Thêm một cách lý giải bi kịch của mỹ nhân

Thứ Năm, 22/04/2010, 15:00
Tại Liên hoan Sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc năm 2009 tại TP HCM, vở diễn "Mỹ nhân và anh hùng" (tác giả: Chu Thơm, đạo diễn: NSND Lê Hùng) do Nhà hát kịch Việt Nam dàn dựng là một trong ba tác phẩm đạt Huy chương Vàng. Gần đây, kịch bản còn đoạt giải Nhì (không có giải Nhất) cuộc thi tác phẩm văn học nghệ thuật Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Chuyên đề VNCA có dịp trò chuyện với tác giả Chu Thơm - hiện là Phó phòng Nghệ thuật (Cục Nghệ thuật Biểu diễn) về những câu chuyện phía sau "Mỹ nhân và anh hùng".

-Thưa tác giả Chu Thơm, xin chúc mừng những thành công mà "Mỹ nhân và anh hùng" đã đạt được trong thời gian vừa qua. Khán giả đã từng biết tới ông qua một số vở kịch có đề tài hiện đại như "Khi quá khứ trở về", "Người mang hai vết thương", "Thuyền lá", "Ngọt ngào trong cay đắng"… nhưng "Mỹ nhân và anh hùng" hình như là kịch bản đầu tiên ông viết về đề tài lịch sử?

+ Đúng như vậy. Năm 2008, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phát động cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật hưởng ứng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội mà ngày 30/6/2009 là hết hạn. Có gần 50 kịch bản của các tác giả từ nhiều miền đất nước gửi tới. Tôi đã định không tham gia vì bận quá. Ngoài ra, từ trước đến nay, tôi luôn nghĩ đề tài lịch sử là một đề tài khó nên chưa dám thử sức.

Lòng nhủ lòng, có lẽ mình phải lỡ hẹn với 1000 năm Thăng Long rồi. Tự nhiên, một hôm, tôi chợt nhớ trích đoạn trong vở "Rừng trúc" mà một nữ diễn viên Đoàn Kịch nói CAND thủ vai. Rồi vô tình, tôi nghe ai đó nói rằng, trong những giai đoạn khó khăn, cam go nhất thì phụ nữ chính là người tháo gỡ tốt nhất.

Từ đó, tôi quyết định phải viết về một nhân vật nữ kiệt nào đó của Việt Nam. Và Lý Chiêu Hoàng là sự lựa chọn cuối cùng của tôi - người phụ nữ mà tôi cho là bất hạnh nhất trong lịch sử Việt Nam. Khi ấy đã là tháng 5/2009. Tôi lao vào đọc tài liệu và viết. Tới đúng chiều ngày 30/6 thì kịch bản hoàn thành.

- Tôi đã được nhìn những trang kịch bản "Mỹ nhân và anh hùng" viết tay của ông? Đây có phải là cách ông thường sử dụng khi sáng tác?

+ Không. "Mỹ nhân và anh hùng" (tên cũ tôi đặt là "Giai nhân và anh hùng") là vở đầu tiên tôi viết bằng giấy bút (các vở khác tôi thường đánh máy). Tôi viết khá nhanh. Một nửa tôi viết ở Việt Nam, một nửa tôi viết miệt mài hàng đêm ở Trung Quốc khi tôi có dịp sang đó xem chương trình của Trương Nghệ Mưu.

- "Mỹ nhân và anh hùng" phản ánh giai đoạn lịch sử đặc biệt của dân tộc, đó là thời điểm chuyển giao giữa nhà Lý và nhà Trần. Đã từng có không ít tác phẩm sân khấu nói về giai đoạn này. Nhân vật Lý Chiêu Hoàng cũng đã từng là nhân vật chính trong vở "Rừng trúc" của nhà văn Nguyễn Đình Thi. Trần Thị Dung, Trần Thủ Độ cũng đã được đề cập trong vở kịch của các tác giả Hoài Giao, Văn Sử, Anh Biên… Tại sao ông lại vẫn quyết tâm chọn nhân vật này?

