Sự nghiệt ngã của nghiệp văn

Thứ Ba, 30/12/2008, 09:30
Khi còn công tác ở Hội Văn học Nghệ thuật Hải Hưng, mỗi lần mở Trại năng khiếu sáng tác văn học cho thiếu nhi trong tỉnh, nhà văn Nguyễn Phúc Lai và tôi thường nói với các em: nghề này khổ lắm, em nào không có năng khiếu thì đừng theo đuổi.

1-  Sàng lọc ghê gớm

Những trại sáng tác trẻ ấy đều xuất bản được một tập sách: "Mây ngũ sắc", "Sương ngọt", "Hạ trắng"... Bây giờ, thỉnh thoảng tôi đọc lại vẫn thấy thích. Tôi cho rằng những tập sáng tác ấy có văn và các em là những cây bút thực sự có năng khiếu. Thế mà mở dăm bảy trại sáng tác, mỗi trại có vài chục em đến nay nhìn lại cũng chỉ còn vài ba em trở thành những cây bút, không biết rồi có ai trở thành nhà văn thực sự không?

Tháng 1/1972, đang là sinh viên Khoa Văn Đại học Sư phạm Hà Nội I, tôi nhập ngũ tham gia quân đội. Ba tháng tân binh, tôi ở cùng một trung đội với Trần Đăng Suyền, Vũ Đình Văn. Mỗi tháng trung đội ra một số báo tường, chọn bài hay gửi báo tường đại đội, tiểu đoàn.

Khi đi học lớp tiểu đội trưởng, rồi trung đội phó, tôi có ở cùng tiểu đoàn với các anh Vương Thừa Việt (nay ở Báo Phụ nữ), Lê Tất Cứ (nay ở Đài Truyền hình Việt Nam), lúc đó các anh đã có thơ dự thi đăng báo Văn nghệ.

Hai tiểu đoàn sinh viên hơn một nghìn người, rất nhiều người hăm hở sáng tác ước mong trở thành nhà thơ, nhà văn. Thế mà cũng chỉ có Vũ Đình Văn lóe sáng trên văn đàn rồi hy sinh, Trần Đăng Suyền trở thành nhà nghiên cứu phê bình. Còn một số khác cũng vẫn viết, nhưng nhiều người đến nay vẫn chưa được khẳng định.

Về học nốt năm cuối cùng ở Khoa Văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I, tôi cùng chị Thu Yến (nay là cán bộ giảng dạy Khoa Văn Đại học Sư phạm Hà Nội) và Trịnh Công Lộc (nay anh là Phó ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh) có tổ chức Câu lạc bộ Thơ của trường dưới sự chỉ đạo của thầy Nguyễn Đình Chú.

Chúng tôi tổ chức cuộc thi thơ có hàng trăm sinh viên tham gia với ngót nghìn bài thơ, chọn trao 4 giải nhất, trong đó có Trần Hòa Bình, sau này là tác giả bài thơ “Thêm một” và anh vừa mới mất. Ba người khác tôi không còn nhớ tên, bởi mấy chục năm nay cũng không thấy xuất hiện trên văn đàn.

Nhắc lại những kỷ niệm thực mà tôi đã trải qua, đến thời điểm này nhìn lại mới thấy sáng tác văn chương quả là thử thách nghiệt ngã, thời gian đã sàng lọc ghê gớm. Yêu văn chương, nhưng không có năng khiếu thì cũng không được chấp nhận. Làm được một chút gì đó trong nghiệp văn cũng khó vô cùng.

Nhưng lịch sử văn chương cũng có sự nhầm lẫn và cũng có sự dễ dãi đối với một số người. Sự dễ dãi của đời sống văn chương thì mọi người dễ thấy. Đó là một số tên tuổi được lăng xê, trở thành "nổi tiếng" trong thời gian vừa qua. Còn sự nhầm lẫn tuy không nhiều của lịch sử văn chương thì không phải ai cũng thấy được.

Nhưng tôi đã phát hiện được một trường hợp như thế! Anh là một nhà văn có tên tuổi, và đến nay đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Tôi rất kính trọng anh về mặt nhân cách và sự đóng góp của anh cho đời sống văn chương khi anh có công lớn làm một tuyển tập văn chương của một ngành đồ sộ, có ý nghĩa.

