Sự nhẫn nhịn

Thứ Sáu, 29/05/2015, 08:07
Con trâu là đầu cơ nghiệp. Cấy cày là niềm đam mê, là sự nghiệp cha truyền con nối bao đời dòng dõi nhà anh. Chàng trai chưa vợ, yêu ruộng đồng, cuốc cày. Anh yêu trâu, chăm lo, gắn bó với trâu như đồng nghiệp cùng chung sự nghiệp, như đôi bạn tri kỷ...

Có một câu chuyện thời đã xa:

Chàng thanh niên đang cày ruộng, bỗng nhiên có tiếng người bắc loa tay gọi:

- Thằng… kia, mày đã bị bắt!

Chàng trai nhìn về phía ấy, đầu bờ, một tốp lăm lăm rợ, cùm. Chưa hết, có mấy tay trẻ trẻ chạy xuống ruộng cướp trâu, vứt bỏ cày, vai cày khỏi vai con trâu. Kẻ hung hãn xích tay anh, xềnh xệch lôi anh đi. Ruộng ngấu bùn, mút chân làm chàng trai ngả nghiêng ngã xiêu vẹo. Những kẻ trên bờ sợ bẩn áo quần, chúng dang tay quăng dây thòng lọng thít vào cổ chàng trai. Chúng kéo anh như kéo thân cây chuối trên ruộng.

Người ta bắt giam chàng trai, cướp con trâu của chàng.

Con trâu của anh là con cháu chắt chít, hậu duệ tam tứ ngũ đại của con trâu tổ vua ban thưởng cụ kỵ tổ tiên anh đời xưa.

Con trâu là đầu cơ nghiệp. Cấy cày là niềm đam mê, là sự nghiệp cha truyền con nối bao đời dòng dõi nhà anh. Chàng trai chưa vợ, yêu ruộng đồng, cuốc cày. Anh yêu trâu, chăm lo, gắn bó với trâu như đồng nghiệp cùng chung sự nghiệp, như đôi bạn tri kỷ.

Có người đùa, thằng này chỉ còn mỗi việc cưới trâu làm vợ là nó chưa làm. Đêm hè gió lộng, anh, chàng mục đồng ngả mình trên lưng trâu ngắm trăng, đếm sao vẽ giữa trời xanh những ước mơ đồng ruộng. Sáng sớm tinh mơ anh cùng trâu ra đồng, trâu tranh thủ gặm cỏ đượm sương, anh tranh thủ nhai bị ngô rang ấm bụng rồi cả hai cùng xuống ruộng cày. Người thợ đi cày thường mang theo chiếc roi tre quất trâu. Còn anh, anh không mang roi mây quất lưng trâu. Anh mang theo cái vỉ ruồi do anh tự đan. Chiếc vỉ ruồi bằng tre có cán dài hàng mét, đi đâu anh mang theo để đập con ve, con mòng đậu trên lưng trâu. Con ve con mòng con muỗi hút máu trâu. Mùa đông, anh chẻ nứa đan mành che kín chuồng, khâu bao tải đay làm áo ấm cho trâu. Mùa hè, anh mắc màn tránh muỗi cho trâu. Ruộng đồng xong vụ, trâu và người không chịu ngồi chơi, thầy trò lại dắt nhau đi bộ mấy chục cây số sang huyện bên cày thuê lấy công.

Mùa đông, gió rít ngoài hiên, lạnh tê tái, tiếng mành mành che chuồng trâu lào xào. Anh bật dậy ôm bó rơm to đốt lửa đùng đùng sưởi ấm cho trâu.

Con không chê bố mẹ khó, chó không chê chủ nghèo. Nhưng con trâu lại còn hơn thế. "Trâu ơi ta bảo trâu này/ Trâu ăn no cỏ trâu cày với ta/ Cấy cày vốn nghiệp nông gia? Ta đây, trâu đấy ai mà quản công". Trâu vui buồn, vất vả cùng với con người.

Thế mà, người ta ngang nhiên cướp trâu của anh trao cho người khác.

Anh nhớ trâu mười, trâu nhớ anh cũng không kém.

