Sân khấu Việt : Khép lại một năm miệt mài… thi thố

Thứ Sáu, 23/12/2016, 08:02
Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ II đang diễn ra tại Hà Nội quy tụ 13 vở diễn của các nhà hát Trung ương và Hà Nội, được coi là sự kiện “khóa đuôi” của ngành Sân khấu trong năm 2016. Năm 2016 là một năm khá bận rộn của ngành Sân khấu với các cuộc thi, kỳ liên hoan diễn ra liên tiếp. Nhưng quả thực, nếu đặt câu hỏi thành tựu nổi bật nhất của sân khấu Việt trong năm qua là gì, thì e rất... khó trả lời!


Bội thực thi thố, liên hoan

Chỉ trong 1 năm mà có tới 4 kỳ cuộc, cuộc nào cũng lớn và tốn kém như thế này, cũng là một chuyện lạ đối với ngành sân khấu. “Cuộc thi nghệ thuật sân khấu Tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2016” và “Cuộc thi Nghệ thuật sân khấu Chèo toàn quốc 2016” thì đã thành thông lệ, được tổ chức 3 năm một lần nên cứ “đến hẹn lại... thi”. 

“Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm” thì đây là lần trở lại thứ 3 sau 10 năm bị gián đoạn với kỳ liên hoan trước và cũng sẽ trở thành hoạt động mang tính định kỳ được tổ chức 3 năm/ lần. Còn với “Liên hoan Sân khấu Thủ đô”, đây mới là lần tổ chức thứ 2, song theo dự kiến, đây cũng trở thành hoạt động định kỳ đối với các nhà hát hoạt động trên địa bàn TP. Hà Nội.

Khai mạc tối Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ II quy tụ 13 vở diễn của các nhà hát, đơn vị nghệ thuật tham gia ở 3 loại hình nghệ thuật kịch nói, chèo, cải lương đó là: “Người Hà Nội” của Nhà hát Kịch Quân đội, “Quẫn” của Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội, “Giông tố” của Đoàn Kịch nói Công an nhân dân, “Linh khí trời Nam” của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch, “Chuyện tình thời sinh viên” của Nhà hát Chèo Hà Nội, “Vua lợn” của Hội nghệ thuật nhân đạo TP Hà Nội và Trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội, “Khát vọng” của Nhà hát Kịch Việt Nam, “Ba ngày làm vua” của Nhà hát Chèo Quân đội, “Lời nói dối cuối cùng” của Nhà hát Tuổi trẻ, “Trinh phụ hai chồng” (Nhà hát Chèo Việt Nam), “Sự sắp đặt của số phận” của Nhà hát Kịch Hà Nội, “Gươm thiêng trao trả Hồ thần” của Nhà hát Cải lương Việt Nam, “Dâu bể một kiếp tằm” của Nhà hát Cải lương Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên trao Huy chương Vàng cho các vở diễn tại cuộc thi Nghệ thuật sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc 2016.

Liên hoan Sân khấu Thủ đô năm nay vắng bóng một bộ môn nghệ thuật truyền thống, đó là Tuồng bởi Nhà hát Tuồng Việt Nam đã không đăng ký tham dự. Năm 2014, Nhà hát Tuồng Việt Nam cũng tham dự với vở diễn “Đô đốc Bùi Thị Xuân”.

Có lẽ bởi năm 2016, Nhà hát Tuồng Việt Nam đã khá vất vả trong “Cuộc thi nghệ thuật sân khấu Tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2016” nhưng đã giành được Huy chương Vàng cho vở diễn “Chuyện bịa ở làng Vồm” và nhiều Huy chương Vàng - Bạc của các cá nhân nghệ sĩ, nên cũng không mấy mặn mà với sân khấu Thủ đô - nơi vốn dĩ chẳng phải đất khởi phát, đất diễn của nghệ thuật Tuồng.

NSND Hương Thơm cho hay, Nhà hát Tuồng Việt Nam đã dồn gần như tổng lực để tham gia “Cuộc thi nghệ thuật sân khấu Tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2016”, công việc của nhà hát cuối năm cũng bận rộn, vì thế đành “lỗi hẹn” Liên hoan Sân khấu Thủ đô.

Theo thông tin được ghi nhận, tại “Cuộc thi nghệ thuật sân khấu Tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2016” có 11 đơn vị tham gia với 17 vở diễn và lượng nghệ sĩ, diễn viên tham gia ước tính trên 400 người. Còn tại “Cuộc thi nghệ thuật sân khấu chèo toàn quốc 2016” đã ghi nhận sự tham gia của một lực lượng đông đảo: 27 vở diễn của 16 đơn vị nghệ thuật với sự tham gia của khoảng 800 nghệ sĩ, diễn viên...

Cũng có lẽ đã khá lâu, sân khấu Thủ đô mới có dịp rộn ràng “đỏ đèn” như thời gian vừa qua. Những năm gần đây, một số kỳ cuộc liên hoan, thi thố thường có xu hướng tổ chức ở các tỉnh, thành phố khác như Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Thanh Hóa, Huế, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh... để “thay đổi không khí”.

