Sự thật – nói và làm

Thứ Ba, 13/02/2007, 14:00
Năm 2006, chúng ta đã chứng kiến không ít những vụ việc nổi cộm liên quan đến lĩnh vực văn hóa, xã hội. Phát hiện và cày xới tới nơi tới chốn những vụ việc này là cần thiết. Và hẳn sẽ có ý nghĩa, sẽ trở nên thuyết phục nếu những người mạnh lời phê phán nó không phải là người từng mắc mớ điều này tiếng nọ.

Đọc các trước tác của Hồ Chủ tịch, tôi thường để ý thấy, trong những bài viết nhắc nhở, căn dặn cán bộ, Người rất hay nhấn mạnh hai chữ thật sự: “Cán bộ, đảng viên phải thật sự gương mẫu”; “phải thật sự lắng nghe ý kiến của quần chúng”; “phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng”… Tôi nghĩ, sở dĩ Bác phải nhấn mạnh hai chữ này nhiều như vậy, là bởi lẽ đời, nói bao giờ cũng dễ hơn làm, và không ít người, nói không đi đôi với làm, kể cả khi họ nói về những khuyết điểm của người khác cũng vậy.

Năm 2006 vừa qua, chúng ta đã chứng kiến không ít những vụ việc nổi cộm liên quan đến lĩnh vực văn hóa, xã hội. Phải nói ngay rằng, phát hiện và cày xới tới nơi tới chốn những vụ việc này là cần thiết. Và hẳn sẽ có ý nghĩa, sẽ trở nên thuyết phục nếu những người mạnh lời phê phán nó không phải là người từng mắc mớ điều này tiếng nọ. Bởi sẽ không tác dụng, thậm chí trở nên phản cảm khi “Chân mình còn lấm bề bề / Lại dùng bó đuốc đi rê chân người”. Trong những trường hợp ấy, ý kiến phê phán dù đúng cũng có thể khiến người ta… nghi ngờ.

Ở đây, tôi chỉ xin đơn cử một số trường hợp.

Năm 2006 là năm công luận rộ lên phê phán hiện tượng một số cá nhân lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng sai mục đích nhà công vụ. Trong số những ý kiến phản đối quyết liệt hiện tượng này, mà lại rất hùng hồn, người ta thấy có cả một vị từng bị kỷ luật vì dính “phốt” về đất đai. Khi nghe vị này trả lời phỏng vấn, không ít người biết chuyện đã bảo nhau: “Giá để người khác lên tiếng thì hay hơn. Ông này lên tiếng, người ta nghĩ ngay là “trả đũa”, như vậy chẳng hóa gây phản cảm, lợi bất cập hại”.  

Tại Hội nghị Những người viết văn trẻ diễn ra ở Hội An hồi giữa năm vừa qua, theo phản ánh của báo chí thì có một cây viết thuộc bậc cao niên, dày dạn trường đời bỗng nảy hứng hết lời ca ngợi một cây bút nữ, tác giả của tập truyện ngắn có nội dung khiêu khích, phỉ báng lớp cha anh cầm súng đánh giặc. Cứ theo nhận định của ông thì viết như cây bút nữ là “dũng cảm”, các bạn trẻ nên… “học tập”! Điều rất ngạc nhiên là cũng chính bậc cao niên này trước đây lại là một trong những người phản ứng quyết liệt khi tòa báo nọ cho đăng truyện ngắn “Linh nghiệm”.

Cũng có hành động “khó hiểu” như vậy là ông nhà thơ kiêm nhà phê bình từng khuấy động văn đàn một thời. Khi mà bạn đọc còn mắt nhắm mắt mở chưa hiểu tập thơ được giải nọ chất lượng thực hư ra sao thì ông này đã có bài “phang” trên báo mạng, làm bảnh mắt thiên hạ, rằng thì tập thơ được giải nọ thuộc vào hàng “đại nhạt”, thậm chí có những câu “nhạt” đến độ khó tìm thấy nhạt hơn được nữa trong thi ca cả nước.

Chỉ có điều, dù ông kêu to đến mấy thì những người từng đọc nhiều bài viết in rải rác đây đó của ông cũng chỉ cười trừ. Lý do thật đơn giản: Trước đây, khi có nhà văn thuộc hàng cự phách lên tiếng phê phán thơ của vị nhà thơ nói trên, thì cũng chính ông nhà thơ kiêm nhà phê bình này đã nhảy ra bênh chằm chặp, thậm chí còn coi thơ vị nọ chất lượng đến độ… tuyệt đỉnh.

Làng nhạc năm rồi cũng để “rơi” mấy vụ, trong đó có vụ một ông nhạc sĩ vừa bị phản ứng là ký công văn không đúng quy cách, có tính thiên vị cho một vị nọ thì liền sau đó đã xảy ra vụ ông bị “ghi âm”, và qua đoạn trao đổi của ông trong băng ghi âm này, thì hóa ra nhân vật mà mọi người vẫn ngỡ ông đang bênh vực kia cũng không được ông “kính nể” như mọi người vẫn tưởng!! Thật là “tiền hậu bất nhất”, không biết đâu mà lần. Dư luận qua đó càng thêm cứ liệu để thỏa thuê bình luận.

Cổ nhân từng nói, “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Muốn làm được việc lớn, chăm lo cho xã hội thì trước hết phải biết làm được một việc cũng… không nhỏ: ấy là phải lo rèn giũa bản thân mình. Không phải thường tình mà trong 6 Điều Bác Hồ dạy CAND, thì điều đầu tiên Bác nhấn mạnh lại là “Đối với tự mình phải cần, kiệm, liêm, chính”. Vâng, trước nhất phải là “Đối với tự mình” rồi sau đó mới tới “Đối với đồng sự”, “Đối với Chính phủ”, “Đối với nhân dân”… Mình có hay, có tốt thì mới có thể góp ý được với người. Chung quy lại vẫn là: Phải làm được mới dễ bề nói được. Và: Nói phải đi đôi với Làm

Phạm Nhật Linh
.
.