Tản mạn về số 8, phụ nữ và âm nhạc

Thứ Hai, 03/10/2016, 08:02
Phương Đông cho rằng số 8 liên kết với nguyên tố Thổ, là con số gần gũi nhất. Số 8 - bát - cũng gần trùng âm với "phát" nên được coi là may mắn, thành công, hiệu quả và thịnh vượng. Với cõi phàm (4 phương 8 hướng), đạt đến số 8 được coi là tột bậc thành công. Rất nhiều bảng tiêu chuẩn lấy số 8 làm giá trị cực đại...


Trong quan niệm phương Đông, số 9 là con số hoàn hảo, là tất cả, là không gì sánh được, là trường tồn (đồng âm chữ "cửu" trong "vĩnh cửu", "trường cửu"). Công ơn cha mẹ, không gì sánh bằng là "cù lao chín chữ". Đánh bài cào - bài 3 lá tính điểm - thì 9 nút là "dzách lầu" (tức về nhất). Đi xe, biển số 9 nút thì có người tin rằng CSGT cũng phải…nể. Nói chung, thứ dân không nên mơ mòng số 9, vì sự hoàn hảo chỉ dành cho bậc đế vương (ngôi cửu ngũ, ứng với hào 95 trong quẻ Càn của kinh Dịch, tượng "phi long tại thiên" - con rồng bay trên trời).

Thôi thì ta hãy nói về số 8, cho gần với bách tính lê dân vậy!

Phương Đông cho rằng số 8 liên kết với nguyên tố Thổ, là con số gần gũi nhất. Số 8 - bát - cũng gần trùng âm với "phát" nên được coi là may mắn, thành công, hiệu quả và thịnh vượng. Với cõi phàm (4 phương 8 hướng), đạt đến số 8 được coi là tột bậc thành công. Rất nhiều bảng tiêu chuẩn lấy số 8 làm giá trị cực đại.

Tranh cổ "Bát tiên thần quá hải".

Xưa, binh khí cơ bản gọi là bát bửu (bảo). Quân đội được tổ chức thành bát kỳ. Học Vịnh Xuân quyền, một trong ngũ đại danh phái võ thuật xuất phát từ nguồn gốc Thiếu Lâm, môn sinh phải thuần thục ngũ hình (hổ, báo, hạc, long, xà), tiếp đó làm chủ nhuần nhuyễn bát môn (gồm 4 chiến thuật: công - thủ - phản - biến và 4 chiến lược: tiên công - hậu công; tiên thủ - hậu thủ), lúc đó mới đủ tiêu chuẩn để luyện đạt cảnh giới tam tỉnh (thị giác tỉnh - thính giác tỉnh - xúc giác tỉnh) nhằm thủ đắc linh giác, ra đòn phát lực không cần quan sát, không cần suy nghĩ vẫn bảo đảm nhanh, mạnh, chính xác và hợp lý, thành bậc cao thủ thượng thừa.

Ngay cả trong chuyện chơi bời hư hỏng thì cũng cứ phải là "vành ngoài bảy chữ (khấp, tiễn, thích, thiêu, giá, tẩu, tử), vành trong tám nghề (kích cổ thôi hoa, kim liên song toả, đại xiển kỳ cổ, mạn đả khinh khao, khẩn khuyên tam trật, tả trì hữu trì, toả tâm truy hồn, nhiếp thần nhiệm toả)", không hơn được.

Nhiều lắm, quăng vào đâu cũng thấy số 8. Tuy nhiên là người mang khuynh hướng duy mỹ, tôi chỉ thích hai bảng chuẩn có thang 8. Cả hai đều bàn về "báu vật của đời", làm đẹp cho đời, đó là PHỤ NỮ và ÂM NHẠC.

Các em gái "phong nhũ phì đồn" mơ mòng dự thi hoa hậu, ngoài chuyện lấy số đo nhân trắc học chắc chắn phải nhớ thêm 8 tiêu chuẩn, được coi là bát sắc sau đây:

- HOA DIỆN: Mặt tươi như hoa.

- NGUYỆT THẦN: Thần thái sáng như ánh trăng (rằm).

