Sân khấu ca nhạc thời những ngôi sao không lấp lánh

Thứ Bảy, 26/08/2017, 08:02
Mặc dù các album dưới dạng music video vẫn tung ra ồ ạt hòng chiếm lĩnh các diễn đàn âm nhạc trực tuyến, mặc dù các live show vẫn đầu tư tiền tỷ và cầm chắc lỗ vốn, mặc dù các bảng bình chọn vẫn cố gắng duy trì như nhiệt kế không còn đắc dụng, thì sân khấu ca nhạc vẫn không che giấu được thực trạng: khủng hoảng thiếu những ngôi sao có đẳng cấp nghề nghiệp! Với tình cảnh ấy, sân chơi nghệ thuật luôn nhộn nhịp trống kèn và son phấn này phải tìm cách vận động riêng...


Sau một thế hệ vàng son với những tên tuổi Thanh Lam, Mỹ Linh, Hồng Nhung, Đan Trường, Phương Thanh, Quang Dũng, Lam Trường… khuấy động sàn diễn nhạc trẻ, thì các ca sĩ chuyển sang cạnh tranh bằng… số lượng người hâm mộ. Những fan club rầm rộ xuất hiện như để chứng minh đẳng cấp ngôi sao.

Đời sống văn hóa bắt đầu có “nghề” hò hét tung hô thần tượng một cách ầm ĩ. Thế nhưng, vài manager (người quản lý) cũng đủ nhạy bén để nhanh chóng nhận ra fan club là một đám đông vui vẻ và ít ổn định. Hơn nữa, ngôi sao bỏ tiền nuôi fan, bỏ công hầu hạ fan thì cực nhọc và bi đát quá (thậm chí không ít ca sĩ muốn nhanh chóng chiếm lĩnh những màn vỗ tay phù phiếm đã mời fan đến…nhà mình mở tiệc hàng tuần, sinh nhật fan nào thì cũng có quà tặng!). Do đó, thay vì đầu tư vào fan club, ca sĩ chuyển sang đầu tư cho các chiến lược PR trực tiếp hoặc tham gia game show để đánh bóng hình ảnh một ngôi sao đang nổi tiếng hoặc sắp nổi tiếng!

Thật sự, nếu nhìn vào cách kiến tạo một ngôi sao ca nhạc hiện nay mới thấm thía một điều rằng, khi trí khôn nhân loại đã thức tỉnh hoàn toàn thì kỹ nghệ makerting của người Việt cũng bước qua cơn ngái ngủ. Giữa cái thời nở rộ truyền thông với trăm kiểu báo mạng, Facebook và Zalo náo nức chen nhau như nấm sau mưa, thì bất cứ tin tức gì về ca sĩ cũng được đề cập với màu sắc… giật gân. Có khi ngụp lặn giữa mớ ngôn ngữ lóc cóc về ca sĩ, công chúng không tài nào đoán được cái nào đáng tin, cái nào đáng ngờ.

Bởi lẽ, chính các manager cũng thừa hiểu, những dạng khẩu khí “Ca sĩ X: Tôi từng có chuyện tình một đêm” hay “Ca sĩ Y: Tôi không phải vợ bé” hoặc “Ca sĩ Z: Tôi chỉ cần một đứa con”, không nhằm chuyển tải ý nghĩa gì đến khán giả, mà chỉ nhằm gây chú ý dư luận cho ca sĩ!

Những gương mặt ca sĩ đang ăn khách nhờ làm giám khảo truyền hình.

Ở đây, xin tạm thời không bàn đến “chiêu thức” ngớ ngẩn hơn là dùng xì-căn-đan khỏa thân để tiếp thị, thì những “tiểu xảo” chưa được lành mạnh lắm từ các manager không thể nào giúp ai hy vọng về một ca sĩ ngôi sao đích thực! Thị trường ca nhạc buộc lòng chấp nhận những ngôi sao ít lấp lánh và những ngôi sao không lấp lánh, cứ vụt hiện rồi vụt tắt như những giấc mơ đầy hồi hộp và cũng đầy thị phi!

Dẫu mọi sự bi quan đều không có lợi cho đời sống văn hóa, nhưng có một sự thật là nhiều khi nghệ danh ca sĩ được vang lên rộn rã ở nơi nào đó không nhằm tôn vinh một ngôi sao, mà chỉ nhằm phát triển một nhãn hiệu. Với mục đích thương mại, những tập đoàn kinh tế đã khá dễ dàng để có đáp án cho một bài toán đầu tư: thay vì tốn một khoản tiền lớn để quảng cáo thì chỉ cần bỏ ra phân nửa để tổ chức các cuộc thi ca hát hay tổ chức các chương trình ca nhạc lưu diễn qua các tỉnh thành.

Tất nhiên, ca sĩ được giải thưởng hay ca sĩ được tài trợ, phải trở thành sứ giả hàng hóa trong một thời gian nhất định. Trong giai đoạn náo nức hội nhập này, không còn chuyện “hữu xạ tự nhiên hương”, người nghèo không dễ gì làm ngôi sao. Vì vậy, ranh giới giữa “đầu tư tài năng” và “liên minh kiếm danh” cực kỳ mong manh! Và hình như không phải người nào cũng dám kỳ vọng vào sự hợp tác “hai bên cùng có lợi”, tập đoàn kinh tế mở hầu bao vì ca sĩ, còn ca sĩ cất giọng trầm giọng bổng vì tập đoàn kinh tế, thì công chúng sẽ được tiếp nhận những giá trị thẩm mỹ mới?

