Thẻ hội viên và tấm hộ chiếu

Thứ Ba, 17/03/2009, 08:30
Mấy chục năm trước, tôi còn đang sống ở quê, tham gia Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, vấn đề văn chương trung ương, văn chương địa phương đã được đặt ra. Nói chung thì những người viết văn làm thơ ở các địa phương không thừa nhận có sự phân biệt này.

1. Văn chương địa phương, văn chương trung ương?

Ai lại chịu mình là văn chương địa phương? Thậm chí, có người còn chỉ ra nhiều thiên tài xưa nay đều từ nông thôn mà ra.

Hơn chục năm lên sống và làm việc ở Hà Nội, tôi lại thấy Hội Nhà văn tổ chức Hội thảo về nâng cao tính chuyên nghiệp của văn chương. Tức là đặt ra tính chuyên nghiệp và tính nghiệp dư trong văn chương. Thực tế vẫn là nội dung ấy, hai vấn đề được thảo luận cách nhau mấy chục năm chỉ là một.

Vậy có văn chương trung ương và văn chương địa phương không? Có văn chương chuyên nghiệp và văn chương nghiệp dư không? Theo tôi, có mà lại không có. Địa phương hay trung ương, nghiệp dư hay chuyên nghiệp, nếu có thì nó không phụ thuộc vào vùng lãnh thổ, nông thôn miền núi hay ở thủ đô, nó không phụ thuộc là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, công tác ở cơ quan báo chí xuất bản của Hội hay làm ngành nghề khác ở ngoài văn chương.

Bởi thực tế có một số nhà văn ở trung ương viết rất nghiệp dư, trong khi có những người làm thơ viết văn ở một số địa phương viết rất hay, tính chuyên nghiệp rất cao. Về các nhà văn trung ương mà viết rất nghiệp dư thì cho phép tôi không đưa ra ví dụ.

Còn các cây bút địa phương viết hay, tức là ở cấp chuyên nghiệp trung ương thì đấy: Nguyễn Ngọc Tư, Mạc Can là tiêu biểu. Trước đây thì Lò Ngân Sủn, Y Phương, không chỉ ở địa phương mà còn là địa phương miền núi nữa. Nhưng thú thật, hiện nay những người viết văn làm thơ mà xếp theo cấp độ thì ở cấp địa phương và nghiệp dư quá nhiều.

Trước đây, khi đã được gọi là nhà văn nhà thơ thì bao giờ cũng ở tầm quốc gia. Mà đã ở tầm quốc gia thì cũng là tầm quốc tế. Được gọi là nhà văn nhà thơ là những người mà độc giả dẫu chưa gặp mặt nhưng đã được quen biết họ qua tác phẩm trên văn đàn, có tác phẩm được một bộ phận độc giả tâm đắc.

Hội Nhà văn Việt Nam qua theo dõi thường gợi ý để mời họ làm đơn vào Hội. Thêm những người như thế trở thành hội viên thì Hội sẽ mạnh lên, bởi mỗi người là một phong cách, mỗi nhà văn là một gương mặt sáng rõ. Một hội như thế thì tự hào lắm. Khi được giới thiệu là nhà thơ nhà văn cũng vinh dự giống như người giữ chức vụ, danh hiệu, học hàm, học vị cao sang khác. Tất nhiên những nhà văn nhà thơ khi ấy được biết đến tên tuổi thì đi liền với tên tác phẩm của họ.

Tôi có lúc nghĩ lẩn thẩn, nếu Hội Nhà văn có được kính chiếu Văn mầu nhiệm giống như kính chiếu yêu của Phật Bà Quan âm để phát hiện yêu tinh biến thành Tôn Ngộ Không giả thì hay biết bao nhiêu!

Cứ đặt tấm gương ấy ở trước cửa ngôi đền Hội Nhà văn, ai xin vào Hội thì phải đi qua, nhà văn thật đủ tiêu chuẩn thì sẽ vào được đền, còn nhà văn giả, tác giả còn non thì bị hình phạt nặng, chẳng hạn như phải kêu lên: "Tôi không xứng đáng là nhà văn!" và phải đi quét cổng đền, thì chắc chắn sẽ rất nhiều người không làm đơn và xếp hàng ở ngoài cổng nữa.

Và khi ấy, chắc chắn sẽ xóa được khái niệm văn chương địa phương hay tính nghiệp dư của văn chương mà chỉ còn khái niệm văn chương là văn chương, nhà văn là nhà văn mà thôi.

