Chuyện làng văn nghệ

Sự "làm lại" hợp lý

Thứ Năm, 22/09/2011, 08:00

Có lần, trong hội nghị nọ, một tác giả trẻ say sưa phát biểu, rằng thì ông ta đã đốt được ngọn lửa của trái tim mình bừng cháy trong thơ. Một nhà văn lão thành nghe vậy nói thẳng: "Có những người ngộ nhận mình đưa được lửa vào thơ, trong khi đúng ra, việc họ cần phải làm đầu tiên là… đưa thơ vào lửa!".

Aleksei Tolstoi (1883-1945) là một nhà văn lớn của nền văn học Nga - Xôviết thế kỷ XX, tác giả của những bộ tiểu thuyết vĩ đại "Con đường đau khổ", "Piotr Đệ nhất". Ít người biết rằng, ông bắt đầu sự nghiệp văn học của mình bằng… thơ. Cuốn sách đầu tay ấy của Tolstoi được xuất bản năm 1907, khi ông mới 24 tuổi. Không như một số tác giả trẻ khác, sẵn tính "ngựa non háu đá", sách ra rồi nhìn thiên hạ bằng nửa con mắt, thậm chí sẵn sàng nhiếc móc người đọc nếu họ không "quy phục" mình, Tolstoi rất chịu lắng nghe những tiếng nói phản hồi từ công luận. Năm 1908, vào cuối giờ chiều một ngày nọ, tại một hiệu sách lớn ở Peterburg, người ta thấy có một chàng trai với vẻ mặt trầm ngâm đến hỏi chủ hiệu sách cuốn "Thơ trữ tình" xuất bản từ năm trước có còn không. Sau khi được biết sự tiếp nhận hững hờ của độc giả đối với cuốn sách, tác giả trẻ nói anh muốn mua tất cả số sách còn lại ấy. Mang sách về, chàng trai đã lặng lẽ châm lửa đốt hết tất cả… Chàng trai đó chính là Aleksei Tolstoi.

Từ đây, Tolstoi chuyển sang viết văn và mặc dù trải qua "con đường đau khổ", ông cũng đã gặt hái được những thành tựu đáng vị nể, chứng tỏ sự lựa chọn của ông (bỏ thơ, chuyển sang văn xuôi) là hoàn toàn chính xác. Rằng ông là người có tầm nhìn xa.

Với chuyện hôn nhân cũng vậy. Năm 2002, khi mới 19 tuổi, Tolstoi kết hôn với Yulia, một phụ nữ trên ông 2 tuổi, bấy giờ đang theo học trường y. Một năm sau, họ sinh con trai đầu lòng, đặt tên là Yura.

Năm 1906, Tolstoi sang Đức học. Tại đây, ông làm quen và đem lòng yêu một người phụ nữ tên gọi Sofia Rozenfeld, bấy giờ cũng đã có gia đình. Biết Tolstoi có tình ý với em gái mình, anh trai của Sofia, vốn dĩ là bạn với Tolstoi rất lo ngại. Để tránh xảy ra trường hợp "khó xử", người anh này đã yêu cầu em gái trở về ở với bố mẹ ở Peterburg. Tại đây, Sofia theo học trường hội họa của họa sĩ Rgorov. Một lần, Tolstoi đã đến tận ngôi trường này để ngỏ lời cầu hôn với Sofia. Tolstoi cũng cho Sofia biết, để đến với cô, ông đã quyết định chia tay Yulia.

Điều này khiến Sofia hoàn toàn bị "đánh gục".

Yulia nhận biết được thái độ và cách hành xử của chồng. Chính Tolstoi từng dẫn cô đi gặp Sofia. Yulia hiểu, một khi Tolstoi đã quyết thì khó mà lay chuyển được ý chí của ông. Thoạt đầu Yulia còn dùng dằng không chấp nhận, nhưng rồi cô hiểu, Tolstoi đã quyết đi theo con đường nghệ thuật. Và nếu như thế thì lựa chọn giữa cô và Sofia, chắc chắn Sofia sẽ hợp với Tolstoi hơn.

Sofia và Tolstoi chung sống với nhau khi cả hai còn chưa ly hôn với người chồng (hoặc vợ) trước của mình, bởi thủ tục ly hôn ở Nga bấy giờ khá nhiêu khê, mất nhiều thời gian. Song rốt cục, cái gì đến cũng sẽ đến. Và lần này, thêm một lần chứng minh sự "làm lại" của Tolstoi là đúng đắn. Sofia đã hỗ trợ Tolstoi rất nhiều trong sự nghiệp.

Sinh thời, Tolstoi từng viết tiểu thuyết trứ danh "Tia chiếu khủng khiếp của kỹ sư Garin", cuốn sách được đánh giá là mở đầu cho thể loại truyện khoa học viễn tưởng ở Nga. Đến nay, "tia chiếu khủng khiếp" ấy được các nhà khoa học cắt nghĩa không phải thứ gì khác mà chính là tia laser. Điều ấy cho thấy khả năng "nhìn xa vạn dặm", "thấu thị tương lai" của Tolstoi. Vậy có gì lạ khi ông có những quyết sách đúng đắn trong việc lựa chọn bước đi thích hợp cho đời mình?

Đức Triển
.
.