Ca nương Phạm Thị Huệ:

"Tay yếu gieo lòng xuống chiếu hoa"

Thứ Ba, 30/09/2014, 08:00
Nghệ thuật ca trù vừa có một mùa sôi động với Liên hoan ca trù toàn quốc được tổ chức tại Hà Nội. Trong gần 300 gương mặt nghệ nhân góp mặt tại liên hoan lần này, có những gương mặt mới chập chững vào nghề, nhưng cũng có những cái tên đã trở nên quen thuộc với những ai quan tâm đến ca trù. Phạm Thị Huệ là cái tên như thế...

Gương mặt hiền hòa vương vấn nét buồn, cho đến nay chị vẫn là ca nương hiếm hoi của làng ca trù vừa là "đào" lại đồng thời là "kép" khi chị vừa có thể hát lại vừa có thể đàn. Dù đường đời cũng lắm nỗi truân chuyên, nhưng ca nương Phạm Thị Huệ của hôm nay đã thấy lòng được bình an khi nhận ra "sứ mệnh" của mình với ca trù. Với ca trù, chị vừa là người tiếp lửa vừa thấy mình như thể là một con "thiêu thân", tự hiến mình cho lửa…

Tôi gặp ca nương Phạm Thị Huệ trong một buổi chiều thu Hà Nội thênh thang nắng nhẹ. Bước qua tuổi 40, chị vẫn giữ được vẻ đẹp thanh thoát, nhẹ nhàng. Chị ngồi trước tôi trong bộ y phục trẻ trung, năng động, dáng vẻ nom khác hẳn hình ảnh quen thuộc là cô đào áo dài, khăn vấn ngồi gõ phách nhả lời thơ hay ôm đàn đáy thả mình theo từng tiếng tơ. Không hiểu sao, hình ảnh ấy quen thuộc tới mức, nhìn chị ôm đàn biểu diễn, nhiều người ngỡ như chị vừa bước ra từ bức tranh tố nữ ôm đàn thời xưa. Chị bảo rằng, được mọi người nhớ đến với hình ảnh ấy với chị cũng là niềm vui, niềm an ủi cho những cố gắng, nỗ lực suốt bao tháng ngày theo đuổi và dấn thân với ca trù rồi.

Lâu nay, người ta đã quen gọi Phạm Thị Huệ là "ca nương" hoặc "đào nương" mà không biết rằng, trước khi đến với ca trù chị đã là giảng viên bộ môn đàn tỳ bà của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Sinh ra ở Quảng Ninh, cô bé Phạm Thị Huệ đã sớm bộc lộ năng khiếu và niềm đam mê với các nhạc cụ dân tộc. Biết được điều này, năm lên 8 tuổi, cha mẹ đã cho cô bé thi vào Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam (khi đó còn gọi là Nhạc viện Hà Nội). Và từ đó, cô bé theo học đàn tỳ bà với cô giáo, NSND đàn tỳ bà Mai Phương.

Tốt nghiệp loại ưu, Phạm Thị Huệ được giữ lại làm giảng viên Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam từ đó đến nay. Đã nhiều thế hệ học trò theo học đàn tỳ bà được chị đưa "qua sông" với niềm đam mê chưa khi nào vơi cạn, kể cả khi chị đã thành danh với ca trù. Giống như nghệ thuật ca trù, cây đàn tỳ bà mà chị theo đuổi cũng từng bị thất truyền, lưu lạc trong dân gian và ít người biết đến. Đổ công học hành từ tấm bé, lúc nào Phạm Thị Huệ cũng tha thiết được trình diễn, được truyền nghề và truyền tình yêu với cây đàn tỳ bà cho người khác. Sau này, có người tưởng rằng, vì quá đam mê ca trù mà Phạm Thị Huệ đã bỏ bẵng cây đàn tỳ bà. Nhưng không phải, xem ra đàn hát với chị đã là duyên nghiệp đến từ tiền kiếp rồi.

