Chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam 20-11

Thiêng liêng được gọi tiếng "Thầy"

Thứ Sáu, 20/11/2015, 08:10
Hồi tôi mười tuổi, thỉnh thoảng thấy một ông cụ râu tóc bạc đến nhà mình. Tướng mạo cụ thật đẹp, cung cách từ tốn ung dung như một nhà Nho. Cụ ở chơi suốt ngày, có khi cụ lật mấy cuốn sách ra xem hoặc uốn vài nhành cây trong vườn. Lúc lại ngồi xếp bằng uống trà với ông nội tôi trên chiếc phản gỗ. Thường thì cụ nói, ông tôi chỉ gật đầu dạ, như cách thầy dạy bảo học trò. Và đúng thật, cụ là người thầy của ông nội tôi. 

1.Ấy là cụ Nguyễn Ngọc Duệ, người làng Đại Hào (tỉnh Quảng Trị), từng nhiều năm dạy học và Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đại Hào. Ông nội tôi kể thuở còn nhỏ, ông dắt người em ruột sang chỗ cụ giáo Duệ học. Thấy hai anh em mồ côi cha mẹ nên thầy giáo Duệ thương, coi như con. Hồi đó quan niệm đặt tên con xấu cho dễ nuôi, vì thế tên ông nội tôi và người em ruột không được hay. Chính cụ giáo Duệ đã đặt lại tên cho ông nội tôi và người em ruột. Sau này hai cái tên đó thành tên chính thức, dùng trong mọi giấy tờ liên quan. Một người thầy thương trò và đặt tên cho trò, khác nào một người cha.

Ông tôi luôn nhắc đến cụ giáo Duệ bằng tiếng "thầy" thiêng liêng. Và ông coi cụ giáo Duệ như một người thầy trọn đời, thậm chí là một người thầy của cả gia đình. Mỗi lần sang nhà tôi chơi, thể nào cụ Duệ cũng để lại một vài bài học, tuy giản đơn nhưng sâu sắc. Có lần cụ sang chơi, thấy trong nhà treo bức liễn gỗ to khắc ba chữ Hán: "Đức Lưu Quang". Cụ tỏ vẻ không vừa ý, bảo chữ Đức viết sai nét ở chữ Tâm. Rồi cụ thong thả đọc: "Con cu mà đậu nhành nè/ chữ Thập, chữ Tứ, Nhất đè chữ Tâm. Ấy là chữ Đức". Cụ dạy thêm rằng tâm là gốc của đức, muốn có đức thì trước hết tâm phải chuẩn. Viết sai chữ Tâm thì không có Đức. Ông nội tôi cúi đầu lắng nghe, thành khẩn như học trò biết lỗi.

Mấy bữa sau hình như cụ còn giận, không qua nhà tôi nữa mà gửi cho một người bán hàng ở chợ Thuận tờ giấy bổi to viết ba chữ "Hiếu Vi Tiên" do chính tay cụ thảo nét. Kèm theo là một mảnh giấy nhỏ ghi: "Gửi anh Tình (tên ông nội tôi do cụ đặt), anh thay tấm liễn bằng ba chữ này. Nó chuẩn và có nhiều ý nghĩa với gia đình hơn". Ông tôi cho tháo ngay tấm liễn xuống, chọn bản gỗ tốt, bảo rập tờ giấy lên bản để chạm ba chữ "Hiếu Vi Tiên". Thật lạ, cái tờ giấy rập vừa khít với khung gỗ. Bản liễn này đến nay vẫn được treo trang trọng ở căn giữa. Ông tôi dặn sau này dù có sửa sang nhà cửa thì vẫn phải treo cái liễn đó trước bàn thờ. Năm ngoái cụ Duệ mất, tròn một trăm tuổi, thật xưa nay hiếm. Gần như đấy là người cuối cùng ở trong vùng am hiểu Hán học và kinh thư xưa. Nhiều người tiếc nuối bảo từ nay muốn hiểu căn cơ những văn tự cổ chẳng biết nhờ vào đâu. Ông nội tôi trực ở đám tang cụ về buồn suốt mấy hôm. Có lẽ ông tiếc từ nay đã hết được gọi một tiếng "thầy".

Tấm bia đá do cụ Hoàng Trọng Thuần phụng đề ở làng Phúc Lộc.

