Sự vô trách nhiệm hay tội “gắp lửa bỏ tay người”

Thứ Hai, 06/07/2009, 16:30
Có những người đường đường thuộc thành phần văn nghệ sĩ, lại từng ít nhiều tham gia kháng chiến, từng tận mắt chứng kiến bước trưởng thành của dân tộc, song không biết vì lý do gì mà có nơi, có lúc, họ đã có những ý kiến "kiểu Nguyễn Khắc Toàn". Họ không chỉ được xem là "vô trách nhiệm" (trước lịch sử, trước nhân dân) mà còn phải được xếp vào nhóm có hành vi "gắp lửa bỏ tay người".

>> Nguyễn Khắc Toàn, kẻ vụ lợi bằng việc làm phản dân hại nước

Như Báo Công an nhân dân đã phản ảnh, cách đây không lâu, trong bài trả lời phỏng vấn Đài Việt Nam Sydney Radio, một người tên gọi Nguyễn Khắc Toàn đã có những ý kiến "dị thường", bất chấp thực tế khách quan khi cho rằng, việc Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo nhân dân tiến hành hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ là không cần thiết, rằng Việt Nam chỉ cần thông qua con đường hiệp thương, hòa giải dân tộc là có thể giành được độc lập, thống nhất đất nước...

Ý kiến sai lệch, cố tình bóp méo sự thật của Nguyễn Khắc Toàn ngay lập tức đã bị công luận phê phán mạnh mẽ. Người đọc còn phẫn nộ bội phần khi được biết, "tác giả" của những phát ngôn ấy có tiền sử rất xấu, từng ba lần bị tòa án của ta kết án về tội trộm cắp, tiêu thụ tài sản riêng công dân và tội gián điệp.

Tuy nhiên, phẫn nộ thì phẫn nộ vậy song hành vi của Nguyễn Khắc Toàn không làm độc giả ngạc nhiên. Điều ngạc nhiên là có những người đường đường thuộc thành phần văn nghệ sĩ, lại từng ít nhiều tham gia kháng chiến, từng tận mắt chứng kiến bước trưởng thành của dân tộc, song không biết vì lý do gì mà có nơi, có lúc, họ đã có những ý kiến "kiểu Nguyễn Khắc Toàn".

Nhà văn Đào Hiếu, trong bài viết "Thật, giả lẫn lộn và trách nhiệm của chúng ta" tải trên trang web của mình cách đây ít lâu, đã có một ý kiến mà tôi thấy rất khó... chia sẻ: "Ai nói gì thì nói, tôi vẫn "chịu" cụ Hồ khi cụ tuyên bố tại Tours cuối năm 1920 đại khái "Đệ tam hay đệ tứ cộng sản? Không biết có ĐỆ NHỊ RƯỠI cộng sản không, nếu có thì tôi cũng theo, miễn là giành được độc lập...". Câu chế giễu ấy chứng tỏ cụ Hồ cũng coi các học thuyết chỉ là mớ giẻ rách".

Tôi thực sự ngạc nhiên về cách "khái quát" như thế này. Có lẽ, ở đây cũng cần nói thêm là, không biết từ đâu, mấy năm trở lại đây, trong một số văn nghệ sĩ, trí thức đã len lỏi một nhận định hết sức sai lệch, rằng thì "Cụ Hồ thật ra không phải là cộng sản", rằng Cụ "chỉ là nhà dân tộc chủ nghĩa". Thiết nghĩ, ngay những phần tử chống Cộng hung hãn nhất cũng biết rõ sự thật không hề như vậy.

Hãy đọc chính bài viết "Kỷ niệm 40 năm thành lập Đảng Cộng sản Pháp" của Bác in trên Báo Nhân dân số ra ngày 29/12/1960 để thấy cái điều nhà văn Đào Hiếu "đúc kết" ấy trong thực tế diễn ra như thế nào: "Phái tả do đồng chí Casanh, Vayăng Cutuyariê lãnh đạo, chủ trương tham gia Quốc tế thứ ba. Số đông đại biểu địa phương phát biểu ý kiến đều tán thành Quốc tế Cộng sản. Đến lượt tôi, tôi kịch liệt tố cáo những tội ác ghê tởm của bọn thực dân Pháp ở nước ta rồi kết luận: "Tôi yêu cầu Đảng phải thiết thực giúp đỡ cách mạng Việt Nam và các thuộc địa và tôi nhiệt liệt tán thành Quốc tế Cộng sản".

