Thị trường tranh Việt: Lận đận với giá trị ảo

Thứ Ba, 03/08/2010, 08:15
Dễ đến dăm năm qua, trên sàn đấu giá tranh quốc tế, hoặc ở khu vực Đông Nam Á, hầu hết các tác phẩm của giới họa sĩ Việt Nam đều ở hạng cuối bảng. Đặc biệt, dòng tranh mới của các họa sĩ đương đại của ta thường bị treo giá ở mức thấp, thậm chí có bức còn hạ hơn cả giá bán ở trong nước...

Dường như, giá trị tranh Việt Nam không được các nhà cái đánh giá chuẩn, trước khi lên sàn gõ búa. Tình trạng này  đã làm "khó"  cho thị trường tranh trong nước, khi mà các họa sĩ mạnh ai người đó theo kênh thị phần riêng của mình để tiêu thụ tranh. Chả lẽ mọi chuyện phó mặc cho thị trường tự do lũng đoạn?

Bắt đầu từ các sàn đấu giá quốc tế

Nhiều người đã biết chuyện họa sĩ Bùi Thanh Phương phát đơn kiện hãng đấu giá Sotheby's ở Hồng Công khi họ rao bán một số bức tranh giả mang tên thân phụ ông - họa sĩ Bùi Xuân Phái - trên trang web trước khi vào phiên đấu giá. Với những lập luận và dẫn chứng xác đáng, họa sĩ Bùi Thanh Phương đã làm ông chủ hãng đấu giá choáng váng, vội xóa bỏ những thông tin về phiên đấu giá và các bức tranh giả nói trên. Họ dám đấu giá tranh "cop", bởi trên thực tế, không ít các sàn đấu giá khác cũng đã từng bán tranh Bùi Xuân Phái giả và đều trót lọt. Vụ kiện của họa sĩ Bùi Thanh Phương tuy gây chấn động cho các sàn đấu giá trên thế giới, nhưng quả rất đơn độc, vì hành trình tiếp sẽ đi tới đâu, thật khó xác định. 

Nói vậy, bởi lẽ từ lâu, trên các sàn đấu giá quốc tế, chẳng những tranh của Bùi Xuân Phái bị độn giả, mà nhiều tác phẩm của các danh họa khác như Tô Ngọc Vân, Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên... cũng gánh hậu quả hạ giá vì thật, giả lẫn lộn. Mà đâu chỉ lớp họa sĩ thời "Đông Dương" dính đòn, đến các họa sĩ lớp đương đại nổi tiếng như Thành Chương, Đào Hải Phong, Nguyễn Thanh Bình, Đỗ Quang Em…đều gặp họa tranh nhái. 

Chính hiện tượng trên lại ngầm phản ánh một thực tế, những tài năng hội họa Việt Nam có sức thu hút nhất định trên thị trường quốc tế. Một thời, nhiều tên tuổi trong giới được các nhà sưu tầm quan tâm, dù bị các nhà cái đặt giá thấp hơn so với trước, nhưng tranh của họ vẫn bán được. Đó là những cái tên quen thuộc như Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm, Nguyễn Sáng…

Nhưng giờ đây, trên sàn đấu giá tranh hàng năm, tại mấy hãng quen thuộc ở Đông Nam Á, vẫn chỉ loanh quanh mấy cái tên cũ, với giá phát ban đầu ngày càng thấp, nếu không nói là... bét bảng so với các nước láng giềng. Ngay họa sĩ Lê Phổ, người được coi là đắt hàng nhất trong giới hội họa người Việt ở nước ngoài, mới đây cũng chỉ được xếp thứ 25. Riêng các họa sĩ đương đại thì đều nằm trong vũng lầy giá cả.

Ví dụ tranh của các họa sĩ của Indonesia thường được treo bảng ít nhất cũng phải 100.000USD. Đặc biệt họa sĩ Liv Wei có những tác phẩm được rao bán đến 500.000USD, còn họa sĩ Việt Nam, trong phiên 25/10/2009, có bức cao nhất chỉ ở mức 5.000USD, mà cũng rất khó bán. Do hiện tượng nhiều tranh của các họa sĩ nổi tiếng bị nhái cũng được đưa lên sàn đấu giá quốc tế đã làm băng hoại giá trị thực của nền hội họa Việt Nam và góp phần làm rối loạn thị trường tranh trong nước vốn dĩ đã bị thả nổi.

Một bức tranh ghi tên danh họa Bùi Xuân Phái được xác định là tranh giả.

Tiên trách kỷ, hậu trách nhân

Nói là mọi chuyện "bất tín" bắt đầu từ các sàn đấu giá quốc tế chỉ đúng một phần, vì chuyện tranh giả, tranh nhái lại là con đẻ của chính thị trường tranh trong nước. Phải nói đây là vấn nạn khó cưỡng nổi khi nhiều giá trị nghệ thuật bị đồng tiền chi phối.

Có lẽ "tính sổ" trước hết là các chủ nhân của các trung tâm môi giới, galery, với tư duy làm ăn nhỏ lẻ, trình độ thẩm định tác phẩm non yếu, chạy theo dịch vụ hàng tranh du lịch, miễn sao "năng nhặt chặt bị". Họ ngửi hơi thấy khách hàng, hay con buôn cần gì là đáp ứng liền, bởi trong tay họ lúc nào cũng có hàng chục họa sĩ trẻ được đào tạo bài bản, sẵn sàng vẽ theo yêu cầu. Có không ít người nước ngoài hoặc Việt kiều về Việt Nam lùng sục mua tranh của các danh họa nổi tiếng trước đây. Họ không cần thông qua một cơ quan tư vấn nào nên đây là cơ hội cho tranh giả xuất hiện. Loại nào cũng có. Tác giả nào cũng sẵn sàng. Và không hiểu sao, do móc nối, thỏa thuận hay chỉ vì đánh giá không chính xác mà nhiều tranh nhái cũng được đóng dấu bảo đảm bởi cơ quan chuyên trách về xuất nhập khẩu văn hóa; hoặc do đại diện nào đó ở nước ngoài xác nhận. Do đó, dẫn đến tình trạng rất nhiều Việt kiều, hoặc các nhà sưu tầm nước ngoài đã sở hữu các loại tranh giả như… thật.