Sinh thời, ông Pháp ở làng Phú Tài hay chữ và có nét chữ đẹp, viết liễn bằng chữ Việt nhưng cách điệu rất độc đáo. Một từ dù hai hay sáu chữ cái ông vẫn xếp được thành một bố cục như chữ Hán. Nhà tôi có cặp câu đối lớn treo ở căn giữa do ông Pháp đặt câu và đề bút: "Phật bổn từ bi khan tỉnh thế/ Nhơn tùng hiếu kính thị tu gia". Hiểu đơn giản, người sống có đạo hiếu, ấy là đang tu vậy. Đem cặp câu này đặt với ba chữ "Hiếu Vi Tiên" của cụ giáo Duệ ở tấm liễn thì trọn nghĩa. Các thầy hay chữ ngày xưa bao giờ cũng khuyên con người ta giữ lễ nghĩa.

Thầy Pháp là người tu tại gia, có người gọi thầy có người gọi ông, tùy nghi không câu nệ. Danh khả danh phi thường danh, tên tuổi mà bảo có tên tuổi thì chưa thể gọi là tên tuổi. Nhưng ông nội vẫn khuyên chúng tôi phải gọi bằng thầy. Nhất tự vi sư bán tự vi sư, huống chi ông đã để lại cho gia đình tôi cả một cặp câu ý nghĩa, xứng đáng gọi thầy quá đi chứ.

2. Làng tôi có cụ Hoàng Trọng Thuần, giữa thế kỷ trước từng giữ chức Chủ tịch Hội Cổ học Quảng Trị. Cụ vừa là thầy giáo, vừa là thầy thuốc Đông y. Về việc làm thầy, cụ Hoàng Trọng Thuần từng mở lớp học tại nhà, dạy cả chữ Nho lẫn Quốc ngữ, học trò đến học nằm bò ra đất mà viết. Thầy và trò không có sách giáo khoa, mới nhập môn thì Tam Tự Kinh, học thuộc lòng từng chữ từng tiếng một, sau đó học ngũ thiên tự.

Cũng có thể coi đây là một phương pháp sư phạm thời bấy giờ, cần phải vận dụng nhiều trí nhớ thuộc lòng. Khi đã học được khá nhiều từ thì chuyển sang việc học từng câu trọn ngữ: Thiên địa anh khí (khí sáng của trời đất), chung nhi vi nhân (hợp lại thành con người), dĩ mục thông minh (tai mắt sáng), vi nam tử thân (làm thân con trai), tận ngã nghĩa vụ (làm trọn bổn phận của mình), vị chi quốc dân (vì dân vì nước)…

Đây cũng có thể coi như triết lý của đạo Khổng, văn hóa nhà Nho được lồng vào môn học ngay từ tấm bé. Chính cách dạy này mà cụ đã hướng cho nhiều học trò trong vùng quê Quảng Trị trở thành những kẻ sĩ thực sự. Cái chí nguyện hun đúc nên những thế hệ người tài này được cụ khắc lên tấm bia đá đặt tại cồn Sanh của làng Phúc Lộc chúng tôi. Bia đề ngày 15 tháng 8 năm 1959, cụ viết một bài văn mặt trước là Hán ngữ, mặt sau Quốc ngữ, trong đó tựu trung để lại những lời khuyên cho hậu thế. Văn bia có đoạn viết: "Nghiệp lớn mưu sâu gìn công đức sẵn ghi ơn làng mạc/ Mài gươm đọc sách nối kiếm thơ mà trả nợ non sông". Tấm bia bây giờ vẫn còn và được làng gìn giữ như một di sản.

Cụ Thuần có trò đổi dế để khuyến khích sự học. Trẻ con bắt dế đến, cụ sẽ đổi cho tập giấy đem về học. Ý nghĩa sâu xa của việc đổi chác này là cụ muốn trẻ con bỏ bớt tính ham chơi để chú tâm vào sự học. Ông Hoàng Viện người làng tôi kể rằng hồi nhỏ được theo học thầy Thuần. Một lần, ông Viện bắt dế đổi giấy chỗ thầy về thì đem làm diều chơi. Mẹ ông Viện biết được, bắt ông nọc ra đánh và dắt ra nhà cúi đầu nhận lỗi trước thầy Thuần. Câu chuyện này chợt gợi nhớ đến một điển tích trong Tam Tự Kinh: "Tích Mạnh mẫu trạch lân xứ/ Tử bất học đoạn cơ trữ". Ông Mạnh Tử theo bạn bè bỏ học trốn về nhà, mẹ ông thấy con về giữa chừng thì chặt đứt khung cửi đang dệt và dạy rằng con bỏ học giữa chừng cũng như mẹ phá cái khung cửi này. Lấy điển tích ra để đối chứng, mới thấy các bậc phụ huynh ở làng tôi đều coi trọng cụ Thuần, đặt người thầy lên trên cả cha mẹ.

