Chuyện đời thường

Thêm một và bớt một

Thứ Hai, 02/07/2012, 08:00
Có lần, trong lúc dăm bảy người đang say sưa chén chú chén anh ở một nhà hàng nọ thì ông bạn tôi là Phó tổng giám đốc một tổng công ty bất ngờ nhận được một cú điện thoại. Sau khi trao đi đổi lại chừng vài ba phút, ông bạn tôi ngắt máy, quay ra lắc đầu: "Chuyện cũ diễn lại! Vẫn là trò "xin phiếu" quen thuộc ấy mà!"...

Sợ tôi chưa rõ đầu cua tai nheo thế nào, ông bạn tôi giải thích: "Chẳng là ở cơ quan tôi sắp có một cuộc bầu bán. Do vậy, ông "tổng" sợ tôi quên nên đã gọi cho tôi, có ý nhắc nhở... Tất nhiên, ông ta không chỉ "xin phiếu" một mình tôi mà còn "xin phiếu" nhiều người khác nữa. Nói chung, trong những trường hợp kiểu như thế này, có lắm khi cũng phải nể mặt nhau. Chả gì cũng là đồng nghiệp, công tác cùng một nơi, lại hầu như ngày nào cũng đụng mặt nhau, dù có thế nào cũng đã có lời...mà mình lại...Vả lại, có mất gì của mình đâu mà tiếc người ta một phiếu. Ông nên nhớ, không chỉ ở thời bao cấp mới có việc xin - cho đâu nhé".

Tôi hỏi: "Thế có bao giờ ông...?". Bạn tôi trả lời: "Cũng không tránh khỏi. Mà việc này đâu chỉ có ở cơ quan tôi, chỗ chúng tôi đâu. Nhiều nơi khác cũng vậy. Có thể hiểu "xin phiếu" là một kiểu "vận động hành lang" thôi mà!". Ngừng một lát, bạn tôi hỏi tôi: "Thế còn ở chốn văn chương, thì sao? Chắc không có chuyện này đâu nhỉ?". Hỏi xong, ông cười cười: "Ấy là tôi hỏi vui vậy thôi. Chứ ở chốn ấy, ăn cuộc ăn giải gì mà...xin phiếu với vận động hành lang?". Tôi giả bộ nghiêm mặt: "Cũng có đấy. Nhưng không có chuyện "có vay có trả" như chỗ các ông đâu".

Chuyện rằng, có một số người viết văn, làm thơ, sau khi làm xong thủ tục nộp hồ sơ (có hai tác phẩm đã xuất bản, có đơn kèm theo 2 chữ ký của 2 hội viên) bèn gọi điện thoại cho các ủy viên ở hội đồng liên quan. Đại loại: "Tôi đã nộp đơn...nhờ anh cho tôi xin một phiếu"; "Tôi đã lỡ nhiều cơ hội, rất mong chị..."; "Tôi đã từng được nhiều nhân vật tên tuổi giới thiệu, lần này, anh quan tâm cho"; "Tôi chỉ là một trong số hàng trăm người muốn gia nhập...xin chị đừng quên tôi..."; "Tôi có thơ đăng báo từ khi tóc còn xanh, giờ đã cao tuổi, hy vọng anh...".

Chuyện rằng, sau những lời nhờ vả đơn lẻ, một số thành viên trong hội đồng suy luận: Chắc cũng chẳng có ai ủng hộ người này đâu. Một mình mình chắc chẳng làm nên gì cả. Vậy thì mất gì mà chẳng cho một phiếu...an ủi! Biết đâu vì cái phiếu an ủi của mình mà anh ta (hoặc chị ta) sẽ hăng say sáng tác hơn và yêu đời hơn. Rồi không ngờ có đến 5 - 6 người trong hội đồng đều nghĩ và làm như thế. Kết cục, cái người đi nhờ vả trên đạt được số phiếu quá bán và có tên trong danh sách gửi lên Ban Chấp hành Hội Nhà văn.

Đấy là cái sự thêm một, thêm một... lỏng lẻo mà thành.

Sinh thời, một nhà thơ (xin phép được giấu tên) tâm sự: Năm ấy, tập thơ của mình rất được và mình gửi dự giải thường niên. Đấy là điều kiện thứ nhất. Kèm theo điều kiện thứ nhất là điều kiện hai: Mọi thành viên tham gia xét giải đều là bạn mình, ai cũng hứa quan tâm đến tác phẩm của mình. Vậy mà cuối cùng lại "xôi hỏng bỏng không". Nguyên nhân chính là do từng ủy viên của Hội đồng Thơ, không ai bảo ai đều bụng bảo dạ: Bây giờ mà mình bỏ phiếu, tập thơ của bạn mình được 9 trên 9 phiếu thì hơi quá. Nếu mình không bỏ... thì tập thơ của bạn mình, ít ra cũng sẽ được 8 trên 9 kia mà. Với kết quả như vậy, chắc sẽ hợp tình, hợp lý hơn. 8 người kia chắc chắn ủng hộ rồi, một mình mình coi như không ủng hộ, cũng chẳng sao. Chẳng ngờ...

Đấy là sự bớt một, bớt một… mà bất thành.

Và nói cho cùng, dù là bớt một hay thêm một thì cũng là biểu hiện của sự thái quá (lỏng quá và chặt quá). Mà thái quá thường dẫn đến kết cục gì, chắc chẳng cần nói thêm nhiều người cũng đoán ra

Đặng Huy Giang
.
.