Thiên tài âm nhạc Pablo Casals: Tình ngỡ đã quên đi...

Thứ Bảy, 07/03/2009, 14:00
Ở thế kỷ XX, nếu như người Tây Ban Nha từng lấy làm tự hào vì họ đã "sản sinh" cho nhân loại chí ít một thiên tài trong lĩnh vực hội họa (tức trường hợp danh họa Pablo Picasso), thì hẳn họ cũng tự hào như vậy khi trong lĩnh vực âm nhạc, họ đã có được một tên tuổi từng chiếm lĩnh đỉnh cao là Pablo Casals.

Có thể, ở hai ông "Pablo" này ẩn chứa những tố chất khác nhau: Một người, cuộc đời vời vợi cô đơn (Pablo Casals), một người thì hình ảnh đàn bà không bao giờ vắng bóng (Pablo Picasso), thế nhưng ít nhất cũng một lần họ đã gây ồn ã công luận bởi một đám cưới mà khi ở vào vị thế "chú rể", cả hai đều đã ở tuổi... ngoại bát tuần.

Sinh ra trong một gia đình đông con (có tới 11 anh chị em) tại thị trấn Vendrell của xứ Catalan, Pablo Casals có may mắn được hướng nghiệp ngay từ nhỏ. Năm mới lên 4 tuổi (1880), cậu bé đã được người cha cho học piano, violin, organ để tham gia biểu diễn trong các dàn đồng ca của nhà thờ. Năm lên 8 tuổi, Casals đã có thể một mình một cây violin biểu diễn phục vụ công chúng những bản nhạc "hóc búa". Do có thói quen hay nhắm mắt và nghiêng đàn khi chơi violin nên cậu bé thường bị lũ bạn đùa trêu là "nhạc sĩ mù". Tức khí, Casals đã bỏ violin, chuyển sang học cello. Nhờ động thái trên mà lịch sử âm nhạc thế giới sau này sẽ có những bước chuyển đổi cơ bản trong nghệ thuật trình diễn cello hiện đại.

Năm Casals 11 tuổi, cậu được các bậc sinh thành đưa đến Barcelona để theo học tại Nhạc viện Municipal School. Tại đây, cậu học hòa âm và đối vị với Giám đốc Nhạc viện và nhanh chóng nắm bắt được các "ngón nghề", để rồi, chỉ sau 3 năm theo học, Casals đủ tự tin để quyết định rời nhạc viện, mặc dù khi ấy cậu mới 15 tuổi.

Rời nhạc viện, Casals không trở về quê hương mà ở lại Barcelona biểu diễn kiếm sống tại các quán cafe. Đây là thời gian tiếng tăm của Casals bắt đầu được truyền lan rộng khắp.

Là người luôn mày mò, tìm cách cải tiến sao cho kỹ thuật chơi cello được gọn gàng, "hợp lý" nhất, Casals được ghi nhận là người đã giúp các nghệ sĩ trẻ sau này biết cách khắc phục các hạn chế về cách xếp ngón, giúp tay trái linh hoạt hơn, đồng thời bớt được các tạp âm khi di chuyển ngón tay trên cần đàn.

Người đời thường truyền tụng về sức chinh phục công chúng cũng như sự tự ái thái quá của Casals. Chuyện kể rằng: Hồi Casals theo học tại Nhạc viện Brussels (bấy giờ là trung tâm giảng dạy hàng đầu về âm nhạc), mặc dù được Giám đốc Nhạc viện đối xử rất trọng thị, song trong lần ra mắt chủ nhiệm Khoa cello là Eduard Jacobs, khi vị này thách đố Casals chơi bản "Souvenirde Spa" của Adrien - Francois, Casals đã "nuốt giận" cầm đàn biểu diễn. Cả thính phòng hoàn toàn bị chinh phục bởi tiếng đàn mê hoặc của ông.

Bản thân Jacobs, sau khi chứng kiến tài nghệ siêu phàm của Casals, đã trao đổi với Casals là nếu ông ưng thuận theo học lớp của ông ta, ông ta sẽ thu xếp để Casals giành giải nhất trong cuộc thi cello sắp tới của nhạc viện. Chưa nguôi cơn phẫn nộ về sự "coi thường" của Jacobs, Casals thẳng thừng từ chối mọi sự mời mọc. Ngay sáng hôm sau, chàng thanh niên 18 tuổi đã cùng mẹ lên đường sang Paris. Từ đây, Casals bắt đầu vươn cánh tay ra chinh phục thính giả khắp thế giới. Ông tham gia biểu diễn và kết bạn với những nghệ sĩ lừng danh nhất thời ấy. Ở Tây Ban Nha, ông từng được Hoàng hậu Christina mời tới hoàng cung biểu diễn. Tại Mỹ, ông cũng từng được mời tới Nhà trắng biểu diễn cho Tổng thống Theodore Roosevel.

