Tạp chí Văn hóa – Văn nghệ CAND thời kỳ “ở riêng”

Thứ Bảy, 11/11/2006, 10:30

Những ngày đầu, bên cạnh những khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, Tạp chí VH-VN CA còn gặp những khó khăn về mặt nhân lực. Tiếng là có cả một hội đồng biên tập gồm toàn những cây bút tên tuổi, song thực tế ai nấy đều có nơi có chốn của mình. Vai trò của họ đa phần chỉ là “đánh trống ghi tên”.  Một mình chủ biên kiêm biên tập viên Hữu Ước phải lo chạy bài, biên tập bài, lo in ấn lẫn phát hành.

Vào giữa những năm chín mươi của thế kỷ trước, trong tình hình nền kinh tế thị trường ở ta đang phát triển mạnh, nhiều cơ quan báo chí đã liên tiếp xin ấn hành thêm kỳ, như ra thêm những số Cuối tuần, số Chủ nhật… nhằm đáp ứng nhu cầu nắm bắt thông tin cũng như nhu cầu giải trí, thư giãn của người đọc trong những ngày nghỉ.

 Điểm lại các ấn phẩm báo chí trong Lực lượng Công an tới thời điểm ấy, chúng ta có thể thấy: Ở thể loại báo in, đến thời điểm tháng 1/1995, Lực lượng Công an chỉ có 5 đơn vị báo chí, kể cả ở Trung ương và địa phương: Đó là các báo Công an Nhân dân, Công an TP Hồ Chí Minh, An ninh Thủ đô, Công an Nghệ An và Công an Đà Nẵng.

Nhìn sang phía Quân đội, ngoài lực lượng hùng hậu các ấn phẩm ở trung ương và các quân khu, còn có tờ báo chuyên trách về mảng văn học nghệ thuật với một bề dày gần bốn mươi năm tồn tại và phát triển là tờ tạp chí Văn nghệ Quân đội. Việc ngành Công an cần có một tờ báo chuyên sâu về lĩnh vực này là một đòi hỏi chính đáng và bức thiết.

Các nhà văn, nhà thơ gắn bó với VH - VN CA từ những ngày đầu thành lập. Từ trái qua: TBT - nhà văn Hữu Ước, nhà văn Nguyễn Khắc Trường, nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà thơ Trần Anh Thái và nhà thơ Trần Ninh Hồ.
Thật ra, ước nguyện về một ấn phẩm báo chí dành riêng cho đội ngũ những người làm công tác văn học nghệ thuật của Lực lượng Công an đã được các bậc nhà văn đàn anh trong ngành ấp ủ từ lâu. Theo như nhà văn Văn Phan hồi tưởng lại (bài in trên Tạp chí VH-VNCA số tháng 8/2003) thì cả khi ngành Công an đã có nhà xuất bản và báo Công an TP Hồ Chí Minh, nhà văn Lê Tri Kỷ - nhà văn đầu tiên của Lực lượng Công an vẫn ôm ấp mong ước có được một tờ Tạp chí Văn nghệ Công an. Ông cho rằng tờ tạp chí sẽ “là nơi văn nghệ sĩ cả nước tìm hiểu và sáng tác về đề tài công an, một đề tài tuy còn ít người khai phá nhưng hứa hẹn là mảnh đất màu mỡ của giới sáng tác. Đây cũng sẽ là nơi tốt nhất để phát hiện, đào tạo đội ngũ sáng tác của ngành Công an”. Tuy nhiên, vì những nguyên nhân chủ quan và khách quan, phải hai năm sau khi nhà văn Lê Tri Kỷ từ giã cõi đời, ước nguyện của ông mới thành hiện thực.

 Nói cho chính xác thì khi đề xướng ra tờ tạp chí, nhà văn Hữu Ước (bấy giờ anh còn rất trẻ, mới 42 tuổi, là cán bộ thuộc biên chế X12) chưa nhận được nhiều ý kiến đồng thuận của các cấp lãnh đạo. Thậm chí có người còn hỏi vặn: “Ngành Công an sao lại có văn hóa - văn nghệ?”. Bản thân nhà văn Hữu Ước vừa trải qua một cơn hoạn nạn nên cũng chưa có sự đảm bảo để cơ quan chủ quản giao phó cho nhiệm vụ “cầm trịch” tờ báo. Nhưng với sự tự tin hiếm có và quyết tâm cao độ, anh đã thuyết phục được lãnh đạo Bộ rằng anh sẽ gây dựng tờ báo tới nơi tới chốn, dù phải “độc lập tác chiến”.

