Sao phải đổi tên?

Thứ Ba, 10/07/2012, 10:47
Vừa qua, bên cạnh sự chia sẻ niềm vui với việc tiểu thuyết "Làm đĩ" của nhà văn Vũ Trọng Phụng được chuyển thể, dàn dựng và ra mắt khán giả tại Sân khấu Kịch Phú Nhuận - Tp HCM, dư luận cũng đã không khỏi băn khoăn, thậm chí khó chịu khi thấy tên tác phẩm trứ danh này bị tước đi một chữ so với nguyên tác, để chỉ còn chữ  "Làm…" - một cái tên cộc lốc nghe chẳng ra thế nào...

Giải thích lý do dẫn tới việc đổi tên này, nhà viết kịch Chu Thơm - người chuyển thể tác phẩm nói trên đã cho biết như sau (xem bài Giữa "Làm đĩ" và "Làm…" được tải trên một số trang web ngày 27/6): "Cho đến khi kết thúc, vở diễn vẫn có tên là "Làm đĩ" . Sau đó một số thành viên Hội đồng Phúc khảo gợi ý rằng: Trong bối cảnh Công an thành phố Hồ Chí Minh vừa phanh phui đường dây hoa hậu và người mẫu bán dâm ngày mồng 2/6/2012 mà giờ vẫn giữ tên vở là "Làm đĩ" thì quá nhạy cảm. Tôi xin nhắc lại: các anh ấy chỉ gợi ý chứ không hề bắt ép chúng tôi đổi tên. Tôi và Hồng Vân đã ngồi lại với nhau bàn bạc về việc này. Rồi cả đêm đó, sau khi trao đổi trên điện thoại, chúng tôi đã quyết định tạm thời lấy tên vở là "Làm…". 

Theo tiết lộ của nhà viết kịch Chu Thơm thì cái tên mới này đã nhận được lời khen ngợi, động viên của các đồng nghiệp. Cụ thể, nó đã được nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã đánh giá: "… đã không mượn một sự kiện làm tổn thương lớn đến tinh thần đạo lý xã hội làm cơ hội quảng bá cho tác phẩm của mình. Tuy nhiên, việc lấy một nửa tên nguyên tác làm tên của tác phẩm chuyển thể, ngoài việc cho thấy tác giả và đạo diễn không hề muốn thoát khỏi nguyên tác một cách cực đoan, còn cho thấy cái khả năng mở rộng vùng cảm xúc của vở diễn. Những dấu chấm lửng khiến người xem có thể liên tưởng nhiều hơn, suy luận nhiều hơn. Và khán giả xem kịch hẳn đã nhận thấy đằng sau ánh đèn sân khấu mà họ vừa chiêm ngưỡng, còn một nguồn nhận thức khác được khơi gợi từ trong chính họ".

Tôi không cho như vậy. Cuốn tiểu thuyết "Làm đĩ" đã được in ra và trở thành cái tên quen thuộc trong đời sống văn chương Việt Nam từ gần tám mươi năm nay. Không tính thời bao cấp, kể từ Đổi mới tới nay, tác phẩm đã được in đi in lại nhiều lần. Cái tên "Làm đĩ" vẫn công khai xuất hiện trên mặt bìa, chẳng ai thấy nó có gì phản cảm cả. Mà không chỉ cuốn sách của một nhà văn tiền bối như Vũ Trọng Phụng, một cây bút văn xuôi trẻ là Nguyễn Văn Học cách đây ít năm cũng đã đặt tên cho cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình là "Gái điếm", và sách đến nay đã được tái bản một số lần, cũng có sao đâu? Chẳng lẽ đến bây giờ mà hai chữ "Làm đĩ" vẫn thuộc loại "nhạy cảm", phải kiêng kị! Với lại, đã đổi thì đổi hẳn, kiểu như phim dựa theo tiểu thuyết "Tắt đèn" của Ngô Tất Tố được đạo diễn Phạm Văn Khoa lấy tên là "Chị Dậu", chứ "Làm đĩ" đổi thành "Làm…" (ba chấm) như thế, thì vừa không nhã, lại luôn phải giải thích thêm là "làm gì"? Mà rồi giải thích thế nào thì cũng lại ra "làm đĩ" cả thôi. Thật là "tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa", nói như Nguyễn Du trong "Truyện Kiều" là "ra tuồng lúng túng chẳng xong bề nào".

Tuy nhiên, nghe ý kiến, nhận xét của tôi, cũng có người cảnh báo: Có thể đây là cái mẹo quảng bá vở kịch của các nhà sản xuất. Bởi nếu đặt tên vở kịch là "Làm đĩ" như nguyên tác thì báo chí chẳng có gì để… nói. Đặt là "Làm…" mới là "gây sự", mới kéo thiên hạ, báo giới vào cuộc. Thì dư luận chẳng xì xầm vụ một nam ca sĩ nghe đâu đã "thiết kế" một scandal liên quan đến chuyện tình ái của mình cốt để được mọi người chú ý, để được nổi tiếng đó thôi? 

Hy vọng với việc đổi tên "Làm đĩ" ra là "Làm…", sự thể không phải vậy?

Linh Nguyên
.
.