2. Tính thời sự và giá trị vĩnh cửu

Là người làm thơ viết văn ai cũng muốn những gì mình viết ra có giá trị vĩnh cửu. Nhưng điều ấy khó vô cùng. Đối với những nhà thơ nhà văn đích thực, mong ước ấy có khi cũng không đạt được một phần trăm. Còn văn chương trong cơ chế thị trường này, phấn đấu để một phần nghìn số tác phẩm xuất bản còn lại với thời gian e rằng cũng rất khó. Thì cứ thử tính, mỗi năm nước ta có một nghìn tác phẩm gọi là văn chương được in ấn, sao còn lại được một tác phẩm sống mãi với thời gian đã quý lắm rồi.

Nếu mỗi năm có một tác phẩm bất tử thì sau hơn hai chục năm đổi mới, nền văn chương nước nhà phải có được hơn hai mươi tác phẩm đặc sắc. Các nhà văn và những người yêu văn chương thử đếm xem có được không?

Nhưng làm thế nào để có được những tác phẩm hay, tác phẩm sống mãi với thời gian thì không ai có thể trả lời quả quyết được. Chúng ta có thể biết những yếu tố chung nhất, đường hướng, phương pháp để tác phẩm hay có thể ra đời. Nhưng cuộc sống luôn luôn có những yếu tố bất ngờ.

Có khi có đầy đủ các yếu tố để người tài, tác phẩm hay xuất hiện, nhưng thực tế thì nó vẫn không xuất hiện. Mà nó lại xuất hiện một cách bất ngờ ở những nơi còn thiếu những yếu tố thuận lợi đó. Thì đấy bao nhiêu nhà thơ ở thành phố đầy tri thức, đầy không khí văn chương nhưng đã không đẻ ra thần đồng thơ ca. Trần Đăng Khoa thì lại ra đời ở một vùng quê không có gì đặc sắc, mà bố mẹ thần đồng hoàn toàn là nông dân thuần túy.

Còn có nhiều người viết văn làm thơ đã khôn ngoan chỉ sáng tác về những chủ đề bất tử như tình yêu, thân phận con người. Tưởng rằng có thể bám vào đề tài, chủ đề muôn thuở để sống với muôn đời. Nhưng nếu để bất tử mà dễ thế thì rồi để đâu cho hết tên tuổi và tác phẩm mà các thế hệ sau phải mang vác?

Lại nhiều người sợ viết về những đề tài thời sự. Làm như thể viết theo yêu cầu của cuộc sống thì tác phẩm chỉ có giá trị nhất thời. Thật là một sự nhầm lẫn to lớn. Tất cả những tác phẩm bất tử đều là những tác phẩm ra đời theo yêu cầu của cuộc sống. Cuộc sống cần có tác phẩm ấy thì tác phẩm ấy ra đời. Lựa chọn thế nào được!

Chính cuộc sống đẻ ra những tài năng và tác phẩm danh tiếng. Mà những tác phẩm kết tinh giá trị văn chương của một thời thì sẽ có giá trị mãi mãi. Này nhé, tác phẩm "Chinh phụ ngâm" là tiếng nói oán thán chiến tranh phi nghĩa của thế kỷ XVII - XVIII, mà thế kỷ XX với hai cuộc kháng chiến chính nghĩa chống Pháp và chống Mỹ, sao tác phẩm này vẫn được đề cao?

Tôi không đồng tình với Trần Đăng Khoa khi anh viết trong tác phẩm "Chân dung và đối thoại" rằng: "Còn không ít những cuốn sách khác được gọi là tiểu thuyết chỉ là sản phẩm của một thời, thậm chí hạn hẹp hơn là sản phẩm của một cơ chế. Khi hợp tác xã nông nghiệp chia ruộng đất cho từng gia đình, làm ăn cơ bản như thời chưa có hợp tác xã, những cuốn sách viết về nó còn có ma lực cho các thế hệ sau nữa không? Và như thế toàn bộ sự nghiệp của ông Đào Vũ, ông Chu Văn và bà Nguyễn Thị Ngọc Tú sẽ được đưa lên cái cân bé tý đầy sóng gió này".

Thực ra, cân một tác phẩm văn chương là cân ở tài năng chứ không phải ở đề tài. Thì bây giờ các chiến sĩ cộng sản có còn ai bị tù đày đâu, chẳng nhẽ vì thế mà giá trị của tác phẩm "Nhật ký trong tù" lại giảm đi?

