Sự “dịu dàng” của sắt

Thứ Tư, 01/10/2008, 16:15
Nói tới chất liệu của điêu khắc, người xem quen với đá, gỗ, composit hoặc đồng. Có chăng, thêm phần công nghệ đúc đồng được vận dụng, khi các nhà điêu khắc dựng tượng. Trong cuộc sống, sự xâm nhập của sắt vào từng ngóc ngách của mọi gia đình với những vật dụng sinh hoạt và sản xuất. Đồng thời sắt cũng là một phát kiến vĩ đại của loài người minh chứng một thời kỳ văn minh và phát triển của nhân loại.

Nhưng ngày nay, riêng với các nhà điêu khắc, chất liệu sắt lại là chất liệu dùng để phá vỡ sự lệ thuộc vào khối lượng, thể tích và độ đặc để tạo nên một không gian mỹ cảm ảo, độc đáo. Có thể coi điêu khắc sắt là sự vận động cởi mở đặc sắc của mỹ thuật đương đại thế kỷ XXI.

Người ta kiểm chứng nhiều tài liệu khảo cổ trên các tác phẩm nghệ thuật và xác định cha đẻ của nền điều khắc sắt là Julio Gonzalev, người Tây Ban Nha. Ông sinh năm 1887, nhưng mãi tới năm 1910 mới có tác phẩm điêu khắc sắt đầu tiên là "Chiếc mặt nạ" mang nét lập thể ra đời. Và sau khi học kỹ lưỡng công nghệ rèn cắt, đến năm 1918, Gonzalev mới dứt khỏi hội họa và chuyên làm điêu khắc với chất liệu mới này.

Vậy là con đường của sắt trong ngành điêu khắc chỉ mới chớm ngót một thế kỷ. Gonzalev xuất hiện như một ngôi sao "sắt" khổng lồ khi đóng vai trò đi tiên phong trong việc sử dụng vật liệu mảnh, sợi, ống với kỹ thuật dập cắt, nung chảy và tạo ra một nền mỹ học cách tân với những hình khối ấn tượng, giàu óc sáng tạo. Các tượng của ông có dấu ấn xã hội sâu sắc bởi con đường sáng tạo không tách rời các chủ đề và điêu khắc truyền thống. Gozalev mất năm 1942, nhưng đã để lại một nền điêu khắc lớn, với phương pháp chiếm lĩnh không gian bằng mảng miếng, đường nét của sắt trong sáng tạo mỹ thuật.

Mãi tới cuối năm 2007, người yêu mỹ thuật Hà Nội mới có dịp thưởng thức hàng chục tác phẩm điêu khắc sắt của Gonzalev tại cuộc triển lãm có cái tên thật khiêm tốn: "Sự kỳ ảo của những người thợ rèn". Các tác phẩm của ông trưng bày với ba môn đệ khác đã khẳng định sức mạnh của không gian ảo, hút trí tưởng tượng của người xem.

Cùng thời với Gonzalev, cũng có một số họa sĩ ở nước khác mày mò sáng tạo nhưng lại không đi hết con đường chênh vênh và biến ảo của sắt. Tuy nhiên còn có một thành tựu khác trên thế giới cũng thuộc về sắt, đó là công trình Watt's Towers ở Mỹ.

Hình ảnh những cái tháp lớn đứng giữa lòng thành phố "Thiên thần" đã tạo nên sự xáo trộn tinh thần và sinh hoạt của dân chúng địa phương. Dãy tháp này có người chê bai đó là đống sắt vụn nhưng lại cũng có nhiều người ngợi ca hết lời.

Nhưng thật kỳ lạ, để dựng lên những tháp từ sắt vụn ấy, ông Simon Radia đã ròng rã 34 năm chỉ dùng những vòng dây thép cũ để buộc những cột sắt với nhau, không có mối hàn, không có một dụng cụ nào khác ngoài đôi bàn tay cùng với cái búa, cái kìm. Công trường được khởi công từ 1921, đến 1955 thì hoàn thành và các tháp sắt này đã làm tốn không biết bao nhiêu giấy mực của giới báo chí và các nhà điêu khắc lành nghề. Mãi tới 1985 Nhà nước mới công nhận khu vực này là một di tích lịch sử.

Thực ra, từ lâu người ta đã khai quật ở Morocco được một phiến đá nhỏ hình người. Các nhà chuyên môn nghiên cứu đường nét và chất liệu thì khẳng định, đây là tác phẩm điêu khắc tượng người có tuổi từ 500.000 đến 300.000 năm. Điều quan trọng hơn là theo kết quả khảo sát chi tiết cho biết khối tượng này có chứa sắt và mangan. Vậy là sắt đã có đóng góp từ xa xưa đối với nghệ thuật điêu khắc tượng.

Nhưng để sắt trở thành một chất liệu chính thức, thành một bộ môn điêu khắc độc lập thì chỉ mới có gần một thế kỷ nay và chính Julio Gonzavel được coi là vị hoàng đế của nền điêu khắc chất liệu sắt. Những tác phẩm nổi tiếng của ông như "Mặt nạ ánh sáng và Bóng tối" ; "Mặt nạ thép", "Bóng khỏa thân", "Người phụ nữ đọc sách", "Gương mặt thanh xuân"… tiêu biểu cho ngôn ngữ điêu khắc sắt. Đó là nghệ thuật tạo sự đầy đặn trong một không gian rỗng, mà sau này biết bao các nhà điêu khắc trẻ trên thế giới cũng nguyện thề cùng đi theo con đường của ông.

