Đại sứ Mỹ thiệt hại tại Libya:

Sự cố bi thảm của ngành Ngoại giao Mỹ

Thứ Sáu, 05/10/2012, 08:00

Một số quan chức Mỹ cho rằng vụ tấn công ở Benghazi có thể đã được lên kế hoạch từ trước, bởi nó nhằm đúng thời điểm nước Mỹ kỷ niệm 11 năm ngày bị khủng bố tấn công và xảy ra ở Benghazi, là nơi "khởi nguồn" của phong trào nổi dậy chống chính quyền của cố Tổng thống Gaddafi. Nhiều dấu hiệu cho thấy các thành viên của một nhóm chiến binh tự xưng là Ansar al Sharia (những người ủng hộ luật Hồi giáo) có thể có liên quan tới vụ việc trên...

Vào đúng ngày cả nước Mỹ và những người yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới dành thời gian để tưởng nhớ các nạn nhân của vụ khủng bố kinh hoàng ngày 11/9 xảy ra tại Mỹ cách đây 11 năm thì tại tòa Lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi, một thành phố thuộc miền Đông Libya, các nhân viên ngoại giao Mỹ cũng đã phải hứng chịu cuộc công kích dữ dội bằng rocket của một nhóm chiến binh quá khích người bản xứ. Lấy lý do phản ứng lại việc một bộ phim ở Mỹ chế nhạo nhà tiên tri Mohammad của đạo Hồi, những kẻ cực đoan này đã có những hành động trả đũa tàn khốc và hậu quả là làm chết Đại sứ Christopher Stevens cùng 3 nhân viên ngoại giao khác. Ra đi ở tuổi 52, ông Stevens đã trở thành vị đại sứ Mỹ đầu tiên bị sát hại kể từ khi ông Adolph Dubs, phái viên Mỹ tại Afghanistan thiệt mạng trong một âm mưu bắt cóc xảy ra cách đây 23 năm.

Kênh truyền hình Al Jazeera hôm 12/9 đưa tin Đại sứ Stevens đã tử vong do ngạt khói. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra tuyên bố lên án mạnh mẽ vụ tấn công Lãnh sự quán Mỹ tại Benghazi. "Mỹ phản đối các hành vi xúc phạm tôn giáo, tín ngưỡng của người khác, song không chấp nhận việc xem đó là lý do để biện minh cho hành vi bạo lực nói trên" - Ngoại trưởng Hilary Clinton bày tỏ quan điểm. Tổng thống Obama thì phẫn nộ nhận xét, vụ sát hại Đại sứ Christopher Stevens và một số nhân viên ngoại giao Mỹ là một hành vi "vô nhân đạo". Ông cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Libya để truy tìm thủ phạm, đồng thời ra lệnh siết chặt an ninh ngoại giao toàn cầu.

Một số quan chức Mỹ cho rằng vụ tấn công ở Benghazi có thể đã được lên kế hoạch từ trước, bởi nó nhằm đúng thời điểm nước Mỹ kỷ niệm 11 năm ngày bị khủng bố tấn công và xảy ra ở Benghazi, là nơi "khởi nguồn" của phong trào nổi dậy chống chính quyền của cố Tổng thống Gaddafi. Nhiều dấu hiệu cho thấy các thành viên của một nhóm chiến binh tự xưng là Ansar al Sharia (những người ủng hộ luật Hồi giáo) có thể có liên quan tới vụ việc trên.

Vụ tấn công xảy ra đêm 11/9. Theo một số nhân chứng người Libya, lực lượng tấn công chính là một phần của đám đông đang tham gia biểu tình phản đối bộ phim của Mỹ xúc phạm nhà tiên tri Mohammad, bao gồm cả thành viên bộ lạc, các tay súng chiến binh: "Những người biểu tình đi quanh tòa lãnh sự để tìm người Mỹ. Họ chỉ muốn tìm một người Mỹ và sẽ phải bắt cho được một người".