Trong bài trả lời phỏng vấn Sáclơ Phuốcniô, phóng viên Báo Nhân đạo Pháp (L’Humanité), Bác cũng kể lại sự việc tương tự. Không hề có dòng nào cho thấy Người thuộc phái "bên nào cũng theo", "miễn là giành được độc lập", rằng Người "coi các học thuyết chỉ là mớ giẻ rách".

Thực tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh không phải là người kinh viện, sách vở máy móc, song với chủ nghĩa Mác - Lênin, Người luôn coi trọng, xem đó như một thứ "cẩm nang".

Ngay trong bài viết nhắc tới trên, Người cũng cho biết: "Từ ngày Luận cương của Lênin đã hoàn toàn rọi sáng cho tôi, tôi không còn chỉ dự các cuộc họp của Đảng một cách thụ động nữa. Tôi lao vào cuộc chiến đấu, hăng hái bàn cãi, tiến công mạnh mẽ những kẻ chống lại Lênin và Quốc tế thứ ba". Nói như nhà văn Đào Hiếu, Bác Hồ chỉ coi các học thuyết "là mớ giẻ rách" là một ý kiến hàm hồ, xuyên tạc.

Cũng tương tự quan điểm của Nguyễn Khắc Toàn mà chúng tôi đã nêu ở đầu bài viết, trong một "tuần ký" mà nhạc sĩ Tô Hải cho post lên blog của mình,  người đọc đã thực sự bất ngờ khi bắt gặp những dòng nhận xét rất cay nghiệt của ông này về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cho rằng cuộc kháng chiến chống Mỹ là một lầm lỗi đối với dân tộc của những người cộng sản, ông Tô Hải đã trích ra mấy câu trong Lời kêu gọi kháng chiến chống Mỹ của Bác để phân tích, đay đả.

Điều lạ là chỉ mấy dòng thôi mà ông Tô Hải trích dẫn sai bét (ngay thời điểm xuất hiện Lời kêu gọi này là ngày 17/7/1966 thì ông Tô Hải lại cho biết là năm... 1964).--PageBreak--

Bác viết: "Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm, hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ. Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn".

Lời lẽ xúc động, cao cả, bi thiết và nhân văn như vậy, nhưng qua "trí  nhớ" của ông Tô Hải đã trở nên nhuốm mùi...hiếu chiến (và đó cũng là chủ ý của ông): "Này hỡi Giôn - xơn!...Dù phải chiến đấu mười năm, hai mươi năm hay lâu hơn nữa...Dù Hà Nội Hải Phòng có tan thành bình địa...".

Chưa hết, về cuộc Tổng khởi nghĩa nổ ra ở Sài Gòn tháng 8/1945, ông Tô Hải còn hàm hồ cho rằng: "khi được chính thức phổ biến là Hồ Chí Minh chính là Nguyễn Ái Quốc thì Trần Văn Giàu và các đồng chí Xứ ủy Nam Bộ mới chịu chấp hành lệnh Tổng Khởi Nghĩa".

Nói như vậy chẳng hóa ra việc chỉ đạo, quản lý các cơ sở Đảng của chúng ta rất lỏng lẻo, và các cán bộ, đảng viên chủ chốt tham gia điều hành cách mạng chỉ hoạt động một cách... cảm tính?!!. Tôi đã đọc nhiều tài liệu về sự kiện Tổng khởi nghĩa ở Sài Gòn mùa thu năm ấy, không thấy ai nói như ông Tô Hải.

Ngay bài hồi ký của Giáo sư Trần Văn Giàu in trong cuốn "Tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945 - Đoàn Thanh niên Cứu quốc Hoàng Diệu" (NXB Lao Động ấn hành năm 1999, các trang từ 449 đến 465), tôi thấy giáo sư nhắc lại khá nhiều chi tiết liên quan đến sự kiện này, nhưng về tinh thần không thấy có một chút gì giống với điều mà ông Tô Hải nêu. Việc Xứ ủy Nam Bộ quyết định Tổng khởi nghĩa chậm hơn Hà Nội mấy ngày là do tình hình trong đó có những biến chuyển phức tạp, khiến lãnh đạo phải cân nhắc nhiều bề. Còn cá nhân Trần Văn Giàu rất sốt ruột.