Nhưng khi tôi được một tờ tạp chí đặt bài viết về tuyển tập truyện ngắn của anh. Tôi đã đọc kỹ tuyển tập truyện ngắn ấy và thật sự thất vọng, bởi nó chẳng có văn gì cả. Truyện không có văn thì sao gọi là truyện? Người viết không có văn thì sao gọi là nhà văn? Đúng là một sự nhầm lẫn không thể tưởng tượng được! Anh đã uổng phí thời gian để đi theo nghề văn. Và những sáng tác không có văn của anh cũng làm uổng phí thời gian của biết bao người đọc! Sự nhầm lẫn trong đánh giá của đời sống văn chương thật là tai hại. Các nhà phê bình có phải chịu trách nhiệm không?

2. Viết như thể ngày mai không còn sống nữa

Đấy là cảm giác khi nhà văn nhìn lại, chứ khi viết nhà văn chỉ chú ý vào việc viết thôi. Nhà văn nào khi viết lại tỉnh táo, tính toán rằng những chi tiết này, những sự việc nọ nên để cho cuốn sách sau, thì tôi tin rằng nhà văn ấy sẽ chẳng có cuốn nào hay cả. Khi viết nhà văn phải tập trung cao độ trí tuệ và tình cảm, huy động toàn bộ vốn liếng vào trang viết. Nên khi viết xong nhà văn thường cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thoát.

Cũng có người cảm giác như trút được gánh nặng bấy lâu. Thường thì, nhà văn thở phào nhẹ nhõm vì mình đã làm được điều mà mình muốn. Còn có người kể, khi viết xong nhà văn hẫng hụt đến phát ốm? Có phải vậy mà một số người lại ví viết văn với một công việc nặng nhọc, vất vả! Theo tôi, sự nặng nhọc vất vả không đồng nghĩa với giá trị của công việc. Người tài năng là phải làm được những công việc lớn một cách nhẹ nhàng.

Khi viết nhà văn trút tất cả suy nghĩ và tâm hồn vào từng trang, từng dòng. Viết như thể viết lần cuối cùng, nói hết với đời. Đừng sợ rằng sau đó không còn gì để viết. Nhà văn đích thực giống như một cơ thể khỏe mạnh, vắt cạn kiệt cho con giọt sữa cuối cùng, nhưng ngày hôm sau bầu sữa lại đầy thôi.

Muốn vậy, nhà văn phải vừa viết vừa sống bình thường. Tất nhiên là có thời gian "đóng cửa" để viết và cũng phải có thời gian "mở cửa" để sống. Đó là sự trao đổi chất, tuần hoàn một cách điều hòa. Với nhà văn tài năng, vốn sống của nhà văn biến ảo rất ghê. Chỉ một sự việc, nó có thể xuất hiện nhiều lần trong nhiều câu chuyện, mỗi lần mang một sắc thái khác, góc cạnh khác.

Chứ nếu vốn sống của nhà văn chỉ được sử dụng một lần là hết thì nhà văn sẽ cạn kiệt rất nhanh. Thực tế thì nhà văn lại hồi sinh rất nhanh sau mỗi lần hóa thân vào trang viết. Nên họ có thể lập nên những tác phẩm hay liên tiếp. Nhà văn Nga L.Tônxtôi có tới ba kiệt tác "Phục sinh", "Anna Karenina", "Chiến tranh và hòa bình". --PageBreak--

Vũ Trọng Phụng cũng sòn sòn đẻ ra những trái núi "Vỡ đê", "Giông tố", "Số đỏ". Nhà thơ Tố Hữu thì hết "Từ ấy" đến "Việt Bắc" rồi "Gió lộng" và "Máu và hoa", "Một tiếng đờn"... Nhà văn Tô Hoài thì đến gần chín chục tuổi, những đứa con tinh thần của ông ra đời đều đều vẫn khỏe mạnh.

"Viết như thể ngày mai không còn sống nữa!". Đó là phương châm của nhà báo Phuxích khi "viết dưới giá treo cổ", cũng là phương châm của các nhà văn chiến sĩ trong cuộc chống Mỹ cứu nước. Tức là dồn hết tâm huyết cho từng trang viết.

Theo tôi, đó cũng là phương châm cho mỗi nhà văn nhà thơ đã xác định nhiệm vụ cao cả của văn chương là làm sao có được những tác phẩm hay cho mọi người, cho cuộc đời. Không dồn hết tâm huyết không thể có tác phẩm hay.

Nhưng điều này khác hẳn với việc "đánh vật với từng con chữ". Dồn hết tâm huyết mà vẫn cảm thấy nhẹ nhàng, như người dạo chơi, như người ngắm hoa, mới là phong cách của những tài năng. Còn phải "đánh vật với từng con chữ" chỉ là kiểu cách của những người thợ vụng. Mà những người thợ vụng thì khó có thể cho ra đời những tác phẩm có nghệ thuật.