Sau 15 phút, các chiến binh đã vượt được qua cổng tòa lãnh sự. Họ bắt đầu xả súng vào tòa nhà chính và… phóng hỏa. Nhân viên bảo vệ người Libya và nhân viên an ninh trong tòa lãnh sự đã bắn đáp trả. 

Được biết, khi vụ tấn công xảy ra, trong Lãnh sự quán Mỹ có khoảng 30 người.

Người dân Libya cấp cứu Đại sứ Christopher Stevens tại Lãnh sự quán Mỹ ở Banghazi sau cuộc tấn công của các chiến binh.

"Các nhân viên an ninh đã tìm mọi cách để đưa đại sứ ra khỏi tòa nhà, nhưng họ bị chia tách bởi khói mù đặc và đạn bắn xối xả" - một nhân chứng người Mỹ giấu tên cho hay.

Căn cứ vào những bức ảnh ghi lại hiện trường, mọi người cũng ít nhiều thấy được tính chất quyết liệt của cuộc giao chiến.

Theo một nhân chứng làm việc trong tòa Lãnh sự quán Mỹ thì khi tòa nhà chính bị nhóm chiến binh vũ trang người Libya phóng hỏa, Đại sứ Christopher Stevens vẫn còn kẹt tại đó cùng một quan chức quản trị thông tin tên là Sean Smith và một quan chức an ninh khu vực. Họ bị chia cắt với các nhân viên an ninh và rồi bị "lạc" nhau vì khói lửa mù mịt. Vị quan chức an ninh khu vực sau khi tìm cách thoát được ra ngoài đã dẫn nhóm nhân viên an ninh quay trở lại tòa nhà đang ngùn ngụt lửa khói nhằm giải cứu cho Đại sứ Christopher Stevens và ông Sean Smith. Tại đây, cả nhóm không tìm thấy vị đại sứ đâu. Thay vào đó, họ tìm thấy thi thể của ông Smith. Rồi họ bị đẩy lùi khỏi tòa nhà vì đạn bắn xối xả và khói tuôn đến nghẹt thở.  Họ chỉ còn biết cách vào lánh nạn tại khu nhà phụ gần đó.

"Lúc này, đã có thêm hai nhân viên Mỹ nữa bị thiệt mạng và hai người bị thương" - nhân chứng nói trên cho biết.

Phải tới 2h sáng, lực lượng an ninh Libya mới giúp được lực lượng an ninh Mỹ kiểm soát tình hình.

"Tại thời điểm đó, chúng tôi không có bất kỳ một thông tin nào về Đại sứ Stevens. Thực tình, đã có những lúc chúng tôi nghĩ ông đã ra khỏi tòa nhà và được đưa tới một bệnh viện nào đó ở Benghazi" - vẫn nhân chứng nọ cho biết.

Hiện nay, có lẽ một trong những thông tin quý giá nhất liên quan tới Đại sứ Stevens vẫn là bức ảnh do phóng viên của Hãng AFP chụp được. Bức ảnh chụp tại khuôn viên tòa Lãnh sự quán Mỹ tại Benghazi cho thấy Đại sứ Stevens trong tình cảnh bị thương đang được một số người dân Libya giúp đỡ. Được biết, sau đó, chính những người Libya đã đưa ông tới bệnh viện ở Benghazi. Cuối cùng là việc… thi thể của ông Stevens được chuyển tới sân bay địa phương.

Theo một bác sĩ người Libya tên là Ziad Abu Zeid cho hay thì mặc dù ông đã rất nỗ lực tìm cách cứu Đại sứ Stevens, nhưng thất bại. Đại sứ Stevens đã chết vì trước đó bị ngạt khói khá lâu.

Hiện Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đang mở cuộc điều tra về vụ tấn công vào tòa Lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi và những diễn biến xung quanh cái chết của Đại sứ Stevens cùng một số cộng sự của ông."Chúng tôi sẽ điều tra kỹ lưỡng, toàn diện. Đây là một vụ tấn công phức tạp" - một quan chức FBI khẳng định. Tất nhiên, qua kết quả khám nghiệm tử thi của Đại sứ Stevens sẽ phần nào xác định được nguyên nhân trực tiếp dẫn tới cái chết của ông.

