Sự thật và một nửa sự thật

Thứ Hai, 18/01/2010, 18:00
Chùm bài về vụ Nhân văn - Giai phẩm do tác giả Thụy Khuê thực hiện vừa được GS Trần Hữu Dũng - một Việt kiều hiện định cư tại Mỹ - dẫn lại trên trang web của mình. Đây là chùm bài được tác giả "đúc kết" từ nhiều nguồn sách báo cùng với việc phỏng vấn trực tiếp một số người được xem là "nhân chứng sống".

 Hiện tại, phần X của chùm bài đã được công bố và như vậy, nếu vấn đề dừng ở đây thì ước tính cũng có tới trên một trăm nghìn chữ đã được tác giả Thụy Khuê dành để đề cập và phân tích về một vụ việc từng xảy ra tại Việt Nam vào cuối những năm năm mươi của thế kỷ trước: Vụ Nhân văn - Giai phẩm.

Vẫn biết, cùng một vụ việc xảy ra nhưng cách nhìn nhận của những người sống ở hai môi trường khác nhau, hai thể chế khác nhau chưa hẳn đã có cơ đồng nhất. Song thiết nghĩ, có một điểm mà không một ai, dù với bất cứ lý do gì có thể được phép xem thường: Đó là sự thật lịch sử. Mở đầu phần X của chùm bài, tác giả Thụy Khuê có trích dẫn 2 câu thơ "Lịch sử muôn đời duyệt lại/ Không ai lừa được cuộc đời". Quả đúng vậy. Có những vụ việc sẽ được "lịch sử duyệt lại". Và xét cho cùng, nào ai "lừa được cuộc đời"? Vấn đề là trong chùm bài của tác giả Thụy Khuê, tất cả các viện dẫn đã được  chính xác chưa? Và ý kiến nhận xét về "công - tội" của người này người khác mà tác giả đưa ra liệu đã thật sự thỏa đáng? Trong khuôn khổ hiểu biết của mình và khuôn khổ của trang báo, tôi chỉ xin có một vài ý kiến.

Trước nhất là về một số nhận xét mà tôi cho rằng thiếu chính xác:

Trong phần III của chùm bài, nhân nhắc tới trường hợp nhà thơ Hoàng Cầm, tác giả Thụy Khuê buông nhận xét: "Về mặt thi ca, Hoàng Cầm có phần nổi tiếng hơn Tố Hữu: những bài Đêm liên hoan, Tâm sự đêm giao thừa, Bên kia sông Đuống… tuy không được phổ biến rộng rãi trên báo của đảng, nhưng vẫn truyền qua các kênh đại chúng, trở thành những tác phẩm tiêu biểu của thi ca kháng chiến".

Không những thế, trong khi Tố Hữu "được học, được tung hô trong hơn nửa thế kỷ, nhưng thơ ông vẫn không được toàn dân chấp nhận" thì trái lại, thơ Hoàng Cầm "được mọi người yêu mến". Có thể nói, với nhận xét này, tác giả Thụy Khuê đã thể hiện một cách nhìn đầy thiên kiến, bất chấp sự thật khách quan.

Có những sự thật trong hai cuốn sách này đã không được tác giả Thụy Khuê đề cập một cách chính xác trong chùm bài viết về vụ Nhân văn - Giai phẩm.

Hoàng Cầm là một nhà thơ có tài - điều này nhiều người thừa nhận. Thi phẩm "Bên kia sông Đuống" của ông là một bài thơ hay - điều này hẳn cũng chẳng ai phản đối. Song không nên vì thế mà "khái quát" lên thành: Về mặt thi ca, ông "nổi tiếng hơn Tố Hữu", rằng dù không được tuyên truyền rộng rãi, sức chinh phục quần chúng của thơ Hoàng Cầm vẫn cao hơn. Sự thật, những ai đã từng trải qua những năm kháng chiến gian khổ trước đây đều thấy sức chinh phục quần chúng của thơ Tố Hữu mạnh mẽ đến nhường nào.

Còn về mặt thi ca, Hoàng Cầm có "nổi tiếng hơn Tố Hữu" hay không và nổi tiếng đến đâu, xin hãy nghe chính nhà thơ Hoàng Cầm tâm sự, rằng sau giải phóng miền Bắc nhìn lại, ông mới "chỉ có mấy bài thơ nổi tiếng tạm thời lúc kháng chiến ban đầu như Đêm liên hoan, Tâm sự đêm giao thừa, Bên kia sông Đuống, sự nổi tiếng ấy cũng chỉ lặng lẽ, chìm lắng trong một số cán bộ dân sự và quân sự…" (xem "Nguyễn Đình Thi - bí mật cuộc đời", NXB Văn học, 2008, trang 63).

