Siêu nhà tù thế giới và những tranh cãi pháp lý

Thứ Tư, 10/02/2016, 08:17
Được xây dựng vào năm 1989, nhà tù Pelican Bay (Pelican Bay State Prison) là một “siêu” nhà tù nằm trong một địa phận tách rời thuộc thành phố Cresent, bang California, Mỹ. Nhà tù được đặt tên theo một cái vịnh cạn – vịnh Pelican – nằm trên đường bờ biển của Thái Bình Dương khoảng 2 dặm về phía Tây. Đây là một trong những nhà tù có mức độ an ninh rất cao và những quy định đặc biệt khắt khe dành cho tù nhân. 


Qua nhiều năm, nhà tù Pelican Bay luôn “vinh dự” được có tên trong những bảng xếp hạng nhà tù trên thế giới như “Tốp 10 nhà tù kinh khủng nhất Châu Mỹ”, “Tốp 28 nhà tù nguy hiểm nhất Châu Mỹ”, “Tốp 50 nhà tù điên rồ nhất thế giới”,... Hơn nữa nó còn được xuất hiện trong các bộ phim điện ảnh “Training Day”, “Heat, Miami Vice” và các sêri phim truyền hình hành động đình đám như “Life” hay “The Shield”. Vậy thì điều gì đã khiến cho nó trở nên nổi tiếng như vậy?

Nhà tù vịnh Pelican được chia thành hai phần, một phần được dùng để giam giữ những tên tội phạm hạng 4 trong một môi trường “dân cư chung” với sân tập thể dục ngoài trời. Phần còn lại là những dãy nhà màu trắng xếp thành hình chữ “X” được bao quanh bởi một vùng đất cằn cỗi và hàng rào lưới điện. Đó chính là Đơn vị nhà giam an ninh SHU (Security Housing Unit), khu nhà giam đã làm nên tên tuổi chói sáng cho nhà tù vịnh Pelican.

SHU là khu nhà được thiết kế đặc biệt dành cho những tù nhân phạm những tội ác kinh khủng nhất và bị biệt giam. Ở đây, phòng giam có kích thước 2.4m  3.0m được làm từ xi măng, không có cửa sổ và hoàn toàn khép kín. Trong mỗi phòng có một bóng đèn huỳnh quang để cung cấp ánh sáng. Lối thông ra ngoài duy nhất là khay đựng đồ ăn nằm trên cửa buồng giam chỉ được mở ra ba lần một ngày để tù nhân nhận bữa sáng, trưa và tối.

Trong ít nhất là 22 đến 22.5 tiếng một ngày họ bị nhốt trong phòng giam, đối mặt với cánh cửa thép đục lỗ được gắn vào vách tường xi măng kiên cố. Một sĩ quan cải huấn sẽ điều khiển những cánh cửa này từ buồng điều khiển. Mỗi tù nhân sẽ có một khoảng thời gian nhất định để ra ngoài tập thể dục hoặc đi tắm. Những bài tập thể dục diễn ra tại một cái sân xi măng có độ dài gấp ba lần buồng giam và có mái được thiết kế để nhìn thấy bầu trời. Các sĩ quan có vũ trang luôn đứng ở vị trí tốt nhất trong tầm nhìn và tầm ngắm của họ để giám sát các tù nhân.

Những hình ảnh trong “siêu nhà tù” Pelican Bay (Pelican Bay State Prison) thuộc thành phố Cresent, bang California, Mỹ.

Trung bình các tù nhân phải ở trong SHU 8 năm trước khi được chuyển về khu giam giữ chung hoặc được thả tự do. Thậm chí có những tù nhân được đưa vào SHU từ khi nhà tù mới mở và bây giờ vẫn còn bị giam trong đó. Phần lớn các tù nhân bị đưa vào SHU là những người bị cáo buộc liên quan hoặc nằm trong một băng đảng tội phạm đặc biệt nguy hiểm. Trung bình họ sẽ phải ở đây 6 năm và theo họ, cách duy nhất để thoát khỏi SHU là được tạm tha, chấp nhận tố cáo đồng bọn hoặc chết. Đến cuối năm 2012 thì tại nhà tù vịnh Pelican đang giam giữ gần 3.000 tù nhân và một phần ba số đó thuộc SHU.

Các tù nhân, luật sư của họ cùng với những người biện hộ đã cố gắng lập luận rằng SHU là một hình phạt tàn ác và bất thường do các điều kiện khắc khổ của nó. Một số nhà tâm thần học và tâm lý học còn mô tả về “hội chứng SHU”, một chứng bệnh của những tù nhân bị biệt giam trong thời gian dài. Các triệu chứng giống với rối loạn stress sau chấn thương như ảo giác, trầm cảm, bồn chồn, giận dữ và tự sát.

Vụ việc lên đến đỉnh điểm khi các tù nhân bị giam giữ trong SHU quyết định tuyệt thực để phản đối những chính sách hà khắc và nhất là hình thức biệt giam của nhà tù. “Chúng tôi tin rằng lựa chọn duy nhất để cố gắng làm nên những thay đổi tích cực ở đây là qua phương pháp hòa bình như tuyệt thực... có một nhóm tù nhân cốt lõi trong chúng tôi đã cam kết rằng sẽ tiến hành tuyệt thực đến chết nếu cần thiết” – theo Todd Ashker, một tù nhân bị giam giữ tại SHU.

