Sóng vỉa hè

Thứ Bảy, 25/03/2017, 08:00
Hương vị của cốc nước vối tươi trong quán trên vỉa hè như đang khẳng định chỗ tôi đang ngồi thật thích hợp, nó gợi cho tôi nhớ đến cây vối cổ thụ quê nhà mà cách đây rất lâu không rõ bao nhiêu lần tôi trèo lên đó hái những quả vối vàng ươm nho nhỏ bỏ vào miệng, cảm thấy vị chua ngọt của nó đọng mãi đầu môi và khó có thể quên được bát nước vối bà ngoại rót cho tôi uống làm dịu cơn khát khi đi học về. 


Ngoài kia là lộ đường, nếu ví nó như dòng sông thì hẳn mỗi người khi dùng bất kỳ phương tiện nào tham gia vào nó đều như một con sóng. Nếu không có ý thức về luật giao thông thì mỗi con sóng, rồi nhiều con sóng như thế hợp lại thành con sóng lừng, sẽ gây ra bao điều, lúc ấy hiểu ra thì đã muộn.

Tôi rất tâm đắc với câu nói khách quan của một khách quốc tế khi tham gia vào giao thông Việt Nam: ở nước này, người ta chỉ quan tâm làm sao để các phương tiện giao thông tránh va đập vào nhau chứ ít chú ý đến việc tận dụng triệt để luật.

"Sóng" lộ đường thì như thế, vậy có sóng vỉa hè không?

Bây giờ hãy khoan nói chuyện đó. Vậy, vỉa hè là gì? Đó là anh em song sinh với đường, đường dài đến đâu thì vỉa hè đến đó. Vỉa hè là một phần của quốc lộ dành cho người đi bộ nhằm tránh va chạm với xe cơ giới có tốc độ cao. Vỉa hè là khoảng nối giữa đường với nhà (phố), cho nên nó được tôn vinh là an toàn khu (ATK) của người đi bộ, đặc biệt ở thành phố hoặc khu đông dân cư. Và cũng ở đấy, vỉa hè có vị trí đi lại không kém gì lộ đường, cũng phải chịu bao hệ lụy.

Thật dễ chịu khi mỗi chiều ta khoan thai bước chân lên khoảng rộng rênh của hè phố, lòng thanh thản sau một ngày lao động vất vả, hoặc giữa nắng hè để tận hưởng cái mát mẻ của khoảng râm do tán cây đem lại, cảm thấy tâm hồn mình được che chở và thấy sự thanh bình tràn ngập đâu đây.

Vỉa hè trên đường Phan Đình Phùng, Hà Nội.

Nói đến vỉa hè thì phải nói đến cây, cây gắn với vỉa hè như một thực thể. Cây lúc nào cũng mặc cho vỉa hè những màu áo mới: mùa xuân thì màu xanh non, mùa hè màu xanh sẫm, mùa thu màu vàng, mùa đông màu biếc. Ai cũng biết ban ngày cây hút khí cacbonic, đêm nhả oxy để cân bằng sinh thái. Rồi cây cùng vỉa hè gắn liền tuổi thơ của bao người. Những việc tưởng đơn giản như: chạy tung tăng trong lòng vỉa hè tìm bắt ve ở những gốc cây hoặc trèo me, trèo sấu, chõi quả bàng, ngắt hoa phượng… cũng rất hữu ích, nó làm phong phú thêm đời sống tinh thần của đời người.

Cái gì cũng vậy, đều có hai mặt, như đã nói: cây và vỉa hè là một thực thể nhưng trên thực tế lâu dài thì cây lại báo hại vỉa hè. Mấy chục năm về trước, cây được trồng trên hè phố lúc ấy còn nhỏ. Nay, cây càng ngày càng lớn, gốc phình to, rễ như vòi bạch tuộc tỏa rộng xung quanh vô hình chung đội cả vỉa hè lên bất kể trên đó là gì, là gạch, là xi măng thậm chí cả đá.