Nhân đây, cũng xin giới thiệu một chút về "thủ phạm" gián tiếp gây nên cái chết của Đại sứ Stevens và một số cộng sự của ông. Đó là nhà sản xuất của bộ phim "Sự ngây thơ của người Hồi giáo" - ông Sam Bacile, một người Mỹ gốc Do Thái. Các trích đoạn phim bằng tiếng Anh và tiếng Arab được tải trên YouTube đã cho thấy nhà tiên tri Mohammad là con của những người không rõ nguồn gốc, danh tính và ông là một người luôn cổ xúy cho việc ngoại tình và xâm hại tình dục trẻ em. Phim còn sử dụng nhiều lời công khai thóa mạ nhà tiên tri Mohammad. Không dừng ở đó, Sam Bacile còn nhiều lần phát biểu rằng đạo Hồi là "ung thư", rằng ông muốn cuốn phim của mình là một tuyên cáo chính trị chống lại đạo này.

Gần như cùng lúc với việc Lãnh sự quán Mỹ tại Benghazi bị tấn công, Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Cairo của Ai Cập cũng bị tấn công. Nhiều kênh truyền hình đã phát đi hình ảnh một đám đông giật cờ Mỹ và thay vào đó là lá cờ đen có in dòng chữ trích từ kinh Koran.

Trong quá khứ, việc công khai báng bổ nhà tiên tri Mohammad dưới bất kỳ hình thức nào đều rất dễ dẫn tới những vụ đụng độ căng thẳng. Đã có những bức hình biếm họa nhà tiên tri Mohammad làm nổ ra các cuộc biểu tình khắp thế giới Hồi giáo.

Một quan chức Mỹ cho biết, sau vụ tấn công vào Lãnh sự quán Mỹ hôm 11/9, chính quyền Washington đã ra lệnh sơ tán toàn bộ các nhân viên Mỹ từ Benghazi tới Tripoli (thủ đô Libya) và số lượng nhân viên Mỹ làm việc tại thủ đô của Libya hiện cũng đã được giảm tới mức đáng lo ngại. Rõ ràng, vụ việc là rất nghiêm trọng. Nó làm dấy lên câu hỏi về sự hiện diện của Mỹ tại Libya, về mối quan hệ của nước này với chính quyền mới ở đây cũng như thực chất tình hình an ninh của Libya sau khi Tổng thống Gaddafi bị lật đổ.

Trả lời báo chí sau khi cuộc tấn công đã được dập tắt, Thứ trưởng Nội vụ Libya, ông Wanis al-Sharif nói rằng đó là một cuộc tấn công liều chết của những kẻ đã bị kích động tới cao độ, và rằng phái bộ Mỹ cũng ít nhiều có lỗi vì không lên phương án bảo vệ tòa nhà một cách tương xứng.

Đại sứ Stevens là một chuyên gia về Trung Đông và Bắc Phi. Ông nói rất giỏi tiếng Arab và tiếng Pháp. Tính đến khi mất, Đại sứ Stevens đã có thâm niên hơn 20 năm phục vụ trong ngành Ngoại giao. Trước đó, ông Stevens là luật sư về thương mại quốc tế. Mặc dù mới được bổ nhiệm giữ cương vị Đại sứ tại Libya chưa đầy 4 tháng, song ông Stevens được ghi nhận là một trong các đại sứ dày dạn kinh nghiệm nhất của Mỹ trong khu vực. Ông được cử sang "nằm vùng" tại Libya từ năm 2007. Lần thứ hai ông được cử sang Libya là năm 2011, khi các hoạt động của phe nổi dậy chống chính quyền Gaddafi ngày càng gắt gao. Ông Stevens đặc biệt có thành tích trong việc hỗ trợ cho các hoạt động lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi

Nguyễn Quang Thắng
.
.