+ Đó chính là cái khó nhất của tôi khi bắt tay viết vở này. Viết làm sao để khác biệt, không được "đụng hàng" mà vẫn thuyết phục được khán giả là điều không dễ. Sau khi đọc một loạt sách sử, thay vì phản ánh một lát cắt trong cuộc đời của Lý Chiêu Hoàng, tôi quyết định xây dựng lại trọn vẹn cuộc đời đầy bi kịch và nước mắt của Lý Chiêu Hoàng từ năm 9 tuổi tới 60 tuổi.

Lý Chiêu Hoàng trong các mối quan hệ với mẹ, với chị, và với Trần Cảnh. Bắt đầu từ việc Trần Thủ Độ ép Lý Huệ Tông nhường ngôi cho Lý Chiêu Hoàng khi Lý Chiêu Hoàng mới tròn 9 tuổi. Sau đó 1 năm, Lý Chiêu Hoàng lấy Trần Cảnh và sau đó nhường ngôi cho chồng, lên ngôi hoàng hậu. Chung sống với Trần Cảnh 10 năm, sinh được 1 người con nhưng không may chết yểu.

Để có người nối dõi, Trần Cảnh buộc phải lấy công chúa Thuận Thiên, vợ của Trần Liễu anh trai mình và cũng là chị gái của vợ mình. Rồi chính Trần Cảnh lại là người gả chồng cho vợ mình sau 20 năm rời bỏ, khi nàng đã sang Gia Lâm để tụng kinh gõ mõ, xa lánh cuộc đời. Có thể nói, dưới bàn tay điều khiển của Trần Thủ Độ, cuộc đời của Lý Chiêu Hoàng đã được vớt từ bể khổ này để dìm sang một bể khổ khác.

- Cùng một số phận đau khổ như vậy, nhưng ông đã xây dựng một chân dung Lý Chiêu Hoàng rất khác?

+ Tôi cho rằng, Lý Chiêu Hoàng là một mỹ nhân nhưng đồng thời cũng là một người anh hùng. Bà đã hy sinh cuộc đời mình để giang sơn xã tắc trong cuộc chuyển giao được bình yên không một đường gươm, giọt máu. Đặc biệt, tôi đẩy mối tình của Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh như một huyền sử.

20 năm tụng kinh gõ mõ, xa lánh cuộc đời nhưng không khi nào bà quên được Trần Cảnh. Đó là hình ảnh một người con gái xinh đẹp, khiêm nhường, đôn hậu và biết hy sinh vì nghĩa cả. Không vì bất hạnh riêng mà đạp đổ tất cả, Lý Chiêu Hoàng vẫn vun vén cho Đại Việt bởi bà có một cái tâm trong sáng, một trí tuệ siêu phàm và là một con người thức thời. Bà suy nghĩ rất biện chứng rằng "Xuân sinh, hạ trưởng, thu thụ, đông tàn".

Cái cũ có mất đi, cái mới mới đến và sự ra đi của nhà Lý là một quy luật tất yếu không thể cưỡng lại. Nhưng điều đáng nói là gần như tất thảy những bất hạnh của cuộc đời Lý Chiêu Hoàng đều do bàn tay sắp đặt của Trần Thủ Độ, nhưng bà vẫn coi ông là một anh hùng. Bà hiểu rằng, Trần Thủ Độ có khiếm khuyết là đưa dòng họ lên trên đất nước nhưng suy cho cùng cũng là vì Đại Việt.

 - Vâng, Trần Thủ Độ là nhân vật gây khá nhiều tranh cãi về công và tội. Nhiều vở diễn trước đây của các tác giả khác thường đi vào lên án, nhưng xem "Mỹ nhân và anh hùng", một số người cho rằng, thông qua "Lý Chiêu Hoàng", ông đang "cãi" hộ nhân vật này?

+ Thực ra, qua vở này, tôi muốn đưa ra một cái nhìn công bằng hơn với Trần Thủ Độ. Trần Thủ Độ mặc dù gây ra nhiều tội lỗi với nhà Lý nhưng ông cũng là người có công sáng lập và lãnh đạo Đại Việt suốt những năm đầu triều Trần. Có công dạy dỗ đào tạo cho nhà Trần vị vua Trần Thái Tông anh minh lỗi lạc đã lãnh đạo quân dân Đại Việt chiến thắng quân Nguyên Mông.

