Tản văn

Thơ một bài và thơ một thời

Thứ Hai, 03/03/2014, 08:00
Đối với những người làm thơ, được độc giả nhớ đến một bài, lại được nhớ trong một khoảng thời gian khá dài, thì quả là điều may mắn kỳ lạ. Chúng ta đã có thời như thế: Một bài đi vào lòng độc giả (chưa chắc vì hoàn toàn có giá trị nghệ thuật) đủ làm nên một nhà thơ có tiếng!

Có tác giả có tiếng vang rất lớn nhưng nếu đọc kỹ lại, có khi cũng chỉ được kể tên số lượng thơ không quá năm đầu ngón tay. Quang Dũng là trường hợp điển hình. Nhưng Quang Dũng lớn ở chỗ: Chỉ bằng "Tây tiến" thôi, ông đã vinh danh, làm vẻ vang cho cả một đoàn quân, cho dù đoàn quân này chưa phải đã có một chiến tích nào quá nổi trội. Chỉ bằng một "Tây tiến" thôi, cũng đủ để Quang Dũng đáng được gọi là thi sĩ.

Cũng có một vài nhà thơ trưởng thành trong thời chống Pháp tuy không phải là không có thành tựu nhất định, nhưng cho đến khi gặp trục trặc trong cuộc đời thì không viết được nữa. Sự khắc nghiệt của số phận gần như đã đánh gục họ. Đến thời mở cửa, họ gần như không có thêm tác phẩm nào từng được viết trước đó để mà trưng ra trước bàn dân thiên hạ.

Nêu thế để thấy: Bên cạnh tài năng, bản lĩnh cũng là một yếu tố cần thiết góp phần làm nên tài năng.

Phong trào Thơ mới từng có thành tựu và vai trò lớn lao. Nhưng sau 1954, không phải tác giả nào cũng tiếp tục ổn định và giữ được phong độ.

Thơ sau 1954 của Xuân Diệu là một loại thơ khác. Sau 1954, trong thơ, Xuân Diệu không còn là Xuân Diệu thuở nào. Thành tựu lớn nhất của Xuân Diệu sau 1954, có thể là mảng phê bình thơ cổ.

Nguyễn Bính cũng vậy. Chúng ta đều biết Nguyễn Bính là một nhà thơ giang hồ thứ thiệt. Câu nổi tiếng và có thể được coi là hay nhất của ông là "Một mình làm cả cuộc phân ly". Nhưng sau 1954, Nguyễn Bính chỉ còn để lại dấu ấn một vài câu trong "Đêm sao sáng". Cũng có thể vào thời điểm ấy, ông đã giang hồ bằng nỗi nhớ tới một người con gái mình yêu ở miền Nam xa cách chăng?

Trong số này, có lẽ Chế Lan Viên là viên mãn trong thơ hơn cả. Càng có tuổi, thơ ông càng hay và càng sâu sắc. Không phải không có lúc ông ngả nghiêng vì thời sự, thời cuộc, nhưng ở thời điểm nào, ông cũng có những tác phẩm để đời. "Di cảo thơ" 1 và 2 là hai tập thơ đáng để cho các thế hệ làm thơ suy nghĩ. Ông cũng là thi sĩ hiếm hoi khi sự nghiệp sáng tác có cả nghìn bài thơ.

Riêng đối với Phạm Tiến Duật thì có hơi khác. Về cơ bản, ông là nhà thơ của Trường Sơn. Thơ ông đã cực kỳ phát tiết tinh hoa vào những năm 60 - 70 của thế kỷ trước với chùm thơ: "Lửa đèn", "Gửi em cô thanh niên xung phong", "Bài thơ về tiểu đội xe không kính", "Nhớ" đoạt giải nhất cuộc thi thơ của tuần báo Văn nghệ. Khi ra khỏi hiện thực Trường Sơn, Phạm Tiến Duật không còn là Phạm Tiến Duật của thuở nào. Thơ ông cũng bình bình và trồi sụt như mọi người.

Nhân đây, cũng xin được nói thêm: Sau 1975, trong khi nhiều nhà thơ chống Mỹ bị "cắt khúc", thì vẫn có những nhà thơ vẫn "liền mạch". Đó là Hữu Thỉnh, Thi Hoàng, Thanh Thảo và ba nhà thơ này vẫn đang hiện diện và được chờ đợi của công chúng thơ ca Việt Nam, tính đến thời điểm này.

Trong các nhà thơ nữ thời chống Mỹ, phải kể đến Xuân Quỳnh, Ý Nhi… Chỉ tiếc Xuân Quỳnh đã mất từ lâu, còn Ý Nhi làm thơ không nhiều và lâu nay, rất hiếm khi thấy thơ chị xuất hiện trên thi đàn.

Nêu thế để thấy: Có khá nhiều nhà thơ của một thời, nhưng để là nhà thơ của một đời thật khó lắm thay!

Ngày nay, hiện tượng "thơ một bài" không còn nữa, còn "thơ một thời" có lẽ vẫn không dễ chấm dứt

Đặng Huy Giang
.
.