Thơ, từ những góc nhìn

Thứ Sáu, 19/12/2008, 08:30
Có một thời trên thi đàn đã bàn nhiều đến thơ hướng nội và thơ hướng ngoại. Làm như thể thơ hướng ngoại thì nông cạn, thơ hướng nội mới là sâu sắc bởi nó đào sâu vào nội tâm con người.

1. Thơ hướng nội và thơ hướng ngoại?

Rồi nhiều người có ý gán cho thơ mấy chục năm phục vụ kịp thời mấy cuộc kháng chiến của dân tộc là thơ hướng ngoại; còn bây giờ thơ đi sâu vào thế giới nội tâm, cõi riêng nhỏ bé, tâm sự buồn đau của từng cá nhân cá thể thì là thơ hướng nội, mới cao siêu! Đi theo suy nghĩ này, hàng loạt các tập thơ nói về nỗi niềm riêng nhỏ bé, vun vặt đã ra đời. Có những người tung hô, nhưng quần chúng yêu thơ thì không chấp nhận.

Thực ra thì làm gì có thơ hướng nội và thơ hướng ngoại. Từ mấy trăm năm trước đại thi hào Nguyễn Du đã viết: "Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu/ Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ". Nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương cũng đã từng thốt lên: "Ô hay, cảnh cũng ưa người nhỉ!". Tức là hai thi hào cùng có ý nghĩ như nhau: nhà thơ là người vịnh cảnh để nói tình và lùa tình vào trong cảnh.

Thi tiên Lý Bạch (đời Đường - Trung Quốc) có bốn câu thơ nổi tiếng: "Đầu giường ánh trăng dọi/ Ngỡ mặt đất pha sương/ Ngẩng đầu nhìn trăng sáng/ Cúi đầu nhớ cố hương". Đấy là thơ tả cảnh mà sao tình yêu quê hương sâu nặng vậy? Ca dao của ta cũng có bài chỉ miêu tả hoa sen mà sao lại thế sự đến thế:

Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng
Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn…

Không phải cứ miêu tả cảnh vật, sự việc thì là thơ hướng ngoại, nông cạn. Cũng không phải cứ nói dằn vặt, thao thức, trăn trở, đau đớn, buồn tủi thì là thơ hướng nội sâu sắc. Tả cảnh hay đến mức để người đọc rưng rưng xúc động thì là hướng nội hay hướng ngoại? Còn cứ vò đầu dứt tóc, bảo tôi đau lắm, buồn lắm mà người đọc vẫn dửng dưng chẳng thấy xúc động gì thì thậm chí khó có thể gọi là thơ, chứ đừng nghĩ là thơ hướng nội sâu sắc.

Tuy nhiên, trong thực tế đời sống thi ca vẫn có những bài thơ để người đọc thấy bài thơ ấy có tính chất hướng nội, hoặc có tính chất hướng ngoại. Đấy có thể là chỗ chưa tới của các tác giả thơ. Còn đã là câu thơ hay, bài thơ hay thì sẽ không gây cảm giác ấy cho người đọc.

Tôi rất thích những câu thơ tả cảnh mà đầy tâm trạng: "Xóm chùa cháy đỏ những thân cau" (Núi đôi - Vũ Cao), "Hoa xoan rụng tím áo dì, dì ơi" (Đường làng - Ngô Hoàng Anh), "Hoa bưởi thơm cho lòng bối rối" (Hương thầm - Phan Thị Thanh Nhàn)… Thì đấy chỉ có thể gọi là những câu thơ hay, chứ không thể gọi là thơ hướng nội hay thơ hướng ngoại.

Tôi tin rằng, các nhà thơ đích thực cũng không mấy ai băn khoăn về điều này. Thi hứng đến thì viết ra, trộn cảnh vật sự việc vào tâm tư mà thốt nên lời. Không ai nghĩ phải viết thế này, phải viết thế nọ. Thơ từ hồn phát ra thì tự nó đã là sự tổng hợp hài hòa giữa tất cả các yếu tố vô cùng sâu sắc và tinh tế. Hay đến đâu phụ thuộc vào tầm của tâm hồn, còn thì do "trời cho", thế thôi.

2. Câu thơ mang kinh nghiệm sống một đời

Khi hoàng giáp Nguyễn Trung Ngạn (Triều Trần) đi sứ Trung Quốc làm bài thơ "Quy hứng" nổi tiếng: "Dâu già lá rụng, tằm vừa chín/ Lúa sớm bông thơm cua béo ghê/ Nghe nói ở nhà nghèo vẫn tốt/ Dẫu vui đất khách chẳng bằng về" (Bản dịch Hoàng Việt thi tuyển, NXB Văn hóa 1958), thì mọi người đều bảo bài thơ kết tinh tình yêu quê hương của ông suốt cả một đời.

