Cannes lần thứ 68

Thêm nhiều kỳ vọng...

Thứ Năm, 04/06/2015, 08:15
Một trong những Liên hoan phim được mong chờ nhất thế giới diễn ra trong tháng 5 này là Liên hoan phim Cannes lần thứ 68 (Cannes Film Festival). 21 bộ phim được tuyển chọn từ hơn 1.800 tác phẩm trên khắp thế giới sẽ tranh giải "Cành cọ Vàng" danh giá. Các nhà phê bình phim nhận định, Liên hoan phim Cannes năm nay có nhiều nét mới từ công tác tổ chức đến chất lượng phim tham gia.

Nữ giới, tác giả trẻ và phim châu Á

Một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu tại Liên hoan phim Cannes là tiếng nói từ những đạo diễn nữ. Tín hiệu vui là phim chiếu khai màn năm nay do một nữ đạo diễn thực hiện: phim "La tête haute" (tạm dịch: "Ngẩng cao đầu") của Emmanuelle Bercot.

Như vậy là đúng sau 28 năm, kể từ khi bộ phim lãng mạn "A man in love" của nữ đạo diễn Diane Kurys được trình chiếu mở màn Liên hoan phim Cannes năm 1987 mới có phim của một đạo diễn nữ nhận được vinh dự này. "La tête haute" là câu chuyện về một tội phạm vị thành niên và quá trình cải tạo có sự giúp đỡ của người quản giáo và nhà hoạt động xã hội. Bộ phim có bối cảnh tại Nord-Pas de Calais, Rhone-Alpes, Paris với sự tham gia của diễn viên điện ảnh nổi tiếng Catherine Deneuve, Benoit Magimel và Sara Forestier.

Ban Tổ chức Liên hoan cho biết, phim của Emmanuelle Bercot được lựa chọn để trình chiếu mở màn Liên hoan phim Cannes không phải vì cô ấy là phụ nữ mà bởi vì Emmanuelle Bercot đã thực hiện một bộ phim hấp dẫn. "La tête haute" đã đề cập đến vấn đề xã hội có tính thời sự và phổ quát, nhất là sau khi Pháp mới trải qua làn sóng các cuộc tấn công khủng bố vào tháng 1/2015.

Một "điểm nhấn" khác của Liên hoan năm nay là gương mặt được chọn làm biểu tượng của Liên hoan là nữ minh tinh, ngôi sao điện ảnh Thụy Điển Ingrid Bergman. Bà Ingrid Bergman được biết đến qua nhiều tác phẩm điện ảnh kinh điển như "Casablanca", "Notorious", "Chuông nguyện hồn ai"…

Liên hoan phim Cannes 2015 có sự xuất hiện của một số "tân binh", bên cạnh những đạo diễn tên tuổi. Ngoài những bộ phim được đánh giá là ứng viên nặng ký cho "Cành cọ Vàng" như "Youth" của Paolo Sorrentino (Italia) - đạo diễn từng giành giải "Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất" tại Oscar 2014 với phim "The Great Beauty"; "Sicario" của đạo diễn người Mỹ Denis Villeneuve, "Mon Roi" của đạo diễn Ma-wenn, người từng đạt giải thưởng của Ban Giám khảo năm 2011 với phim "Polisse", "Carol" của đạo diễn Todd Haynes và "The Sea of Trees" của đạo diễn Gus Van Sant, tác giả từng đạt "Cành cọ Vàng" 2013 với phim "Elephant"… còn có những gương mặt mới đầy triển vọng như đạo diễn Hungary Lazlo Nemes với "Son of Saul" tranh "Cành cọ Vàng"; Neeraj Ghaywan (Ấn Độ) với "Masaan" và Laurent Lariviere (Pháp) với "I am a soldier" tranh tài ở hạng mục "Nhãn quan độc đáo".

