Tăng lên và giảm xuống

Thứ Ba, 17/05/2011, 14:05
Nhìn chung, bất kỳ một người nào, khi cho in một tác phẩm nào của mình, đều mong muốn có nhiều người đọc. Đây là một mong muốn chính đáng và có thật. Đối với nhà xuất bản, người đứng ra tiêu thụ sản phẩm cũng vậy. Điều này được đong đếm rất cụ thể bằng số lượng ấn hành.

Vào thời buổi hiện nay, nếu sách của anh (hoặc chị) in con số hàng nghìn, sẽ được coi là có giá; nếu in với con số hàng trăm, sẽ được coi là không có giá lắm. Còn con số hàng chục nghìn, hàng trăm nghìn thì, hoặc thuộc về một thời xa lắm (những năm 60, 70 của thế kỷ trước chẳng hạn), hoặc chỉ là không tưởng.

Tất nhiên, sẽ có người đặt câu hỏi: "Tại sao có một thời, có những cuốn sách nội dung bình thường, nghệ thuật cũng bình thường, mà lại được in với số lượng lớn nào?". Theo tôi đó là vì thời ấy, chúng ta rất thiếu sách, "đói" sách. Tôi đã kiểm chứng điều này qua bản thân. Ở thời thơ ấu, tôi đã từng đọc "Tam quốc diễn nghĩa" theo kiểu nhảy cóc. Bộ tiểu thuyết cổ này của Trung Quốc được Nhà xuất bản Phổ thông in thành 13 cuốn mỏng, vậy mà ở nơi sơ tán tại Hà Tây (năm 1965) cho đến khi trở về Hà Nội (năm 1970) tôi mới có điều kiện đọc hết. Ban đầu, tôi đọc các tập 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 13. Tiếp sau, tôi đọc ngược lại các tập 1, 2, 3. Rồi sau chót, tôi đọc nốt tập 12 tại Thư viện Hà Nội. Còn việc đọc một số cuốn tiểu thuyết (cũng ở nơi sơ tán) mượn của một ai đó, hoặc kiếm được ở đâu đó, bị mất đầu hoặc mất đuôi, vừa đọc vừa tức anh ách, là chuyện rất bình thường.

Tôi biết có những người khi in sách (bằng cách "mua" giấy phép xuất bản) thường lòe người đọc bằng cách tự ghi ở cuối sách: In 1.000 hoặc 1.500 cuốn, trong khi trên thực tế chỉ in 300 hoặc 500 cuốn.

Đây là hiện tượng "tăng lên". Thế còn hiện tượng "giảm xuống", thì sao?

Theo tôi, "kịch bản" giảm xuống thuộc về một số đầu nậu làm ăn thiếu lương thiện.

Cách nay khoảng 5 - 7 năm, có một đầu nậu đã tìm đến một nhà thơ có tiếng. Đầu nậu này vào đề rất bài bản:

- Thơ hiện nay rất khó phát hành vì có ít người đọc. Do vậy đã lâu lắm, chỗ chúng em không dám in thơ. Nếu có in thì chúng em cũng chỉ in với động cơ giúp đỡ người làm thơ là chính, tức là đứng ra in hộ và hầu như không tính đến lỗ lãi gì cả. Anh biết đấy, đến tập thơ được giải Nobel hẳn hoi, của một tác giả có tiếng tăm hẳn hoi, được chuyển ngữ ngay sang tiếng Việt (tức là rất cập nhật), vậy mà cũng chỉ dám cho in đến 500 cuốn là cùng. Nhưng với riêng anh, lại khác.

Nhà thơ có tiếng hỏi:

- Khác là khác làm sao?

Đầu nậu tiếp tục diễn trò:

- Chúng em biết ngay từ những năm 70, thơ anh đã có vị trí đáng kể trong lòng bạn đọc. Đến nay, những độc giả truyền thống và những độc giả trẻ vẫn thích đọc thơ anh. Dường như nhiều người vẫn tìm thấy ở thơ anh những sẻ chia, cứu rỗi. Không ít người vẫn tiếp tục chép thơ anh vào sổ tay. Trên cơ sở ấy, chúng em đề nghị anh cho in tuyển thơ của anh với số lượng lớn. Chúng em dự kiến lần xuất bản đầu tiên in 6.000 cuốn, lần tái bản in gấp đôi. Trước mắt, để tạo lòng tin với nhau, 6.000 cuốn xuất bản lần đầu, chúng em góp 50% vốn, anh góp 50% vốn. Còn sau này, khi tái bản, chúng em sẽ lo từ A đến Z, kể cả trả nhuận bút cho anh theo số lượng sách xuất bản.

Được lời như cởi tấm lòng, nhà thơ có tiếng đồng ý góp 50% vốn theo thỏa thuận. Ít lâu sau, tuyển thơ ra đời. Nhà thơ có tiếng phấn khởi ra mặt. Nhưng ông đâu có biết, đầu nậu đứng ra in sách của ông chỉ in với số lượng rất hạn chế, có khi chỉ từ 3.000 đến dưới 3.000 cuốn, đúng với phần tiền đóng góp của ông.

 - Thế thì đầu nậu còn "ăn" gì? - Một người bạn của tôi nghe chuyện này, thắc mắc.

 - Sao lại không…"ăn"? Đầu nậu tố giá cao hơn bình thường trên từng cuốn sách. Ví dụ mỗi cuốn trên thực tế chỉ có giá 6.000 nhưng lại tính là 8.000 đồng chẳng hạn. 2.000 đồng ăn ra nhân với 2.000 cuốn, tính sơ sơ đã kiếm được của tác giả trên dưới 6 triệu đồng rồi. Mà 6 triệu đồng đối với một nhà thơ, cũng là số tiền đáng kể lắm chứ

Đặng Huy Giang
.
.