Vào ngày 1 tháng 7 năm 2011, ước tính có khoảng 6.600 tù nhân trên toàn bộ tiểu bang bắt đầu tuyệt thực để phản đối những điều kiện tàn nhẫn của nhà tù vịnh Pelican và kêu gọi cải cách. Một tuần sau đó, ngày 7 tháng 7, 1.700 tù nhân vẫn tiếp tục từ chối những bữa ăn. Vào ngày 14 tháng 7, con số chỉ còn là 676 và đa phần những người ủng hộ là các tù nhân bị giam giữ trong SHU tại nhà giam Corcoran và nhà giam Tehachapi của bang California.

Năm ngày sau chỉ còn khoảng 400 tù nhân tham gia vào phong trào tuyệt thực, khá nhiều người 4 – 9kg và có dấu hiệu suy yếu về sức khỏe.  Phía liên minh các tù nhân tuyệt thực cố gắng đưa ra các điều kiện để đàm phán với nhà tù nhưng không thành công. Vụ việc kết thúc không được bao lâu thì vào ngày 8 tháng 7 năm 2013, các tù nhân một lần nữa khởi động phong trào tuyệt thực và lần này con số tù nhân tham gia trên khắp California lên tới 29.000 người.

California là một trong số ít những tiểu bang còn lại trên nước Mỹ còn duy trì hình thức biệt giam không thời hạn để hạn chế các vụ xung đột băng đảng. Thay vì căn cứ vào hành vi vi phạm thì hình phạt này lại căn cứ vào hồ sơ băng đảng của phạm nhân. Một trong những tiêu chí mà California sử dụng để biệt giam là số hình xăm trên người tù nhân hoặc số tranh ảnh mà họ sở hữu và mối liên hệ giữa họ và các băng đảng. Điều này dẫn đến nhiều tranh cãi về cách thức tiến hành biệt giam đối với các tù nhân.

Hiệp hội quản giáo nhà tù tiểu bang California phản đối những thỏa thuận với tù nhân và lo ngại sẽ xảy ra bạo lực nếu như thỏa thuận được thực hiện. Tháng 7 năm ngoái, tại hội nghị NACCP, tổng thống Obama cho rằng biệt giam dài hạn là một biện pháp “không thông minh” và ông đề nghị Bộ Tư pháp tiến hành điều tra sâu hơn về hình thức biệt giam tại các nhà tù liên bang.

Cuối cùng, sau một thời gian dài kiện tụng gay gắt, đấu tranh và tuyệt thực thì chính quyền bang California đã phải đồng ý bãi bỏ hình thức biệt giam đối với hàng ngàn tù nhân. Cụ thể hơn, tại nhà tù Pelican Bay, hình thức biệt giam sẽ chỉ áp dụng cho những tù nhân phạm trọng tội như giết người, tống tiền hoặc hành hung trong khi đang thụ án. Các nhà tù liên bang khác cũng bày tỏ thái độ tích cực đối với thỏa thuận này. Nhưng California sẽ không xóa bỏ hoàn toàn hình thức biệt giam. Vẫn còn khoảng 4.600 tù nhân bị biệt giam trong thời gian ngắn và khoảng 1.000 tù nhân, bao gồm cả những tù nhân có vấn đề về tâm lý, tâm thần sẽ bị giam cách li và được phép có nhiều thời gian ra ngoài hơn.

Điều đáng nói ở đây là thành tựu của cả quá trình đấu tranh gian khổ và kéo dài này được bắt đầu và phát triển bởi một nhóm các tù nhân bị giam giữ tại SHU của nhà tù Pelican Bay, những người vốn bị pháp luật hạn chế quyền công dân. Hai tù nhân Todd Ashker và Danny Troxell là người đã đưa những tranh cãi pháp lý này ra tòa vào năm 2009 và vụ kiện của họ được nhận bởi Trung tâm Quyền Hiến pháp, một nhóm luật sư ở New York. Jules Lobel, trưởng nhóm luật sư của vụ kiện này cho biết ông hi vọng thỏa thuận này sẽ là hình mẫu để các bang khác làm theo. Ông nói: “Tôi sẽ bỏ nó (hình thức biệt giam) hoàn toàn. Tôi nghĩ đó là một hình phạt phi nhân tính”.

Mặc dù thỏa thuận được chấp nhận và chính quyền California đang cố gắng để cải tạo lại các nhà tù của mình nhưng việc hoàn toàn xóa bỏ hình thức biệt giam là rất khó có khả năng. “Bạn có một hệ thống đã bị quá tải trong nhiều năm và họ (chính quyền) thì cứ đi từ cuộc khủng hoảng này sang cuộc khủng hoảng khác mà không dừng lại để xem xét một số vấn đề về bộ máy hoạt động (của các nhà tù)” - theo Jeffrey Beard, Giám đốc đương nhiệm của Sở Cải tạo và Hòa nhập cộng đồng. Vậy nên việc đặt dấu chấm hết cho một hình phạt đã được sử dụng suốt 30 năm là rất khó.

Trong ba năm vừa qua, ông Beard đã giám sát các hoạt động cắt giảm tình trạng quá tải, cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho tù nhân; đồng thời với việc chấm dứt nhiều biện pháp bảo đảm an ninh gây tranh cãi, trong đó có việc sử dụng bình hơi cay để khống chế những tù nhân có vấn đề tâm thần. Được biết trong hai năm trở lại đây, bang California tiếp tục bỏ biệt giam cho hơn 1.000 tù nhân nữa.

Đây là những dấu hiệu đáng mừng không chỉ cho tù nhân ở nhà tù Pelican Bay mà còn cho các nhà giam khác trên thế giới.

Dương Thục Anh-Xuân 2016
.
.