Số 1 của VH-VN CA đã ra mắt bạn đọc vào tháng 2/1995. Đây là số báo mang tính thể nghiệm, với chủ biên Hữu Ước và một hội đồng biên tập do anh “mượn tạm” ở bên ngoài, trong đó các nhà văn, nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phan Tường Niệm được giao phụ trách trang thơ, chuyện làng văn;  Nguyễn Thị Thu Huệ phụ trách trang truyện ngắn; Nguyễn Quang Thiều phụ trách trang văn học dịch; Nguyễn Như Phong, Xuân Ba, Huy Bảo phụ trách trang phóng sự, ghi chép; Hoàng Nhuận Cầm phụ trách trang điện ảnh, sân khấu. Họa sĩ trình bày báo cũng là người được “mượn tạm” từ  báo Công an TP Hồ Chí Minh. Tên của tất cả những người này  được đề ở góc phải trang đầu tiên của tờ tạp chí. Ở vị trí trước đó, thay vì ghi tên của Tổng biên tập như ta thường thấy, tạp chí cho in dòng chữ “Chịu trách nhiệm xuất bản: Tổng cục Xây dựng lực lượng - Công an nhân dân”. Điều này cho thấy, mặc dù chưa kiện toàn bộ máy, tờ tạp chí vẫn quyết tâm ra mắt bạn đọc.

Với khuôn khổ 20 x 28 cm, dày 60 trang, giá bán 4.000 đồng/tờ và số lượng in 10.000 bản, Tạp chí VH-VN CA số “trình làng” đã hội tụ được một đội ngũ đông đảo các cộng tác viên là những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng trong cả nước. Đó là Sơn Nam (bút ký), Lê Tri Kỷ (truyện ngắn), Nguyễn Quang Thiều, Xuân Ba (ghi chép), Thúy Toàn (dịch), Vũ Hạnh (tiểu luận), Hữu Thỉnh, Anh Ngọc, Nguyễn Đức Mậu, Vương Trọng, Hoàng Nhuận Cầm, Nguyễn Thị Ngọc Tú (thơ)… Các tác giả đang công tác tại một số đơn vị báo chí của ngành như Hữu Ước, Phùng Thiên Tân, Nguyễn Như Phong, Hà Văn Thể, Từ Kế Tường, Lại Văn Long đều có bài tham gia.

Bám sát đời sống văn hóa văn nghệ trong nước và quốc tế, các sự kiện đáng chú ý liên quan đến vấn đề an ninh trật tự, đồng thời triệt để khai thác mảng văn nghệ sĩ với Lực lượng Công an - đó là hướng đi được vạch ra ngay từ số tạp chí đầu tiên. Có thể nói, hướng đi ban đầu của tờ tạp chí chính là hướng đi chủ đạo của Chuyên đề ANTG sau này. Nó tạo cho tờ tạp chí một dung mạo độc đáo so với các ấn phẩm văn nghệ khác, và phần nào thể hiện được dấu ấn “văn Bắc, báo Nam”.  --PageBreak-- 

Mặc dù có sự xuất hiện đầy ấn tượng vậy, song, đúng như điều mà nhà văn Hữu Ước tiên lượng ở lời phi lộ “Cùng bạn đọc”, những số đầu của tạp chí, công tác phát hành gặp nhiều khó khăn. Sau khi tung ấn phẩm ra tất cả các sạp báo, đến cuối tháng, chủ biên Hữu Ước đã “bí mật” thuê người đi mua lại tất cả các tờ ế, vừa tạo thị trường khan hiếm giả, vừa để “động viên” các đại lý. Tại Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ V, nhiều nhà văn đã được biếu tờ tạp chí do đích thân nhà văn Hữu Ước mang đến giới thiệu, quảng bá.

 Hiện tại, ở tầng hai trụ sở Báo CAND, số 100 Yết Kiêu, Hà Nội có đặt một hòm kính lớn, bên trong dựng chiếc xe Angel 80 đã qua sử dụng, một chiếc điện thoại bàn cổ lỗ, cùng chiếc hòm tôn gỉ. Đó chính là tài sản ban đầu của tòa soạn Tạp chí VH-VN CA. Chiếc xe được mua bằng tiền trả góp của người chủ biên. Chiếc hòm tôn đựng tiền một thời được giao cho anh Doãn Quang Thảo, người phụ giúp đồng chí chủ biên phát hành tạp chí.

Cũng tại tòa nhà 100 Yết Kiêu, nhưng là trên tầng thượng, có một phòng lưu niệm được dựng theo mô hình căn phòng mà tòa soạn VH-VN CA từng “mượn” của Văn phòng đại diện báo Công an TP Hồ Chí Minh ở Hà Nội để làm “trụ sở”. Hiện “bản gốc” của căn phòng này vẫn còn ở ngôi nhà số 70 Trần Quốc Toản với diện tích vẻn vẹn chưa đầy 8m2. Đó là nơi vào ra của cán bộ, nhân viên và cộng tác viên của Tạp chí VH-VN CA suốt một năm trước khi tòa soạn được bố trí phòng làm việc mới ngay tại trụ sở cơ quan chủ quản, số 92B Nguyễn Du, Hà Nội.

