Sáng tạo tiếng cười -Thời hội nhập

Thứ Ba, 28/04/2009, 09:00
Trên sân khấu những năm gần đây cũng có những chương trình hài ăn khách sinh động và sâu sắc như các chương trình "Đời cười" của Nhà hát Tuổi trẻ và vở kịch "Mười hai bà mụ" của Nhà hát Icedaf, nhưng vẫn chỉ là những tiết mục đơn lẻ, mang nhiều tính ngẫu hứng, thiếu màu sắc hàn lâm.

Cần có tiếng cười trí tuệ dài hơi

Nhà hát Kịch Việt Nam trước đây đã cho ra đời nhiều vở hài kịch sôi động, nườm nượp khách như "Vụ án Eroxtrat", "Đêm giông tố", "Bệnh sĩ" nay dựng rất ít hài kịch, hoặc nếu dựng cũng không tổ chức biểu diễn rộng rãi để đáp ứng nhu cầu khán giả.

Trên sân khấu ca nhạc thì hầu như vắng thiếu vắng các tác phẩm dí dỏm, khoẻ khoắn, lạc quan như "Con voi", "Các cụ già bắn rơi máy bay", "Con cua đá", "Lê Anh Nuôi", "Lambadda"… được khán giả rất thích thú trước đây.

Trên  màn ảnh nhỏ, tuy tiếng cười xuất hiện trong nhiều chương trình giải trí và game show, nhưng có vẻ vụn mảnh và tản mát. Có một chương trình có tiếng cười trí tuệ mang phong cách riêng của nhà Đài là chương trình Táo Quân với những vấn đề xã hội mang tầm chiến lược được thể hiện một cách dí dỏm, táo bạo, cuốn hút người xem... thì lại chỉ xuất hiện mỗi năm một lần vào dịp Tết.

Trong nhiều năm qua, hầu như chưa có phim hài dài tập trong nước sản xuất chiếu trên sóng truyền hình. Những tiếng cười dài hơi nhập ngoại như "Những người độc thân vui vẻ" nhiều lúc trở thành hụt hơi, gượng gạo và giả tạo.

Muốn tạo dựng một tiếng cười nghệ thuật dài hơi, có chiều sâu trí tuệ trên sân khấu, trên màn ảnh lớn và màn ảnh nhỏ, các nhà quản lý cần có cái nhìn chiến lược và các giải pháp tổ chức cụ thể mang tính chất kích cầu.

Một cảnh trong chương trình “Táo quân” xuân Kỷ Sửu.

Cần  hỗ trợ cho các nhà hát dựng những vở diễn kinh điển như hài kịch của Moliere, các vở chèo truyền thống, hay các vở có tầm như "Bệnh sĩ" của Lưu Quang Vũ mà Nhà hát Kịch Việt Nam đã dựng hai mươi năm trước đây. Bên cạnh kịch nói, tuồng chèo, có thể thể nghiệm hài kịch Opera.

Hội nhạc sĩ nên tổ chức các trại sáng tác nhạc hài và các cuộc thi hát các ca khúc hài hước. Mặt khác, cần tạo điều kiện cho sự ra đời và phát triển của các Hãng phim chuyên sản xuất phim hài. ý tưởng xây dựng xưởng phim hài trong Hãng Phim truyện Việt Nam đã xuất hiện từ hơn hai mươi năm trước đây, nhưng cho đến nay vẫn chưa thành hiện thực.

Trong không khí xã hội hoá điện ảnh hiện nay, ngành điện ảnh nên có các cuộc thi kịch bản phim hài và có kế hoạch tài trợ cho việc sản xuất phim hài thường xuyên để phim hài chiếu rạp không chỉ xuất hiện ăn may vào dịp Tết. Trên sóng truyền hình hầu như không có phim Tết dài tập.

Năm qua chỉ có HTV phối hợp với Công ty Nhật Anh sản xuất và phát sóng 6 tập phim hài "Trâu Vàng như ý", mỗi ngày phát liền hai tập, rất được khán giả quan tâm. Cần quan tâm động viên hỗ trợ những công ty có xu hướng chuyên sâu về thể loại hài để họ tiếp tục đầu tư sản xuất những bộ phim hài dài tập mới, tạo những món ăn tinh thần hấp dẫn cho xã hội.

Và những "anh hề thời đại"

Mỗi thời đại có những tiếng cười riêng, có những anh hề riêng của mình. Anh hề chèo ngày xưa chế giễu bọn tham quan ô lại, bọn thầy đồ thầy cúng dốt nát và lừa lọc, các anh hề thời thực dân như Kép Tư Bền lại cười những cảnh đời ngang trái, những thói đài các rởm đời, đua đòi học Tây.

Các anh hề thời nay lại tìm thấy tiếng cười trong những nhân vật đạo đức giả, uy tín giả, trình độ giả. Tiếng cười khác nhau nên cách diễn cũng khác nhau. Các nghệ sĩ hài như Xuân Hinh đã phát huy cái duyên hề chèo trên sân khấu và màn ảnh nhỏ, cần suy nghĩ tìm kiếm con đường xây dựng một hình tượng anh hề thời đại như kiểu hề Charlie Chaplin, hay Mister Been thay vì chỉ tếu táo chọc cười trong những câu nói ngẫu hứng, những chi tiết ngẫu nhiên, những trò nhời thô tục?--PageBreak--

Lâu nay, tiếng cười trí tuệ của hề chèo truyền thống bị coi là nặng nề gai góc, người ta có xu hướng né tránh những vấn đề xã hội trong các chương trình hài kịch, giải trí, chỉ thích đi vào những tiếng cười bông phèng vô thưởng vô phạt. Thỉnh thoảng mới có một chương trình hài kịch gắn với những vấn đề xã hội sâu sắc cuốn hút người xem như "Internet về làng" của Nhà hát Tuổi trẻ mấy năm trước và chương trình "Táo quân" Tết Kỷ Sửu vừa qua.