- ĐIỂU THANH NGÔN: Giọng nói trong trẻo như tiếng chim.

- NGỌC CỐT: Tinh thần, cốt cách kiên định, vững vàng. Đừng vì chữ "cốt" mà nghĩ rằng người đẹp là xương phải cứng, đi ngay đơ như người gỗ nhé.

- BĂNG TUYẾT BÌ: Da trắng như tuyết. Là nói chuẩn phương Đông, trong đó có Việt Nam thôi. Tiêu chuẩn này không áp dụng trong các cuộc thi nhan sắc của phụ nữ châu Phi!

- LIỄU THÁI: Dáng điệu, phong thái thướt tha, mềm mại như nhành liễu rủ bóng bên hồ.

- THU THỦY TƯ: Tâm hồn tĩnh lặng, yên ả như mặt nước hồ thu.

- THI THƯ TIÊN: Có chữ nghĩa, lấy chuyện đọc sách ngâm thơ làm trọng, đại khái thế.

Tất nhiên, khó thể có em gái nào đạt một lúc cả 8 tiêu chuẩn trong bát sắc. Không sao cả. Nếu chỉ có 1 trong số đó, các em cũng có thể yên tâm là mình đã có sức quyến rũ. Đàn ông vốn là đám nhẹ dạ và dại dột, đôi khi chỉ vì yêu một cái lúm đồng tiền mà phải cưới nguyên cả một người đàn bà đấy. Hơn nữa, cái mà họ thích lại chính là cái mà họ…không nhìn thấy.

Nếu có cùng lúc 2 thứ, trời ạ, các em rõ là hấp dẫn ghê gớm. Mặt vừa đẹp, giọng nói vừa trong trẻo thì chắc chắn là hớp hồn khối gã. Thần vừa sáng, dáng dấp lại mềm mại yểu điệu thì khối anh xin chết!

Nếu đủ 3 tiêu chuẩn thì, em ơi, không cần thi em cũng là hoa hậu, ít nhất là với một người và có muôn vạn người khác đồng ý nghĩ.

Nếu có 4 thứ, em dự thi đi, mắt giám khảo có bị tật khúc xạ mới không nhận ra em chính là hoa hậu.

Có 5 thứ, em không cần thi nữa. Đứng trước em, hoa hậu phải cúi đầu mặc cảm. Nhan sắc của em hội đủ "ngũ hành", là cả vũ trụ kết tinh, bảo đảm "nhất cố khuynh thành, tái cố khuynh quốc".

Có 6 thứ, ồ, làm gì có ai đủ 6 thứ, em quá hoàn hảo, thừa đủ "chim sa cá lặn".

Có 7 thứ, em đẹp bất phàm. Tôi vốn dĩ là người khó tính, nhưng tìm mãi cũng không có từ nào của trần gian có thể mô tả được em nữa cả. Trước em, đám đàn ông, trong  đó có tôi… á khẩu.

Hội đủ 8 tiêu chuẩn, thiên hạ phải nghiêng mình, bởi em là tiên nữ giáng trần!

Phải thôi, cứ nhìn tượng hình con số 8 xem, có nổi bật ba vòng đo của phụ nữ không?!

"Nhị tình", minh họa bài "Tỳ Bà hành".

Âm nhạc cũng vậy. Cổ nhạc Phương Đông có 5 âm thanh chính: cung - thương - chủy - giốc - vũ. Giàn nhạc lễ Phương Đông, nếu đầy đủ thì phải chơi với 8 lại nhạc cụ phân biệt theo chất liệu chế tác là Thạch - Thổ - Kim - Mộc - Trúc - Bào - Ti - Cách. Tám loại nhạc cụ này sẽ cho ra âm thanh tương ứng với Bát quái trong kinh Dịch là Cấn - Khôn - Đoài - Chấn - Khảm - Tốn - Ly - Càn. Trong phường bát âm Việt Nam (hơi khác so với Trung Quốc), 8 nhạc cụ đó là:

- THẠCH: Nhạc khí chế tác bằng đá như đàn đá, khánh đá.

