Sai một ly, đi một dặm

Thứ Sáu, 21/08/2009, 08:30
Hàng năm, cứ sau mỗi mùa thi quốc gia, các báo lại có dịp điểm lại   kết quả "đèn sách" và thi cử của các sĩ tử. Năm nay, ở bài thi tốt nghiệp phổ thông môn văn, có thí sinh đã viết: "Lỗ Tấn quê quán ở Thanh Hóa, là bạn chí cốt của bác Phan Bội Châu..." hoặc "Tô Hoài là nhà văn lớn... Trong thời kỳ chống Mỹ, ông vào Tây Nguyên cùng bộ đội viết tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" (theo báo Tiền phong ngày 18/6/2009).

Những ai quan tâm đến văn học đều giật mình và đúng như ý kiến của các thầy giám khảo, đây quả là các câu văn "kinh dị".   

Đó là chuyện "kinh dị" trong học hành và thi cử ở một bộ phận con trẻ. Thế còn trong sách do người lớn biên soạn thì sao? Xin dẫn ra đôi chuyện cần "nói lại cho rõ, viết lại cho đúng".

Tác giả về quê, "đóng cửa dăm ngày" viết xong "Tắt đèn"?

Các thế hệ học sinh phổ thông ở nước ta mấy chục năm nay đều biết đến tiểu thuyết "Tắt đèn". Năm 1936, nhà văn Ngô Tất Tố cho đăng trên báo Tương lai truyện ngắn "Một ổ chó và một đứa con" là một phần của "Tắt đèn" sau này. Năm 1937, trên báo Việt nữ đăng gọn cả truyện. Năm 1939, Nhà Mai Lĩnh in thành sách "Tắt đèn" với "Lời giới thiệu" của Vũ Trọng Phụng.

Sự thật là như vậy, không phải "Tắt đèn" đã ra đời chỉ trong "ngày một ngày hai" như một người con trai của tác giả kể: "Cầm quyển sách ông Phụng đề tặng, cha tôi đọc lướt nhanh và bảo: "Anh viết vẫn thường lắm". Ông Phụng bảo: "Anh viết tài thì viết thử đi xem có hơn không?".

Cha tôi lẳng lặng gật đầu. Rồi ông trở về Lộc Hà, đóng cửa dăm ngày. Ít ngày sau nhà xuất bản Mai Lĩnh cho ra mắt tắt đèn". Tác giả cho con "mang ngay sách sang Hà Nội tặng...”. Mấy ngày sau ông Vũ có bài đăng báo giới thiệu về cuốn “Tắt đèn" (xem bài "Thăm lại quê hương nhà văn" - Phụ san báo Văn nghệ, tháng 5/1993. Bài này đã in lại nhiều lần trong ấn phẩm của các nhà xuất bản: Văn học, Giáo dục, Hội Nhà văn, Hà Nội...)  

Cũng trong bài viết nói trên, người con của cụ Tố còn viết rằng: "Chính ở ngôi nhà này cha tôi đã viết, đã dịch nhiều tác phẩm, trong đó có cuốn Tắt đèn". "Ngôi nhà này" là ngôi nhà cụ bà mua lại sau khi cụ ông mất đã dăm năm, thế thì sao cụ ông lại có thể  ngồi ở đó để viết "Tắt đèn"?

Trong bài "Ông tôi" (Báo Giáo dục và Thời đại, tháng 5/2009), một người cháu nội của nhà văn lại viết: "Sau khi ông mất 7 năm, gia đình trở lại quê hương nơi bom đạn tàn phá căn nhà ông tôi đã sống và viết nên những tác phẩm còn lại đến ngày nay". Sự thật không có chuyện "bom đạn tàn phá" mà chỉ là nhà cũ rồi nên dỡ đi.

Những nhà làm sách thường đặc biệt quý trọng và chú ý khai thác tư liệu của hậu duệ các nhân vật thành danh. Dẫu gì thì lời người thân của các tác giả dễ được bạn đọc tin cậy.

Nếu có gì lỡ sai thì nên cải chính để tránh các sự hiểu lầm: Trong một buổi lễ trọng thể (năm 2003), một quan chức của Hội Nhà văn Việt Nam đã phát biểu một cách đầy tự hào, rằng mình đã được tới thăm ngôi nhà tác giả ngồi viết "Tắt đèn" trong khi "ngôi nhà thật" đã không còn từ gần... nửa thế kỷ nay!

Có một ông "Chánh Tố"?

Trong bài "Mấy ý kiến về cuốn Văn học Việt Nam 1930-1945" (Tạp chí Nghiên cứu Văn học số 6/1962, đã được in lại nhiều trong sách của NXB Giáo dục và một số nhà xuất bản khác), không biết căn cứ vào đâu, một nhà văn có tên tuổi đã đặt bút viết: "Sở dĩ tôi nói Ngô Tất Tố viết báo hơn mười năm trời, là vì tính từ 1926 đến 1945, tuy là 20 năm thật, nhưng thời gian trước Cách mạng tháng Tám, có vài năm, ông viết sách cho Nhà xuất bản Mai Lĩnh, có vài năm ông về làm thuốc, và trước năm làm báo Tương lai, có vài năm ông về quê làm chánh hương hội".