Từ kiểu cách làm ăn này dối trá này, nhiều cửa hàng đã làm lung lay chính các họa sĩ nổi tiếng có tranh bán được. Chạy theo miếng cơm manh áo, họa sĩ vẽ đi vẽ lại một kiểu, hay nhân bản, hoặc nhái chính tranh của mình để cung cấp cho khách hàng với giá rẻ. Trong giới từng đồn chuyện họa sĩ nọ sao chép tác phẩm của mình tới cả ngàn bức về các cô gái mặc áo trắng, tuy không nhìn rõ mặt, lấy dáng là chính, nhưng vẫn đắt như tôm tươi. Khách du lịch thích mua. Làm hàng như thế, quen tay, dại gì thay đổi. Hốt tiền mà. Lại có chuyện họa sĩ làm không kịp hợp đồng đã phải thuê người khác vẽ theo phong cách của mình rồi ký đại tên để giao hàng. Chuyện bán chữ ký ăn tiền thực chất là lừa đảo khách hàng, làm hoen ố thị trường tranh hiện nay.

Sự rối ren của thị trường tranh đã đẩy tới hiện tượng: Nhiều phòng tranh chỉ còn biết trông cậy vào việc bán tranh trang trí nội thất, với màu sắc tươi sáng, sạch sẽ và đường nét bắt mắt, tạo ấn tượng sang trọng giả tạo trong cảnh quan sắp đặt. Họa sĩ trẻ Châu Giang, gần đây nhân nói về chuyện thị trường tranh đã cho rằng: "Một thời gian tranh của Việt Nam tạo được sự chú ý của các nhà sưu tập quốc tế. Nhưng sau đó, do các nghệ sĩ Việt Nam chạy theo thị trường, vẽ những gì thị trường cần chứ không phải vẽ cái anh ta thích, nên những cuộc triển lãm gần đây, trong khi tranh của các nước khu vực vẫn có giá trị khá cao thì tranh của Việt Nam mình rớt giá thảm hại".

Nhà phê bình Phan Cẩm Thượng, sau chuyến đi dạy ở Mỹ về cũng cho hay, người ta vẫn coi nghệ thuật Việt Nam nằm ở diện trao đổi văn hóa. Còn tranh nghệ thuật hiện đại của ta nếu có bán được cũng chỉ ở giá thấp, khoảng vài ngàn đô, tuy thế vẫn rất ít người mua. Mặc dù nhiều nhà chuyên môn đã cảnh báo từ lâu, nhưng đến nay, trong một số vựng tập đấu giá của cá nhân vẫn in lẫn tranh giả để đặt giá. Còn tranh rao trên mạng thì thôi rồi, màu sắc đường nét đã chỉnh sửa để đánh lừa con mắt khách hàng.

Tình trạng tụt giá ngày càng có nguy cơ không kìm hãm được bởi hệ lụy tranh giả đã hoành hành bao năm nay. Nó đã được phát tán rộng khắp ở nước ngoài. Và giờ đây, những người sở hữu chúng trút giận vào thị trường đấu giá quốc tế. Âu cũng là cái giá phải trả.

Nhà thẩm định ở đâu? 

Có người khẳng định rằng, nếu xuất hiện các "đại gia" dám chơi tranh nghệ thuật thứ thiệt, thì sẽ cứu nguy được tình trạng đấu giá yếu thế cho tranh nước ta. Bởi giá tranh đã được xác định ở mức thỏa đáng ngay từ trong nước thì sẽ có lợi thế khi bước vào đấu trường quốc tế. Theo tôi, ý kiến này hoàn toàn sát thực, bởi ở nước ta không hề có những hoạt động đấu giá tranh công khai để tạo nên thị trường nghệ thuật chính thức. Và, nếu có thì một hội đồng thẩm định gồm các chuyên gia có tài, đánh giá, xác nhận chất lượng, cũng như mức đặt giá ban đầu là rất quan trọng (các hãng tổ chức đấu giá quốc tế thường trông cậy vào thị phần có thật của từng tác giả ở ngay nước sở tại để định giá cơ bản, trước khi gõ búa).

Thị trường tranh Việt Nam vẫn rất ít người có thú chơi tranh, chứ chưa nói đến tầng lớp có đẳng cấp tham gia mua bán. Hiện nay, một số ít nhà sưu tầm chỉ dừng ở mức có công giữ kho kỷ niệm, chứ không hề có ý thức, hoặc muốn cũng không đủ lực, tạo nên thị trường nghệ thuật. Đa số những người chơi tranh còn lại hầu hết đều mua tranh bằng…tai để treo cho vui, hoặc ở trình độ trưởng giả học làm sang, dù biết đó là tranh chép.

Để khắc phục tình trạng trên, chúng ta phải sớm hình thành các trung tâm hoặc hãng đấu giá tranh nghệ thuật trong nước. Khi có các chuyên gia thẩm định tác phẩm mang tính pháp lý mới tạo được niềm tin ở khách hàng, qua đó dần dà lập lại được trật tự của thị trường tranh vốn dĩ đang lộn xộn với những giá trị ảo hiện nay

Lưu Cường
.
.