Thêm một lý do học sinh ngại học văn

Thứ Hai, 31/12/2012, 08:00
Giúp cho cháu học - đó là niềm vui của tôi khi đã "hạ cánh" nghỉ hưu. Những kiến thức học từ hồi xưa tuy đã rơi vãi đi nhiều nhưng bây giờ đọc lại những cuốn sách giáo khoa của cháu, tôi vẫn thấy mình có đủ khả năng làm chuyện đó. Nhưng cái nhiệt tình của mình không được bù đắp lại, bởi dạy cho cháu học thêm tưởng là chuyện đơn giản hóa ra lại rất khó vì nhiều lẽ. Tôi cũng hiểu và cố gắng tìm cách "đổi mới" trong chuyện này...

Trước hết là cách dạy, không phải như ngày xưa cháu cùng ông ngồi vào bàn, cháu học, ông "giám sát". Trẻ bây giờ không thích kiểu kèm cặp đó, nhất là học sinh lớp 7. Nó đã tự thấy học ở trường, học thêm là quá đủ rồi, có gì thì chỉ gợi ý nhắc nhở. Tôi đã nghĩ ra cách gợi mở điều này điều nọ để tạo sự thu hút cho cháu. Ví dụ như nhớ lại những câu thơ ngày trước thầy giáo đã dạy về một công thức toán: "Muốn tìm diện tích hình thang/ Đáy lớn đáy bé ta mang cộng vào/ Rồi đem nhân với chiều cao/ Chia đôi lấy nửa lẽ nào có sai". Hoặc khi học những từ Hán Việt, ông nội tôi đã dạy cho tôi một bài văn vần như sau: "Thiên - trời /Địa - đất /Cử - cất/ Tồn - còn/ Tử - con/ Tôn - cháu/ Lục - sáu/ Tam - ba/ Gia - nhà/ Quốc - nước/ Tiền - trước/ Hậu - sau/ Ngưu - trâu/ Mã - ngựa…". Hoặc qua nghiên cứu các bài học của cháu rồi nêu ra những điều thắc mắc để "nhờ cháu" gỡ hộ. Quả thật cách học như thế đã phát huy tác dụng, nhất là cuốn hút cháu vào để củng cố kiến thức các bài học. Nhưng càng đi sâu vào mới càng thấy học sinh bây giờ phải gánh trên vai một chương trình quá nặng.

Một tư duy đáng sợ hiện nay của những người xây dựng nội dung sách giáo khoa cho các em là vấn đề gì cũng quan trọng cả, cái gì cũng tác động đến đào tạo toàn diện cả cho nên mới đưa ra quá nhiều môn học. Đã thế môn học nào cũng khó. Ở đây tôi chỉ nêu đôi nét về học văn ở lớp 7. Ngay từ đầu học kì 1, học sinh đã học về các tác giả, tác phẩm trung đại. Trong nước thì có các thi nhân như: Lý Thường Kiệt với bài "Nam quốc sơn hà", Trần Quang Khải với bài "Phò giá về kinh", Trần Nhân Tông với bài "Thiên Trường vạn vọng", Nguyễn Khuyến với bài "Bạn đến chơi nhà", Hồ Xuân Hương với bài "Bánh trôi nước", Bà Huyện Thanh Quan với bài "Qua Đèo ngang". Các thi nhân nước ngoài (chủ yếu là các nhà thơ nổi tiếng của Trung Quốc) thì có Lý Bạch, Đỗ Phủ, Hạ Tri Chương, Trương Kế. Trong bài viết ngắn này, tôi không thể nêu hết những khó khăn của các cháu khi học những bài này mà chỉ nêu một vài điểm nổi bật.

Một tiết học văn tại Trường THCS Võ Văn Tần, quận Tân Bình, Tp HCM (ảnh chỉ có tính chất minh họa).

Ví dụ như bài "Bánh trôi nước" của nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương, là một bài thơ nổi tiếng được nhiều người biết đến, nhiều người thuộc. Nhưng hiểu nó là chuyện rất khó. Ai cũng biết đó là bài thơ có dụng ý nói về thân phận trôi nổi của những người con gái bạc phận, nhưng ở đây nó đã được thể hiện bằng bút pháp rất đặc biệt, hình ảnh ẩn dụ rất độc đáo. Học sinh ở thành phố thì chỉ biết những chiếc bánh trôi đã bày lên trên đĩa, chứ ít em biết cách làm bánh trôi như tác giả mô tả. Riêng khía cạnh ấy làm cho các em hiểu được bài thơ cũng là cả một vấn đề. Đó là chưa nói đến nghệ thuật ví ở đây, cách nói có phần "tục" mà nghĩa thì "thanh", thiết tưởng trong một tiết học ngắn ngủi, các thầy cô giáo khó mà làm cho học sinh hiểu được. Nhưng dẫu sao cũng có phần dễ hơn vì Hồ Xuân Hương là thi sĩ người Việt, bài thơ cũng được thể hiện bằng tiếng Việt dễ hiểu. Khó nhất là những bài thơ của các nhà thơ Trung Quốc trung đại như đã nêu ở trên. Với những bài thơ này, muốn để học sinh hiểu không có cách nào khác là thầy cô giáo phải giảng qua 3 khâu: phiên âm, dịch nghĩa, dịch thơ. Khó nhất là những bài thơ của Lý Bạch, Đỗ Phủ. Xin đơn cử một bài thơ rất ngắn, đó là bài "Tình dạ tứ" (Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh) của Lý Bạch. Ở đây các em phải hiểu cả ba công đoạn nội dung:

1. Phiên âm:

Sàng tiền minh nguyệt quang
Nghị thị địa thượng sương
Cử đầu vọng minh nguyệt
Đệ đầu tư cố hương.

