Phim tài liệu "Lửa Thiện Nhân":

Thắp sáng những điều tử tế

Thứ Sáu, 02/10/2015, 08:00
Người Việt mình hiếm ai không biết câu chuyện cảm động của "chú lính chì" dũng cảm Thiện Nhân - chú bé bị mẹ bỏ rơi nơi vườn nhà khi vừa mới lọt lòng, bị động vật ăn mất một phần thân thể cách đây 10 năm.

Thiện Nhân, chú bé sơ sinh đặc biệt bất hạnh đã vượt qua cửa ải thần kỳ của số mệnh để đến được với sự sống. Nhưng kỳ diệu hơn chính là hành trình Thiện Nhân vượt qua bao gian nan, thử thách để đi tìm lại những sự sống đã mất. Trong hành trình tái tạo đó, bé đã chinh phục thế giới, kêu gọi lòng nhân ái bao la của cộng đồng chung tay cùng bé thắp lên ngọn lửa của lòng thiện tâm để cứu giúp hàng trăm số phận bất hạnh khác. Thế nên khi bộ phim "Lửa Thiện Nhân" công chiếu, khán giả hai miền Nam Bắc những ngày qua đã không thể bỏ qua sự kiện văn hóa đặc biệt này.

Bộ phim lấy cảm hứng từ cuộc đời thực của "chú lính chì" dũng cảm Thiện Nhân. Nhân vật trong phim đều là những con người trong đời thực, bước từ đời thực lên màn ảnh, mang câu chuyện của chính cuộc đời họ để kể cho mọi người nghe, cùng chia sẻ với mọi người. Nhân vật chính là bé Thiện Nhân, tiếp đến mẹ nuôi chị Trần Mai Anh (con gái nhà văn Trần Mai Hạnh và nhà thơ Bùi Kim Anh), người đã đón Thiện Nhân từ mái tranh nghèo ở ngôi làng trên núi, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam ra Hà Nội nuôi dưỡng, chăm sóc và cùng bé trong hành trình quyết tâm tìm kiếm tái tạo sự sống. Chị Mai Anh cũng chính là người dẫn chuyện khiêm nhường cho toàn bộ nội dung của bộ phim trong vòng 1 giờ đồng hồ.

Bé Thiện Nhân đang sống những ngày tháng hạnh phúc bên gia đình mẹ nuôi Trần Mai Anh.

Ông Grieg Craft (Chủ tịch Quỹ phòng chống thương vong châu Á), chị Na Hương, Giáo sư Đinh Tuệ và những tấm lòng hảo tâm khác ở những quốc gia khác nhau trên thế giới đã vượt qua mọi rào cản ngôn ngữ, định kiến xã hội, bằng lòng trắc ẩn cùng tình yêu thương nhân ái họ đã tụ lại bên nhau, cùng chung sức làm tất cả những gì có thể để đưa Thiện Nhân đi qua nhiều bệnh viện trong và ngoài nước, gặp các chuyên gia y tế nổi tiếng thế giới tìm kiếm tái tạo sự sống cho bé. Cuộc gặp gỡ may mắn với bác sĩ Dr. Roberto De Castro - bác sĩ phẫu thuật tài ba của bệnh viện Bologna (Ý) đã mang đến cho Thiện Nhân và những người đồng hành cùng bé một bước ngoặt lớn của số phận.

Bác sĩ Roberto De Castro cũng như Grieg Craft, chị Na Hương, mẹ Mai Anh, giáo sư Đinh Tuệ là những người hẳn đã có sự run rủi lạ kỳ của số phận để sắp xếp cho họ đến được bên Thiện Nhân, cùng Thiện Nhân thắp lên một nguyện ước lớn. Nếu gọi Thiện Nhân là một thiên sứ, thì những người bạn đồng hành bên bé là những thiên thần. Sau thành công của bé Thiện Nhân, những người bạn đồng hành cùng bé đã quyết định thành lập "quỹ Thiện Nhân" để tiếp tục kết nối công việc từ thiện. Sau Thiện Nhân, có biết bao nhiêu những bạn nhỏ trên dải đất hình chữ S này không may bị khiếm khuyết bộ phận sinh dục do tai nạn, thiên tai, do bẩm sinh.v.v.v đã được quỹ Thiện Nhân giúp đỡ, kết nối và phẫu thuật miễn phí.