Điện ảnh châu Á cũng đang đặt nhiều kỳ vọng vào ba đạo diễn gạo cội là Hầu Hiếu Hiền (Đài Loan -Trung Quốc) với "The Assasin", Giả Chương Kha (Trung Quốc) với "Moutain May Depart" và Kore-eda Hirokazu (Nhật Bản) với "Our little Sister". Trong đó, "Our little Sister" là tác phẩm được đặt nhiều kỳ vọng hơn cả. Đạo diễn Kore-eda Hirokazu từng nhận giải thưởng của Ban Giám khảo Liên hoan phim Cannes năm 2013 với bộ phim "Like Father, Like Son".

Tìm đại diện tiêu biểu trong một thế giới phim đa dạng

Liên hoan phim Cannes được nhiều người đánh giá là "Thế vận hội của điện ảnh thế giới" và chắc chắn, các quốc gia sẽ gửi phim tốt nhất của mình tham gia tranh tài. Một câu hỏi được nhiều người quan tâm là, làm thế nào để Ban Giám khảo lựa chọn ra được phim hay nhất trong vô số phim hay đại diện cho văn hóa của các quốc gia trên thế giới.

Trả lời thắc mắc này, ông Thierry Fremaux, Trưởng Ban tổ chức Liên hoan phim chia sẻ, "Đầu tiên phải thấy rằng, Cannes là một trong những liên hoan phim được chờ đợi nhất thế giới. Chúng tôi nhận được tổng cộng 1.854 phim và số lượng phim chính thức tham gia tranh giải chỉ dao động từ  50-60 phim mỗi năm. Vì vậy, phim được chọn không thể đại diện cho tất cả các nền văn hóa nhưng đó phải là phim tốt nhất, phổ quát nhất trong văn hóa phim toàn cầu. Cannes có nhiệm vụ đem đến cho khán giả những bộ phim chứa đựng tinh thần chung của nhân loại".

Trưởng Ban tổ chức Liên hoan phim cũng cho biết thêm, việc lựa chọn phim không theo "cơ cấu" nào cả mà trên hết là chất lượng phim. "Chúng tôi tìm kiếm phim hay chứ không quan tâm đến đạo diễn phim là nam hay nữ, trẻ hay già, da trắng, da đen hay da màu. Chỉ đơn giản là chất lượng, chất lượng và chất lượng mà thôi", ông Thierry Fremaux nói.

Mặc dù là liên hoan phim của Pháp nhưng một thực tế cho thấy, dòng phim nói tiếng Anh đang trở nên rất "thịnh" trong thời gian gần đây. Hơn ½ bộ phim tham gia tranh giải "Cành cọ Vàng" được thực hiện một phần hoặc toàn bộ bằng tiếng Anh. Đây được coi là một xu thế tất yếu của làn sóng "thế giới hóa" điện ảnh. Những nhà lựa chọn phim của Cannes nói rằng, họ luôn khách quan để cố gắng tìm ra bộ phim đậm chất nghệ thuật và phản ánh được xu thế phát triển của điện ảnh.

"Không phải chúng tôi lựa chọn phim mà đúng hơn là bộ phim tự mình kéo chúng tôi đến sự lựa chọn. Những bộ phim được chọn chính thức tham gia Liên hoan phim Cannes phản ánh tiếng nói, cá tính của đạo diễn và nhà sản xuất. Đây là một Liên hoan rất đáng kỳ vọng với nhiều tài năng mới, cơ hội mới", ông Thierry Fremaux chia sẻ.

Chuyện bên lề thảm đỏ

 * Nói "không" với chụp ảnh "tự sướng": Trong buổi họp báo diễn ra trước thềm Liên hoan, ông Thierry Fremaux đã đề cập đến lệnh cấm chụp ảnh "tự sướng" không chính thức trên thảm đỏ. Thông tin này nhận được rất nhiều phản ứng trái chiều của giới nghệ sỹ cũng như người hâm mộ trên khắp hành tinh. Với những liên hoan phim, hình ảnh "tự sướng" của sao hạng A khi đăng tải có thể tạo ra những cơn "địa chấn" like, share và bình luận trên mạng xã hội. Ông Thierry Fremaux cho rằng, chụp ảnh “tự sướng” sẽ làm các diễn viên xấu đi trong mắt công chúng và tạo nên sự hỗn loạn không đáng có. "Chúng tôi không cấm chụp ảnh "tự sướng" nhưng sẽ hạn chế hành động này từng bước một", ông Thierry Fremaux nói.

