Thị trường bài hát độc quyền

Thứ Sáu, 06/06/2008, 10:30
Nếu giả thiết ngay ngày mai có nhạc sĩ nào ra chợ rao bán bài hát của mình thì bạn cũng chẳng nên ngạc nhiên. Bởi lẽ lâu nay đã có những tụ điểm đây đó, đặc biệt ở TP Hồ Chí Minh, trở thành nơi giao lưu mua bán ca khúc giữa ca sĩ và nhạc sĩ.

Ở những nơi này, nhiều ca sĩ, nhất là lớp trẻ, rất muốn có những bài hát riêng. Họ coi như độc quyền những ca khúc mà họ đã bỏ tiền mua. Với các giá khác nhau, từ 2 triệu đến 8 triệu đồng, các ca sĩ này có thể độc quyền hát trong vòng từ một năm đến 5 năm hoặc lâu hơn nữa, tùy vào sự thỏa thuận giữa đôi bên.

Chợ mua bán ca khúc manh nha xuất hiện từ những năm đầu của thế kỷ XXI. Sau đó thị trường dần dần mở rộng và chợ nhạc chính thức được công bố định kỳ hoạt động ở Hà Nội và ở 81 Trần Quốc Thảo TP Hồ Chí Minh do một số nhạc sĩ và ca sĩ lập nên.

Đến năm 2006 đã xuất hiện một Công ty chuyên mua bán ca khúc độc quyền của nhạc sĩ Đức Trí: Công ty Music Faces Entertainment. Tuy nhiên Công ty này cũng  cạnh tranh với các Công ty khác trong việc mở rộng cả thị trường độc quyền ca sĩ. Nhưng công việc chủ yếu của họ là chuyên về mua bán bài hát.

Vì sao lại có loại chợ này? Thực ra, nhiều ca sĩ trẻ nổi lên chỉ vì có những bài hát độc đáo của riêng mình. Những bài hát này phù hợp với phong cách, chất giọng và mỹ cảm của mỗi người. Việc khó nhất của ca sĩ khi bước vào nghề là chọn bài hát. Chọn đúng sẽ phát sáng. Đó là kinh nghiệm của nghề ca hát từ xưa đến nay. Nếu không tự sáng tác được thì phải mua bài hát để độc quyền biểu diễn, tránh sự trùng lặp và tạo được sự khác lạ.

Dường như, 5 năm qua có một cuộc chạy đua mua ca khúc độc quyền giữa các ca sĩ hạng "sao" của  âm nhạc thị trường. Có thể kể ra hàng loạt các tên như Mỹ Tâm, Lam Trường, Đan Trường, Phương Thanh, Lý Hải, Ưng Hoàng Phúc, Lâm Hùng, Thanh Thảo, Hồ Quỳnh Hương, Hồ Ngọc Hà, Hiền Thục, Hồng Ngọc, Lệ Quyên… Bên cạnh đó hàng chục ca sĩ trẻ muốn mọc mũi sủi tăm cũng nô nức đi chợ để tìm cơ hội thành… sao.

Chưa hết, ngay các ca sĩ đã thành danh từ mươi, mười lăm năm trước muốn làm mới mình cũng bằng cách sở hữu độc quyền bài hát. Nếu có nhạc sĩ sáng tác cho riêng mình như Hồng Nhung, Mỹ Linh, Thanh Lam, Hồ Ngọc Hà, Hồ Quỳnh Hương thì tốt, còn không đa số vẫn phải mua độc quyền bài hát của các nhạc sĩ khác.

Trên thực tế có một số ca sĩ đã từng tự sáng tác để làm vốn độc quyền như Mỹ Tâm, Lam Trường, Thanh Thảo, Lâm Hùng, Hồng Ngọc, Hồ Quỳnh Hương… Nhưng xem ra không được mấy bài mang dấu ấn riêng nên hầu như ai cũng đều xách túi đến chợ trời ca khúc để mong tìm ra được những giai điệu "vừa in" giọng hát hay của mình.

Tuy nhiên, những ngón nghề trong sự cạnh tranh cũng thường xảy ra như chuyện ngấm ngầm đánh cắp bài hát của nhau, xù nợ không trả tiền nhạc sĩ, thậm chí sửa chữa hoặc hát sai nhạc và lời để chiều lòng người nghe… Nghĩa là cũng lắm chuyện hổ lốn xảy ra, nên năm nào cũng có những vụ kiện tụng vì đã vi phạm bài hát độc quyền.

Mở đầu chuyện cãi vã là ca sĩ Lý Hải và Ưng Hoàng Phúc, sau đó là Đức Tuấn bị Công ty HT production phạt 2 triệu đồng vì cả gan thu bài hai độc quyền "Tình buồn xa vắng" của Đan Trường. Lại còn vụ tranh chấp bài hát giữa Thanh Thảo - Hiền Thục nữa chứ… Rồi còn chuyện Lam Trường, Hồ Ngọc Hà, Cẩm Ly… đều bị "chôm" bài hát độc quyền mà không biết kêu ai. Kể cả Đàm Vĩnh Hưng, người được chọn Giải giọng ca của năm 2007, cũng phải lao vào cuộc chiến nảy lửa với Công ty nhạc xanh cũng vì sự lộn xộn này.

Ấy là chưa nói đến hiện tượng khá phổ biến: Có ca sĩ mua ca khúc độc quyền chỉ trong một năm thôi, sau này nhạc sĩ đã bán cho ca sĩ khác, nhưng vẫn hát hoặc thu album, thế là kiện tụng và đưa nhau ra tòa… Nghĩa là có tới 1001 chuyện nhốn nháo ở  các chợ trời này.

Và khi chuyện tranh chấp xảy ra, đều khó phân xử vì theo đúng luật, các bài hát chỉ được phép mua bán khi đã đăng ký bản quyền với các cơ quan pháp lý. Và như vậy, những hoạt động mua bán ca khúc độc quyền cứ công khai và lộn xộn trước sự bất lực của các nhà quản lý trong thị trường ca nhạc tự do hiện nay

Vương Tâm
.
.