Dr. Roberto De Castro - bác sĩ phẫu thuật tài ba của bệnh viện Bologna, người đã phẫu thuật tái tạo bộ phận sinh dục thành công cho Thiện Nhân, mang lại sự sống cho bé đã quyết định sang Việt Nam tiếp tục giúp đỡ nhiều bạn nhỏ khác cũng bị khiếm khuyết bộ phận sinh dục do nhiều lý do khác nhau. Đến nay đã có hơn 400 bệnh nhân khác được khám và phẫu thuật miễn phí, cứu giúp cho bao mảnh đời, bao số phận chìm trong buồn tủi, mang lại niềm vui, hạnh phúc, sự tự tin cho các bé, cho bố mẹ gia đình các bé. 

 Đạo diễn Đặng Hồng Giang cùng các cộng sự trong Hãng phim Oriental Pictures đã theo đuổi câu chuyện này trong vòng 3 năm để có thể có được những thước phim quý, những khuôn hình đắt giá, những khoảnh khắc chân thực xúc động. Ông và hãng phim đã mang đến cho khán giả trên thế giới một bộ phim tài liệu quý giá có sức lay động hàng triệu con tim về lòng nhân ái. Bộ phim "Lửa Thiện Nhân" được chọn chiếu khai mạc "Liên hoan phim (LHP) độc lập New York 2014" diễn ra tại Mỹ cách đây 1 năm. Bộ phim này đã được Ban tổ chức LHP chiếu mở màn dù có hơn 200 phim bộ phim khác cùng tham gia.

Đạo diễn Đặng Hồng Giang chia sẻ: "Tôi nguyện mang nỗ lực của mình kể những câu chuyện đẹp về tình yêu thương, về sự tử tế trong đời sống để làm đối trọng với những bi kịch, những chết chóc, xoa dịu những nỗi buồn, để mọi người có niềm tin vào cuộc sống này". Và khán phòng trong ngày ra mắt bộ phim đầu tiên ở Mỹ như chị Mai Anh chia sẻ đã lấy đi không ít nước mắt, niềm xúc động và tình người ấm áp như ngọn lửa hồng đã sưởi ấm bao cuộc đời, bao số phận bất hạnh. Thiện Nhân sinh ra để hoàn thành sứ mệnh của một thiên sứ trong cuộc đời này.

Không truyền thông rầm rộ. Chỉ là những chia sẻ của các bà mẹ trên mạng xã hội, nhưng "Lửa Thiện Nhân" đã trở thành một sự kiện văn hóa có hiệu ứng lan truyền đặc biệt trên các trang mạng xã hội cũng như ngoài đời thực. Những ngày cuối tháng 10 này, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh công chiếu bộ phim tài liệu "Lửa Thiện Nhân". Hiếm khi khán giả của hai thành phố lớn lại có dịp chen chân, đặt chỗ hàng tuần ở một địa điểm rạp chiếu phim nhỏ bé, khiêm nhường ở một nơi không tối tân hiện đại như những rạp phim lớn để có thể mong  mua được những suất vé cho cả gia đình bé nhỏ của mình đi xem "Lửa Thiện Nhân".

Điều này để thấy rằng, không phải cứ là những bộ phim thời thượng, bom tấn, hay những bộ phim đoạt nhiều giải OSCAR thì mới có thể kéo được nhiều khán giả tới rạp đông đến như vậy. Một bộ phim tài liệu chân thực xúc động vẫn có thể viết nên những kỳ tích. Hiện tượng "Lửa Thiện Nhân" cho thấy khán giả Việt Nam đã quá bội thực chán chường với những phim ảnh kiểu thị trường như phim hài, phim hành động, phim tâm lý rẻ tiền... Họ cũng đã mệt mỏi bởi những mĩ từ của truyền thông báo giới trong những chiến dịch quảng cáo rầm rộ dành cho mọi bộ phim chuẩn bị ra rạp. "Lửa Thiện Nhân" giản dị chỉ là một câu chuyện do mẹ nuôi Trần Mai Anh kể lại.

