Nhà thơ Xuân Thiêm:

Sẵn sàng đi đầu khi xung trận, bình tâm ẩn dật giữa đời thường

Thứ Ba, 21/10/2014, 08:00
Xuân Thiêm của chúng ta, có vẻ như ở tư thế lúc nào cũng vẫn thế, lúc nào cũng giữ được phong độ ung dung, đàng hoàng, khiêm tốn, điềm đạm, nhận gánh vác đến hết mọi việc được phân công mà không hề tỏ ra tất bật, bối rối. Nhiều năm ở cạnh anh, tôi chưa từng thấy anh nổi giận vì bất cứ sức ép nào của công việc bộn bề, chưa từng thấy khuôn mặt anh bị những căng thẳng làm cho biến sắc, chưa từng thấy phong thái của anh bị mất đi vẻ lịch lãm và bình tĩnh thường ngày. Tôi học được rất nhiều từ anh những phẩm chất đó...

Trong những bậc đàn anh của giới văn nghệ mà tôi đã từng được làm việc và cộng tác khá lâu năm, nhà thơ Xuân Thiêm đã để lại trong tôi một ấn tượng kính trọng và yêu mến đặc biệt. Anh bao giờ cũng khoan hòa mà cẩn trọng, cặn kẽ mà khoáng đạt, giản dị mà cao sang. Anh làm việc thật tận tụy mà không để ai phải cảm thấy nặng nề với mình, anh ứng xử thật lịch thiệp mà không hề để mất đi sự giản dị chân thành với mọi người, anh biết kết hợp hài hòa trong mình phẩm chất còn khá tung hứng của một nhà thơ - nghệ sĩ với một cán bộ - chiến sĩ luôn cần mẫn bám sát phong trào. Những điều ấy có lẽ đã được anh rèn luyện từ nhiều năm, nên nó đã biến thành máu thịt, thành thuộc tính dễ nhận ra của gương mặt nhà thơ Xuân Thiêm và cả phong cách sống của nhà quản lý văn nghệ Xuân Thiêm.

Tôi nhớ ở trong "Đông Chu liệt quốc" có một nhân vật rất thú vị là Bách Lý Hề. Ông đã từng làm tể tướng ở triều đình và cũng từng bị phiêu bạt qua nhiều phen quẫn bách, nên ông lại cũng có một quan niệm rất độc đáo rằng: Bí quyết để sống khỏe và sống lâu của ông là phải biết cách tạo cho mình những khoảnh khắc được ẩn dật ngay ở giữa triều đình, đồng thời vẫn phải coi mình cứ là tể tướng, ngay cả khi bị sa cơ, thậm chí rơi vào chỗ hoang mạc không còn ai thân bên cạnh. Xuân Thiêm là người đã từng tham gia Thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu từ năm 1943, từng tham gia đi đầu giành chính quyền ở Hưng Yên; làm ủy viên Ban vận động thành lập Hội Văn hóa Kháng chiến toàn khu từ năm 1948; làm tuyên huấn, làm báo, làm phái viên các mặt trận… nhiều năm; là thành viên Ban biên tập đầu tiên của Tạp chí Văn nghệ Quân đội; cho đến khi cùng các nhà văn quân đội tham gia Hội nghị thành lập Hội Nhà văn Việt Nam, trở thành một trong các hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam; rồi được điều động sang Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam, để trở thành "ông từ giữ đền" của cả khối văn học nghệ thuật Việt Nam trong suốt 15 năm, cùng với nhà thơ Huy Cận đứng ở vị trí "quân trung luận bàn" cho rất nhiều chủ trương chính sách của cả giới văn nghệ sĩ, mà đối tượng làm việc thường là các cán bộ cao cấp từ Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, đến các bộ, các ngành liên quan, Văn phòng Chính phủ, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, và nhiều tổ chức chính trị, xã hội khác, rồi các cơ quan đại diện nước ngoài... v.v…

Vậy mà, điều đáng ngạc nhiên là nhà thơ và nhà quản lý văn nghệ Xuân Thiêm của chúng ta, có vẻ như ở tư thế lúc nào cũng vẫn thế, lúc nào cũng giữ được phong độ ung dung, đàng hoàng, khiêm tốn, điềm đạm, nhận gánh vác đến hết mọi việc được phân công mà không hề tỏ ra tất bật, bối rối. Nhiều năm ở cạnh anh, tôi chưa từng thấy anh nổi giận vì bất cứ sức ép nào của công việc bộn bề, chưa từng thấy khuôn mặt anh bị những căng thẳng làm cho biến sắc, chưa từng thấy phong thái của anh bị mất đi vẻ lịch lãm và bình tĩnh thường ngày. Tôi học được rất nhiều từ anh những phẩm chất đó.

