Chuyện làng văn nghệ

Thêm tay, không khéo hóa thừa

Thứ Ba, 24/05/2011, 08:55
Hẳn nhiều người yêu nghệ thuật còn nhớ, cách đây chưa đầy một tháng, chính quyền Hy Lạp đã chính thức khởi kiện các nhà báo của tờ tạp chí Đức Focus về tội đã xúc phạm tới biểu tượng quốc gia của họ.

Chẳng là, số tạp chí tập trung vào chủ đề cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng đang xảy ra ở Hy Lạp, trên bìa tạp chí đã xuất hiện ảnh tượng Thần Vệ Nữ (tức Thần Venus) giơ ngón tay giữa lên. Những người khởi kiện cho rằng, ngoài việc đưa ra những con số thiếu chính xác, thì việc dùng bức ảnh như vậy là thiếu thận trọng, là xúc phạm một dân tộc. Dự kiến, phiên tòa sẽ diễn ra vào ngày 29 tháng 6 tới.

Trong Thần thoại Hy Lạp cổ đại thì Vệ nữ là vị thần đại diện cho sắc đẹp và tình yêu. Bức tượng Thần Vệ nữ mà chúng ta hiện đang nói tới có bản gốc được lưu giữ cẩn thận tại Bảo tàng Louvre ở Paris, Pháp. Bức tượng được điêu khắc trên chất liệu cẩm thạch, có chiều cao 203cm. Khi được phát hiện vào đầu thế kỷ XIX, tượng bị mất hai tay và bệ nguyên bản.

Về thời gian ra đời của bức tượng, có người cho rằng, tượng được thực hiện từ thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên, bởi bàn tay tài nghệ của Alexandros xứ Antioch; lại có người cho rằng, tượng được thực hiện vào thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên, và đó là tác phẩm của nhà điêu khắc Praxiteles.

Theo những gì các nhà nghiên cứu ghi lại thì tượng Thần Vệ nữ được phát hiện vào tháng 4 năm 1820 trong một hang động trên đảo Milos, Hy Lạp. Người tìm thấy bức tượng là một nông dân tên là Yorgos Kentrotas. Thoạt đầu, ông này còn giấu việc tìm thấy bức tượng, sau rồi các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đã biết chuyện và… tịch thu bức tượng. Trải qua một số cuộc chuyển đổi, cuối cùng bức tượng được yên vị tại viện bảo tàng lớn nhất nước Pháp.

Như trên đã nói, khi người nông dân tìm thấy bức tượng thì nó đã ở vào tình cảnh không còn hai tay. Song chính việc tượng Thần Vệ nữ bị khuyết thiếu ấy đã khiến từ hơn một trăm năm nay, dư luận đã rộ lên các câu hỏi xung quanh việc cánh tay bị mất của bức tượng có hình dạng và cấu trúc thế nào?

Và rồi, từ sự tò mò ấy, người ta đã thi nhau đặt ra các ước đoán về hai cánh tay bị gãy của bức tượng. Người thì nêu giả thiết: Tay trái Thần Vệ nữ đưa ra trước, cẳng tay đặt lên một chiếc trụ ngắn, còn bàn tay thì cầm quả táo bằng vàng, trong khi tay phải của nàng buông thõng, bàn tay túm giữ chiếc váy đang tụt xuống.

Một phương án khác cho hay: Bàn tay trái của Thần Vệ nữ cũng cầm quả táo vàng, song cánh tay được đưa lên quá đầu. Trong khi cánh tay phải để thõng, bàn tay chỉ túm nhẹ váy.

Một phương án nữa cũng được đặt ra: Thần Vệ nữ duỗi cánh tay trái ra trước, bàn tay nắm chặt chiếc lá chắn trong tư thế tự vệ, tay phải huơ lên trước và trong lòng bàn tay không nắm một vật gì...

Phải thẳng thắn mà nhìn nhận, chưa có phương án nào trong số các phương án đã đặt ra được người đời khả dĩ thấy là hợp lý. Tưởng như, khi "lắp" những cánh tay ấy vào bức tượng, nó trở nên "ngượng nghịu", không hài hòa. Nói trắng ra là, người ta thấy bức tượng tuy đủ chân đủ tay nhưng lại không đẹp, không sinh động bằng bức tượng đang bị khuyết thiếu.

Từ đó, có ý kiến cho rằng, việc đi tìm cánh tay cho tượng Thần Vệ nữ cũng bí ẩn như việc giải mã nụ cười của nàng Mona Lisa. Thì trong thực tế, chẳng đã có rất nhiều cách lý giải lý do gì dẫn tới việc danh họa Leonardo da Vinci vẽ nên bức chân dung tuyệt tác đó, và cách lý giải nào thoạt nghe cũng có lý, song rốt cục, chẳng có cách lý giải nào xứng tầm với nụ cười bí hiểm của nàng Mona Lisa. Trở lại chuyện thêm tay cho tượng Thần Vệ nữ. Đã có người yêu nghệ thuật không giấu được nỗi lo: Có khi việc tìm ra cánh tay cho Thần Vệ nữ lại chính là việc phá hủy vẻ đẹp nghìn đời của nó…

Đức Triển
.
.