Đúng vậy, làm quan to mà còn nhớ quê thì thật đáng quý. Lại còn nhớ thời điểm cụ thể "Dâu giá lá rụng, tằm vừa chín" thì lại càng quý hơn. Nhớ đến từng bông lúa, con cua thì càng quý hơn nữa. Không phải ai cũng có thể viết được những câu thơ như thế. Phải là người thật sự từng gắn bó với ruộng đồng quê hương với những kỷ niệm chăn trâu, bắt cá những đêm trăng thanh, những ngày nắng gió mới có được.

Khi tam nguyên Yên Đổ vịnh mùa thu: "Mấy chùm trước dậu hoa năm ngoái- Một tiếng kêu không ngỗng nước nào" sao mà bâng khuâng thương nhớ thế, thì không phải ở tuổi nào cũng có thể viết được. Phải là người từng trải nhiều mất mát, đổi thay, chứng kiến nhiều đen bạc dâu bể ở đời mới có thể viết được như thế. Hai câu thơ mang nỗi buồn thương nhớ của cả một đời, của cả một thời đại.

Chỉ có người trước khi chết đã di chúc: "Đề vào mấy chữ trên bia/ Rằng quan nhà Nguyễn cáo về đã lâu" đầy tâm trạng thường trực, day dứt, giằng xé giữa bản tính thanh cáo của người quân tử, tình yêu quê hương với việc ra làm quan hay trở về ở ẩn. Đúng là tâm trạng của một người nhà nho ở buổi cuối mùa cố giữ gìn khí tiết mà vẫn biết là rất khó thề quyết không để tay nhúng chàm, nhưng vẫn phải sống, vẫn phải chờ thời.

Khi thi sĩ Tố Hữu đến chùa Hương viết hai câu thơ "Ước gì đời mãi tươi xanh lá/ Thanh thản chùa Hương cả thế gian" cũng phải viết bằng một đời gian khổ, khát khao với tự do, ước vọng hòa bình. "Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ", ông đã phải tù đày "Ngột ngạt làm sao, chết mất thôi/ Khi con tu hú ngoài trời cứ kêu!".

Đã phải đấu tranh, đã phải tuyệt thực, đấu tranh với chính bản thân mình đến từng hành động nhỏ, bởi hành động nhỏ "Ăn đi vài con cá/ Dăm bảy cái chột nưa" cũng mang một ý nghĩa lớn. Và phải là người đã từng chứng kiến lửa cháy của đạn bom suốt mấy chục năm trời, đã từng viết nên câu thơ "Một trời êm ả xanh không tưởng/ Mặt đất bình yên giấc trẻ thơ". Ước vọng hòa bình như thế, và một đời cùng bạn đời đấu tranh vì nó, đến khi về già tin người yêu đời mới có thể viết được hai câu thơ ấy.

Nhớ lại trước đây trong một bàn tròn được đăng báo giữa một vài nhà thơ và lý luận phê bình có ý chê thơ Trần Đăng Khoa tuổi học trò chưa có tư tưởng cao siêu, mới lạ. Thì đúng rồi, có ai lại đi tìm những triết lý sâu xa, nhưng tư tưởng cao siêu ở một nhà thơ còn nhỏ tuổi.

Hàng triệu người yêu thơ Trần Đăng Khoa thuở nhỏ mấy thế hệ vừa qua là yêu cái hồn nhiên, tươi trẻ của những hình tượng lạ, cảm xúc mới mẻ, như lời của nhà thơ Tố Hữu: "Ông giời đã mượn cái miệng của Khoa để làm thơ cho người lớn đọc".

Nếu Trần Đăng Khoa thuở nhỏ lại trở thành một "ông cụ non" thì chưa chắc đã được mọi người yêu mến. Nói thế để thấy, thơ là kinh nghiệm sống của cả một đời. Thơ Trần Đăng Khoa thuở nhỏ chỉ là thể hiện tâm hồn em trước thiên nhiên, trước mọi người và trước cuộc đời. Em đã trải nghiệm gì đâu mà đòi hỏi sự sâu xa.

Nhưng bây giờ thì có thể đòi hỏi, bởi Trần Đăng Khoa năm nay cũng đã ở tuổi "tri thiên mệnh" rồi. Thì "trăng đến rằm trăng tròn", ở tuổi ấy sao có thể viết hồn nhiên như thuở nhỏ được nữa. Tự nó sẽ chín chắn và sâu sắc, chúng ta tin tưởng vậy bởi từ mười năm trước, Trần Đăng Khoa đã viết những câu này: "Biết đâu ta buồn như đá/ Biết đâu đá buồn như người", và "Có bao chàng trai trẻ/ Cứ lặng thinh mà già"…

Những nhà thơ đích thực, mỗi câu thơ đều mang kinh nghiệm sống một đời. Nhưng nó không lộ ra, phải có đôi mắt xanh nhìn mới thấy.

