Tản văn

Tâm sự với biển

Thứ Năm, 12/06/2014, 08:00
Nhìn xa, biển rất bình lặng và tạo nên một đường thẳng nằm ngang. Nhưng đến gần, và nếu có thể ngâm mình dưới biển, người ta khả dĩ nhận thấy biển chẳng lặng bao giờ mà luôn có lớp sóng xô triền miên vỗ vào nhau, vỗ vào bờ, vỗ vào năm tháng…

Dòng máu lãng mạn đã thâm nhập huyết quản tôi tự bao giờ, bên thơ bên nhạc, trĩu nặng đôi vai yếu đuối. Trang đời viết mãi không thành, lật tới lật lui cũng chỉ thấy những đoản khúc dang dở, viết mãi chưa xong, những giai điệu cũng chưa có kết trọn. Đôi khi cảm thấy mình như con ruồi vướng vô mạng nhện, cứ giãy giụa mãi mà không thoát khỏi vòng đời luẩn quẩn.

Tôi không tự đánh lừa mình bằng ảo giác hay khát vọng hão huyền. Tôi nhận biết mình làm gì và ở đâu để tự giải thoát, tìm quên cả chính mình trong gian truân thường nhật. Thân phận con người mong manh và yếu đuối quá, vì "chỉ là cây sậy có lý trí" - như danh nhân Pascal đã diễn tả.

Biển đời bao la. Thi thoảng những cánh buồm kỷ niệm trôi qua dòng ký ức khiến tôi lặng người dõi nhìn hút theo mà không khỏi nuối tiếc, ngậm ngùi, bâng khuâng,…

Tôi chỉ còn biết trải lòng mình qua từng trang viết để tìm chút bình an tâm hồn, tự ru mình ngủ vùi giấc đông. Nhưng đôi khi tôi lại cảm nhận hạnh phúc, "dù chưa làm được những gì mình muốn thì cũng muốn những gì mình làm" (Gordon). Sự hiểu biết của tôi quá hữu hạn và nhỏ nhoi. Chính nhà bác học Newton còn tự nhận: "Những gì tôi biết chỉ là giọt nước, còn những gì tôi không biết lại là đại dương".

Chiều lên dần, cao dần, cao đến nỗi tôi không còn thấy ráng chiều lấp ló ở những tán lá cao nữa. Chiều càng cao, lòng tôi càng trầm lắng. Có khoảng trống nào mênh mông đặc thù với loại nhịp - đời - tĩnh - động như biển…

Tôi chợt nghĩ tới nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và đồng cảm với tâm sự của ông da diết trong ca khúc "Sóng về đâu": "Biển sóng biển sóng đừng xô tôi, đừng xô tôi ngã dưới chân người…".

Vâng, cuộc đời luôn thiếu tình yêu thương nhưng lại dư thừa hận thù, đừng bao giờ nỡ lòng "xô nhau", dù bằng bất cứ hình thức nào!

Trầm Thiên Thu
.
.