Sự thành công của các chương trình này cho thấy các vấn đề lớn lao sâu sắc, vẫn có thể được thể hiện một cách hiện đại, nhẹ nhàng và gần gũi với đông đảo khán giả trẻ. Không nhất thiết cứ phải nói những chuyện cũ, những chuyện đau khổ, đói nghèo thì tiếng cười mới sâu sắc.

Trước đây, danh hài Charlie Chaplin đã thông qua những tình huống bi hài kịch của thời đại mới, thời đại công nghiệp để chia sẻ những nỗi đau sâu sắc của số phận con người trong những tình huống cười ra nước mắt. Thông qua những câu chuyện về hoa hậu, về internet các nghệ sĩ vẫn có thể chia sẻ với mọi lứa tuổi những bức xúc thời đại, những mối bận tâm ngàn đời của mọi kiếp người.

Tiếng cười nghệ thuật thể hiện bản lĩnh tự trào và năng lực phản tỉnh của một xã hội. Nếu không có tiếng cười trí tuệ, không có những anh hề thời đại, thì tiếng cười nghệ thuật sẽ chỉ là đứa trẻ còm cõi rụt rè vì thiếu dinh dưỡng, thiếu nội lực và thiếu tự tin.

Sáng tạo những không gian hài hước

Trong cuộc sống hiện đại, con người luôn bị căng thẳng. Vì thế, các không gian công cộng cũng cần đem đến cho con người những nụ cười hài hước nhẹ nhàng để giải stress.

Ở Hàn Quốc người ta đã xây dựng công viên sex với những bức tượng khỏa thân mang màu sắc hài hước như bức tượng về người nam gầy nhom làm tình với người nữ béo phì, khiến ai trông thấy cũng phải bật cười.

Ở ta hầu như không có các không gian hài hước. Các nhà quy hoạch đô thị, các kiến trúc sư và các nhà điêu khắc cần nghĩ đến những dự án xây dựng các công viên hài hước mang màu sắc văn hóa Việt Nam.

Chẳng hạn, dự án công viên Tiến sĩ hay còn gọi là Văn miếu mới dự định xây dựng trên mảnh đất 25 Hecta ở Hòa Bình đang bị xã hội phản đối có thể chuyển sang triển khai theo hướng xây dựng một công viên hài hước vừa có tính giải trí, vừa có tính giáo dục lại vừa có tiềm năng kinh doanh.

Đó có thể là một công viên dành cho cả người lớn và trẻ em, trong đó kết hợp tinh thần khuyến học và tiếng cười trí tuệ châm biếm những thói hư tật xấu của người đời trong lĩnh vực học tập và thi cử.Bergson đã định nghĩa bản chất của cái hài là sự mâu thuẫn lệch pha giữa hình thức trang trọng tôn nghiêm và nội dung tầm thường thấp kém.

Một công viên Tiến sĩ kiểu Văn Miếu mới nếu làm một cách nghiêm túc, tự nó đã hội đủ các yếu tố hài: sự khập khiễng giữa học vị "tiến sĩ" với trình độ thực tế của hàng ngàn vị trong số tiến sĩ  hiện đại của Việt Nam, sự lệch pha giữa vẻ trang trọng uy nghi bên ngoài với sự thì thụt dấm dúi mua bán bằng cấp bên trong; sự lùn tẹt về văn hóa của nhiều vị tiến sĩ dởm thời nay đặt cạnh những tiến sĩ khổng lồ trong quá khứ.

Nên triển khai dự án theo hướng xây dựng công viên văn hóa cho du khách đến thăm theo kiểu công viên nước, công viên băng, công viên cam…

Trong công viên đó, du khách sẽ được tiếp xúc với những kiến trúc đầy hài hước giễu nhại Văn Miếu, như kiểu những con rùa chống nạng đội những tấm bia hình đô la, hay những bức tượng tạc chàng lười dân gian ngồi xổm trên sách, cổ đeo tấm bằng tiến sĩ lủng lẳng.

Du khách cũng có thể mua vé tham gia những trò giải trí kinh dị hay những trò giải trí liên quan tới học vị tiến sĩ, chẳng hạn, nghe những chuyện thực nhưng đầy chất tiếu lâm về cách lấy bằng tiến sĩ thời nay, chuyện cười ra nước mắt của các tiến sĩ  dởm khi lâm sự, hay những trò chơi điện tử nhập vai mua bán bằng cấp tiến sĩ...

Qua các trò chơi đó, du khách chủ yếu là tuổi trẻ có dịp cười giễu thói giả mạo học thuật và mua bán bằng cấp, đồng thời được giáo dục thái độ kính trọng với những gương học tập của tiền nhân trong Văn Miếu thật...

Đỗ Minh Tuấn
.
.