Chuyện làng văn nghệ

Sự nổi giận có lý

Thứ Hai, 17/09/2012, 08:00

Trong đời mình, tôi may mắn được gặp nhà thơ Xuân Diệu một số lần, lúc thì ở thị xã Phúc Yên, lúc bên dòng sông Cà Lồ có bóng mát bãi vải; rồi Vĩnh Yên, thành phố Việt Trì… Nhưng "nhớ đời" nhất có lẽ là lần nghe nhà thơ nói chuyện thơ trường cấp III Tam Dương vào tháng 12/1973.

Không hiểu do mối quan hệ từ đâu mà thầy giáo dạy văn Vũ Phán còn trẻ lại mời được nhà thơ Xuân Diệu vượt đường trường 60 cây số đi tàu chợ, 15 cây số ngồi xe đạp ôm, hết dốc lại… dốc, tới đây nói chuyện thơ. Đó là ba buổi nhà thơ nói chuyện về thơ Bác; thơ chống Mỹ (đi sâu về Phạm Tiến Duật); thơ Trần Đăng Khoa.

Trước lúc về Hà Nội, Xuân Diệu có cuộc gặp mặt với giáo viên tổ khoa học xã hội. Mở đầu buổi gặp mặt, nhà thơ tâm sự: "Thầy giáo dạy văn bây giờ nên hướng dẫn học sinh biết tự đọc sách và tự ghi chép. Học văn, dạy văn cho giỏi cho hay thì phải thuộc nhiều thơ văn. Thuộc thơ văn tức là muốn có bột để gột nên hồ là các bài luận phải không?". Ông kể chuyện hồi nhỏ đi học, nhặt được ý thơ hay thì vội ghi lại. Đi nhiều nơi có dịp tiếp xúc bà con, gặp câu ca dao, hát ví, hát chòi nào hay là ghi luôn.

Câu chuyện đang thăng hoa, gương mặt nhà thơ hứng khởi. Chợt thầy Trần Minh Khiêm mạnh dạn đứng dậy, dáng cung kính: "Thưa nhà thơ Xuân Diệu, qua ba buổi bình thơ, dư luận qua các thầy cô, học sinh, đặc biệt là cán bộ huyện rất thích thú. Mong có dịp gần đây được mời nhà thơ về giới thiệu các nhà thơ tài hoa như Nguyễn Trãi, Nguyễn Khuyến, Hồ Xuân Hương… Nhưng… có điều" - Thầy Khiêm lúng túng. Nhà thơ động viên thầy Khiêm cứ nói tiếp.

- Thơ tình của nhà thơ chiếm vị trí độc tôn trong dòng thơ mới 30-45. Lý do nào thơ tình của thi sĩ Xuân Diệu không thấy xuất hiện trong sách giáo khoa phổ thông?

Căn phòng yên ắng. Tôi liếc sang phía Xuân Diệu. Mái tóc xoăn tít của ông như cũng động đậy, cặp môi dày mấp máy, kính lão trễ ra nhìn hướng người nói, hai cái mũi động đậy:

- Thày giáo dạy môn gì nhỉ, cũng biết về sáng tác của Xuân Diệu đấy.

- Dạ, em dạy môn Lịch sử ạ.

Ông chợt giơ hai tay lên trời, động tác như khi ông bình thơ đến độ "si tình" với nàng thơ. Có điều, trong giọng nói có sự dồn nén:

- Cậu dạy Sử mà thiếu ánh mắt xanh về lịch sử, thời cuộc. Đất nước mấy chục năm nay thuộc hoàn cảnh nào? Cả nước chống Mỹ, hậu phương ngày đêm hướng ra tiền tuyến. Sách giáo khoa, ngay báo chí, rồi bình thơ ưu tiên chống Mỹ, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Việc sách giáo khoa không có các bài thuộc dòng Thơ Mới của Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên và một số người khác là lẽ đương nhiên. Nhưng tôi tin, dòng Thơ Mới, trong đó có cả Xuân Diệu sẽ có vị trí xứng đáng trong sách giáo khoa chỉ dăm năm nữa thôi. Các thầy hãy tin điều tôi nói

Nguyễn Cảnh Tuấn
.
.