Hiện nay, thị trường quảng cáo đã dịch chuyển mạnh sang hướng công nghệ số, khiến sân khấu ca nhạc có nhiều thay đổi khá đáng kể. Tuy nhiên sự nhộn nhịp vẫn chưa làm nên ngôi sao ca nhạc đúng nghĩa. Chúng ta đã có “ngôi sao son dưỡng môi”, “ngôi sao nước giải khát”, “ngôi sao thẩm mỹ viện”… nhờ những sự thỏa hiệp riêng, và cũng có “ngôi sao Vietnam Idol”, “ngôi sao Giọng hát Việt”, “ngôi sao Nhân Tố Bí Ẩn” nhờ các cuộc thi trên màn ảnh nhỏ.

Thế nhưng, sự khiêm tốn về tài năng của các ngôi sao này khiến cho sàn diễn thiếu vắng giọng hát. Nếu không chọn được món “ngon” thì công chúng đành tìm món “lạ”. Các đôi chân dài có dịp nhún nhảy theo những giai điệu rộn ràng. Các nhan sắc của thời trang và điện ảnh như Hồ Ngọc Hà, Trang Nhung, Maya… đều lần lượt trở thành ca sĩ đắt show theo tiêu chí “lấy mắt bù tai”. Không có gì phải phê phán về vẻ đẹp rạng ngời lắc lư cùng tiết tấu, nhưng sự lan tỏa hình ảnh của những đôi chân dài không thể nào mang lại những ca khúc đáp ứng được mong đợi của người yêu nhạc.

Những cuộc đột phá mới của Mỹ Tâm, Hồ Quỳnh Hương hay Tuấn Hưng, Thu Minh cũng đang bế tắc khi vươn tới đỉnh cao. Không khó khăn gì để nhận ra sự sốt ruột của những ca sĩ ngấp nghé tuổi bốn mươi phải đương đầu với làn sóng trẻ trung của các ca sĩ tuổi đôi mươi như Tóc Tiên, Đông Nhi, Văn Mai Hương, Bảo Thy, Minh Hằng, Noo Phước Thịnh…

Rõ ràng, ở đây cuộc chạy đua không còn hướng tới cái đích có được bài hát ghi dấu ấn cá nhân, mà chỉ cốt làm sao cho tên tuổi đừng “nguội” với dư luận. Sự bấn loạn khuynh hướng nghệ thuật, khiến cá tính ca sĩ trở nên mờ nhòe hơn, và con đường vươn tới ngôi sao càng ngày càng mù khơi!

Ca sĩ Hương Tràm nổi tiếng từ “Giọng hát Việt”.

Cuối thế kỷ 20 chuyển sang những năm đầu thế kỷ 21, chúng ta đã có một thế hệ ca sĩ, mà dù phía thưởng ngoạn có người đồng tình hay có người chưa đồng tình, thì họ vẫn là những ngôi sao có phong cách. Ví dụ, nhắc đến Quang Linh là khán giả nhớ ngay những bài hát mang âm hưởng tự tình dân tộc. Còn bây giờ những ca sĩ được xem là “hot” như Jolie Phương Trinh, Issac, Hari Won, Hương Tràm, Bảo Anh… đang hát những ca khúc mà chính họ cũng không thẩm định được sức rung động đối với người nghe.

Dường như các ca sĩ trẻ không biết hoặc cố tình không biết rằng, không bao giờ có đường tắt đến đỉnh cao nghệ thuật. Thế nhưng, sự lúng túng trên sân khấu ca nhạc hiện nay không thể đổ lỗi hết cho ca sĩ. Hãy phân bua dùm họ bằng hai băn khoăn trước mặt: chúng ta đang khủng hoảng thiếu ca khúc hay, và chúng ta cũng chưa có manager chuyên nghiệp. Ca sĩ muốn hát ca khúc hay thì biết tìm đâu khi các nhạc sĩ trẻ chỉ thích viết những ca khúc sôi động nhất thời? Những gương mặt mới trong giới sáng tác như Phan Mạnh Quỳnh hoặc Lê Thiện Hiếu chỉ ồn ào lên một chút với “Vợ người ta” hoặc “Ông bà anh” rồi hụt hơi ngay.

Phải chăng, chính điều này đã khiến Đàm Vĩnh Hưng, Lam Trường hay Đức Tuấn quay lại hát những bài nhạc xưa? Mặt khác, những ca sĩ trẻ mới vào nghề cũng không biết tìm đâu những manager hội đủ tài chính và tầm nhìn, khi những “ngón nghề” mà ông bầu Hoàng Tuấn từng làm cho ca sĩ Đan Trường và ông bầu Quang Huy từng làm cho ca sĩ Ưng Hoàng Phúc đã mất tác dụng kích cầu thị trường? Nếu nhắc đến trường hợp Sơn Tùng MPT thì hơi ái ngại, vì liên tục bị dính đến các nghi án đạo nhạc nước ngoài!

Sở dĩ, khắt khe nhận định sân khấu ca nhạc đang thưa vắng ngôi sao, vì chúng ta mơ ước có được những ca sĩ bản lĩnh thực sự. Câu hỏi nóng bỏng, tại sao thế hệ ca sĩ Quý Dương, Lê Dung, Thanh Hoa, Ngọc Tân, Quang Lý…có một chỗ đứng vững chắc như vậy suốt bao nhiêu năm tháng đã trôi qua? Câu trả lời đơn giản, vì họ có phẩm chất văn hóa của nghệ sĩ. Các ca sĩ hôm nay thừa tiền bạc, thừa nhan sắc, thừa phương tiện lăng-xê, chỉ thiếu phẩm chất văn hóa mà thôi! Không có phẩm chất văn hóa, ca sĩ không thể tỏa sáng như một ngôi sao!

Tuy Hòa
.
.