Về làm nghề thuốc Đông y, cụ Thuần từng mở một dãy quầy thuốc trên đoạn đường giữa làng để chữa bệnh cho người trong vùng. Đoạn đường đó được gọi lên là Phố thuốc Bắc ông Thầy. Qua chiến tranh, quầy thuốc đã không còn nhưng chỗ đất đó vẫn được người làng tôi gọi là "Phố ông Thầy" - một cái tên rất cổ kính, sang trọng. Có lẽ đó là cái phố độc đáo nhất xứ này. Phố nằm giữa làng quê mộc mạc thuần nông. Mới hay thuộc tính địa danh đâu phải do kiến trúc xây dựng trên đó, mà chính bởi lịch sử lao động của con người đặt nên.

Cả nghề làm thầy dạy học lẫn nghề bốc thuốc của cụ đều để lại tiếng thơm, người quê coi cụ như một bậc thượng nhân. Đến nỗi người ta kỵ húy, không dám gọi tên thật của cụ mà chỉ gọi ông Thầy, hoặc gọi chệch tên thành thầy Thoàn. Từ bấy đến nay, hễ người làng nhắc đến nhà ông Thầy, thì biết ngay là nói đến cụ Hoàng Trọng Thuần. Các thế hệ "người cũ" từng sinh hoạt trong Hội Cổ học bây giờ vẫn gọi cụ là thầy. Lưu danh hậu thế bằng một tiếng "thầy" như thế, dễ mấy ai có được.

Bức liễn Hiếu Vi Tiên và cặp câu đối treo trang trọng trong gia đình của tác giả bài viết.

3. Người miền Trung coi trọng việc làm thầy giáo. Có lẽ đó là nhờ ân sủng lưu lại từ thuở khoa cử triều Nguyễn ở kinh thành Huế, được xem là thời kỳ hưng thịnh trong việc chọn hiền tài. Sau này Trường Sư phạm Huế đào tạo ra nhiều giáo viên giỏi. Các sinh viên tốt nghiệp trường này khi vào miền Nam dạy học rất được chuộng.

Nằm trong dải đất miền Trung, nên người Quảng Trị cũng rất có duyên làm thầy. Đã có một thời học trò Quảng Trị thi đại học đều ưu tiên chọn nghề sư phạm. Người xứ này nghèo, nên chọn sư phạm để đỡ gánh nặng tiền học, ra trường dễ được ăn lương nhà nước như một sự đảm bảo cho chuyện mưu sinh. Nhưng so bề tính toán kiểu đó e rằng chưa phải, cái quan trọng là bởi mảnh đất này ham học, coi việc học như một sự đua tranh, nhà hàng xóm có người đi học thì nhà ta cũng phải đi học.

Từ việc hiếu học mà ra việc kính thầy. Nhà có người làm thầy giáo được xem trọng hơn nhà có bạc tiền. Làng tôi một sinh viên học trường sư phạm thì đã được gọi là thầy. Chưa tốt nghiệp nhưng cậu sinh viên về làng đều được các bậc phụ huynh gửi gắm con cái sau này. Những người cao tuổi trong làng gặp một người còn trẻ đi dạy thì vẫn gọi bằng thầy. Cái lễ nghĩa ấy, hẳn chỉ có những nhà sư phạm mới được nhận.

4. Một nền giáo dục thường được xây dựng trên nền tảng một hệ tư tưởng triết học. Giáo dục ở các nước Đông Á hình thành và chịu ảnh hưởng nhiều từ Đạo học. Cho nên các trường học ở Việt Nam đều treo câu khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn". Chữ thầy vì thế được đặt lên cao, ngang tầm với cha mẹ. Người Việt ta trước đây gọi cha là thầy.

Thầy - là tiếng gọi bất di bất dịch. Một người học trò gọi thầy, thì cả đời vẫn gọi bằng thầy. Dù sau này có khi trò cũng làm thầy, trở thành đồng nghiệp của thầy. Hay dù học trò có làm quan làm chức, có ngồi chung mâm cạn cùng chén với thầy đi nữa, thì vẫn gọi thầy. Trong các mối quan hệ đời sống, thì quan hệ thầy trò là đặc biệt ở chỗ không bị thay đổi theo thời gian.

Trường học ở đâu cũng với mục đích tốt đẹp là xây dựng con người hoàn thiện. Nhưng chữ Thầy của người Việt gắn với nền tảng đạo lý và sự truyền thừa. Mới hay người Việt ta có chữ Thầy rất riêng, rất đáng kính. Thật thiêng liêng biết bao khi được gọi tiếng "Thầy".

Hoàng Công Danh
.
.