Theo giáo sư bộc bạch  thì chính giáo sư là người chủ trương Tổng khởi nghĩa sớm hơn: "Cuối cùng tôi trình bày đề nghị của Thường vụ Xứ ủy là ta có thể khởi nghĩa ngay trong lúc quân Nhật đã đầu hàng và trước khi quân Đồng minh (Anh, Pháp vào Sài Gòn)". Sau khi cụ Trần Văn Giàu nêu ý kiến, "nào dè, 2 trong 3 anh được mời có ý kiến, chủ trương khác hẳn" (theo Giáo sư Trần Văn Giàu thì những ý kiến ấy đúng hơn). Sự thật là thế, không hiểu từ đâu ông Tô Hải lại có cách nhìn ra thế kia.

Nói tới đây, tôi lại nhớ tới một bài viết của tác giả Lữ Phương (có tên gọi "Phụ lục 1 về Huyền thoại Hồ Chí Minh", được tải trên một trang web ở hải ngoại cách đây ít lâu). Mặc dù ở một số chỗ, tác giả cố gắng tỏ ra khách quan, khoa học, song vẫn không tránh khỏi những đánh giá nhận định có phần trùm lấp.

Như khi ông buông nhận xét: "Theo một bài viết của Vũ Kỳ (đăng trên một số báo Văn nghệ xuân cách đây vài năm), công lao của Hồ Chí Minh trong cuộc "tổng tấn công và nổi dậy" 1968, vẻn vẹn chỉ có bài thơ Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua/ Thắng lợi tin vui khắp mọi nhà... Sau khi ghi âm xong bài thơ này thì ông được đưa đi... nghỉ".

Và "Cụ Hồ chỉ biết ngày giờ cuộc Tổng tấn công và nổi dậy nổ ra qua đài phát thanh nghe được ở nơi ông được gửi đi nghỉ là Bắc Kinh...". Có thể nói, đây là một nhận xét vô căn cứ.

Bản thân tôi đã tìm đọc những bài viết của ông Vũ Kỳ, Thư ký riêng của Bác xung quanh sự kiện này, nhưng chưa hề thấy ở đâu (kể cả trên báo Văn nghệ) có nội dung như vậy. Tác giả Nguyễn Tử Nên, trên báo Quảng Ninh điện tử ngày 8/2/2008 đã có bài viết dựa trên lời kể của ông Vũ Kỳ, theo đó thì, thượng tuần tháng 12/1967, Bác dự Hội nghị Bộ Chính trị để bàn về cuộc Tổng tấn công xuân Mậu Thân 1968. Rồi Bác thu thanh bài thơ chúc Tết.

Giao thừa năm đó, trong một căn phòng nhỏ tại Nhà khách của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bác cùng thư ký Vũ Kỳ nghe Đài Tiếng nói Việt Nam phát bài thơ chúc tết của Người. Khi Đài phát xong câu  cuối cùng "Tiến lên toàn thắng ắt về ta", Bác nói khẽ: "Giờ này, khắp miền Nam đang nổ súng". Nói một người đang giữ cương vị Chủ tịch Đảng, Chủ tịch Nước như Bác chỉ biết ngày giờ cuộc tổng tấn công và nổi dậy khi nó đã...nổ ra là một suy diễn tầm bậy, hết sức khó nghe.

Cũng trong bài viết nói trên, ông Lữ Phương còn tỏ ra rất "đại khái" khi cho biết: Trong Di chúc cuối cùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh "muốn được hỏa táng và đem tro rải xuống biển hoặc chôn vào một vùng đất nào đó" (ông Tô Hải thì cho hay, trong Di chúc Bác yêu cầu được "chôn tại một ngọn đồi, dưới chân đồi nên dựng một túp lều để nhỡ có bà con nào nhớ đến bác tới thăm thì có chỗ nghỉ chân"). Ôi trời, các bản Di chúc (cả viết tay lẫn đánh máy) của Bác còn cả kia (đã được in ấn, phổ biến rộng rãi tới toàn dân), vậy mà những ông nghệ sĩ này vẫn cứ nói xưng xưng vậy, rõ là quá coi thường người đọc.

Tất nhiên, qua đây, người đọc có thể nhận thức thêm được rằng, ở những vấn đề hết sức quan trọng, rất cần sự chính xác mà những người này lại có thái độ ẩu tả vậy, thì họ không chỉ được xem là "vô trách nhiệm" (trước lịch sử, trước nhân dân) mà còn phải được xếp vào nhóm có hành vi "gắp lửa bỏ tay người"

Trần Thiên Lương
.
.