Chỉ tính từ năm 1975 cho đến nay, ở Việt Nam đã tổ chức được khoảng hơn chục triển lãm điêu khắc, kể cả những cuộc trưng bày của các trại sáng tác. Nhưng phải mãi tới Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2005, mới có tượng sắt chiếm giải cao, đó là tác phẩm "Thượng võ" (sắt hàn - Huy chương vàng) của Nguyễn Huy Tính. Kế đó là "Mắt bão" của Khổng Đô Tuyên, dùng vật liệu sắt hàn, đoạt Huy chương bạc. Còn lại là tượng sắt cùng tạo hình với đá của Phan Minh Tuấn với tiêu đề "Những nốt nhạc thời gian" được Huy chương đồng.

Tuy nhiên, ai cũng biết nhiều năm trước đây, nhà điêu khắc Trần Hoàng Cơ gần như là người duy nhất lúc bấy giờ theo đuổi chất liệu sắt. Anh một mình lầm lũi làm việc với lò rèn tại trại sáng tác riêng ở làng Xuân Phương, Từ Liêm, Hà Nội. Anh đã làm việc như một bà đồng nát, ấy là đi mua sắt thép phế liệu, rồi đục đẽo, gõ hàn rất thủ công. Anh lao động miệt mài với những ý tưởng mới cùng chất liệu kim loại.

Không gian "Hồi sinh" của Trần Hoàng Cơ.

Sau 5 năm lao động "khổ sai", anh đã có tác phẩm điêu khắc bằng sắt đi dự triển lãm ở Nhật Bản. Đây là triển lãm điêu khắc đầu tiên riêng cho chất liệu sắt và đồng. Và hai năm tiếp theo, anh mở triển lãm điêu khắc riêng tại Hà Nội. Cho đến nay, nhà điêu khắc Trần Hoàng Cơ là người duy nhất có tượng sắt được trưng bày ở các bảo tàng nghệ thuật nước ngoài như Singapore, Nhật Bản, Đức. Có thể nói Trần Hoàng Cơ là một gương mặt "sắt" tiêu biểu mà sau này nhiều nhà điêu khắc trẻ cũng theo hướng sáng tạo như anh trên chất liệu cứng cáp này.

Và hẳn nhiên đội ngũ điêu khắc trẻ theo con đường của sắt đã xuất hiện những gương mặt có tài như Lương Văn Việt (Hải Phòng) - giải nhất điêu khắc trong Triển lãm Đồ họa - Trang trí ở khu vực phía Bắc lần thứ 13. Đầu tháng 9/2008, Lương Văn Việt đã trình làng giới điêu khắc với một triển lãm tượng sắt đầy ấn tượng tại Hà Nội. Vẫn dựa nguyên tắc chủ đạo chiếm lĩnh không gian ảo bằng những thanh sắt với hai màu sơn đen, đỏ, các tác phẩm điêu khắc của Lương Văn Việt đã toát lên những triết lý sâu sắc về lẽ sống, về tình yêu với cộng đồng qua các bố cục: "Sau cơn dông", "Nhát cắt", "Đấu trường", "Cái đĩa đỏ".

Tính mỹ lệ của sắt ngày một nâng cao qua các nhà điêu khắc trẻ, vừa qua cuộc đấu giá tại TP. Hồ Chí Minh đã đánh động tâm thức của người xem thông qua những ý tưởng rất độc đáo: Tác phẩm "Đồng bào" (chất liệu sắt) của Hoàng Tường Minh. Tác phẩm này có giá khởi điểm là 3.000 USD. Đây là tượng sắt tiêu biểu có chất lượng cao và mạnh dạn bày tỏ thái độ công dân chân chính của lớp trẻ trước những biến cố của cuộc sống. Những tác phẩm của Trần Hoàng Cơ, Phạm Tường Minh và Khổng Đỗ Tuyên, Lương Văn Việt, Nguyễn Huy Tính đều có thể bày đặt giữa quảng trường, công viên, đường phố hoặc trong thư phòng…

Đa số các nhà điêu khắc trẻ hiện nay đều thuộc lứa 7X, đặc biệt đội ngũ làm trên chất liệu sắt tuy chưa nhiều nhưng lại báo hiệu cho sự phát triển phong phú trên ngôn ngữ mới này. Hiện cũng có nhiều nhà điêu khắc trẻ còn thử sức qua các tượng nhỏ gia dụng hoặc bằng cách kết hợp giữa đá hoặc gỗ với sắt, để làm mới mình trong biểu cảm trong điêu khắc hiện đại.

Nhưng khi dấn thân vào con đường kỳ bí của Gonzalev, hy vọng nhiều nhà điêu khắc trẻ Việt Nam sẽ có con đường sáng tạo riêng. Nhưng có lẽ điều quan trọng là hướng sáng tạo của các nhà điêu khắc trẻ cần phải xuất phát từ cuộc sống. Mọi tượng sắt cần có tính ứng dụng cao hơn, phổ cập hơn về ý tưởng. Ngôn ngữ trừu tượng hay biểu cảm, lập thể hay hiện thực gì đi nữa đều cần bám sát các đề tài mang tính xã hội cụ thể như môi trường, giáo dục, văn hóa...

Đồng thời điều không kém quan trọng là các tác phẩm này phải trở thành điểm nhấn cho các khu vui chơi giải trí, công viên và quảng trường nhỏ. Và cái không gian ảo ấy là một hình khối "lỏng" và "dịu dàng". Ở đó, những giai điệu của tâm hồn nghệ sĩ được bay bổng.

Tuy con đường của chất liệu mới này còn nhiều cam go trước con sóng của thị trường, và đòi hỏi nhiều thách thức hơn nữa; nhưng ta vẫn hy vọng trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ có một đội ngũ điêu khắc trẻ đông đảo cùng xuất hành trên đường ray mới, vươn tới chân trời nghệ thuật bằng chất liệu sắt

Vương Tâm
.
.