Tháng 7 năm 1936, ở Tây Ban Nha nổ ra cuộc nội chiến đẫm máu. Người dân phải sống dưới bầu không khí ngột ngạt của chế độ độc tài Franco. Bản thân Casals từng nhiều lần bị chính quyền phát xít đe dọa, song nhờ sự bảo trợ của nhiều tổ chức quốc tế và sự đùm bọc của nhân dân mà nhà nghệ sĩ đại tài đã thoát nạn…

Sau nhiều năm tháng sống lưu vong bởi đất nước bị quản chế dưới bàn tay sắt của chế độ độc tài Franco, kể từ sau đại chiến thế giới lần thứ II, Pablo Casals đã quyết định ẩn cư trong một ngôi nhà nhỏ ở Prades, một thị trấn nhỏ của Pháp kề sát biên giới Tây Ban Nha. Từ đây, qua cửa sổ ngôi nhà, Casals có thể nhìn thấy ngọn núi Canigon quanh năm tuyết phủ của quê hương ông.

Những tưởng cuộc sống đơn độc cứ vậy bình lặng trôi qua. Chợt một ngày kia, tại một địa điểm thuộc thành phố Perpignant (cách thị trấn ông ở không xa), thể theo yêu cầu của nhạc sĩ Mỹ Alexander Schneides và đông đảo người hâm mộ, Casals đã đứng ra chủ trì buổi trình diễn mà chủ đề chính là để thính giả yêu âm nhạc được thưởng thức ca khúc "El Cantdelss Ocells" (soạn theo thể dân ca Tây Ban Nha) của ông. Thật không thể tưởng tượng được hiệu quả nghệ thuật của buổi diễn. Cả rạp hát tưởng vỡ tung bởi những tràng vỗ tay như sấm dậy. Trong chốc lát, Casals nhận thấy mình bị quây kín bởi đám đông người ái mộ. Trong khi người nghệ sĩ biểu diễn violin bậc thầy đang loay hoay tìm cách "thoát" ra thì từ đám đông, một người len tới nắm chặt tay ông. Casals vui mừng nhận ra nhạc sĩ Rosanof, Giáo sư Viện Âm nhạc Males, New York. Đã lâu hai người mới có dịp gặp nhau. Mới hỏi thăm được vài ba câu, Rosanof đã đẩy lại phía Casals một cô bé chừng 14 tuổi, dáng vẻ dè dặt, đoạn cất lời giới thiệu: "Đây là học trò của tôi: Marta Martinez".

Có lẽ Marta Martinez không bao giờ quên được giây phút đầu tiên cô được tiếp xúc với con người "huyền thoại" này. Đó là đêm 2/6/1950. Khi ấy, Casals đã ở tuổi 74. Tuổi tác và những vinh nhục một đời dường như vẫn còn ám ảnh, đè nặng vóc dáng và gương mặt ông. Marta Martinez vốn bản tính bẽn lẽn lại càng thêm nhút nhát. Cô lí nhí đáp lại những câu hỏi của ông. Cũng may, Giáo sư Rosanof đã kịp giới thiệu với nghệ sĩ thiên tài những thông tin cần thiết về cô.

Khi ấy, trong tâm tưởng Casals, hình ảnh Marta cùng gốc tích Puerto Rico của cô bất chợt gợi cho ông nhớ tới mẹ ông, người phụ nữ Puerto Rico nghèo khó, một người lấy chồng xa xứ và cho đến phút chót cuộc đời vẫn không có dịp trở lại nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Hẳn Casals không thể ngờ rằng, chính cô gái bé nhỏ mà ông gặp trong đám đông hỗn độn này sẽ là người buộc con thuyền số mệnh đời ông chuyển sang một dòng chảy mới.

Cũng cần phải nói thêm là: Trước khi đến với Marta Martinez, Casals cũng từng có một đời vợ. Đó là ca sĩ người Mỹ Susan Metcalfe. Bản thân Casals từng là người đệm đàn cho vợ trong các buổi hòa nhạc tại nhiều nơi trên thế giới. Nhưng rồi, do một số quan điểm bất đồng trong cuộc sống cũng như trong sự nghiệp, hai người đã chia tay nhau sau 14 năm chung sống.