- THỔ: Nhạc khí làm bằng đất như trống đất (còn dấu tích trong trống đất của người Cao Lan).

- KIM: Nhạc khí có dây bằng sắt.

- MỘC: Nhạc khí bằng gỗ như song loan, mõ, thường để dẫn nhịp, điểm nhịp.

- TRÚC: Nhạc khí bộ hơi, chơi bằng cách thổi, thường làm từ tre trúc như tiêu, sáo.

- BÀO: Nhạc khí làm bằng vỏ quả bầu như đàn bầu.

- TI: Các loại đàn dây bằng tơ như đàn hồ, đàn nhị...

- CÁCH: Các loại trống mặt bịt bằng da (trâu, bò, ếch, rắn..).

Phường bát âm chơi với 8 loại nhạc cụ cho nên, sự kết hợp của chúng cũng sẽ cho ra giá trị hoặc cảnh giới âm nhạc theo 8 cung bậc, gọi là bát nhã  - 8 cảnh giới thưởng lãm, đừng nhầm với chữ Bát Nhã - trí tuệ nhà Phật. Đó là:

- NHẤT ÂM: Chỉ một loại chơi, ta nghe được đơn giản chỉ là âm.

- NHỊ THANH: Hai nhạc cụ cùng vang lên, âm trộn thành thanh. Đó đã là sự đồng điệu. Hai  câu 3 và 4 trong "Tỳ Bà hành" của Bạch Cư Dị viết: "Người xuống ngựa, khách dừng chèo/ Chén quỳnh mong cạn, nhớ chiều trúc ti" (bản dịch của Phan Huy Vịnh) là nói đến nghĩa tri âm "đồng thanh tương khí, đồng chí tương cầu", cũng mượn hình ảnh "nhị thanh" hòa hợp của 2 loại nhạc cụ là đàn và sáo. Vì thế, "nhị thanh" còn được gọi là "nhị tình".

- TAM TẤU: Có ba nhạc cụ cùng chơi, bữa tiệc âm nhạc đã bắt đầu. Không còn chỉ là những âm thanh đơn lẻ nữa, âm nhạc đã quyện vào nhau thành một bản hòa tấu.

- TỨ TUYỆT: Có 4 nhạc cụ cùng chơi, ta không còn nghe nữa, mà đang được thưởng thức âm nhạc tuyệt vời.

- NGŨ HÀNH: Hòa âm của 5 loại nhạc cụ đã khiến ta hòa mình vào vũ trụ. Mà có khi ta chính là vũ trụ.

- LỤC HÒA: Chữ của nhà Phật, gồm: "Giới hoà đồng tu": Hoà đồng trên nguyên tắc kỷ luật; "Thân hoà đồng trụ": Hoà đồng trên nguyên tắc hành động; "Khẩu hoà vô tránh": Hoà đồng trên nguyên tắc ngôn luận; "Lợi hoà đồng huân": Hoà đồng trên nguyên tắc quyền lợi; "Ý hoà đồng duyệt": Hoà đồng trên nguyên tắc ý chí; "Kiến hoà đồng giải": Hoà đồng trên nguyên tắc nhận thức. Cảnh giới Lục hòa trong âm nhạc  thể hiện sự hòa hợp của tâm hồn con người với cõi toàn chân - toàn thiện - toàn mỹ.

- THẤT HIỀN: Âm nhạc không còn ở cõi phàm nữa. Người thưởng lãm 7 loại nhạc cụ cùng chơi sẽ được ru mình trong thế giới người hiền.

- BÁT TIÊN: Âm nhạc thoát tục, ta thành tiên trong chốn Bồng Lai. Nói cách khác, cõi mà ta đang sống chính là cõi tiên vậy!

Là nói vậy thôi, giữa thị thành chốn bụi trần nhức óc khói xe, biết tìm đâu người đẹp "thu thủy tư, thi thư tiên" để "Như Lai thường trụ trên tòa đồng xuân" (Phạm Thiên Thư) cho lòng tấu khúc "Phượng cầu hoàng"? Hay chỉ là mơ thôi? Và mơ chỉ để mà mơ…

Nguyễn Hồng Lam
.
.