Thơ - sứ giả của hoà bình

Thứ Hai, 23/01/2006, 15:27

Người yêu thơ ở Mỹ không chỉ say mê tập thơ “Cốm non”, mà từ mấy năm nay, thơ Lâm Thị Mỹ Dạ cũng đã được dịch đăng ở các tuyển thơ thế kỷ, các tạp chí của nhiều trường đại học ở Mỹ.

Cuối tháng bảy vừa qua, giáo sư ngôn ngữ và văn chương Wayne S.Karlin và nữ phóng viên Valerie, công tác ở một đài phát thanh thuộc bang Maryland, Mỹ, đã đến Huế tìm thăm nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ để chuyển cho chị bản hợp đồng in ấn và phát hành tập thơ Green Rice (Cốm non) do cơ quan xuất bản gửi từ Mỹ sang. Wayne nói: Chị Mỹ Dạ xem kỹ bản hợp đồng, rồi ký vào để anh ta mang trở về Mỹ trao lại cho cơ quan xuất bản.

Mỹ Dạ thấy bản hợp đồng ghi rõ, khi bán xong sách, tác giả sẽ được nhận 40% tiền lời (nhuận bút), nhà xuất bản 40% và người dịch 20%. Ký xong, Wayne đưa cho Mỹ Dạ 500 USD bảo rằng: “Đây là khoản tiền nhà xuất bản gửi cho tác giả lần đầu. Bán xong sách sẽ thanh toán đủ phần trăm như hợp đồng đã ký”. Có lẽ đây là lần đầu tiên một nhà thơ Việt Nam in thơ ở nước ngoài được hưởng bản quyền đàng hoàng như vậy.

Wayne S. Karlin, từng là cựu chiến binh Mỹ ở Việt Nam. Buổi gặp gỡ bất ngờ và tự nhiên, Lâm Thị Mỹ Dạ đưa tập thơ song ngữ Việt - Anh “Green Rice” cho các bạn Mỹ xem. Chị lật giở đến hai bài thơ  viết về cuộc chiến tranh ở Việt Nam là “Khoảng trời - hố bom” và “Khuôn mặt ẩn kín” cho hai người đọc. Bài thơ “Khuôn mặt ẩn kín” tác giả đề “Gửi những người lính Mỹ chết trong cuộc chiến ở Việt Nam”. Những câu thơ chân thành và đau đớn, là tâm trạng chung của bất cứ người lính Mỹ nào trong các cuộc chiến tranh trên thế giới:

Rồi có lúc cuối đường tôi gục ngã
Viên đạn ai găm khuôn ngực máu đầy
Xin hãy giở dưới lần da chó sói
Trái tim nai thắm đỏ, thơ ngây.

Đọc xong hai bài thơ, mắt Wayne S.Karlin và Valerie rưng rưng, rồi những giọt nước mắt lăn xuống thành dòng, không ngăn được. Còn Mỹ Dạ sau giây phút ngạc nhiên, cũng đỏ hoe mắt, khóc theo. Cuộc gặp gỡ tình cờ mà thật cảm động. Vâng, khi thơ là sự đồng cảm của nhân loại, thì tâm hồn con người sẽ vượt qua bức tường mặc cảm lịch sử để đến bên nhau, chia cho nhau từng giọt nước mắt, không phân biệt dân tộc, quốc gia, màu da, tiếng nói. Trong trường hợp này, thơ Mỹ Dạ đang là sứ giả hòa bình!

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ và những người bạn Mỹ.