3. Tấm hộ chiếu

Đi nước ngoài, công dân nước nào cũng có hộ chiếu của mình. Trước đây đã thế, thời mở cửa, hội nhập vẫn thế. Vào Mỹ, nước vẫn tự mệnh danh là tự do, việc kiểm soát lại càng chặt chẽ hơn. Đó là đối với người. Còn đối với hàng hóa thì phải có thương hiệu, rõ ràng xuất xứ. Hàng hóa tinh thần, trong đó có văn chương cũng không ngoại lệ. Nói thế để thấy từ xưa đến nay văn chương luôn gắn với một dân tộc, mang đặc điểm riêng và khát vọng của mỗi dân tộc. Thời hội nhập kinh tế thì văn hóa phải giao lưu.

Giao lưu văn chương là mang những giá trị văn chương riêng nhất, đẹp nhất để giới thiệu với nhân loại, để họ nhìn rõ mình là ai, như thế nào. Thời hiện đại, nhân loại văn minh càng quý trọng những giá trị riêng. Thì việc bán tranh, hàng thủ công mỹ nghệ là như thế. Thế mà trong lĩnh vực văn chương nghệ thuật, nghe chừng giải quyết vấn đề này vẫn chưa xong.

Hội họa thì học theo nhiều trường phái của nước ngoài ngay từ trong sáng tác. Nhạc thì trong biểu diễn, nhạc rock, nhạc pop đang xâm chiếm lớp trẻ. Phim ảnh thì bạo lực, kinh dị cũng xuất hiện trên nhiều kênh truyền hình…

Văn chương thì một số tác phẩm học theo nước ngoài được tung hô, trao giải thưởng. Thế thì làm sao có thể xây dựng được nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Thế giới có ai học tập sáng tác nhạc theo các làn điệu dân ca Quan họ của mình đâu?

Cũng nào có ai sáng tác thơ học theo thể loại lục bát của Việt Nam? Họ thích dân ca Quan họ, thích "Truyện Kiều" là để thưởng thức thôi chứ! Thế thì tại sao thấy của họ, mình lại làm theo. Thử làm theo để vui một lúc thì còn được.

Đằng này, lại có cả những cơ quan có trách nhiệm tổ chức thi rồi trao giải những sáng tác, biểu diễn theo phong cách nước ngoài thì là nhầm lẫn rồi. Người ta cười cho chứ! Chúng ta thử hình dung mình sẽ phản ứng như thế nào nếu có một nước nào đó rầm rộ sáng tác và biểu diễn nội dung về dân tộc họ, mà lại theo làn điệu dân ca Quan họ của Việt Nam!

Chúng ta có cho họ vào biểu diễn ở nước mình không? Đó là một trò nhố nhăng chứ! Thế thì, vì sao chúng ta lại đương nhiên thừa nhận sự nhố nhăng ấy về phía mình? Không nên bài trừ, mạt sát các trường phái sáng tác của nước ngoài. Nhân dân các nước đó sẽ đánh giá đúng giá trị của các sáng tác ấy. Những gì tồn tại được tất nó phải có lý.

Nhưng mỗi chủ nghĩa, mỗi trường phái, mỗi trào lưu, mỗi phong cách chỉ phù hợp với một dân tộc, nhiều nhất thì có thể phù hợp với một vùng, một phương. Các văn nghệ sĩ Việt Nam hiện nay, nếu có tài không sáng tác theo các thể loại cổ điển của dân tộc nữa thì hãy sáng tạo ra những phong cách nghệ thuật mới chứ đừng học theo các trường phái, trào lưu của nước ngoài.

Theo đuôi họ làm ra những hàng nhái, hàng rởm để làm gì? Hàng nhái, hàng rởm là hàng hóa vật chất cũng còn bị tẩy chay, thì hàng nhái hàng rởm trong văn chương nghệ thuật làm sao có đất tồn tại? Góp gì cùng nhân loại trong thời đại hiện nay phải là sự trăn trở của các nhà văn nhà thơ có tự trọng.

Chắc chắn nhân loại không cần những sáng tác giống như những gì đã có. Thế thì đừng uổng công, phí sức làm theo ai cả. Cha ông ta đã góp với lịch sử nhân loại những kỳ tích chiến thắng Bạch Đằng, Điện Biên Phủ, chiến dịch Hồ Chí Minh…

Các doanh nhân hiện nay đang góp phần làm nên sự tích thần kỳ của phát triển kinh tế Việt Nam. Còn các nhà thơ nhà văn liệu có được những "Truyện Kiều" mới, "Chinh phụ ngâm" mới mang tấm hộ chiếu văn chương Việt Nam để giành giải Nobel Văn chương?

.
.