Thấy gì qua chuyện anh chàng "bị trục xuất vì quá đẹp trai" sắp tới Việt Nam?

Thứ Hai, 16/09/2013, 08:00

Thông tin anh chàng Omar Borkan Al Gala, người Ảrập "bị trục xuất vì... quá đẹp trai" sắp đến thăm Việt Nam vào giữa tháng 9 đang làm sôi sục dư luận. Sự kiện "siêu nhảm" này cộng với không khí nhộn nhạo của giới truyền thông lẫn dư luận đang khẳng định thị hiếu đáng ngại mà một bộ phận công chúng mải miết chạy theo: "Cuồng" hình thức, tôn sùng những giá trị ảo!

1. Omar là một anh chàng đẹp trai. Điều đó không thể phủ nhận vì cả thế giới điều biết Omar bị trục xuất khỏi lễ hội văn hóa ở thủ đô Riyadh (Ảrập Xêút) cùng với 2 người đàn ông đến từ Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất vào hồi tháng 4 với lý do vì... quá đẹp trai. Ban tổ chức lo ngại vẻ đẹp hút hồn của anh có thể khiến cho các quý cô, quý bà tại lễ hội quá mê mẩn, dẫn tới mất kiểm soát hành vi. Chuyện "bỗng dưng nổi tiếng" của Omar cứ như chuyện đùa. Truyền thông nước ngoài đưa tin sao thì biết vậy, nội tình nguyên nhân Omar bị trục xuất khó có thể tìm hiểu rõ ngọn ngành. Song điều quan trọng nhất là scandal đó nhanh chóng biến Omar thành người nổi tiếng thế giới. Nổi tiếng đến nỗi trang Facebook của anh cũng bị… trục xuất vì quá nhiều fan nữ truy cập và lượt người like lên tới hơn 790.000 thời điểm đó.

Lập lại trang Facebook mới, Omar nhanh chóng nhận được gần 1,3 triệu lượt thích, gần 200 ngàn người trên thế giới theo dõi hằng ngày, hằng giờ. Các cô gái được một phen "choáng, xỉu" trước gương mặt nam tính, lạnh lùng của chàng trai Ảrập, rồi mơ ước anh ấy "bị trục xuất" đến Việt Nam. Ước là ước vậy thôi. Không ngờ một ngày nọ, tờ tạp chí kia tổ chức họp báo, và việc Omar đặt chân đến Việt Nam chỉ còn là vấn đề thời gian. Khéo khen thay, tờ tạp chí nọ rất biết chiều lòng công chúng, hay nói khác hơn là nắm thóp công chúng. Theo lịch trình dự kiến, Omar sẽ đặt chân đến sân bay Tân Sơn Nhất, Tp Hồ Chí Minh vào ngày 11/9 và tham gia các hoạt động từ thiện, chụp ảnh thời trang, ăn tối cùng fan… đến ngày 13/9. Đồng thời anh sẽ tham gia một chương trình ca nhạc thời trang, giao lưu "Kết nối ước mơ" cùng các ca sĩ nổi tiếng của Việt Nam tại Sân vận động Quân khu 7.

Vì sao anh chàng được mời sang Việt Nam? Có 3 yếu tố: đẹp trai, đẹp trai, và… đẹp trai. Chấm hết. Có gì nữa không? Hình như có. Nhưng xem ra vô cùng nhạt nhòa. Công việc của anh chàng sinh năm 1990 này khi liệt kê cũng tốn nhiều giấy mực như: người mẫu, diễn viên, nhà thiết kế thời trang, nhiếp ảnh gia, nhà thơ… nhưng xem ra chúng quá nhạt nhòa so với sự cố "bị trục xuất vì quá đẹp trai". Cái người ta "thần tượng" anh chỉ có thế. Yếu tố này là "nhất", là "đủ" để anh được chào đón nồng nhiệt tại Việt Nam. Vậy mục đích của Omar đến Việt Nam làm gì? Rất nhân văn: làm từ thiện! Kể cả số tiền đấu giá để có một suất ăn trưa cùng Omar mà giá khởi điểm là 20 triệu đồng cho quý bà, quý cô, Omar cũng cho biết sẽ đem làm từ thiện hết. Thế nhưng, lại ngờ ngợ khi nghe thông tin để rước anh qua Việt Nam, Ban tổ chức phải đàm phán với anh ròng rã 13 tuần liền. Và xem ra số tiền cát-xê của anh khi đến Việt Nam "làm từ thiện" không phải là nhỏ.

Omar được phụ nữ tại nhiều nước trên thế giới chào đón chỉ bởi gương mặt... quá đẹp trai.

Về phía Ban tổ chức, họ tự hào cho biết vé của đêm nhạc giao lưu hoàn toàn miễn phí. Thế nhưng, không ai lại bỏ một số tiền khổng lồ để mời anh chàng này sang Việt Nam rồi chẳng thu lại một đồng nào. Đây là một cách làm thương hiệu, một chiêu PR hiệu quả. Cũng như trước đây, khi mời chàng trai không chân không tay Nick Vujicic đến Việt Nam, Tập đoàn Tôn Hoa Sen chẳng thu bộn tiền còn gì. Vừa có danh thơm, vừa có miếng ngon.

