Tác giả tiểu thuyết “Luật đời & cha con” nhận xét về phim “Luật đời”

Thứ Năm, 03/01/2008, 10:15
Với hai chủ đề chính của tiểu thuyết là vấn đề gia đình - xã hội và vấn đề cơ chế, nhà văn Nguyễn Bắc Sơn cho rằng các tác giả kịch bản và đạo diễn phim "Luật đời" đã làm rất tốt chủ đề thứ nhất, khi họ khai thác, thể hiện đầy đủ và sâu sắc ý tưởng của nhà văn. Tuy nhiên, chủ đề thứ hai chưa được phim khai thác, đúng mức khiến các ý tưởng sâu xa của tiểu thuyết ở chủ đề này còn mờ nhạt.

"Luật đời & cha con" là tiểu thuyết đầu tay của nhà văn Nguyễn Bắc Sơn, xuất bản cuối năm 2005 (đến nay đã được tái bản tới 5 lần) và được dựng thành phim truyền hình 26 tập vừa phát sóng lần đầu trên VTV1, thu hút sự chú ý của khán giả. Vậy nhà văn Nguyễn Bắc Sơn có ý kiến gì về bộ phim này?

Thực ra, trong tiểu thuyết của mình, nhà văn Nguyễn Bắc Sơn muốn thông qua những biến cố của một gia đình ba thế hệ trong suốt nửa thế kỷ từ thời cải cách ruộng đất đến thời kinh tế thị trường đầy biến động bây giờ để nói về số phận những con người trong guồng máy xã hội ấy.

Với hai chủ đề chính của tiểu thuyết là vấn đề gia đình - xã hội và vấn đề cơ chế, nhà văn Nguyễn Bắc Sơn cho rằng các tác giả kịch bản và đạo diễn phim "Luật đời" đã làm rất tốt chủ đề thứ nhất, khi họ khai thác, thể hiện đầy đủ và sâu sắc ý tưởng của nhà văn.

Tuy nhiên, chủ đề thứ hai chưa được phim khai thác, đúng mức khiến các ý tưởng sâu xa của tiểu thuyết ở chủ đề này còn mờ nhạt. Điều mà nhà văn muốn nói về cơ chế đã có quan hệ hữu cơ và đã tác động thế nào tới với số phận nhân vật… đã không được các nhà làm phim giải quyết thấu đáo.

Bởi vì, như nhà văn nói: "Nếu chỉ có một bài báo để nói về cơ chế thì chưa đủ, ngoài ra chưa thể thấy hết báo chí đã góp phần to lớn vào cuộc đấu tranh chống tiêu cực, khi đã phanh phui nhiều tệ nạn, hành vi trái pháp luật không chỉ ngoài xã hội mà còn ở chốn công quyền…".

Về sự thể hiện của các vai diễn, đặc biệt là các vai chính, nhà văn rất tâm đắc với diễn xuất của Hà Văn Trọng (vai ông Hòe), Thanh Quý (vợ ông Hòe), Quốc Tuấn (vai Đại)…

Nhà văn rất ấn tượng với nhân vật ông Hòe ở đoạn cuối phim, khi cán bộ cao cấp này đau đớn với những dằn vặt nội tâm. Khi thể hiện sự hối hận cao độ của mình trước gia đình, con cái… bộ mặt và đôi mắt của diễn viên đã thực sự lột tả được chiều sâu tâm hồn nhân vật chính này.

Riêng diễn viên Thanh Quý khi thể hiện vai bà vợ ông Hòe, so với tiểu thuyết, nhà văn thấy nhiều trường đoạn diễn nội tâm khá ấn tượng. Tuy nhiên, nếu như Thanh Quý thể hiện tốt trong những cảnh như mánh lới của mậu dịch viên, sự cửa quyền của bà phụ trách cửa hàng mậu dịch thời bao cấp thì theo Nguyễn Bắc Sơn, "cảnh sám hối cuối phim của nhân vật này hơi… cải lương, điều rất khác với nhân vật trong tiểu thuyết khi những dằn vặt nội tâm giằng xé hơn nhiều và sự sám hối cũng được đẩy tới tận cùng…". 

Đa số nhà văn thường phàn nàn là khi được chuyển thể, tác phẩm của họ đã bị "biến dạng" nhiều. Với Nguyễn Bắc Sơn thì không. Bởi vì khi xem hết phim "Luật đời", ông thấy nó trung thành, cộng hưởng, nhân lên ý tưởng, tư tưởng chủ đề của tiểu thuyết. Các tác giả phim đã bám sát cốt truyện, nhân vật. Nhiều lời thoại nguyên si lời tiểu thuyết. Nhưng cũng nhiều chỗ cải biên, bớt nhân vật này, thêm vào nhân vật khác (ông Hòe, bà Phụng hồi trẻ, Cường hồi bé, trưởng phòng Diễn…).