Vì thế, năm nay với 2 kỳ Liên hoan Sân khấu được tổ chức ở Hà Nội, những người thực sự quan tâm đến sân khấu đã có cơ hội thưởng thức, ngắm nhìn bức tranh tổng quan về sân khấu nước nhà trong mối liên hệ, so sánh với sân khấu các nước trong khu vực và thế giới. Sau đúng 1 tháng kết thúc kết thúc Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ III với 16 vở diễn (trong đó có 8 vở diễn của 7 đoàn quốc tế), khán giả lại có cơ hội được xem 13 vở diễn được biểu diễn chủ yếu ở các địa điểm thuận lợi như Rạp Công nhân, Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ...

Năm nay, Ban tổ chức Liên hoan Sân khấu Thủ đô đã rất sáng suốt khi tiếp tục chọn Rạp Công nhân trở thành địa điểm biểu diễn chính, là nơi diễn ra đêm khai mạc và bế mạc. Bởi lẽ, Rạp Công nhân nằm ngay trên phố Tràng Tiền - con phố đã trở thành phố đi bộ vào mỗi cuối tuần. Vì thế, các vở có lịch biểu diễn vào cuối tuần được ghi nhận là có lượng khán giả đông đảo hơn hẳn các suất diễn vào các khung giờ khác.

“Mưa Huy chương” để làm gì?

Với 4 kỳ liên hoan sầm uất diễn ra liên tiếp từ tháng 8 đến nay, nhiều người cười bảo rằng, ngành Sân khấu năm nay vui quá. Cuộc thi nào, kỳ liên hoan nào cũng như những cơn “Mưa Huy chương”. Tại “Cuộc thi nghệ thuật sân khấu Tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2016” tổ chức ở Đà Nẵng, Ban tổ chức đã trao 3 Huy chương Vàng và 4 Huy chương Bạc cho các vở diễn, trao 32 Huy chương Vàng và 49 Huy chương Bạc cho các cá nhân; Tại “Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ III”, Ban tổ chức cũng trao 3 Huy chương Vàng và 4 Huy chương Bạc cho các vở diễn, 29 nghệ sĩ được trao Huy chương và 27 nghệ sĩ được trao Huy chương Bạc.

Đáng nể nhất, phải kể đến “Cuộc thi nghệ thuật sân khấu chèo toàn quốc 2016” được tổ chức tại Ninh Bình: Ban tổ chức đã trao 5 Huy chương Vàng và 5 Huy chương Bạc cho vở diễn, trao 42 Huy chương Vàng và 81 Huy chương Bạc cho các cá nhân nghệ sĩ! “Liên hoan sân khấu Thủ đô” đang đi đến chặng cuối và kết quả cuối cùng vẫn chưa có.

Một cảnh trong vở "Người Hà Nội" tham dự Liên hoan Sân khấu Thủ đô.

Song theo kinh nghiệm trao giả từ kỳ Liên hoan trước (2014), chỉ có 9 vở diễn tham gia mà Ban tổ chức đã trao giải cho 3 vở diễn xuất sắc, 19 giải Vàng và 23 giả Bạc cho các cá nhân nghệ sĩ; thì năm nay với số vở diễn nhiều hơn, chắc hẳn số giải thưởng cũng phải tăng lên theo tỉ lệ thuận. Bởi lẽ, ai cũng nghĩ: Đi thi là phải có giải mới vui, không tập thể thì chí ít cũng phải có vài cá nhân đoạt giải thì năm sau các đoàn mới hứng khởi đầu quân đi thi chứ?

Điều đáng nói là, với 4 kỳ cuộc tưng bừng trong một năm như đã đề cập ở trên, ngân sách nhà nước đã phải bỏ ra một số tiền không nhỏ: Con số chính xác chưa được tiết lộ, nhưng theo nguồn tin riêng của phóng viên, tổng số tiền đã lên tới hàng chục tỉ đồng!

Nghệ thuật nào cuối cùng cái đích cũng vẫn là hướng tới công chúng. Công chúng mới là mục tiêu, là đối tượng hướng tới của sân khấu. Thực tế cho thấy, trong những năm qua, nhiều liên hoan, nhiều cuộc thi đồng nghĩa với nhiều giải thưởng, nhiều huy chương vô kể đã được trao, nhưng vì đâu sân khấu vẫn buồn, vẫn vắng bóng khán giả, vẫn giậm chân tại chỗ?

Chẳng nhẽ, các kỳ, cuộc như thế này chỉ để người trong nghề “vui với nhau”, tranh giải Vàng - Bạc để bổ sung vào các bảng thành tích phục vụ việc xét tặng danh hiệu NSND - NSUT? Và nếu chỉ có như vậy, thì chắc hẳn những người trong nghề phải buồn lắm, tổn thương lắm chứ. Vì nếu mình có danh hiệu nọ danh hiệu kia, mà khán giả chẳng nhớ mặt, chẳng nhớ tên, chẳng nhớ nghệ sĩ đã đóng vai gì... thì làm sao cảm thấy hạnh phúc được? Và nếu buồn, nếu tổn thương thì phải làm gì để thay đổi thực trạng, chứ cứ “mẹ hát con khen”, “vừa đá bóng, vừa thổi còi” thế này thì e rằng sân khấu của ta còn phải buồn trong nhiều năm nữa...

Nguyệt Hà
.
.