Còn khán giả thì được gì từ sự kiện "kỳ thú" này? Với Nick Vujicic, sau buổi diễn thuyết, khán giả nhận được bài học vượt lên số phận nghiệt ngã, cảm động trước những mảnh đời khổ đau để biết sống tốt hơn. Với đội bóng Alsenal, khán giả được thưởng thức những pha bóng đẹp mắt, trầm trồ trước kỹ thuật điêu luyện từ đôi chân thần thánh của các cầu thủ nổi tiếng thế giới. Với Lee Min Ho, Super Junio, SNSD… ít ra họ còn đem đến một bữa tiệc âm nhạc thú vị, mãn nhãn với màn vũ đạo tuyệt vời, hay hào hứng trước tài năng diễn xuất. Họ đại diện cho ý chí và tài năng cần cố gắng và luyện tập theo năm tháng. Còn với anh chàng Omar, có gì hay ho ngoài cái nhìn thuộc "vốn trời ban" cho anh trong phút chốc? Mà để nhìn được anh chàng, đâu phải dễ. Đêm nhạc dự kiến có 14.000 khán giả, để nhìn rõ mặt Omar, không còn cách nào khác là… chen và lấn (mà nghe nói trong đêm nhạc ấy, anh chẳng hát, chẳng diễn gì cả, chỉ lên đi lại, tạo dáng rồi giao lưu thôi). May mắn hơn khi quý bà, quý cô nào đó có dịp được mục sở thị, được ăn trưa cùng anh chàng điển trai này dăm chục phút. Dăm chục phút đó được "mua" với cái giá chắc chắn không hề rẻ. Vậy thôi, đó là những thứ mà khán giả được/mất.

2. Sự kiện này xem như là miếng mồi béo bở cho cơn đói của truyền thông khi show diễn của mỹ nam Hàn Quốc Lee Min Ho bị hủy đột ngột. Dường như việc mời các ngôi sao Hàn Quốc đến Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu lắng lại. Chào đón "anh chàng đẹp hơn hoa" Kim Bum mới đây, giới trẻ Việt xem ra không còn "cuồng" như lần đón các thần tượng Hàn Quốc Bi Rain, SNSD, Super Junio hay Big Bang. Tạp chí Korea Times dự đoán, trong vòng bốn năm tới, sơn sốt Hàn mang tên Hallyu (làn sóng văn hóa Hàn Quốc) sẽ hạ nhiệt trên toàn thế giới, mà trước tiên là ở khu vực châu Á. Việc hủy show Lee Min Ho và show diễn của nhóm nhạc thần tượng Hàn Quốc trước đó bắt đầu báo hiệu cho hiện tượng này tại Việt Nam. Nhiều người không còn thần tượng vẻ ngây thơ, dễ thương có phần… nữ tính hóa các mỹ nam Hàn Quốc mà nghiêng về thần tượng vẻ đẹp nam tính mạnh mẽ, lạnh lùng. Dù rằng chỉ cần đẹp mà đã trở thành thần tượng thì xem ra hơi quá.

Omar đến Việt Nam làm từ thiện hay giao lưu gì đó là một chuyện tốt. Chẳng có gì nghiêm trọng nếu cứ im ỉm mà làm. Thế nhưng, ngay từ khi có thông tin manh nha đến khi họp báo chính thức về chuyến thăm Việt Nam của anh chàng này, đã có hàng trăm bài báo mạng giật gân đủ kiểu. Có tờ báo mạng còn thực hiện nguyên một bài phân tích không thể "lá cải" hơn: Sự có mặt của Omar phần nào giải tỏa cơn khát cho phụ nữ Việt bởi có quá nhiều đàn ông Việt không có được vẻ đẹp nam tính đó. Có báo nhào vào phỏng vấn Omar, dù cuộc phỏng vấn rất nhạt nhòa về con người anh (vì bản thân anh có gì nổi trội về công việc cũng như tài năng đâu để mà nói?). Nhảm nhí hơn nữa, có báo hân hoan dự đoán sắp tới sẽ có running girl chẳng hề thua kém running man chạy theo đội tuyển Alsenal vì quá hâm mộ vẻ điển trai của anh chàng Omar (để nhằm nổi tiếng như running man). Mà không chỉ có một, mà là hàng chục, thậm chí hàng trăm running girl như thế. Omar chưa đến Việt Nam, nhưng độ nổi tiếng không thua kém bất cứ ngôi sao tầm cỡ thế giới nào. Giới trẻ Việt không ngày nào không bàn luận về anh chàng này trên mạng xã hội. Thế mới biết, chỉ cần đẹp mã là làm nên rất nhiều chuyện. Thế mới biết, bà Tưng, ông Tửng nhan nhản đầy trên mạng là vì cái gì. Từ thông điệp dẫn tới nhận thức, từ nhận thức dẫn tới hành vi. Từ chuyện Omar, nhiều người nhanh chóng cho rằng, có thể tạo nên sự nổi tiếng như cồn bằng những thứ dễ dãi, gây sốc, tạo ra giá trị ảo ru mộng danh vọng. Do đó, hễ thấy mình đẹp thì đua nhau khoe, bất kể trai gái. Công chúng cứ thế xuýt xoa cổ vũ. Hết khoe mặt thì khoe những vốn trời cho. Khoe như thế không ai ngó ngàng thì tự tạo scandal gây sốc… Miễn bàn đến tài năng, nhân cách. Chỉ cần nổi tiếng.

Một độc giả sau khi đọc một bài phỏng vấn Omar trên một tờ báo mạng đã bức xúc: "Đẹp trai là tiêu chí hàng đầu đánh giá toàn bộ một con người hay sao? Báo chí đang hướng dẫn giới trẻ lao vào những giá trị ảo một cách lệch lạc, góp phần định hình những suy nghĩ hời hợt phù phiếm. Thật đáng buồn!". Tự hỏi, truyền thông có nên "bị trục xuất vì… quá lố" chăng?

Phan Thi Uyên
.
.