Sở dĩ tôi phải nhắc lại điều này bởi thông qua việc phủ nhận sức chinh phục đại chúng của thơ Tố Hữu, tác giả Thụy Khuê muốn nhấn mạnh tới sự đối lập giữa "ý Đảng" và "lòng dân", trong khi thực tế thì thơ Tố Hữu lại là một minh chứng thuyết phục để bác bỏ nhận định trên.

Cũng vậy, ở phần II của chùm bài, tác giả Thụy Khuê đã có phần… vội vàng khi buông nhận định: "Nhân dịp tập thơ Việt Bắc vừa phát hành tháng 12/1954, đã có bài ca tụng của Xuân Trường trên báo Nhân Dân (24/1/55) và một bài tràng giang đại hải tung hô hết mình của Xuân Diệu trên hai số báo Văn nghệ 64 và 65 (tháng 2/55)".

Theo tác giả Thụy Khuê thì nguồn tài liệu tham khảo đưa bà tới nhận định này là cuốn "Tư liệu thảo luận 1955 về tập thơ Việt Bắc" do Lại Nguyên Ân sưu tầm, biên soạn, NXB Văn hóa - Thông tin ấn hành năm 2005.

Bản thân tôi từng đọc cuốn sách này và khác với tác giả Thụy Khuê, tôi thấy ở các bài viết nhắc tới trên, hai tác giả Xuân Trường và Xuân Diệu không phải hoàn toàn chỉ có "ca tụng", càng không phải "tung hô hết mình" khi viết về tập thơ "Việt Bắc" của Tố Hữu.

Như ở bài viết của Xuân Trường, ngoài những mặt ưu điểm của thơ Tố Hữu, tác giả không ngần ngại chỉ ra những điểm "chưa thỏa mãn". Đó là: "Hình ảnh người nông dân sản xuất bị mờ đi trong những tình cảm ca tụng đất nước, quê hương",  là "Tố Hữu chưa ghi lại cho chúng ta hình ảnh của người công nhân trên các ngành hoạt động luôn luôn nêu cao ý chí phấn đấu, khắc phục khó khăn…". Với các bài thơ nổi tiếng của Tố Hữu như "Việt Bắc", "Ta đi tới", "Lại về", tác giả Xuân Trường cũng cho rằng còn một số điểm thiếu hụt (xin xem các trang 23, 24).

Riêng với nhà thơ Xuân Diệu, trong bài viết mà tác giả Thụy Khuê đánh giá là "tràng giang đại hải tung hô hết mình", ông còn có hẳn một tiểu mục đặt tên là "Những nhược điểm" với nhận định: "Thơ Tố Hữu thiếu hẳn một mảng lớn: nặng về tình cảm xã hội, mà hầu như không nói đến những tình cảm cá nhân", trong khi, theo ý Xuân Diệu "Thơ là tiếng hát của những tâm hồn và của mỗi tâm hồn; những tình cảm của từng cá nhân, khi đã đi đúng hướng tiến bộ của toàn xã hội, cần được diễn tả vào sâu đến khía cạnh đặc biệt, vì những tình cảm đó đều tiềm tàng một ý nghĩa xã hội" (các trang 46, 47).

Rõ ràng, với những nhận xét, đánh giá như vậy, không thể nói cách phê bình của hai tác giả Xuân Trường, Xuân Diệu là "tung hô hết mình" với hàm ý là xu phụ người có chức có quyền (khi ấy nhà thơ Tố Hữu đã là ủy viên Trung ương Đảng).

Theo tôi, nói lại điều này là rất cần thiết, bởi nếu không, cứ theo ý kiến một chiều của tác giả Thụy Khuê, độc giả thế hệ sau dễ đi đến một ý nghĩ: Vì "tung hô hết mình" thơ Tố Hữu mà hai tác giả Xuân Trường, Xuân Diệu đã được cấp trên ưu ái, trong khi các tác giả khác chỉ vì chê thơ Tố Hữu mà bị trấn áp trong vụ Nhân văn - Giai phẩm (như điều tác giả Thụy Khuê từng nhận xét và "định hướng" người đọc ở phần IV của chùm bài). Thật ra, vấn đề đâu phải là việc khen hay chê, mà vấn đề là trong sự khen, chê ấy, người ta có cách nhìn mang tính xây dựng hay không.