Nơi ở mới, chuồng trại mới, không một đêm nào trâu chợp được mắt. Trâu bồn chồn vật vã giẫm nát nền chuồng. Trâu vốn có đôi mắt to, đôi mắt ấy ướt át u buồn. Đêm đêm bất lực, nó khua sừng, đôi sừng mọng, to như đôi tay anh chàng đô vật được đúc bằng sắt, cổ họng nó bật lên những âm thanh ò ọ. Uất ức quá, nó tru lên ò ò. Nó khóc.

Chủ mới dắt trâu đi cày ruộng, bắt buộc anh ta và trâu phải đi qua ngõ nhà chủ cũ của trâu. Bởi vì, làng chỉ có một con đường cái độc đạo.

Đi tới cổng nhà, trâu bất ngờ dừng lại, hà hít cái gốc cây đầu ngõ. Cái gốc cây thân quen thường ngày nó được buộc ở đó, được người yêu là anh cho nó ăn, cho nó uống nước, vuốt ve âu yếm cưng nựng như thì thầm như hát cho nó nghe, bài hát sau một ngày lao động nồng nàn mùi ngai ngái, nồng nồng mồ hôi nó nhuộm bùn.

Hình như não nó, "bộ nhớ" của nó ngập tràn cảm xúc nhung nhớ đó. Bỗng dưng nó tru lên gọi người thân, là anh, chủ nhân của nó trong nhà. Nó đá hậu vào mặt chủ mới. Nó giựt phựt đứt dây thừng tuột khỏi tay chủ mới. Nó lồng lên phi tọt vào nhà. Nó chui vào chuồng cũ của nó. Nó thảm thiết... Ò ò ò. Nó gọi anh.

Hạnh phúc nào bằng. Nhất định rồi. Anh chạy ra ngay. Anh chạy ra sẽ ôm chầm lấy nó.

Nhưng trời ơi, anh chưa kịp tới gần. Nó chưa kịp tới anh, thì chủ mới đã lạch bạch chạy vào, gò lưng dạng chân, bặm môi ra sức kéo trâu đi.

Trâu giận dữ mắt đỏ ngầu, nó vung sừng, gằn mũi giật. Phựt. Sợi dây thừng xỏ mũi đứt. Lão chủ mới ngã dập mặt xuống sàn, gãy chiếc răng cửa, máu me be bét.

Lão chủ mới hung bạo nung đỏ lửa cái dùi, dùi xuyên thủng mũi con trâu, xỏ vào mũi trâu một sợi gai mây, khi nào trâu ương bướng lão ta giựt mạnh sợi dây, gai mây cứa vào mũi trâu sẽ đau đớn. Đau đớn, trâu sẽ không dám ương bướng nữa.

Ngày lại ngày, vóc dáng lực lưỡng, chân nặng nề, đôi mắt to buồn chứa căng đầy uất ức nhẫn nhịn, trâu vẫn được người ta dắt đi qua nhà anh.

Anh thuộc từng giờ trâu đi qua ngõ. Anh bồn chồn ra ngóng vào trông. Nhưng đến khi nó hiển hiện bước trên đường, anh lại không dám nhìn. Anh không thể nào chịu nổi. Anh bỏ chạy vào nhà gục mặt vào tường, nức nở.

Bóng trâu xa khuất rồi, anh ra ngõ nhìn theo. Hun hút mờ. Hun hút xa. Thật phi lý. Thật bất lực.

Trâu vẫn đấy. Mà anh vẫn đây. Ngây dại. Anh trở nên lẩn thẩn. Kia là bãi phân trâu. Con trâu nhà anh vừa ị trên đường vẫn còn ấm nóng lòng dạ, tỏa lên màu khói. Anh đặt bàn tay lên bãi phân trâu. Con trâu nhà anh, gần gụi thân thương. Bàn tay anh run run. Anh áp nó lên má… Nước mắt anh giàn giụa.

Đó là câu chuyện có thật của ngày hôm xưa.

Ngày hôm nay, người ta ngang nhiên giết trâu trước đồng loại của nó. Người ta không cần biết chúng đang hoảng sợ đau đớn thể hiện trên đôi mắt mở to, chớp chớp buồn. 

Lê Hồng Nguyên
.
.