Vỉa hè phải hứng chịu những chấn động phía dưới, lúc đầu còn nhấp nhô, chỗ cao, chỗ thấp nhưng về sau không chịu nổi, nó nứt toác ra thành những rãnh dài, như một cơn động đất kéo theo sự sụt lở khiến mặt vỉa hè biến dạng như sóng khiến người đi bộ phải vòng vèo để tránh và sau này không bao giờ họ trở lại chỗ ấy nữa. Kế đến, khi cây đổ bật gốc khiến vỉa hè vỡ nát, gây tai nạn chết người, chập cháy và tắc nghẽn giao thông.

Còn chuyện về sự vô thức của con người với vỉa hè thì thật tệ hại. Đó là, cứ vài ba năm "hứng lên", người ta lại mang vỉa hè ra đào để thay ống nước, khiến đất được hất lên tạo thành những sóng núi ảnh hưởng nhiều đến chất lượng giao thông, lãng phí công sức, tiền của.

Như vậy, có sóng vỉa hè không? Có! Hiểu theo nghĩa đen là vậy, còn hiểu theo nghĩa bóng thì sao? Đều đúng cả!

Cốc nước vối tôi uống gần hết, định thần gọi thêm cốc nữa thì đột nhiên bà chủ quán cuống cuồng giục tôi và một số khách ngồi bàn bên cạnh uống nhanh, trả tiền để bà thu dọn rồi "chạy". Hỏi? Bà bảo: anh không biết à, công an và quản lý thị trường đến rồi, tôi phải dọn mau không họ tịch thu hết, nếu không lại phải lên Ủy ban phường giải quyết có mà ốm, nhẹ nhất là phạt hành chính. Hóa ra chỗ tôi ngồi là vỉa hè cấm, mình tham gia coi như tiếp tay. Đã vậy, có người còn nói tức, người ta đã cảnh báo rồi, sao vẫn lờ đi, bây giờ nước đến chân mới nhảy, còn ta thán gì.

Thời bao cấp, những dãy tường trống chạy dài theo vỉa hè. Người ta đã kẻ lên đấy cơ man là khẩu hiệu. Đặc biệt "Tất cả cho tiền tuyến" là khẩu hiệu thể hiện rõ nhất tinh thần cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta. Vì vậy thời ấy, nhà mặt phố cũng như khoảng vỉa hè phía trước của nó chẳng để làm gì cả, người ta làm mọi cách để phục vụ tinh thần khẩu hiệu chứ chẳng ai nghĩ đến chuyện buôn bán vì cho là xấu, là bóc lột. Có gia đình đổi nhà vào ngõ để tránh ồn ào, bụi bặm còn không được đành khóa lại để đấy rồi chuyển về sống ở nơi sơ tán. 

Hai năm, sau 1975 tôi vào Sài Gòn công tác, lúc rảnh rỗi có đi dọc theo các phố lớn nhỏ của thành phố này, thấy hàng hóa bán ở đây rất nhiều, trên trời, dưới đất cơ man là hàng và hàng. Nào là đồ nhựa, đồ chơi, đồ may mặc, đồ dân dụng, đồ gỗ, đồ nội thất… chúng được bày kín trong nhà chưa hết, chúng lại được bày như La hán ngoài vỉa hè. Thật choáng ngợp. Có lúc tôi thầm ước bao giờ miền Bắc mình được như thế.

Vậy, đến bây giờ thành phố ở ngoài này, nơi tôi đang sống còn quá thế. Cũng đúng thôi, Cách mạng đã giải phóng thì giải phóng tất cả dù đó chỉ là dãy vỉa hè cỏn con. Đất nước mở cửa, kinh tế phát triển, dân số tăng đồng nghĩa với cung đáp ứng cho kịp cầu. Ngàn con sóng chiếm dụng vỉa hè bắt đầu từ đấy.

Vỉa hè nhà mặt phố thì đã đành, vỉa hè không phải nhà mặt phố cũng bị chiếm dụng triệt để, tất cả chỉ vì miếng cơm manh áo và còn trên nữa là lợi nhuận, người ta bất chấp luật lệ để hành xử nó, ngay cả không gian nó người ta cũng bắt phải vào cuộc, đó là quảng cáo: đưa số lượng lớn hàng ra vỉa hè để cạnh tranh quảng cáo chưa đủ, người ta còn tận dụng khoảng không để trưng panô quảng cáo to nhỏ các cỡ ra sát mép đường, đóng lên cây, chặn hết lối đi…

Tệ hơn nữa đó là: mặt tường nơi hay kẻ khẩu hiệu tuyên truyền thì nay họ dùng sơn phun chữ bừa bãi lên để thể hiện đây là nơi bán nước, bán phở, bán cà phê, rửa xe máy… thay cho biển quảng cáo đầu tư đắt tiền.