Trong căn nhà nhỏ của chị, đã nhiều năm qua lúc nào cũng tràn ngập thanh âm của âm nhạc truyền thống, khi thì luyện ngón đàn, lúc tập hát. Có nhiều lúc chỉ có một mình, tự hát cho mình nghe, đàn để tự ru lòng mà nước mắt chị lặng lẽ rơi lúc nào chẳng hay...

Phạm Thị Huệ tâm sự rằng, chị "phải lòng" ca trù lần đầu tiên là vào quãng năm 1992, khi nghe cuốn băng hát ca trù của nghệ nhân Quách Thị Hồ. Năm ấy, chị vừa tròn 20 tuổi. Cái ngày "bén duyên" ấy đã cách hôm nay rất xa, nhưng Huệ tâm sự rằng không hiểu sao chị có cảm giác như lạc vào một thế giới khác. Và tiếng hát của nghệ sĩ tài danh một thuở Quách Thị Hồ mà chị nghe được vào cái khoảnh khắc ấy cũng rất kỳ lạ, như thanh âm được vọng đến từ cõi khác, vừa thực lại vừa như mơ, khiến chị bị "chấn động" hoàn toàn, giống như người ta gặp phải tiếng sét ái tình. Từ cái phút bị mê hoặc ấy, như có điều gì mách bảo Huệ rằng hãy tìm đến với ca trù. Nhưng đó là những năm tháng Huệ còn quá trẻ, còn bị phân tán bởi nhiều mối quan tâm, lại còn "đèo bòng" ước mơ trở thành người viết nhạc. Thêm việc lúc ấy chẳng biết làm thế nào để tìm được nghệ nhân Quách Thị Hồ...

Cũng phải đến gần chục năm sau, khi lần đầu tiên được gặp nghệ nhân ca trù Nguyễn Thị Chúc tại một địa chỉ ca trù Hà Nội là Bích Câu đạo quán, ca trù một lần nữa khiến Phạm Thị Huệ say đắm. Tiếng hát của nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc đã thổi bùng lên trong chị ngọn lửa vốn đã âm ỉ trong lòng từ lâu. Năm lần bảy lượt xin học nghề nhưng lúc đó nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc vẫn không nhận lời, chị lại tìm đến với NSƯT Phó Thị Kim Đức. Tiếc thay, NSƯT Phó Thị Kim Đức cũng không thể nhận lời bởi khi đó bà đã có học trò "chân truyền". Suốt mấy năm liền, Phạm Thị Huệ cứ mày mò tự tìm hiểu trong sách vở, học lỏm, học mót. Mãi đến cuối năm 2005, nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc mới "xiêu lòng" trước niềm đam mê của chị với ca trù và nhận chị làm đệ tử chân truyền. Bà đã truyền cho Huệ kỹ thuật "ém hơi, đổ hột" điêu luyện mà tài tình của mình - yếu tố quyết định bà trở thành giọng ca trứ danh của đất Hà thành.

Cũng trong năm ấy, Huệ được danh cầm Nguyễn Phú Đẹ nhận làm học trò ngay từ lần đầu tiên chị cầm vào cây đàn đáy. Trong suốt một thời gian khá dài, tuần thì chị cùng con gái về Ngãi Cầu (Hoài Đức, Hà Nội) học hát, tuần lại gửi con về Tứ Kỳ (Hải Dương) học đàn. Với tài năng thiên bẩm và sự nhạy bén hiếm có, Phạm Thị Huệ đã nhanh chóng thành thạo 5 khổ đàn cơ bản ứng với 5 khổ phách và khoảng 20 thể cách. Đến giữa năm 2006, Huệ đã được các thầy đồng ý cho tổ chức lễ "Mở xiêm y" - lễ tốt nghiệp dành cho ca nương bước vào con đường ca hát chuyên nghiệp. Đây cũng chính là lễ "Mở xiêm y" đầu tiên được khôi phục sau gần nửa thế kỷ ca trù vắng bóng. Chị trở thành "đào đàn" đầu tiên được các nghệ nhân và các nhà nghiên cứu thừa nhận.