Trong Trần Thủ Độ là một khối mâu thuẫn lớn. Là một người anh hùng, ông đã phải dằn vặt, đau đớn vì giang sơn. Tôi đồng quan điểm với Lý Chiêu Hoàng rằng, hãy lấy những điểm tốt để xóa đi những điểm xấu của người khác. Với phương châm "gian nan là nợ anh hùng phải vay", là người anh hùng muốn làm nghiệp lớn phải hy sinh bản thân mình, thậm chí có lúc phải chịu búa rìu dư luận, phải chấp nhận những điều tiếng, thị phi. Thực tế là ngày nay, đã có đền thờ Trần Thủ Độ ở đồi Lim, Tiên Sơn, Bắc Ninh.

- Xem "Mỹ nhân và anh hùng", nhiều người tâm đắc với những màn tung hứng của hai nhân vật quan chép sử xuyên suốt vở diễn. Tại sao ông lại cho hai nhân vật đặc biệt này xuất hiện?

+ Đây là hai nhân vật hoàn toàn do tôi hư cấu. Về nguyên tắc, những người chép sử thời xưa phải ngồi ở sử quán, có người đứng canh. Chép sử đời này, đời sau mới được xem. Chính vì ăn bổng lộc triều đình nên họ thường chỉ viết những điều tốt và không bình luận. Nhưng hai người chép sử này lại bình luận về những điều mình nhìn thấy. Họ rất có nhiệt huyết, quyết viết và bình phẩm những điều nhìn thấy, dù có thể bị chém đầu như chơi. Tôi muốn lồng vào đó tiếng nói của nhân dân.

- "Mỹ nhân và anh hùng" là kịch bản đầu tiên ông viết về đề tài lịch sử, cũng là kịch bản đầu tiên NSND Lê Hùng dàn dựng với cương vị mới: Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam để tham dự Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Tôi nghĩ, chắc hẳn áp lực sẽ rất lớn?

+ Như duyên số, trước đây 5 năm, tại Liên hoan Sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp tại Hải Phòng, Lê Hùng cũng dựng vở "Ngọt ngào trong cay đắng" của tôi cho Đoàn Kịch Công an nhân dân. Và bây giờ, chúng tôi lại tác hợp với nhau ở Hội diễn với vở này. Gần một tháng dàn dựng, tất cả đều dồn hết tâm sức vào đó.

Anh Lê Hùng rất tôn trọng tác giả. Có gì cần thay đổi, anh đều trao đổi với tôi. Nhạc sĩ, NSƯT Hạnh Nhân cũng đã bỏ hết tất cả các show để tập trung làm nhạc cho vở diễn. NSND Doãn Châu cũng hết sức sáng tạo để làm nên một sân khấu đơn giản nhưng giàu biểu cảm.

Lần đầu tiên xuất hiện một sân khấu về cung đình nhưng không có cung vàng điện ngọc mà chỉ có một tấm thảm đỏ để tất cả những bi kịch của con người trong giai đoạn chuyển giao của lịch sử nổi bật trên đó.

- Là một tác giả có khá nhiều kịch bản về đề tài người chiến sĩ Công an, hiện tại, ông có ấp ủ một kịch bản nào về đề tài này không?

+ Ngoài “Người mang hai vết thương”, “Khi quá khứ trở về” và “Ngọt ngào trong cay đắng” đã được dàn dựng, vài năm gần đây, năm nào tôi cũng viết kịch bản phim về đề tài ATGT cho Cục C26 để phát trên truyền hình vào dịp Tết. Làm nhiều, nên tôi đã trở thành “cộng tác viên ruột” của C26.  Hiện tại, tôi đang viết một vở về Hà Nội và nung nấu nhiều đề tài về giao thông trật tự. Hy vọng những kịch bản này sẽ sớm ra mắt.

Xin cảm ơn ông và chúc ông có thêm nhiều sáng tác hay!

Thảo Duyên (thực hiện)
.
.