Thực tế, đọc tất cả những tài liệu mà tác giả Thụy Khuê dẫn ra trong bài viết, tôi thấy việc công kích tập thơ "Việt Bắc" của nhà thơ Tố Hữu khi ấy không chỉ gói gọn trong vấn đề trao đổi học thuật, mà đằng sau nó còn có những ý đồ sâu xa khác, thậm chí có người viết còn bị lôi kéo, kích động "vào cuộc".

Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, trong nhật ký của mình (ghi ngày 23/1/1956) cũng từng phải thốt lên rằng: "Bọn họ (tức một số nhân vật trong nhóm Nhân văn - Giai phẩm - TTL) có người nói: Đừng viết nữa, để dành cho anh em trẻ viết. Vô luận một bài, một sáng tác nào của anh em mà họ gọi là "cây đa cây đề", họ đều gạt đi, cho là tồi. Trong khi đó thì họ tâng bốc những bài của họ mà phần lớn là không ngửi được".

Bây giờ tôi xin chuyển sang ý thứ hai, tức là việc tác giả Thụy Khuê đã đưa ra trong bài viết của mình một số "kiến nghị", đòi hỏi phi lý đối với chính quyền, Nhà nước Việt Nam xung quanh việc "phục hồi danh dự" cho  một số nhân vật đã bị kết án trong vụ Nhân văn - Giai phẩm.

Như về trường hợp nữ nhà văn Thụy An, người đã bị Tòa án nhân dân TP Hà Nội kết án tù giam về tội gián điệp, mở đầu bài viết (ở phần VIII), tác giả Thụy Khuê nêu thắc mắc: "Cho đến nay, chính quyền chưa hề trả lại cho bà phần danh dự bị bôi nhọ trong hơn nửa thế kỷ". Và để chứng minh cho cái án mà Nhà nước Việt Nam dành cho bà Thụy An là "phi lý", tác giả Thụy Khuê đã cất công tìm kiếm tư liệu cũng như trực tiếp gặp một số "nhân chứng", người liên quan để minh oan cho bà Thụy An, song đến kết bài, người đọc vẫn không thấy bà Thụy An bị "oan" ở chỗ nào.

Thậm chí, sau khi phỏng vấn một người con của bà này là Bùi Thụy Băng, tác giả Thụy Khuê còn thản nhiên kết luận: "Như vậy, khi ra Bắc, Thụy An đã có chủ đích chính trị: đặt bản doanh chống chính quyền cộng sản ở Hòa Xá quê hương bà". Chao ôi, kết luận một người có những hoạt động mang chủ đích chống chính quyền mà lại yêu cầu chính quyền đó phải "phục hồi danh dự" cho họ thì thật là… phi lý hết mức!

Nhân đây, cũng cần nói thêm: Trong chùm bài viết nhắc tới trên, có một đôi tình tiết được tác giả Thụy Khuê đưa dẫn từ nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, người từng được bà ca ngợi về sự "bảo toàn được nhân cách nhà văn, nhà trí thức qua hành động và những gì ông để lại trong tác phẩm và trong nhật ký" (xem tạp chí Hợp lưu số 97, ra tháng 9 & 10 năm 2007).

Vậy nhưng, những điều nhà văn Nguyễn Huy Tưởng chê trách thái độ và cách xử sự lăng loàn của bà Thụy An thì không hiểu sao, không thấy tác giả Thụy Khuê dẫn ra để bạn đọc "tham khảo" (như "Bọn Thụy An, Hoàng Quân, Trương Uyên xuyên qua những lời phát biểu, có ý bêu riếu chế độ. Đả kích lung tung, phức tạp vô cùng. Nói láo cơ quan kháng chiến…", như "Anh em kháng chiến công phẫn đối với thái độ của Tứ, Thụy An, những kẻ chạy trốn trước khó khăn mà dám bảo kháng chiến hèn" - trích "Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng", tập 3, NXB Thanh niên 2006, các trang 106, 125).

Người đời vẫn nói "Một nửa sự thật chưa phải là sự thật". Đọc chùm bài viết về vụ Nhân văn - Giai phẩm của tác giả Thụy Khuê, tôi càng thấy câu châm ngôn trên là chính xác

Trần Thiên Lương
.
.