3. Thơ thời sự chính trị và thơ nỗi niềm riêng

Trong nền thơ cũng như trong mỗi nhà thơ thường tồn tại cả hai dạng thơ này. Trước đây thỉnh thoảng tôi lại được những người làm thơ khoe những bài thơ không đăng được, và họ thường hy vọng khi công bố nó sẽ thành thơ của muôn đời!

Vâng, rất cầu chúc cho nó được như thế. Nhưng thực tế thì đa phần đó là sự lầm tưởng. Thơ của muôn đời ư? Ai bảo "Thơ Thần" của Lý Thường Kiệt, thơ "Mừng xuân 1968" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bài thơ "Tự do và tình yêu" của Pêtôpi (Hunggari) không phải là thơ của muôn đời? Đó là thơ thời sự chính trị một trăm phần trăm.

Nhưng để có được những bài thơ ấy tác giả của nó phải cả một đời sống cho lý tưởng ấy, trải nghiệm và nung nấu. Đó là thơ phát ra từ hồn của họ, cũng là hồn của dân tộc, hồn của đất nước trong thời khắc lịch sử. Ta thử đọc bài thơ của Pêtôpi:

"Tự do và tình yêu
Vì hai điều tôi sống
Vì tình yêu lồng lộng
Tôi xin hiến đời tôi
Vì tự do muôn đời
Tôi hy sinh tình ái"

Đó là tiếng nói của lý tưởng hòa quện cùng tiếng nói của trái tim mà phát ra, mà tỏa sáng. Bây giờ nói đến lý tưởng nhiều bạn trẻ không mấy mặn mà. Nhưng thực tế thì ai cũng có một lý tưởng. Có điều cách hiểu về lý tưởng mỗi người một khác, và nó có tính lịch sử cụ thể của nó. Chứ không có lý tưởng thì con người chỉ là tồn tại, đâu phải là sống!

Còn thơ nỗi niềm riêng, tôi cũng thấy những bài để đời thấm đẫm lý tưởng. "Nhật ký trong tù" của Chủ tịch Hồ Chí Minh là thơ nỗi niềm riêng 100% từ hình thức đến nội dung. Người viết để tự nhủ, tự răn mình đấy chứ có phải để công bố đâu! Những tâm hồn lớn niềm riêng thống nhất với nỗi chung. Nỗi đau nỗi buồn của họ cũng là nỗi đau buồn của thời đại. H.Hainơ (Đức) đau buồn mà không yếu đuối, trong bài thơ "Tim ta ơi! Đừng nên u uất":

"Tim ta ơi! Đừng nên u uát
Số phận mình gắng chịu cho quen
Những cái gì mùa đông cướp mất
Xuân mới về sẽ trả cho em"…

Thì thật khó phân biệt đây là thơ nỗi niềm riêng hay thơ thời sự chính trị? Phải chăng tất cả những bài thơ bất tử đều như vậy? Khi một bài thơ để mọi người thấy được đó là thơ thời sự chính trị hoặc thơ nỗi niềm riêng thì đều là những bài thơ còn non. Có phải thế chăng mà một danh nhân đã nói: "Mọi bài thơ đều có tính thời sự".

Và nhà thơ nổi tiếng Eptusencô (Nga) có hai tập thơ độc đáo "Trữ tình công dân" và "Trữ tình riêng tư". Trong tập thơ "Trữ tình công dân" thì gồm phần lớn thơ mà chúng ta thường gọi là thơ nỗi niềm riêng, và ngược lại tập thơ "Trữ tình riêng tư" lại gồm đa phần thơ có tính thời sự chính trị. Thì nhà thơ cũng thấy không hề có gianh giới hai loại thơ này chăng?

Nhưng trong thực tế vẫn có hai loại thơ ấy. Nó mang dấu ấn thời đại và phong cách của từng nhà thơ. Tài năng của mỗi nhà thơ là không để có dấu vết của hai loại thơ này. Sao cho mỗi bài thơ phải tự nhiên như hơi thở, như nắng trời. Thơ càng có dấu vết tạo dựng thì tác giả của nó chỉ là thợ thơ. Còn những thi sĩ đích thực những bài thơ bao giờ cũng thấm đẫm nỗi niềm và tỏa ra ánh sáng tư tưởng, được mọi người mặc nhiên đón nhận

.
.