Có thể nói, trong những ngày đầu, bên cạnh những khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, Tạp chí VH-VN CA còn gặp những khó khăn về mặt nhân lực. Tiếng là có cả một hội đồng biên tập gồm toàn những cây bút tên tuổi, song thực tế ai nấy đều có nơi có chốn của mình. Vai trò của họ đa phần chỉ là “đánh trống ghi tên”.  Một mình chủ biên kiêm biên tập viên Hữu Ước phải lo chạy bài, biên tập bài, lo in ấn lẫn phát hành. Đến số thử nghiệm thứ tư, nhà văn Nguyễn Như Phong đã chính thức chuyển từ Báo CAND về phụ giúp chủ biên Hữu Ước đảm trách công tác Thư ký tòa soạn.

Cứ vậy, đến hết năm 1995, Tạp chí VH-VN CA đã ra được 6 số thể nghiệm. Uy tín của tờ tạp chí ngày càng được nâng cao trong văn giới. Những nỗ lực của những người thực hiện đã được lãnh đạo cơ quan chủ quản trân trọng ghi nhận. Đó là lý do để ngày 23/12/1995, Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) ra Quyết định số 1017, qui định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Tạp chí VH-VN CA “là diễn đàn văn hóa - văn nghệ của Lực lượng CAND”.

Bắt đầu từ tháng 1/1996, tạp chí được phép phát hành chính thức. Bộ máy được hoàn thiện, với việc đồng chí Phạm Văn Dần, bấy giờ là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL-CAND kiêm Tổng biên tập, nhà văn Hữu Ước được bổ nhiệm Phó tổng biên tập, nhà văn Nguyễn Như Phong là Thư ký tòa soạn. Lực lượng phóng viên, biên tập viên được tăng cường (mà đa phần từ Nhà xuất bản CAND chuyển sang), lần lượt là nhà thơ Phan Quế, nhà thơ Trương Nam Hương, nhà thơ Đặng Vương Hưng, tiếp đó là nhà văn trẻ Nguyễn Hồng Lam và nhà thơ Phạm Khải... 

Một sự kiện không thể không kể đến, ấy là chưa đầy một năm sau khi tạp chí được ấn hành chính thức, vào đúng dịp kỷ niệm 51 năm ngày thành lập Lực lượng CAND, Tạp chí VH-VN CA đã lại trở thành “bà đỡ” cho Chuyên đề ANTG, để rồi, chính Chuyên đề ANTG lại góp phần quan trọng cho Tạp chí VH-VN CA tồn tại và phát triển. Theo nhận định của Tổng biên tập Hữu Ước thì đây là sự vận dụng vừa đúng luật vừa uyển chuyển trong các qui định về báo chí của Bộ Văn hóa - Thông tin và Bộ Công an. 

Tính từ khi ra số thử nghiệm đầu tiên vào tháng 2/1995 cho đến khi sáp nhập, trở thành chuyên đề của Báo CAND vào tháng 11/2003, Tạp chí VH-VN CA đã ra mắt bạn đọc vừa chẵn 100 số. Trong 100 số ấy, đã không ít lần tạp chí thay đổi khuôn khổ, cải tiến cả nội dung lẫn hình thức. Và đội ngũ cộng tác viên thì không ngừng phát triển, mở rộng. Hầu hết các  cây bút tên tuổi, các nhà văn nhà thơ là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đều ít nhiều gắn bó bài vở với tạp chí. Đó chính là lý do khiến cho các cuộc Hội nghị Cộng tác viên tổ chức hàng năm của VH-VN CA luôn thu hút một lượng lớn các văn nghệ sĩ tham gia.

Đồng thời với việc phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chính trị, Tạp chí VH-VN CA và Chuyên đề ANTG rất coi trọng các hoạt động xã hội. Với uy tín của mình, tạp chí đã kêu gọi, thu hút được nhiều tổ chức quốc tế, tổ chức của người Việt ở nước ngoài, nhiều cơ quan, đoàn thể và bạn đọc cả nước quyên góp được hàng chục tỉ đồng hàng hóa phương tiện để giúp đồng bào bị thiên tai, lũ lụt, giúp các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Với những thành tích đặc biệt, từ khi thành lập đến trước thời điểm sáp nhập thành chuyên đề của Báo CAND, Tạp chí VH-VN CA đã nhận được nhiều hình thức khen thưởng của Chính phủ và của Bộ Công an, đặc biệt năm 2001 đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất cho tập thể cán bộ, chiến sĩ của đơn vị và tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba cho đồng chí Tổng biên tập Hữu Ước

Hà Khải Hưng
.
.