Năm 2009, Phạm Thị Huệ đã cùng với thầy Nguyễn Phú Đẹ ra mắt CD "Ca trù- Singing house". CD gồm 6 bài nổi tiếng của làng ca trù là: "Thét nhạc" (thơ cổ), "Gửi thư" (thơ cổ), "Chữ nhàn" (thơ Nguyễn Công Trứ) và ba tác phẩm thơ Cao Bá Quát là "Giai nhân nan tái đắc", "Phận hồng nhan" và "Tràng An hoài cổ" được nhiều người chú ý.

Ca nương Phạm Thị Huệ tâm sự: "Sau sự đổ vỡ của hôn nhân, một mình với con nhỏ trên tay, tôi cũng không ít lần chống chếnh. Ca trù với tôi thực như một cứu cánh. Nó khiến tôi như tìm lại được chính mình với niềm đam mê, khát vọng chinh phục. Và khi đã chiến thắng được bản thân để đến với ca trù thành công, tôi lại muốn truyền tình yêu này sang cho những người quanh mình. Lập ra CLB Ca trù Thăng Long là cách tôi hiện thực hóa giấc mơ của mình. Tôi mong muốn ca trù có mặt nhiều hơn trong đời sống, có khán giả dù đến nay nó vẫn ít và nhỏ lẻ. Và các nghệ sĩ, nghệ nhân ca trù có nhiều hơn cơ hội trình diễn trước công chúng, có thể sống được bằng nghề. Có như thế thì ca trù mới có thể tồn tại được!".

Gần đây, Phạm Thị Huệ bắt đầu chăm lo nhiều đến việc đào tạo thế hệ "đào - kép nhí" để tạo ra một thế hệ kế cận. Chị cũng mong trong một tương lai không xa, ca trù sẽ là bộ môn nghệ thuật được đưa vào giảng dạy chính thức trong nhà trường.

Cùng với CLB Ca trù Thăng Long của mình, Phạm Thị Huệ đã đem ca trù đi chu du nhiều nước trên thế giới như Pháp, Mỹ, Thụy Điển, Nhật Bản, Hàn Quốc... Luôn tha thiết mong muốn được đem nét đặc sắc văn hóa của Việt Nam - một di sản văn hóa phi vật thể ra với thế giới, cách trình diễn đặc biệt của chị đã khiến nhiều bạn bè quốc tế ái mộ. Tôi hỏi chị, tự khi nào chị ý thức được "sứ mệnh" của mình trong kiếp này là gắn với ca trù thì chị bảo: "Đó chính là cái đêm được biểu diễn cùng nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc vào năm 2006 trên sân khấu Nhà hát Lớn. Những cảm xúc của đêm diễn ấy, sự xúc động bởi sự đón nhận của khán giả đã khiến trong phút chốc tôi nhận ra, dù ngày mai có thế nào, tôi cũng không bao giờ từ bỏ ca trù. Lúc ấy, tương lai của ca trù còn rất mờ mịt. Và ngay cả bây giờ, đám mây đen ấy cũng chưa hẳn đã tan. Nó chỉ ở... xa xa và nguy cơ đe dọa vẫn còn tiềm ẩn. Ca trù lại có thể... mất dấu một lần nữa, nếu chúng ta không quan tâm".

Khác với nhiều người chơi đàn chuyên nghiệp, Phạm Thị Huệ có đôi bàn tay rất nhỏ nhắn và không hề trường ngón. Chị cho biết, việc ấy cũng không ảnh hưởng gì tới việc chơi đàn, ngoài việc chị phải luyện gân bên trong nhiều hơn những người khác. Điều này khiến tôi nhớ đến câu thơ của Trần Huyền Trân viết tặng nghệ nhân Quách Thị Hồ: "Người ơi mưa đấy? Hay sênh phách/ Tay yếu gieo lòng xuống chiếu hoa...". Ca nương Phạm Thị Huệ dường như cũng đang nối tiếp tiền nhân, gieo lòng mình vào từng nhịp phách, nốt nhạc, lời ca... Nhưng tôi tin rằng, đến nay chị không còn đơn độc với "sứ mệnh" của mình nữa...

Nguyệt Hà
.
.