Sản phẩm văn nghệ và sự “kích cầu”

Thứ Ba, 17/02/2009, 13:30
Việc Chính phủ hỗ trợ cho các Hội Văn học nghệ thuật nguồn đầu tư sáng tác chính là một biện pháp cần thiết để giúp các văn nghệ sĩ có thể yên tâm với cuộc sống, đặng dồn hết tâm trí, bút lực cho việc sáng tác những tác phẩm lành mạnh, tác phẩm "đỉnh cao".

Như tin đã đưa trong chương trình Thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam tối ngày 4/2, Chính phủ Đức vừa công bố một giải pháp kích cầu hết sức đặc biệt nhằm "giải cứu" thị trường xe hơi nước này: Tặng thưởng 2.500 euro (tương đương 3.250 USD) cho những người dân tự phá chiếc xe cũ của mình (với điều kiện những chiếc xe đó có tuổi đời từ 9 năm trở lên).

Theo phân tích của giới chuyên môn, giải pháp này, ngoài việc kích thích người dân đầu tư mua xe mới, còn có tác dụng hạn chế những loại xe cũ vốn dĩ tiêu hao nhiều nhiên liệu và là tác nhân chính gây ô nhiễm môi trường. Được biết, đã có rất nhiều người dân Đức hào hứng hưởng ứng biện pháp trên (xem ảnh).

Từ câu chuyện trên, tôi bất chợt liên tưởng tới việc "đầu tư sáng tác" ở Việt Nam và không dưng thấy nó có một số điểm tương đồng, dù rằng thoạt nghe, cứ ngỡ đó là hai việc rất khác nhau.

Thì trước đây, ta chẳng đã nghe mãi (thậm chí nghe đến nhàm tai) lý do cần phải có sự đầu tư sáng tác này: Trong cơ chế thị trường, nhiều văn nghệ sĩ đã vấp phải những khó khăn trong việc đưa tác phẩm đến với công chúng. Từ đó, họ quay sang "làm hàng", đáp ứng thị hiếu thấp kém của số đông, dẫn đến việc làm ô nhiễm môi trường văn nghệ.

Việc Chính phủ hỗ trợ cho các Hội Văn học nghệ thuật nguồn đầu tư sáng tác chính là một biện pháp cần thiết để giúp các văn nghệ sĩ có thể yên tâm với cuộc sống, đặng dồn hết tâm trí, bút lực cho việc sáng tác những tác phẩm lành mạnh, tác phẩm "đỉnh cao".

Thực tế đến nay, chưa ai chứng minh được việc: Khi một văn nghệ sĩ có đời sống vật chất đủ đầy, họ sẽ sáng tác hay hơn những văn nghệ sĩ có cuộc sống vật chất eo hẹp.

Giới văn học từng lưu truyền chuyện Vũ Trọng Phụng trước khi mất đã than thở với một bạn văn: "Nếu mỗi ngày tôi có được một miếng bít tết để ăn thì đâu đến nỗi phải chết non thế này". Rất có thể với điều kiện sống tốt hơn, Vũ Trọng Phụng sẽ có tuổi thọ cao hơn, nhưng không ai có thể đoan chắc rằng, tác phẩm ông viết ra sau này sẽ dứt khoát hay hơn những tác phẩm ông viết ra trong thời gian khó trước đó.

Cũng vậy, chưa ai dám khẳng định, nhờ có sự đầu tư của các Hội Văn học nghệ thuật mà các văn nghệ sĩ ở ta đã có cuộc bứt phá về chất lượng sáng tác. Có chăng, chỉ thấy ngày càng nhiều tác phẩm được in ra, với dòng chữ chạy bên lề bìa lót "Tác phẩm được xuất bản nhờ sự hỗ trợ của Quỹ X" (hoặc Hội Y) mà thôi.

Thậm chí, có tác giả còn hồn nhiên cho biết: "Có tiền rồi, tội gì không in sách cho dày, cho oách". Như vậy, việc đầu tư sáng tác, ở một góc độ nào đó, chỉ có ý nghĩa hỗ trợ đời sống đối với các tác giả có hoàn cảnh khó khăn, chứ chưa phải là yếu tố giúp có được tác phẩm hay, chưa nói đây đó còn khuyến khích việc cho ra đời những tác phẩm viết ẩu, viết vội.

So sánh với việc Chính phủ Đức ban hành sáng kiến giải cứu ngành công nghiệp ôtô nói trên, thì việc đầu tư sáng tác ở ta có điểm khác biệt cơ bản: Một bên hỗ trợ cho người tiêu dùng để khuyến khích sản xuất (ôtô). Một bên hỗ trợ cho sản xuất (in ấn, dàn dựng các tác phẩm văn nghệ) để… khuyến khích tiêu dùng?! Tôi cho rằng, đây là việc cần phải xem xét lại, nếu như muốn cho đồng tiền chúng ta bỏ ra có thể đem lại những hiệu quả thiết thực.

Đã có một số ý kiến cho rằng, nên chăng thay vì việc đầu tư một cách "hú họa" hiện nay, ta nên thực hiện việc đầu tư vào những gì hiện có, tức là những tác phẩm xuất sắc đã được xuất bản, công diễn, thông qua hiệu ứng xã hội mà tác phẩm tạo nên (trong đó các giải thưởng cũng là một kênh tham khảo).

Thật là vô lý khi hiện tại, có những Hội Văn học nghệ thuật đầu tư cho một tác giả tới vài chục triệu đồng khi chưa biết mặt mũi và chất lượng sản phẩm ra sao, trong khi có những giải thưởng trao cho những thủ khoa, á khoa của các cuộc thi chỉ với số tiền vài ba triệu đồng.

Rõ ràng trong việc đầu tư sáng tác, khó có thể nói là chúng ta đã khuyến khích được năng lực sáng tạo thực sự của các văn nghệ sĩ. Chưa nói là nó cần có thể tạo điều kiện để những tác phẩm làng nhàng thêm cơ hội tung ra thị trường, làm nhiễu loạn đời sống văn nghệ.

Và, liên hệ với việc Chính phủ Đức hỗ trợ ngành công nghiệp ôtô của mình, ta có thể nói một cách hình tượng rằng: Việc đầu tư sáng tác một cách dàn trải, điểm mặt ghi tên… chính là cách duy trì và tạo điều kiện cho những chiếc ôtô quá đát tiếp tục "cuộc sống" gây ô nhiễm môi trường…

Phạm Thành Chung
.
.