“Thiên thần” và “quỷ dữ”

Thứ Hai, 07/12/2009, 10:00
Từ hàng trăm năm trước, văn hào Nga Đốtxtôiépxki từng đưa ra nhận xét: "Trẻ con hiền tựa như thiên thần và ác như quỷ dữ". Sở dĩ nhà văn rút ra kết luận ấy vì có nhiều việc mà tụi trẻ làm, song chúng không hề ý thức đó là việc ác.

Trước đây, ở khu phố tôi có xảy một chuyện: Một tốp trẻ con chừng 13, 14 tuổi mang bóng ra đá ở vườn hoa. Lúc ấy chừng bảy giờ sáng, có khá nhiều cụ già tập thể dục ở gần đấy. Thấy các cụ có vẻ "sợ" bóng, một cậu bé bèn chơi trò dậm dọa bằng cách đưa một đường bóng tâng thẳng vào đầu một cụ. Cụ này năm ấy đã ngoại tám mươi, bị cú "trời giáng" như vậy, ngã vật ra. Mọi người xúm tới đưa cụ vào viện thì cụ đã tắt thở vì đứt mạch máu não. Bọn trẻ - ngoại trừ thằng bé vừa mắc lỗi đang chân tay run rẩy, mặt mày tái xám - hết thảy đều bưng miệng cười, chạy tung toé mỗi thằng một hướng.

Trước hành vi như vậy, mà chúng vẫn cười được, thật lạ! Bảo sao nhiều người lớn nói rằng họ sợ nhất là sợ bọn trẻ choai choai mới lớn, kể cũng đúng.

Mà không sợ sao được! Cái bọn trẻ người non dạ ấy chúng có biết cái sống cái chết là gì (cứ xem tin tức trên các báo thì rõ). Chỉ cần một chút hiềm khích nhỏ là chúng sẵn sàng dao kéo, "xử lý"  nhau rồi!

Bởi vậy tôi vẫn thường được nghe ông bạn hàng xóm đã ngoài sáu mươi tuổi rên rỉ cầu khẩn đứa con: "Tao van mày, mày đừng lêu lổng chơi bời quan hệ với bọn mất dạy ấy đi! Rồi ra, lại xích mích gây sự với nhau. Chúng nó mà đánh mày, tao là bố tao phải can. Mà can thì không sứt đầu cũng mẻ trán với chúng nó con ơi!…". Ông nói thế, vì ông đã lường trước được mọi tình huống. Quả y như rằng:

Một lần, một toán trẻ lộc ngộc kéo đến vây kín trước cổng nhà ông. Chúng bắt bằng được thằng bé con ông phải "chui" ra để chúng trị tội. Thế không đừng được, ông buộc phải "lê lết cái thân già" ra "thế tội" thay con. Nhìn ông hàng xóm tóc đã bạc gần hết mái đầu cứ thế chắp tay lạy lục chúng mà thấy chua xót. Tất nhiên cuối cùng thì bọn trẻ nọ cũng buông tha cho gia đình ông (có người làng giềng đã đi báo công an), nhưng không quên dùng chuôi dao gõ lên đầu ông côm cốp mấy cái!

Tạp chí "Gia đình và trẻ em" cách đây ít năm có in bài "nguyên nhân bạo lực trong giới trẻ". Tôi tán thành ý kiến của nhà tâm lý học Boris Cyrulnik khi ông cho rằng: Sở dĩ ngày càng có nhiều trẻ em dưới 15 tuổi gây ra các hành động bạo lực là vì "Bọn trẻ ngày nay không học được cách kiểm soát hành vi và cảm xúc của chúng".

Ông còn chỉ rõ "Sự bất ổn ở trẻ em chủ yếu phát sinh ở tầng lớp quá nghèo khó và ở những môi trường quá ưu đãi. Ở hai tầng lớp thái cực này của xã hội, người ta thường thấy tồn tại sự coi thường nghi thức luật lệ: một đằng do thiếu văn hóa, đằng kia do quá ưu đãi, sung túc. Những bọn trẻ của hai tầng lớp này thường tập hợp thành các băng nhóm cực kỳ tàn bạo".

Ở Việt Nam ta, từ khi xóa bỏ bao cấp, chuyển sang kinh tế thị trường, sự phân định ranh giới giàu nghèo ngày càng rõ rệt. Từ sự phân định đó dẫn đến số lượng trẻ phạm pháp ngày càng gia tăng.

Giáo dục con cái là một điều cực kỳ vất vả, chưa nói là phải giáo dục, định hướng cho chúng ngay từ nhỏ, và phải liên tục, đồng bộ. Chứ nếu giữa hai vợ chồng mà quan điểm và phương pháp giáo dục khác nhau thì sự "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" rất dễ làm cho việc giáo dục con cái trở thành khó khăn.

Tôi đã chứng kiến không ít cảnh bà mẹ khẩn cầu đứa con: "Mẹ nói ngọt ngào thì không nghe, hay là lại để bố mày về bố mày cho một trận. Lẽ đời, người hiền thì không sợ chỉ sợ kẻ ác". Những lời "tâm tình" dạy bảo kiểu ấy quả thật rất nguy hiểm. Người mẹ có thể kéo về được tình cảm của đứa con đối với mình, nhưng vô tình đã đẩy người bố thành "đối trọng", thành người "đáng sợ" được đem ra hù dọa.  Không ít vụ bạo động trong gia đình đã bắt nguồn từ những mầm mống hận thù được nuôi dưỡng từ những lời nói tưởng chừng bâng quơ, "vô can" ấy.

Người đời thường nói "dạy mình còn chưa nổi huống hồ còn muốn dạy người". Riêng tôi thì tôi nghĩ: "Dạy mình" đã khó, dạy được người lại càng khó, nhất là với trường hợp những gia đình mà sự giáo dục không triệt để và đồng bộ như những ví dụ tôi vừa nêu trên

Nguyễn Duy Lý
.
.