Thanh minh trong tiết tháng ba

Thứ Hai, 30/04/2018, 08:03
Người dân quê tôi chọn ngày mùng 3 tháng 3 âm lịch hằng năm làm ngày “rải mả” - ngày Tảo mộ, hay gọi cách khác “slo slam bươn slam” Tết Thanh Minh. Tôi nghe nói tục này được bắt nguồn từ phương Bắc, người Hán gọi là tết Hàn thực.


Chuyện kể rằng, vào đời Xuân Thu, vua Tấn Văn Công gặp loạn, phải bỏ kinh thành mà đi lánh nạn. Nhà vua nay đây mai đó rất gian khổ và đầy sự nguy hiểm thách thức. Lúc bấy giờ, có một người tên là Giới Tử Thôi, ông là một hiền sĩ theo vua để hiến kế.

Trên đường lánh nạn, tới một hôm lương thảo cạn kiệt, không còn gì ăn nữa, nghĩ mãi Giới Tử Thôi bèn lén cắt một miếng thịt đùi của chính mình nấu chín rồi dâng lên vua. Ăn xong nhà vua mới biết sự thể và vô cùng cảm kích người cận thần gần gũi của mình.

Trải qua biết bao gian chuân nguy hiểm, rồi vua Tấn Văn Công cũng giành lại ngôi báu, trở lại làm vua nước Tấn. Ngài lập tức phong thưởng cho những ai đã hết lòng phụng sự, nhưng lại quên mất Giới Tử Thôi. Không những không oán hận, Giới Tử Thôi còn vui lòng khi thấy mình đã hoàn thành nghĩa vụ của một bầy tôi trung thành trước vua.

Giới Tử Thôi từ giã kinh thành, trở về nhà rồi đưa mẹ vào núi Điền Sơn ở ẩn. Vua Tấn Văn Công lúc bấy giờ mới sực nhớ ra người đã cứu mình. Ngài cho người đi khắp nơi tìm bằng được Giới Tử Thôi triệu về để ban thưởng. Nhưng Giới Tử Thôi cương quyết không chịu rời Điền Sơn về kinh nhận thưởng. Vua Tấn Văn Công bèn ra lệnh cho đốt rừng, bắt buộc Giới Tử Thôi phải ra. Nhưng ông thà chịu chết cháy nhất định không chịu tuân lệnh vua ban.

Vì quá thương xót một bầy tôi hết lòng tận tụy phục vụ mà bị chết oan, vua cho xây miếu thờ và ra lệnh toàn dân kiêng đốt lửa ba ngày, chỉ ăn đồ nguội, để tưởng nhớ công đức Giới Tử Thôi.

Ở Việt Nam cũng theo tục ăn Tết Hàn thực ngày 3 tháng 3. Tuy nhiên mỗi dân tộc cúng tổ tiên theo cách riêng của mình. Người Kinh chỉ cúng bánh chay bánh trôi để thay cho đồ lạnh, ít có liên hệ với tích Giới Tử Thôi

Còn người Tày Nùng lại theo cách của riêng mình. Đây là dịp con cháu sửa sang mồ mả tổ tiên. Đó là ngày duy nhất trong năm mở cửa mồ. Con cháu tỏ lòng hiếu thảo, tri ân công đức tổ tiên. Người trên dương thế được gặp hồn vía người âm. Người âm hiện hồn lên trò chuyện cùng con cháu. Hồn người âm khi là một luồng gió quẩn. Khi là một con bướm vàng bay lên đậu xuống. Khi là con ong đất. Khi là con kiến nâu. Khi là làn khói trắng cuộn thành hình ống…

Tết tảo mộ tiến hành trong tiết trời ấm áp, núi rừng cây cỏ sông suối sạch làu làu, lòng người thư thái thanh thản. Vào cữ này, hãy còn có tý ty hương sắc mùa xuân, đó đây còn hây hẩy gió buồn. Nắng mùa hè chưa đến nên cũng không nắng nóng gay gắt. Những người thân đi làm ăn xa, lần lượt vào đến ngõ vào tới nhà. Tết Nguyên đán, giỗ chạp hoặc cưới xin, đầy tháng… vì mải bận công việc, không thu xếp về được. Chẳng một ai phàn nàn ta thán. Nở một nụ cười thông cảm, thế là xong. Nhưng đến ngày tảo mộ vắng mặt, thì lập tức bị người làng cười chê. Người anh em trong họ mạc trách mắng. Người trong nhà bực tức và giận giữ. Cả năm có một ngày về gặp tổ tiên, thế mà chẳng thấy tăm hơi thằng ấy đâu.

Từ sáng sớm, trước khi mặt trời lên, người người gồng gánh, dao cuốc, mâm bát, hương nến, quần áo, vàng mã… đi ra nghĩa trang. Mâm cỗ cúng trước mộ tổ tiên phải đầy đủ những món xôi ngũ sắc, bánh gai, gà thiến luộc cả con, cá chép rán vàng, thịt lợn rán bì giòn, măng vầu hấp thịt nạc, đậu chao…. Cúng xong, cả họ ngồi quây quần thụ lộc.

Người âm nhìn người dương ăn uống. Thấy con cháu ăn khoẻ, ham học, ham làm, biết kính trên nhường dưới, hồn người âm lấy đó làm mừng. Lửa bốc lên thành đám. Lửa vỗ tay như tiếng sao rơi. Lửa tung ra những chùm hoa phát sáng. Nhưng nếu con cháu biếng ăn, chỉ chăm chơi đánh đề, đánh bạc, học hành dốt nát nhưng lại kiêu căng khinh người, hồn người âm buồn rầu.

Hương đang cháy, bỗng lụi. Nến đang sáng, bỗng phụt tắt. Biết là hồn người âm không vừa lòng. Người dương lập tức bảo nhau sửa mình. Cha phải làm gương sáng cho các con. Anh phải đáng làm anh, để đàn em nể phục. Ai có lỗi thì dập đầu xuống đất ba lạy. Chắp hai tay ba vái. Vái từ đỉnh đầu xuống trán. Từ trước trán xuống ngang tim. Mọi việc đều đi từ trái tim, từ lòng thành cầu gì ắt sẽ được như nguyện.

Tết tảo mộ là một nét văn hóa độc đáo vùng Tày Nùng. Dù ăn đâu làm đâu nhớ ngày mùng Ba tháng Ba về quê thắp hương cúng tổ. Có thể xem đây là ngày Tết cổ truyền của hai dân tộc Tày Nùng. Tết tảo mộ không kém phần quan trọng so với Tết tháng Giêng năm mới.
Y Phương
.
.