Cũng mùa hè vừa qua, tại bang Boston, Mỹ, Trung tâm William Joiner đã tổ chức cuộc hội thảo về tập thơ “Cốm non” trong trại viết văn mùa hè ở Boston. Mấy chục nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học Mỹ đã có mặt trong cuộc hội thảo này. Tại cuộc hội thảo, nữ nhà thơ Martha Collins và Thúy Đình (nhà thơ Mỹ, gốc Việt),  đồng dịch giả tập “Cốm non” của Lâm Thị Mỹ Dạ ra tiếng Anh, đã thay nhau đọc thơ Mỹ Dạ cho cử tọa nghe. Sau khi nghe đọc tập thơ “Green Rice”, nhà thơ Fred Marchant, tác giả của 3 tập thơ, người đã từng dịch tập thơ “Từ góc sân nhà em” của Trần Đăng Khoa ra tiếng Anh, Giáo sư Anh ngữ, Giám đốc chương trình sáng tạo viết văn của Đại học Suffolk, người thẩm định tác phẩm bậc thầy Trung tâm William Joiner tại Umass Boston, đã đọc một bài phát biểu rất súc tích, đánh giá  cao thơ Lâm Thị Mỹ Dạ: “Cốm non” không chỉ giới thiệu cho người đọc Mỹ về kinh nghiệm chiến đấu của phụ nữ Việt Nam trên 30 năm, qua cách nhìn của một nhà thơ mà còn nói về hậu quả lâu dài của chiến tranh... Có những bài thơ không dễ gì yên lòng với một khoảng lặng hay tự náu mình như chị mong muốn. Có những bài thơ in dấu sự tưởng tượng phong phú, mối quan hệ huyền ảo với cảnh sắc Việt Nam... Chạy xuyên suốt qua nguồn mạch u buồn, dường như nhiều thứ còn ở lại mãi trong tâm hồn nhà thơ này”.

Bài thơ “Cốm non”, bài thơ lấy đề tựa cho tập thơ, có những câu thật hay: “Cốm non xanh đến trào nước mắt/ Thơ ngây ơi, phút chốc đã không còn”. Fred Marchant nhận xét: “Đấy chính là cái khoảnh khắc sự vật biến mất mà trí tượng tượng của chị bắt được... Thơ của chị là bản chúc thư của người đàn bà về những hiểm nguy mà họ đối mặt. Đó là cốt lõi của ẩn dụ của Dạ đối với nỗi buồn không tên”. Đó là  những cảm nhận tinh tế và chính xác về thơ Mỹ Dạ.

Riêng người dịch “Cốm non”, nữ nhà thơ  Martha Collins thì cho rằng: “Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ không khác các nhà thơ nữ  Hoa Kỳ đương đại, nhưng có lẽ trên một nền tảng văn hóa lâu đời hơn. Đó là sự khảo sát giới hạn của vai trò người phữ nữ truyền thống, sức mạnh và sự cô đơn”.

Không khí hội thảo càng lúc càng sôi nổi. Mấy chục nhà thơ Mỹ đã phát biểu cảm nghĩ của mình về thơ Mỹ Dạ. Họ thổ lộ sự say mê thơ Mỹ Dạ của mình bằng những dòng cảm nghĩ rất chân thành. Kevin Bowen, một nhà thơ cựu chiến binh Mỹ  rất quen biết với độc giả Việt Nam viết: “Trong thơ ca của chị phản ánh cái giá phải trả của chiến tranh”. Còn nhà thơ Marilyn Chin thì nhận xét: “Đứng sau cái hình thức dường như đơn giản, là những tinh tế căng thẳng, giữa sự ẩn nhẫn  của đạo Phật và mối lo lắng của thời đại, giữa nỗi buồn lặng lẽ  và niềm vui không che giấu... Những bài thơ hay nhất trong tuyển tập mang âm hưởng tươi tắn khác thường đầy sắc thái và lớn lao đáng kinh ngạc”.

