều năm nay, "bó đũa" của tiểu thuyết Việt Nam cũng không được xum xuê cho lắm...

Những năm trở lại đây, đọc ý kiến phát biểu của một số nhà văn trên báo chí, chúng ta thường thấy họ chê trách nền văn học của chúng ta nặng về làm phong trào mà thiếu đỉnh cao. Đặc biệt, với thể loại tiểu thuyết, nhiều ý kiến than thở là chúng ta đang lâm vào tình trạng "mất mùa". "Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm vừa qua không có tiểu thuyết"- Lời thắc mắc ấy đã được lãnh đạo Hội giải thích là vì những tiểu thuyết có chất lượng cao đã tập trung vào một cuộc thi tiểu thuyết khác, cũng của Hội Nhà văn. Thoạt nghe thấy có lý. Song thực tế cũng cho thấy một điều: Nếu nói "trong bó đũa chọn cột cờ" thì từ nhiều năm nay, "bó đũa" của tiểu thuyết Việt Nam cũng không được xum xuê cho lắm.

Điều này có những nguyên do của nó, mà trước hết từ khâu thù lao chất xám, tức là khâu nhuận bút.

Có thể nói, so với các đồng nghiệp viết văn xuôi, người viết tiểu thuyết chịu thiệt nhiều hơn cả. Nếu một truyện ngắn trước khi được tập hợp in vào sách thường được các nhà văn cho gửi đăng báo trước thì cơ hội ấy đối với tiểu thuyết là rất hiếm. Hơn thế, khi in báo, nhuận bút của tác phẩm có thể phụ thuộc vào tira của tờ báo đó (không liên quan gì tới chất lượng của nó). Tira ít, một truyện ngắn có thể chỉ được người ta trả một, hai trăm ngàn. Tira nhiều, truyện có thể được trả tới cả triệu. Tiểu thuyết thì chỉ có thể dựa vào chính nó, bởi vậy mà số lượng in thường rất hạn chế. Đa phần hiện nay các nhà xuất bản chỉ dám in một tiểu thuyết ở mức một nghìn cuốn mà thôi. ấy là chưa kể, sách in ra, tiền bị "ngắt ngọn" (tức phải đóng thuế thu nhập) cũng khiến nhiều nhà văn kêu trời. Còn tiền mua sách tặng bạn bè, nhà văn đành bấm bụng chịu vậy, bởi đó là việc làm tự nguyện, tuy rằng số tiền này cũng khiến họ có lúc phải méo mặt.

Với chế độ nhuận bút hiện nay, khoản tiền mà các nhà tiểu thuyết lĩnh về sau khi sách được phát hành có đáng gọi là "thù lao chất xám"? Xin được minh chứng bằng trường hợp của cây đại thụ Tô Hoài.

Lần ấy (vào năm 1996), sau khi cho in cuốn tiểu thuyết "Kẻ cướp bến Bỏi" ở Nhà xuất bản Công an nhân dân, nhà văn Tô Hoài đã gửi tặng tôi - với tư cách biên tập viên - bản thảo viết lần 1, lần 2, lần 3 của cuốn tiểu thuyết đó. Chẳng phải nhà văn có ý này ý khác, mục đích là để cho vui, để kỷ niệm như tính ông vốn thế. Song khi ngồi lần giở từng trang, bắt gặp bao nhiêu vết tẩy xóa, sửa chữa, những công phu đẽo gọt, mài giũa câu chữ của nhà văn, lòng tôi không khỏi dấy lên sự ngậm ngùi...

Vậy là, để viết nên cuốn tiểu thuyết này, nhà văn Tô Hoài đã phải viết đi viết lại đến... 4 lần (cộng cả bản thảo đưa nhà xuất bản duyệt in). Sách dày xấp xỉ 300 trang, có nghĩa là nhà văn đã trực tiếp viết tay đến ngót...1.200 trang.

Bây giờ hãy nói đến phần thù lao mà ông được lĩnh.

Theo thông lệ của các nhà xuất bản, loại sách như của Tô Hoài (tức sách sáng tác trong nước) được tính nhuận bút 10% giá bìa nhân với số lượng in. Như vậy, nếu bình thường, cuốn tiểu thuyết đó của Tô Hoài, với số lượng in 800 cuốn, khổ 13x19, nhuận bút vào khoảng 1.400.000 đồng (một triệu bốn trăm ngàn đồng).

Nhưng Giám đốc Nhà xuất bản Công an nhân dân (bấy giờ là anh Văn Phan) cũng đồng thời là một nhà văn, bản thân từng viết tiểu thuyết và là cộng tác viên của một số nhà xuất bản khác nên rất hiểu và trân trọng sức lao động của nhà văn, áp dụng chính sách đặc biệt, anh nâng mức nhuận bút của nhà văn Tô Hoài lên 12%. Theo đó, với cuốn sách nói trên, nhuận bút của Tô Hoài vào khoảng 1.700.000 đồng.

Tính ra, mỗi trang viết tay của nhà văn được trả khoảng 1.500 đồng, "ngang bằng" với thù lao của người đánh máy chữ (thời điểm ấy, nhiều nơi người ta tính tiền công đánh một trang khổ A4 - tương đương 2 trang in khổ 13x19 là 3.000 đồng). Với cách tính như vậy, mới thấy, nhà văn Tô Hoài đâu có được hưởng phần "thù lao chất xám"?

Tình cảnh xảy đến với nhà văn Tô Hoài cho tới bây giờ vẫn là tình cảnh chung của nhiều nhà văn. Thậm chí họ còn không được ưu ái bằng, bởi không phải giám đốc nhà xuất bản nào cũng có thiện chí và quyết đoán như nhà văn Văn Phan.

Thế mới thấy, viết tiểu thuyết quả là một sự... dũng cảm!

Trần Hữu Thanh
.
.