Kể từ lần gặp gỡ đó, Marta đã có nhiều nỗ lực trong học tập. Cô tốt nghiệp Viện Âm nhạc Males với kết quả xuất sắc và được Viện này cấp cho một suất học bổng sang Prades thụ giáo thêm với Casals. Lúc này, ở tuổi 17, Marta đã trở thành một thiếu nữ hoàn toàn tự tin trong giao tiếp.

Hai người ở chung với nhau trong căn nhà nhỏ của Casals. Ngày ngày, nhà nghệ sĩ thiên tài chỉ dẫn một cách ân cần cho cô trò nhỏ của mình những ngón nghề nghệ thuật. Ngược lại, Marta thì chăm nom chợ búa, bếp núc cũng như những khía cạnh nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống của người đàn ông cô đơn. Thoạt nhìn, hẳn sẽ rất khó xác định được tình cảm giữa họ là tình cảm nam nữ hay chỉ đơn thuần là tình cảm chú cháu.

Sau này Marta đã tiết lộ:

- Ngay lúc trở lại, tôi biết chắc tôi đã yêu ông. Đó là một tình yêu cao vời, thánh thiện. Tôi yêu ông, yêu một thiên tài và tôi cũng cảm thấy ông yêu tôi sâu đậm với một con tim hiền dịu. Tôi vô cùng xúc động khi nghĩ rằng mình tuy còn nhỏ tuổi nhưng đã được Thượng đế ban cho một hạnh phúc quá đỗi lớn lao...

Sau hai năm trời "âm thầm lửa bén" và khi mà cả hai đều nhận rõ rằng họ không thể sống rời nhau, năm 1955, Casals và Marta quyết định thực hiện một chuyến du ngoạn khắp châu Âu, thăm thú các địa danh mà các nhạc sĩ cổ điển lừng danh từng đặt chân tới. Điểm "kết" của chuyến du lịch sẽ là điều mà bấy lâu họ hằng mong đợi: Thăm đảo Puerto Rico, quê hương của mẹ Casals và cũng là quê hương của Marta

Đối với cư dân sống trên đảo Puerto Rico, đây là một sự kiện vào loại "long trời lở đất". Một không khí náo nức chưa từng thấy nhất loạt bừng lên trên hòn đảo nhỏ ở Mỹ châu này. Khi Pablo Casals và Marta vừa đặt chân lên đảo, dường như họ không còn tin vào mắt mình: Dễ có đến mấy chục nghìn người tập trung trên bến, nhất loạt hô vang những lời chúc tụng việc nhà nghệ sĩ vĩ đại và cô gái trẻ về thăm quê mẹ.

Bằng trực cảm của mình, ngay phút chốc nhà nghệ sĩ thiên tài nhận ra rằng, đây là một địa điểm "lý tưởng" và là cơ hội tuyệt vời để ông cùng Marta tiến hành hôn lễ. Ý định của ông được người bạn đời tương lai tán đồng ngay tức khắc.

Và thế là, vào ngày 3/8/1957, tại hòn đảo Puerto Rico, tin về đám cưới của nhà nghệ sĩ lừng danh Casals khi ấy đã ở tuổi 81 và cô gái trẻ Marta (bấy giờ 21 tuổi) đã chính thức loan ra toàn thế giới. Theo quyết định của viên thị trưởng, toàn thể dân chúng trên đảo đã được nghỉ việc 5 ngày để tham gia vào "lễ hội" này. Chân dung cỡ lớn của Casals cũng được dựng lên khắp đảo để ông được thêm lần "nhìn thấu" cảnh vật nơi quê mẹ của ông.

Casals trút hơi thở cuối cùng tại San Juan (Puerto Rico) vào ngày 22/10/1973, khi chỉ còn 3 năm nữa là bước vào tuổi đầy trăm. Hài cốt ông được đưa về cải táng tại quê hương 3 năm sau đó. Cũng nhân dịp này, nhà vua Tây Ban Nha Juan Carlos I đã cho phát hành con tem có in hình Casals để bày tỏ sự ngưỡng mộ nhà nghệ sĩ vĩ đại của dân tộc cũng như của toàn nhân loại

Hoàng Ngọc Thọ
.
.