Giản dị từ lời kể, tiết kiệm từng chi tiết, kiệm cả những giọt nước mắt, những hình ảnh đau thương. Phim không câu khách bằng hiện thực nỗi đau, không lấy nước mắt của khán giả từ nỗi bất hạnh có thực. Phim giản dị, trong trẻo và trên cái bản chất bi thương của câu chuyện thật, trên cái nền đau đớn, xa xót của số phận bé Thiện Nhân, ta thấy lấp lánh ánh sáng của niềm lạc quan, yêu đời, yêu cuộc sống. Đâu đó những nụ cười nhiều hơn nước mắt vẫn lan tỏa trong trái tim mỗi người đập rung động theo từng phút phim trôi qua. Và bao trùm lên bộ phim một không khí ấm áp. Từ đống tro tàn của nỗi đau thể xác và tinh thần mà bé Thiện Nhân đã trải qua, có một ngọn lửa ấm áp diệu kỳ đã được những người quanh bé thắp lên, nâng niu, nuôi dưỡng.

Lửa Thiện Nhân không chỉ dành cho Thiện Nhân, cho những ai bất hạnh mà dành cho tất cả chúng ta những người lành lặn, khỏe mạnh hãy sống tốt hơn, nhân ái hơn, thiện tâm hơn trong cuộc đời này. Qua đây cũng để thấy rằng khán giả Việt Nam luôn sẵn sàng ủng hộ phim Việt và không bao giờ quay lưng lại với phim Việt nếu bộ phim được làm bằng tất cả sự tử tế. Tử tế ở chất lượng nội dung, tử tế ở chất lượng nghệ thuật, và trên tất cả, sự tử tế bao giờ cũng có chỗ đứng, tồn tại vững chắc và có sức sống mãnh liệt, lay động tới tâm can của con người. 

Đi xem "Lửa Thiện Nhân" còn thêm một niềm hạnh phúc nữa là chúng ta có thể góp thêm một phần nhỏ bé của mình vào "quỹ Thiện Nhân" để ngọn lửa về lòng trắc ẩn, tình yêu thương, sự bao dung luôn được thắp sáng trong mỗi chúng ta, trong đời sống này. Để cảm nhận một điều rõ ràng rằng sức nóng của điều tử tế bao giờ cũng có sức lan tỏa đặc biệt. Cảm ơn "chú lính chì" dũng cảm Thiện Nhân và bộ phim đã mang lại những ý nghĩa sống thiêng liêng cho tất cả những ai đã đến khán phòng xem bộ phim này. Xin được chia sẻ thêm ở bài viết này bài thơ của nhà thơ Bùi Kim Anh, bà ngoại nuôi của Thiện Nhân, mẹ của chị Trần Mai Anh, người đã âm thầm phía sau những gian lao vất vả nhưng cũng ngập tràn hạnh phúc của con gái bà kể từ ngày gia đình bà đón Thiện Nhân về nuôi. Bài thơ bà viết tặng cho cháu trai Thiện Nhân của mình.

Dành cho Thiện Nhân

Bùi Kim Anh

Cháu khóc đi khóc xé cho khoảng trời vô tình mở toang làn mây trắng
cháu khóc đi hét tiếng kêu đau lắm
nghe đứa bé đang gào gọi mẹ mà
                                               kêu
đừng mím chặt đôi môi nhợt sắc máu
đừng nhìn vào mũi tiêm bằng đôi mắt non soi xét
ca mổ này dành riêng một kiếp nhỏ nhoi
ca mổ này dành đớn đau lò cò
nhảy lò cò đi qua ráo hoảnh
những đôi mắt mang khuôn hình lương tri
chúng ta đi qua những đôi mắt mang khuôn hình lương tri
lòng từ tâm dán lại bằng hai miếng dính nổi gai
không cần biết
không bao giờ chờ đợi
chỉ rưng rưng chỉ lẳng lặng rơi giọt mắt trong veo

bà ôm cháu bằng đôi tay lùng bùng da dẻ tuổi già
bà ôm cháu bằng trái tim của người đàn bà rám màu gió cát
sợ hãi khiến cơn đau co rúm
nhét sợ hãi bẹp dưới làn da tái
khóc toáng lên đi
vòng tay bà run run níu vào chịu đựng của cháu
cơn đau rồi tiếp chuỗi cơn đau
nhận thấy rồi tiếp chuỗi nhận thấy
xâu sợi màu thời gian

rồi lọc cọc qua phố bằng một chân còn lại
bình thản một tia nắng sớm.

Như Bình
.
.