Còn hàng chục nhà thơ khác thì thốt lên: “Hay, thực sự là hay” (Melnzad Avalin); “Hay tuyệt. Cám ơn” (Denetria Martinez); “Toàn những bài thơ hay” (David Johnson); “Tôi yêu những bài thơ của chị” (Siuh Eisenberg); “Tôi nghe tiếng nói của chị và bị cuốn hút theo chữ nghĩa của chị” (Moky Heym Watt); “Những lời hay của chị làm trái tim tôi sung sướng” (Fernandes). Trong hội thảo có mặt các nhà thơ của Mỹ mà tác giả đã từng gặp gỡ, quen biết như Bruce (Weyl), Dong Anderson Lady, Larry Heinemann... Khi đánh giá tập thơ “Cốm non”, nhà thơ nổi tiếng John Balaban, người đã dịch thơ Hồ Xuân Hương ra tiếng Anh (xuất bản ở Mỹ) nhận xét: “Bên ngoài vẻ thú vị của thơ ca Mỹ Dạ - có lẽ đó thực sự là chuẩn mực của văn chương người Việt...”  v.v...

Theo tường thuật của Linh Tô Green (tức Tô Diệu Linh, con gái nhà văn Tô Nhuận Vỹ, Việt kiều tại Boston) thì: “Mọi người rất cảm động và rất thích những bài thơ tuyệt vời của cô Dạ và những bản dịch thật hay”.

Một ngày thu mới đây, Lâm Thị Mỹ Dạ nhận được một gói quà nặng do nhà thơ Martha Collins (người dịch “Cốm non”), gửi từ  Boston sang. Đó là một chồng 6 cuốn sách và tạp chí  dày cộp của các trường đại học ở Mỹ xuất bản, trong đó có dịch thơ Lâm Thị Mỹ Dạ. Đó là tạp chí  của Trường đại học Michigan tên là Michigan Quarterly Review các số chuyên bàn về “Việt Nam trong bối cảnh thế giới”, trong số I (10/2004) và số 2 (Mùa đông 2005) đã liên tục in 2 bài thơ “Khuôn mặt ẩn kín” và “Với Sông Hương” của Lâm Thị Mỹ Dạ.

Tạp chí Connecticut của Đại học bang Connecticut, xuất bản năm 2004, dày 208 trang, với sự góp mặt của 36 nhà thơ trên thế giới. Trong tạp chí này Lâm Thị Mỹ Dạ là một trong những tác giả được giới thiệu nhiều thơ nhất, với 8 bài: “Thiên Thạch”, “Những điều liên quan”, “Phố thơ lục bát”, “Khoảng trời xanh biếc”, “Mẹ ngày xưa”, “Một thời con gái”, “Trái tim sinh nở”, “Những tứ thơ lãng quên”.

Tạp chí thơ Heliotrope số 7 in bài thơ “Mưa Sài Gòn” của Mỹ Dạ. Tạp chí Thơ thế kỷ  XXI do The Foued C.Fox Foundation, in xuất bản, giới thiệu 77 tác giả thơ trên thế giới. Trong đó Việt Nam có mặt 4 người là Phạm Tiến Duật, Lâm Thị Mỹ Dạ, Dư Thị Hoàn, Phạm Lê. Đặc biệt tuyển thơ “Vòng tròn” (Circumference) do Quỹ hỗ trợ nghệ thuật của thành phố New Yook xuất bản thu đông 2003, dày tới 271 trang, giới thiệu 54 nhà thơ trên  thế giới. Trong đó Việt Nam chỉ có Lâm Thị Mỹ Dạ được giới thiệu với bài thơ “Cây na”. Điều đặc biệt là Tuyển thơ “Vòng tròn” này in song ngữ. Tác giả người nước nào thì in thơ bằng ngôn ngữ của chính nước đó và bản dịch tiếng Anh. In thơ song ngữ kiểu này thật sang trọng, lần đầu tiên tôi được thấy!

Bởi vậy, khi đọc tập thơ “Cốm non” bản tiếng Anh và lật từng cuốn tuyển thơ thế kỷ, tạp chí  các trường đại học ở Mỹ in thơ của vợ mình, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường cười  đùa vui: “Đúng là bụt chùa nhà không thiêng. Mình ở cạnh một người nổi tiếng mà lâu nay không biết!”

Ngô Minh
.
.