2. Dịch nghĩa:        

Ánh trăng sáng đầu giường
Ngỡ là sương trên mặt đất
Ngẩng đầu ngắm vầng trăng sáng
Cúi đầu nhớ quê cũ.

3. Dịch thơ             

Đầu giường ánh trăng rọi
Ngỡ mặt đất phủ sương
Ngẩng đầu nhìn trăng sáng
Cúi đầu nhớ cố hương

Làm sao để các cháu hiểu được nội dung qua 3 công đoạn trên là chuyện rất khó. Bởi vì học sinh bây giờ so với trước đây, sự hiểu biết đã phát triển nhanh hơn rất nhiều nhưng đó là hiểu biết về khoa học kĩ thuật, nhất là công nghệ thông tin và tiếng Anh. Nhưng hiểu biết về Hán văn lại không bằng ngày trước bởi vì Hán văn bây giờ ít thông dụng, những người thầy về Hán văn, những cách phổ biến về môn học này xem ra cũng ít hơn. Ở đây đòi hỏi học sinh không những hiểu mà còn phải học thuộc. Tận mắt thấy các cháu đánh vật với từng con chữ Hán - Việt, những câu thơ không vần, bằng trắc lên xuống thất thường mới thấu hiểu nỗi gian truân của các cháu. Lại còn khó bởi câu hỏi ở các bài. Xin dẫn chứng một câu hỏi bài tập như sau: "Em hãy phân biệt đặc điểm, tính chất của các thể thơ tứ tuyệt, ngũ ngôn, thất ngôn bát cú trong thơ Đường luật". Tôi tìm mãi trong sách giáo khoa không thấy chỗ nào nói kỹ về nội dung này, chỉ thấy ở phần giới thiệu về nhà thơ Đỗ Phủ có vẻn vẹn 2-3 dòng ngắn ngủi có liên quan đến nội dung này mà thôi. Quả thật, đây là một câu hỏi khó. Phải giải thích luật trong thơ Đường là như thế nào? Câu nào, chữ nào ở vị trí nào thì phải đối với nhau? Chỗ nào thì phải dùng từ âm trắc, chỗ nào thì phải dùng từ âm bằng? Sự khó khăn như thế làm cho học sinh nản lòng.

Tôi đã có dịp gặp gỡ trao đổi với một cô giáo về sự khó này. Cô giáo cũng nói hết cái khó của mình lúc lên lớp dạy về các bài này. Cô cho biết quả là rất khó khi - chỉ trong một tiết (45 phút) mà phải giảng cho các em hiểu những nội dung đó. Hiểu nội dung bài thơ đã khó, hiểu được cái hay của bài thơ càng khó nữa. Có lần cháu tôi đọc bài thơ "Qua Đèo ngang", bố cháu mới hỏi: "Con có hiểu câu: Dừng chân đứng lại, trời, non, nước/ Một mảnh tình riêng ta với ta. Tại sao sau mỗi chữ trời, non, nước lại có các dấu phẩy không?". Cháu lắc đầu. Bố cháu bảo cái hay là ở chỗ đó. Rồi bố mới giải thích cho con. Không biết cháu có cảm nhận được hay không? Tôi lật đọc hết chương trình học của cháu trong sách giáo khoa đều thấy ở mỗi giai đoạn, mỗi thời kì có nhiều bài nội dung khó tương tự như vậy.

Lại nghĩ: Bản thân mình trước đây học về ngành Văn mà còn cảm thấy khó dạy thêm cho cháu như thế, những trường hợp ít hiểu biết về môn này thì càng khó biết bao. Thú thực, qua lần tiếp xúc với cô giáo nọ, tôi thấy, với nội dung khó như thế, với yêu cầu đề ra, ngoài việc dạy ở trên lớp, cần phải có sự phụ đạo thêm của cô giáo may ra các cháu mới vượt qua được khó khăn này, trong khi ngành Giáo dục đang có chủ trương cấm dạy thêm.

Phải chăng vì khó như thế mà chúng ta không dạy nữa? Hoàn toàn ý tôi không phải như thế. Việc đưa nội dung này vào cho các em học sinh lớp 7 là rất cần thiết, rất bổ ích về nhiều mặt. Điều tôi muốn nói đến là yêu cầu đến mức nào cho phù hợp, để các em tiếp thu có hứng khởi. Thực ra so với các bậc học trước đây (theo hệ 10 năm) thì bây giờ (theo hệ 12 năm) học sinh "trẻ" hơn nhiều. Nói là lớp 7 lớp 8 nhưng tuổi học sinh bây giờ cũng chỉ tương đương độ tuổi lớp 5 lớp 6 trước đây, cho nên việc hiểu, thưởng thức các tác phẩm văn học cũng còn rất hạn chế. Do vậy phải nghiên cứu, đặt ra yêu cầu cho phù hợp để cho thầy cô giáo cũng đỡ vất vả hơn, mà hiệu quả tiếp thu của các em cũng cao hơn

Phạm Văn Thạch
.
.