Tản văn

Sông khống chảy thẳng

Thứ Sáu, 30/12/2011, 08:00

Thế giới có hàng trăm nước, nhưng không phải nước nào cũng có một con sông lớn nằm giữa lòng Thủ đô như trường hợp con sông Hồng với Thủ đô Hà Nội của chúng ta.

Một nhà thơ đã viết:

Có bao giờ sông chảy thẳng đâu em
Sông lượn khúc lượn dòng mà đến biển.

Từ các cửa khẩu đi vào các phố ven sông, bạn sẽ nhận thấy sông "lượn khúc lượn dòng" đúng như vậy. Và dĩ nhiên, những con đường ven sông cũng "lượn" theo như thế, có đâu được thẳng tắp như các đường trong phố? Dẫu sao thì cơ sở hạ tầng ở đây giờ đã có nhiều đổi khác. Nếu trước đây hai mươi năm, ai từng có dịp ghé tìm người thân ở đây, hẳn sẽ không khỏi ngạc nhiên khi thấy giữa phố là một "lòng chảo" chạy dài… Vào ngày mưa, bùn ngập nhầy nhụa. Khi sang đường chỉ còn cách "bắc" gạch đỏ mà rón chân bước qua. Thậm chí lúc bấy giờ đã có người đùa rằng: Đường phố mà hệt như… sông, cũng có "bên lở bên bồi". Bây giờ thì một con đường bêtông đã trải đè lên con đường nhựa (mới làm cách đây ít năm) "lừ lừ" chạy men theo sông. Nghe đâu trong quá trình con đường này di chuyển, hai bên hè phố cũng có xảy ra tình trạng "bên lở bên bồi". Có những chỗ người ta đặt vỉa sát móng nhà, có những bên thì lại chừa rộng thênh thang, khiến những nhà ở đó hí hửng lấn ra "tận dụng" luôn, làm thêm được cái phòng ở, cái quán bán hàng.

Cách đây ít năm, đến đây tìm người mà lần theo số nhà là việc không dễ. Ấy cũng là dấu hiệu cho biết vốn dĩ đây là một vệt đường mới được "khai phá". Nhà cửa từ đất ngoi lên đội theo những con số chẳng theo một quy định, một trình tự nào cả. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, trong bài "Đất ngoại ô" (tuy viết về một khu phố ở thành phố Huế), nhưng có những dòng dễ làm ta liên hệ đến xuất xứ của việc hình thành khu cư dân này:

Khu phố ngoại ô
Tầm tã rụng bên dòng sông
Những người dân nghèo về đây
Như vỏ hến chiều chiều tấp lên các bến.

Gọi là phố bờ sông, hoặc phố ven đê, song khu vực này cách trung tâm đâu có bao xa, vậy mà nó pha tạp đủ các thành phần ở nhiều miền quê đổ về. Tất nhiên, đến giờ thì người "trong phố" ra đây xây nhà dựng cửa cũng khá nhiều.

Đời sống của người dân "phố bờ đê" phần nhiều dựa vào các nghề thủ công. Nhiều xưởng thợ bùng nổ từ đây. Và, dường như để đáp ứng nhu cầu xây dựng, nhiều căn hộ cũng xoay ra buôn bán gạch ngói cát sỏi. Bởi vậy mà nhiều chỗ đất công, kể cả đường đi luôn bị người ta án ngữ, thành nơi hành nghề. Không ít phóng sự của Đài Truyền hình Hà Nội được ghi nhanh từ đây. Lạ nữa, có những con dốc dẫn vào khu dân cư đến ngàn người, vậy mà người ta vẫn mặc nhiên đổ gạch cát đến mức gần như chèn lấp cả lối đi. Thoạt tiên, người ta còn nghĩ tình trạng này chỉ là tạm thời, ai đó đang xây dựng nên mới phải "phiền nhiễu" tí chút tới dân, song rồi ngày qua ngày, dễ đến vài năm trôi qua, gạch ngói, cát sỏi, cốp pha chất đống vẫn còn đấy. Không biết bao giờ dân chúng mới thoát khỏi nạn "lối thông hơi" bị vùi lấp, bởi đó chính là điểm để người ta tập kết, buôn bán nguyên vật liệu xây dựng. Thảo nào có người gọi nơi đây là "công trình thế kỷ" mà.

Có một nghề nữa khá đặc biệt là nghề cho thuê trọ. Có lẽ hiếm có nơi nào cho thuê trọ nhiều như nơi đây. Người thuê trọ chủ yếu là xe ôm, cửu vạn từ ngoại tỉnh dựng lều ở tạm. Dĩ nhiên thuê vậy giá cũng khá rẻ, gọi là thêm thu nhập.

Tuy nhiên, như một nhà thơ đã viết, cho dù thế thì "bờ sông vẫn gió". Bên cạnh cái xô bồ vậy, ở đây vẫn còn phần thoáng đãng do cảnh trí thiên nhiên đem lại. "Sông tím ngát mát về con đường nhỏ". Chiều chiều, bắc ghế ngồi trên sân thượng nhìn dòng sông sậm tím kéo một vệt dài trong cuộc hành trình bền bỉ, hưởng cơn gió mát rượi thổi về mà thấy hồn xao xuyến. Rồi thì, từng khắc từng giờ, sông lại lẩn mình vào màn đêm nhung mịn, đến độ chỉ còn thấy trong khoảng đêm đen hun hút ấy những hơi gió cấp tập thổi về, làm khơi dậy trong trái tim con người những say mê huyền bí…

Lê Anh Khoa
.
.