Sự thật hoàn toàn không có chuyện "có vài năm ông (chỉ Ngô Tất Tố) về quê làm chánh hương hội". Khảo sát danh sách những người làm Chánh hội tại làng quê Lộc Hà trong những năm 1930-1940 tuyệt nhiên không thấy có họ tên Ngô Tất Tố.  Ngô Tất Tố với tư cách là người có tư liệu về "thần hoàng làng" làng Lộc Hà, chỉ tìm thấy họ tên trong hồ sơ điều tra về "thần tích thần sắc" các làng nộp cho "Hội Khảo cứu phong tục" năm 1938, lưu giữ tại Viện Viễn đông Bác cổ Pháp. --PageBreak--

Từ trước đến nay, trong tất cả các sách báo viết về Ngô Tất Tố, người ta chỉ thấy nói đến "ông đầu xứ Tố", tuyệt nhiên không thấy ai nói đến nhân vật "ông chánh Tố" nào cả. Năm 1992, có một nhà văn lại viết: Cụ đồ Tố "cầm bút sắt đầu búi tó". Sự thật là từ hồi trẻ đến khi tuổi già, người thân và bạn hữu không bao giờ thấy Ngô Tất Tố búi tó.     

Trong quá trình sống và viết giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX, ở Ngô Tất Tố không hề có sự giãn cách giữa làm báo và viết văn. Không bao giờ Ngô Tất Tố làm chủ bút hay chủ báo mà chỉ là người viết báo. Suốt hơn 20 năm mà không phải là chỉ hơn 10 năm,  Ngô Tất Tố đã liên tục sáng tác tổng số hơn 1.400 bài đăng báo trên các tờ báo và tạp chí: An Nam tạp chí (1926-1927), Đông Pháp thời báo, Thần chung (1927-1930), Phổ thông, Đông phương, Ngọ báo (1930-1931), Thực nghiệp dân báo, Công luận (1932-1933), Công dân, Tương lai, Tiểu thuyết thứ ba, Việt nữ (1935-1937), Thời vụ (1938-1939), Hà Nội tân văn, Trung Bắc chủ nhật (1940), Đông Pháp rồi Đông phát (1941-1945), Cứu quốc Trung ương, Tạp chí Văn nghệ (những năm trên Việt Bắc)... 

Cần nghiêm cẩn tiếp cận các tư liệu gốc

Hai nhà xuất bản Văn học và Giáo dục cùng liên kết, vừa cho ra mắt sách "Ngô Tất Tố và Tắt đèn" (2008).

Trong sách, từ trang 31 đến trang 150, nhóm biên soạn dùng "Tắt đèn" (in năm 1977 của Nhà xuất bản Văn học) với nội dung có những chỗ thiếu và lỗi sai so với bản gốc xuất bản năm 1939.

Ví dụ, ở bản gốc, câu văn mô tả, lột trần hành vi đểu cáng, thô bạo của "quan cụ": "Cái bàn tay tò mò của người nào đã từ ngực chị tiến công xuống chỗ dưới rốn" thì ở trang 150 của cuốn sách mới xuất bản đã hoàn toàn bị cắt bỏ, làm mất đi ý tưởng diễn đạt sâu sắc và tài năng sử dụng ngôn từ của tác giả.

Một số lầm lẫn đã được nhiều sách khác chính thức chỉnh sửa, nhưng trong sách này, các nhà làm sách vẫn soạn sai như: Ngô Công không phải là bút danh của Ngô Tất Tố (trang 14), tác giả viết về "cái đình" và “thần hoàng làng” trên báo Đông phương năm 1930-1931 chứ không phải là vào năm 1939 (trang 24, 25), và khá nhiều lỗi khác như: mái ngói muốn bảo tồn quốc túy bằng những "đấu" (chứ không phải là những "dấu"- trang 51), người hút thuốc lào "dặt thuốc" (chứ không phải là "đặt thuốc" - trang 56), văn tự giả mượn đôi hoa tai hạn trong "năm năm" (chứ không phải trong "năm ngày"- trang 62), "tiền canh giam" (chứ không phải "tiền canh đám" - trang 136), người đàn bà vênh "cái mặt nạ dòng" (chứ không phải "cái mặt ra giọng" - trang 143)...

Nhân đây cũng nhắc lại khi in "Tắt đèn" trong "Ngô Tất Tố toàn tập" ( NXB Văn học, 1996), có lẽ do không hiểu "toang cửa" là "then cửa" nên "trang cửa vẫn mở" in sai thành "trong cửa vẫn mở". Có sách của Nhà xuất bản khác, do không biết dân gian thường đốt chổi sể (làm từ cây thanh hao) để giải cảm, đã in sai thành "chổi để" hoặc "chổi sẽ".

Thiết nghĩ những lỗi nêu ra trên đây không nên có trong một cuốn sách thuộc loại "sách chuẩn" của "Tủ sách văn học nhà trường", lại do những hai nhà xuất bản liên kết cùng làm.   

Một nội dung khác viết trong sách cũng thấy nên bàn

Sau khi thuật lại (không đầy đủ) nội dung "vì sao tôi viết văn" của Ngô Tất Tố trả lời phỏng vấn báo Con ong (1939), sách khái quát (trang 8): "Thật là kỳ lạ khi ta thấy từ điểm xuất phát đó, nhà nho nghèo yêu nước Ngô Tất Tố đã phấn đấu để trở thành một nhà văn bạn đường của giai cấp công nhân...".

Nhận diện chân dung một nhà văn sinh ra vào cuối thế kỷ XIX, cuộc đời và sự nghiệp trải dài suốt hơn nửa đầu thế kỷ XX, là một trong số các nhà văn sáng lập dòng văn mới - văn học hiện thực, là chủ nhân kho tản văn phong phú, độc đáo (tản văn là chữ dùng của tác giả), với sự đóng góp đáng nể trọng trên nhiều lĩnh... như Ngô Tất Tố, tại sao lại chỉ giới hạn trong khuôn khổ là "phấn đấu để trở thành một nhà văn bạn đường của giai cấp công nhân"? Khái quát như vậy e rằng dễ dẫn tới sự hiểu biết một mặt, không toàn diện về chân dung nhà văn, nhất là trong lớp độc giả trẻ tuổi

Cao Đắc Điểm
.
.