Sau này, anh Xuân Thiêm còn làm cho mọi người ngạc nhiên hơn nữa, là ngay khi được về hưu, lập tức anh đã "quy cố hương" luôn, "đóng đô" ngay tại quê nhà, và đến thời điểm này, thực sự anh đã biết cách "ở ẩn giữa đời" một cách ngoạn mục nhất, mà vẫn không hề làm giảm đi bất cứ ưu điểm nào vốn có trong mình. Anh vẫn yêu đời đầy nhiệt tâm, lăn lưng hết mình vào các công tác xã hội ở địa phương, đồng thời vẫn duy trì sức làm việc, khả năng nghiên cứu và sáng tác năng nổ hiếm có… Nhà phê bình Triều Dương có lần ví anh như một nhà thơ "nửa làng nửa phố". Riêng tôi thì nghĩ, có lẽ chưa hẳn đã là thế, anh "sống như vậy mà chưa phải vậy", vì chất ở ẩn thì đã từng có trong anh ngay từ khi còn ở giữa "triều đình" chứ đâu phải khi về đến làng quê mới biểu hiện, còn chất dấn thân và năng nổ của một "kẻ sĩ" gắn chặt với phong thái người phố thị, thì ngay cả khi ở ẩn giữa quê nhà vẫn cứ lộ ra rõ nét. Hai chất này luôn có tính tương hỗ và bổ sung lẫn cho nhau, như hai mặt tưởng như đối lập nhau nhưng lại vẫn thống nhất, y như quy luật phổ biến mà ta đã biết của triết học duy vật biện chứng vậy!

*

Về nghề văn, Xuân Thiêm đã ghi nhận ngắn gọn mấy dòng suy nghĩ về mình với nghề, tuy rất khiêm nhường nhưng không phải là không hóm hỉnh, thậm chí còn có thêm chút ngạo nghễ: "Tôi sinh ra muộn mằn trong một gia đình nhà Nho thời phong kiến đang tàn, nên bố mẹ đặt tên là Xuân Thiêm (nghĩa là Thêm Xuân). Có chút gan lì của người lính, tôi thử sức trên nhiều thể loại nhưng chỉ duyên nợ đôi chút với thơ. Khi cảm xúc đến, được làm thơ, đó là giây phút hạnh phúc nhất.

Như người lính già ra trận phải gắng lắm mới làm chủ được thời gian, vượt lên bệnh tật, tôi vẫn đọc và viết, không làm thêm được cái gì thì cũng là để trọn với cái duyên, cái nghiệp chữ nghĩa mà mình đã đa mang từ thuở tóc còn xanh!".

Quả thực, được làm thơ - đúng là phút giây hạnh phúc nhất, vì khi đó nhà thơ mới thật là mình, không cần thiết phải đeo râu, vẽ mày gì thêm nữa:

Để nhập với đời thường, anh đã phải tự quên,
Đôi bận nói giọng hề, tập đeo râu vẽ mặt,
Chỉ với tình ta, cõi thiêng liêng nhất
Và với Thơ - anh được sống là mình!

                                                  (Tự bạch I)

Xuân Thiêm còn làm thơ là do anh biết trọng và đề cao các giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc, vô cùng giản dị, nhưng lại cũng vô cùng thanh cao:

Tôi ra đi làm lính Cụ Hồ
Nửa ba lô với bộ quần áo rách,
Nửa nặng đầy sổ tay, trang sách,
Và những câu hò khúc hát mẹ ru xa… 

Câu quan họ không chỉ là nước mắt,
Áng mây trôi mà đằm thắm nghĩa tình,
Ôi da diết vai ai khăn vắt
Muối mặn gừng cay lên thác xuống ghềnh. 