Thế là mặt vỉa hè bị lấn chiếm mọi lúc, mọi nơi, vô hình chung nó trở thành một dãy chợ tạm bất đắc dĩ, không tên, rác rưởi các loại vứt vô tội vạ, ô nhiễm không khí, nguồn nước... Như đã nói trên, vỉa hè là nơi người ta bám vào nó để kiếm sống bằng mọi giá như đơn giản chỉ là bán nước thôi, họ cũng xây được ngôi nhà bốn tầng, một điểm bán giải khát có đêm cũng thu nhập hàng triệu đồng mà vốn bỏ ra chỉ chút nước sôi, chút đá lạnh, chút chè mạn…

Vậy, chỉ có người đi bộ là chịu thiệt nhất khi vỉa hè không còn là an toàn khu (ATK) của họ nữa. Để đi (vì bị lấn chiếm hết) bắt buộc họ phải cuốc bộ xuống đường, điều mà không ai muốn. Trái lại, thật nghịch cảnh, khi tắc đường, xe máy lại lao lên vỉa hè để thoát.

Việc giải phóng hè phố là việc nhạy cảm, bởi trước đây ta mải làm việc lớn chẳng ai nghĩ ra để quản lý và chuẩn bị cho nó, coi như việc vặt, thậm chí một thời gian dài nó được thả nổi, đến khi xảy ra rồi mới nghĩ cách làm. Tuy muộn mằn nhưng làm còn hơn không. Cái khó là thay đổi nếp sinh hoạt cũ: một thói quen tùy tiện, nhen nhúm, bất chấp đúng sai, một lối tư duy nhỏ dẫn đến hệ lụy từ bao năm trời để lại. Bước đầu, khi bắt tay vào thực hiện, UBND thành phố có những việc làm võ đoán, thiếu kinh nghiệm và còn nửa vời.

Dần dà, những việc sau này, tôi thấy thành phố triển khai rất thỏa đáng như: lệnh cho các hộ kinh doanh dỡ bỏ những mái hiên cơi nới và bục, bệ cố định bày bán hàng hóa lấn chiếm không gian vỉa hè. Các quán được quy hoạch vào nơi quy định. Xe đẩy bán hàng phải có ô dù che, nếu được ưu tiên bán nơi công cộng thì cho phép bán: sáng từ 5h đến 7h, chiều tối từ 7h đến 9h xong, phải dọn hết để trả lại sự thoáng đãng cho vỉa hè. Tất cả các chữ quảng cáo trên tường được quét vôi xóa sạch. Tăng cường các tụ điểm gom rác ở các vỉa hè để từ đó thuận tiện cho việc tập kết đến ga rác.

Các khu xây dựng mới quy hoạch vỉa hè rộng, thông thoáng. Trồng những cây phát triển nhưng không phá vỡ cảnh quan vỉa hè. Kiểm tra thường xuyên việc thực hiện nội quy, ai cố tình vi phạm sẽ dùng biện pháp cưỡng chế, tháo dỡ, tạm giữ dụng cụ hành nghề, thu hồi giấy phép kinh doanh, phạt hành chính…

Hôm nay, chỗ tôi ngồi quán trước đây, đã được chuyển vào trong nhà, nơi hiên ngoài rợp bóng ô dù xanh, đỏ. Bà chủ quán tươi cười nói với tôi rằng là để thực hiện chiến dịch xanh, sạch, đẹp thành phố, ai cũng phải thực hiện nghiêm để thành nếp, tránh hôm nay làm đối phó để rồi nhạt đi, mai lại thế.

Ngoài kia, nắng mới dát trên vỉa hè thoáng đãng, những hàng gạch nối đuôi nhau thẳng tắp chạy dài. Vỉa hè hôm nay ví như sóng đã yên, biển đã lặng. Nhẹ nhàng chân ai tự tin bước trên vỉa hè mệnh danh là ATK cho người đi bộ mà không quên cuộc sống bình yên đang hiến tặng.

Nguyễn Duy Lập
.
.