Ở nhiều đoạn, không gian, thời gian câu chuyện, "trích ngang" nhân vật cũng thay đổi. Ông Sơn cho rằng đấy là quyền của người được ủy quyền chuyển thể, vả lại ngôn ngữ điện ảnh và hoàn cảnh làm phim không cho phép bám sát nguyên văn cốt truyện và nhân vật.--PageBreak--

Nhưng nhà văn lại thấy thất vọng khi phim đã làm "biến dạng" so với tiểu thuyết quá nhiều một trong những nhân vật chính được ông dành nhiều tâm huyết và bút lực, là nhân vật Kiều Linh. Khác với sách, phim xây dựng Kiều Linh là một cô gái "đào mỏ", "giăng bẫy bắt chim", cố bám vào người đàn ông giàu sang để "đổi đời"…

Trong khi khác với phim, trong tiểu thuyết "Luật đời & cha con" Kiều Linh là một cô gái bị bỏ rơi, đáng thương, được người đời cảm thông, chia sẻ. Nhà văn đã bị nhân vật ấy "nổi loạn" chống lại ý định viết ban đầu. Tới đoạn khi ông Hòe gặp cô ta để thử xem có biết Đại là bố Cường không, Nguyễn Bắc Sơn đã vừa viết vừa khóc.

So sánh với phim thì nhà văn thấy thất vọng, vì ông viết về cảnh ông Hòe nói chuyện với Kiều Linh đơn giản hơn nhiều. Nhà văn kể: "Chưa xem trong phim có đoạn ấy không? Có làm cho tôi mủi lòng như khi viết không, nhưng xem đến tập 21 thì tôi đâm ghét đứa con tinh thần ấy của mình".

Có lẽ vì trong "Luật đời & cha con", Thụy Miên - vợ Đại, mẹ Cường - đã ngoại tình với Việt từ lúc Đại còn trong quân ngũ, và vẫn tiếp tục ngoại tình khi Đại lao vào con đường kinh doanh. Miên chết lúc Đại ở Nga. Khi Cường bỏ rơi Kiều Linh, cô ta gặp ông bà Hòe đòi "đền bù thiệt hại", khi đó Đại cũng ở Nga nên anh không hề hay biết gì về cô ta. Rồi ngẫu nhiên cô ta xin được việc ở Sao Việt, rồi dần dần tình yêu mới đến với Đại. Thế mà có nhà văn đã bảo ông Sơn quá bạo tay khi xử lý tình huống ấy.

Xem phim, Nguyễn Bắc Sơn thấy các nhà làm phim còn… bạo tay hơn khi cho ba nhân vật nói trên rất gần nhau trong một không gian và thời gian chật hẹp và Kiều Linh trở thành một cô gái lọc lõi, vô cùng "xạo"… Có lẽ do muốn tăng sự kịch tính nên tác giả đã dồn nén Kiều Linh vào một không gian, thời gian không được như trong tiểu thuyết. Và nhà văn hiểu rằng khi nhân vật đã từ suy nghĩ của mình hiện ra trên giấy trắng mực đen thì nó không còn là của riêng mình, không còn do mình định đoạt…

Điều đáng nói nữa liên quan tới sự khác nhau giữa cái kết tiểu thuyết và kết phim. Kết thúc "Luật đời & cha con", Nguyễn Bắc Sơn viết: "Để xem con tạo xoay vần đến đâu?", cho thấy mọi chuyện chưa thể khép lại. Và Nguyễn Bắc Sơn cho rằng đó là cái kết mở. Tuy nhiên, theo ông Sơn, "kết mở không có nghĩa là "dĩ hòa vi quý" như cái kết phim. Hơn nữa kết phim như vậy là hơi cải lương".

Ngoài ra, như Nguyễn Bắc Sơn cho hay: "Một điều khác nữa là phim nói đi nói lại về luật nhân quả như vậy là thừa, bởi số phận và bi kịch các nhân vật trong gia đình ông Hòe đã chứng minh điều đó. Theo tôi thì thực ra trong suốt bộ phim chỉ cần nói một câu về luật nhân quả và cũng chỉ cần một nhân vật nói về điều đó thôi là đủ. Vì thế, ở khía cạnh này, phim đã không chỉ dài dòng mà còn không khai thác được ưu thế của ngôn ngữ điện ảnh".

Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn cho biết, ở "Luật đời & cha con" tập sau, các nhân vật trong đại gia đình ông Hòe vẫn đi tiếp đường đời với tất cả sự phức tạp, ngoắt ngoéo, trắc trở và có người sẽ tìm được giá trị đích thực của mình.

Và nhà văn hào hứng: "Cuộc đấu tranh cho công cuộc đổi mới sẽ quyết liệt hơn, nhưng cuối cùng, theo quy luật của muôn đời, chân trời bao giờ cũng hừng sáng chứ không đen tối như cái tiền đồ của chị Dậu"

.
.