* Lại nóng chuyện gái mại dâm nghìn đô: Liên hoan phim Cannes cũng được biết đến như thời điểm vàng để gái mại dâm từ khắp nơi trên nước Pháp đổ về "làm ăn". Một số phóng viên nhận định, gái gọi cao cấp có thể kiếm được 40.000 USD mỗi đêm, trong khi đó, gái gọi "bình dân" cũng có thể kiếm được từ 50 - 75 USD/giờ ở Cannes. Những nữ hoàng sắc đẹp sẽ phục vụ quý ông trong khách sạn, du thuyền và biệt thự nguy nga trên ngọn đồi ở Cannes. Hoạt động mại dâm diễn ra sôi động và tất cả giao dịch đều được thực hiện bằng tay. Những người đàn ông chỉ cần viết số phòng của mình lên bàn tay hoặc mảnh giấy nhỏ, ngay lập tức sẽ có người phục vụ tận nơi. Đàn ông Ảrập được coi là người hào phóng nhất thế giới. Họ mang đến Cannes những va ly tiền với nhiều tập 10.000 USD và sẵn sàng vung tiền để giải trí. "Ranh giới giữa gái mại dâm chuyên nghiệp và diễn viên hạng B, C, người mẫu chấp nhận bán dâm để kiếm tiền từ những người đàn ông lớn tuổi giàu có đôi khi rất mong manh", một nhân viên cảnh sát nói.

* Liên hoan phim Cannes và cuộc khủng hoảng tiền tệ: Trong khi nhiều nhà làm phim đang chờ cơ hội đổi đời nếu được vinh danh ở Cannes thì cũng có không ít nhà sản xuất phải đối mặt với nỗi lo kinh phí "lơ lửng trên đầu" từ cuộc khủng hoảng tiền tệ ở châu Âu và Nga. "Không còn các thị trường tiềm năng nữa", Avi Lerner, Chủ tịch của Hãng sản xuất Millennium Films cho biết. "Chúng tôi liên tiếp thất bại về doanh thu từ quốc gia này sang quốc gia khác. Phát hành ở thị trường Nhật Bản không hiệu quả. Doanh thu tại thị trường Nga, Tây Ban Nha, Italia giảm mạnh do đồng euro liên tục giảm giá so với đồng USD, đồng rup đi vào trạng thái "rơi tự do". Duy chỉ có thị trường Trung Quốc là khả quan hơn cả. Tuy nhiên, ở thị trường này, những rào cản về việc nhập khẩu phim nước ngoài lại quá lớn", Avi Lerner nhận định.

* Những con số thú vị về Liên hoan phim Canne:

- Theo thống kê, từ năm 1939 đến năm 2015 đã có tổng số 1.660 bộ phim được lựa chọn để tranh giải chính thức tại Liên hoan phim Cannes. Trong đó, 84% phim thuộc thể loại chính kịch (trong giai đoạn 2010 - 2015, con số này tăng lên 93%); phim Pháp chiếm 53% (trong những năm 1950 con số này là 8,3%).

- Chỉ có 3,2% số phim được đề cử "Cành cọ Vàng" được đề cử cho danh hiệu "Phim hay nhất" tại Oscar. Từ năm 1990, chỉ có hai bộ phim được đề cử tại Cannes giành giải thưởng "Hình ảnh xuất sắc nhất" tại Oscar là "No Country for Old Men" và "The Artist".

Tường Phạm
.
.