3. Bệnh ảo tưởng

Con người sống luôn có khát vọng. Nhờ khát vọng mà thúc đẩy xã hội phát triển. Đó là những khát vọng trên cơ sở hiện thực, tức là nó xuất phát từ hiện thực và có đủ khả năng để thực hiện. Những khát vọng phi thực tế không có khả năng thực hiện thì đó là ảo tưởng, ảo vọng. Lĩnh vực nào, giới nào cũng có khát vọng và ảo tưởng. Nhưng giới văn nghệ sĩ thì mơ mộng nhiều hơn, nên ảo tưởng cũng nhiều hơn. Các nhà văn cũng nằm trong số đó, dẫu họ có gắn với hiện thực hơn một chút.

Tỉ lệ ảo tưởng ở những người viết trẻ cao vô cùng. Thì cũng đúng thôi, tuổi trẻ rất muốn thể hiện mình, rất muốn chinh phục những đỉnh cao. Đã viết ra là họ muốn tác phẩm của mình phải hay, phải nhất. Chứ người viết lại chán ngay điều mình viết ra thì liệu còn để cho ai đọc? Những người viết trẻ thì có sự tươi mới, khác lạ; nhưng chưa có độ dày kiến thức và thực tế nên nội dung cũng chưa thâm sâu.

Mà một tác phẩm hay thì phải kết hợp được cả hai yêu tố đó. Tuổi già thì ngược lại, có sự chín chắn, cao sâu, nhưng mấy ai còn giữ được sự tươi mới, có nhung có tuyết của khí bút nhựa văn! Ước gì trong mỗi nhà thơ nhà văn vừa trẻ trong cách nhìn, vừa chín trong cách nghĩ thì nền văn chương chắc chắn số lượng tác phẩm hay sẽ tăng lên gấp bội!

Ở những người viết trẻ, những người ảo tưởng nhất thì dẫn đến bệnh "vĩ cuồng", tức là ảo tưởng đến phát điên vì sự vĩ đại, mà khả năng văn chương thực sự thì vừa phải thôi. Thậm chí có người còn khẳng định mình sẽ giành giải Nobel Văn chương khi tác phẩm ra đời. Họ tự cho mình là vĩ nhân, vĩ đại. Nền văn chương của nước nào cũng có những người mắc bệnh ấy, nhưng nó trầm trọng đến mức nào thì còn do điều kiện hoàn cảnh chi phối.

Nền văn chương nước nhà, từ khi Đổi mới đến nay cũng xuất hiện nhiều hiện tượng "vĩ cuồng", nhưng rồi được uốn nắn nên cũng chưa gây nên họa. Có thể do nền văn chương nước nhà có truyền thống được thử thách nên nó không chấp nhận sự thái quá của bất cứ biểu hiện dị thường nào. Tức là môi trường văn chương không cho phép, không tạo điều kiện cho những ung nhọt phát triển tăng tốc.

Nhưng sự ảo tưởng ở mức độ vừa phải thì vô cùng tràn lan. Có thể nói, bệnh ảo tưởng ở nền văn chương nước ta hiện nay không phát triển theo chiều cao mà phát triển theo chiều rộng. Vì thế, hàng năm mới có vài trăm tập văn xuôi và trên dưới nghìn tập thơ được xuất bản. Quá nhiều người muốn trở thành nhà thơ, nhà văn.

Hiện đang có trên năm trăm người viết xếp hàng trước cửa "ngôi đền" Hội Nhà văn Việt Nam, và hiện ở trong đó đã có hơn một nghìn người. Mà sinh thời, nhà thơ Xuân Diệu đã vô cùng bực mình vì con số 150 nhà thơ!

Những nhà văn ý thức được tài năng của mình, chúng ta có thể kể đến Kim Lân. Ông ngừng viết rất sớm khi thấy những trang viết của mình không có gì mới nữa. Nhà thơ Chế Lan Viên cũng tự biết mình "Tuổi đã ngoại năm mươi/ Mong gì hương sắc lạ!".

Bạn đọc cũng phần nào thông cảm với các nhà thơ nhà văn vì ông cha ta đã tổng kết về "văn mình" trong câu tục ngữ còn lưu truyền. Nhưng ảo tưởng đến mức gây ô nhiễm môi trường văn chương thì không ai có thể chấp nhận được

Hà Nội, ngày 11/10/2008

.
.