Biết thanh cao trong lối hát cửa đình
Hiểu nỗi nông sâu khi lắng dồn phách đổ,
Câu tục ngữ ca dao tưởng âm thầm bụi phủ
Qua tháng năm tôi thấy trẻ trung hoài,
Tâm sự người xưa trên từng dòng từng chữ
Sâu nặng tình đời, óng ánh giọt sương mai…

                                                       (Cánh cò bay)

Cái đẹp thanh cao trong các giá trị tinh thần lại cũng gần với cái đẹp thanh đạm và không tô vẽ của hiện thực, vẻ đẹp mộc của đời thường với những mảng màu tự nhiên và thanh khiết, đó cũng là màu sắc và vẻ đẹp dung dị của màu hoa lau mà nhà thơ suốt đời trân trọng và gần gũi:

Giữa chặng đường hành hương về Đất Tổ,
Gặp hàng lau phơ phất một khung trời,
Như dư ảnh những cuộc đời lao khổ… 

…Ôi hoa lau, hoa lau… hồn tôi xao động vậy
Cuộc đời nào khuất lấp, lãng quên
Đâu như những loài hoa sắc màu lộng lẫy
Để đời dành bao từ đẹp đặt thành tên! 

…Xin hát về lau không sắc màu rực rỡ
Mà hương ngàn thanh khiết suốt đời ta!

                                                  (Hoa lau)

Đó là thiên hướng của một thứ mỹ học đạm chứ không nồng, trọng thực chất chứ không trọng những thứ phù hoa. Tất cả những bài thơ hay nhất của Xuân Thiêm đều toát lên xu thế ấy. Chính Thơ Đường cũng có vẻ đẹp mộc và đạm như vậy, mộc mà tinh tế chứ không thô, đạm mà nhuần nhụy chứ không trơ. Vì vậy, cũng có thể nói, thơ Xuân Thiêm gần với vẻ đẹp của những áng thơ cổ điển.

Đi thực tế đảo Bạch Long Vĩ, Xuân Thiêm có hẳn một chùm thơ về người và cảnh của hòn đảo này: "Vọng gác tiền tiêu", "Thư đất liền" và "Cô gái Bạch Long Vĩ", mà bài "Cô gái Bạch Long Vĩ" là bài hay nhất, đã nhiều lần được chọn vào các tuyển tập thơ suốt từ thời chống Mỹ đến nay. Giọng thơ điềm đạm, thủ thỉ, da diết, không nói to mà vẫn đau, không ồn ào mà vẫn có sức lan tỏa thâm trầm.

Bài thơ "Cô gái Bạch Long Vĩ" là cách kể chuyện tâm tình bằng thơ đặc trưng kiểu Xuân Thiêm, thực tế cũng là bài thơ định hình phong cách của anh.

Cũng với phong cách như vậy, anh viết những lời thơ thật mộc mạc mà hàm súc về mẹ ,về con trai và con gái mình, về Điện Biên, về Hà Nội - những vùng đất gắn bó với đời quân ngũ của anh.

Năm 2006, vào tuổi 80, Xuân Thiêm lại có một bài Khai bút đầy khí phách. Anh viết thẳng tưng, tự diễu mình, tự ngậm ngùi với tuổi tác, nhưng lại vẫn còn nguyên đó chất hào sảng đáng tự hào - khẩu khí từ thời trai trẻ trong anh:

Đời người vào cuối Đông
Quên quên và nhớ nhớ
Có có lại không không…
"Mong được làm thạch thảo
Cành gầy trổ thêm bông"
"Không rót sầu ly rượu
Để khóc bàn tay không…" 

"Ta nguyện làm chiến sĩ
Trận tan, rút cuối cùng!".

Xuân Thiêm là như vậy đó. Chất thép ấy trong thơ anh lan tỏa từ thơ trữ tình sang các trường ca, các truyện thơ và cả mảng thơ viết cho thiếu nhi, những sáng tác đầy đặn, có sức sống bền lâu hơn 70 năm qua của chất người thi sĩ - chiến sĩ.

                                                                               Hà Nội, tháng Bảy 2014

Bằng Việt
.
.