Sĩ diện hão

Thứ Ba, 17/02/2015, 08:00
"Tôi mà phải làm việc ấy à?". Đó là câu hỏi mà tôi được nghe rất nhiều, khi khuyên nhủ một người quen nào đó làm tạm thời một công việc nào đó ở một khoảng thời gian khó khăn nào đó của họ...

Lời khuyên của tôi cơ bản xuất phát từ suy nghĩ "lúc đang thất nghiệp, bạn nên có một công việc tạm thời để có thu nhập trong giai đoạn tìm kiếm cơ hội cho đời mình". Nhưng rồi sau này, tôi cũng bớt đưa ra lời khuyên như thế, khi tôi gặp phải câu hỏi kia. Chỉ những người nào thật thân, thật hiểu, lời khuyên kể trên mới được tôi nói ra thật lòng.

Hiện ở Việt Nam, mỗi năm, vẫn có rất nhiều người bỗng dưng thất nghiệp; vẫn có rất nhiều sinh viên tốt nghiệp với tấm bằng loại khá trở lên và không kiếm được việc làm ngay lập tức. Với tấm bằng trên tay, với một số kinh nghiệm làm việc nhất định, những người thất nghiệp đa số hướng tới những công việc mà tự họ cho là phù hợp với trình độ của họ nhất. Chính vì thế, họ chấp nhận kéo dài thời gian thất nghiệp, tức là thời gian không tạo ra giá trị cụ thể bằng vật chất, để đợi một cơ hội "đàng hoàng". Đó là quyền quyết định riêng của mỗi người song thực tế, khoảng thời gian chờ đợi và không làm gì cả ấy là khoảng thời gian hết sức lãng phí.

Lẽ ra, thay vì không tạo ra giá trị của cải (dù nhỏ), họ đã có thể kiếm thêm được những nguồn thu từ những công việc mà họ vốn coi chúng ở dưới tầm mắt mình.

Gần đây, ở London, báo chí phát hiện ra ngôi sao ca nhạc một thời của nhóm Westlife là Mark Feehily đi bán café dạo ở công viên trên một chiếc xe hơi lưu động đời cũ. Ít ai ngờ một thành viên của nhóm nhạc có doanh thu thứ nhì Anh và Ireland hồi 2010 lại đi làm công việc như thế. Nhưng Mark lại tỏ ra thoải mái khi trả lời "Tôi cảm thấy thú vị với công việc này. Nhờ nó, tôi vẫn có tiền để ghi âm, ấp ủ những bản thu âm trong tương lai". Cái cách đi bán café dạo của Mark khác hẳn với cách các ngôi sao văn nghệ ở Việt Nam mở nhà hàng, quán xá rất xa.

Ở Việt Nam, người nổi tiếng mở quán để lấy danh của mình nhằm hút khách còn trường hợp của Mark thì khác. Vì phá sản, anh ta chấp nhận lao ra đường mà kiếm sống, không cần quan tâm đến cái gọi là Danh dự và sĩ diện, thứ mà người Việt luôn lấy ra để làm rào cản cho chính mình.

Một câu chuyện khác, cũng ở Anh, cho thấy thái độ sống của người phương Tây đáng được học hỏi thế nào. Alfred Ajani, một cử nhân marketing tốt nghiệp đại học Conventry ở Anh cũng thất nghiệp từ khi ra trường. Nhưng kể từ tháng 08-2014, anh đứng ở ga tàu điện ngầm Waterloo, London, với tấm bảng chìa trên ngực ghi dòng chữ "Tôi - cử nhân Marketing đại học Conventry. Cần việc làm". Mấy tháng sau đó, anh có việc làm từ chính cơ hội lê la ở ga tàu điện không khác gì cái bang ấy. Và anh xuất hiện tại đó, lần nữa, với tấm bảng "Giờ thì tôi cần tuyển người" sau khi đã được nhận làm giám đốc dự án PR của một công ty cỡ vừa. Mục đích của Ajani khi trở lại ga Waterloo chỉ đơn giản "Tôi muốn mang lại cho các bạn khác niềm tin và hi vọng".

Tuổi trẻ cần khát khao, niềm tin và hi vọng nhưng tuổi trẻ cũng cần dẹp bỏ sĩ diện hão để chủ động tìm tất cả các cơ hội cho mình. Thà làm một công việc chưa thoả tầm nhưng tạo ra giá trị còn hơn là ngồi không và than thở nhưng sau đó sẵn sàng bật ra câu nói "Tôi mà phải đi làm việc đó à?". 

Hà Quang Minh
.
.