Rộn ràng kịch Nam ra đất Bắc

Thứ Sáu, 08/04/2011, 08:34
Nhiều ý kiến cho rằng, việc kịch phía Nam ra Bắc là dịp để khán giả phía Bắc tiếp cận gần với sân khấu xã hội hóa phía Nam. Và biết đâu, làn gió sân khấu xã hội hóa từ phương Nam này sẽ giúp cho đời sống sân khấu phía Bắc năng động hơn...

Sau chuyến Bắc tiến lần thứ nhất vào dịp Tết Tân Mão với vở hài kịch "Vợ khôn dạy chồng khờ", NSƯT Hồng Vân - "bà bầu" của sân khấu kịch Phú Nhuận (Tp HCM) tiếp tục chinh phục công chúng phía Bắc bằng hai vở diễn "hot" của sân khấu Phú Nhuận suốt thời gian vừa qua là "Nỏ thần" và "Mẹ và người tình". Chuyến lưu diễn lần này kéo dài 1 tuần, bắt đầu từ ngày 12/4 và tới 4 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Phú Thọ, Bắc Ninh. Giám đốc sân khấu kịch Idecaf Huỳnh Anh Tuấn cũng ngỏ ý sẽ mang kịch ra Bắc thời gian tới...

1.Chuyến lưu diễn lần này là sự kết hợp giữa Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Nghệ thuật sân khấu Việt Nam (trực thuộc Hội Sân khấu) với sân khấu kịch Phú Nhuận của NSƯT Hồng Vân. Sự thành công của show diễn thử nghiệm, với ý nghĩa "thăm dò thị trường" bằng vở "Vợ khôn dạy chồng khờ" gây sốt vé tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội là động lực để NSƯT Hồng Vân quyết định mang kịch ra Bắc một lần nữa. NSƯT Trần Nhượng - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Nghệ thuật sân khấu Việt Nam cho biết: "Với chức năng gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của nghệ thuật sân khấu, quảng bá cho các loại hình sân khấu trong cả nước, trung tâm rất quan tâm tới sân khấu xã hội hóa phía Nam". Sau chuyến đi thực tế, chứng kiến không khí làm việc cũng như đời sống sôi động của sân khấu kịch Tp HCM, nghệ sĩ Trần Nhượng có ý định kết hợp cùng với một điểm sân khấu xã hội hóa phía Nam tổ chức chương trình biểu diễn dài hơi tại miền Bắc. Chương trình biểu diễn lần này ngoài ý nghĩa chào mừng ngày giỗ Tổ Hùng Vương còn là một hoạt động của Hội nhằm xây dựng Quỹ từ thiện "Vì người nghèo".

Hai vở chủ lực của chuyến lưu diễn này là: "Nỏ thần" (tác giả: Lê Duy Hạnh, đạo diễn: Đức Thịnh) và "Mẹ và người tình" (tác giả: Lê Chí Trung, đạo diễn: Minh Nhí). Đây là hai vở giành Huy chương Vàng tại Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc năm 2010 và cũng là hai vở diễn có lượng khán giả xem đông nhất trong năm qua của Sân khấu kịch Phú Nhuận khi vừa ra mắt. Dự kiến, đoàn sẽ có 7 suất diễn với sự tham gia của gần 50 diễn viên. Khán giả phía Bắc sẽ có dịp gặp lại những gương mặt quen thuộc của sân khấu phía Nam như Hồng Vân, Bảo Quốc, Đức Thịnh, Đức Hải, Thanh Thúy, Hòa Hiệp, Lan Phương... "Mẹ và người tình" là câu chuyện chủ đề tâm lý xã hội xoay quanh gia đình bà Xuân với 5 người con. Trong dịp sinh nhật lần thứ 60, bà Xuân tuyên bố với các con quyết định đi bước nữa. Từ đây, nhiều chuyện bi hài xảy ra khi những đứa con ngấm ngầm cản trở việc kết hôn của mẹ chỉ vì lòng ích kỷ. "Nỏ thần" lại là vở diễn về đề tài lịch sử lấy cảm hứng từ chuyện tình Mỵ Châu - Trọng Thủy trong truyền thuyết An Dương Vương. Những vở diễn này được đánh giá là có đề tài, cốt truyện gần gũi đời sống miền Bắc nên có thể yên tâm là khán giả không quá lạ lẫm.

NSƯT Hồng Vân vai bà mẹ trong vở kịch "Mẹ và người tình".

Cho đến thời điểm này, công tác chuẩn bị đã gần hoàn thành, vé đang được phát hành tới khán giả. Điều mà các đơn vị tổ chức còn băn khoăn là thông thường, để có một suất diễn, vé phải được phát hành trước từ một tháng đến một tháng rưỡi. Nhưng lần này, vì thời gian gấp gáp nên chỉ có hơn chục ngày để bán vé. Mặc dù có nhà tài trợ nhưng chi phí cho chuyến lưu diễn lần này vẫn phụ thuộc nhiều vào công tác bán vé. Còn việc gây quỹ "Vì người nghèo" lại rất cần tới sự hảo tâm của các doanh nghiệp, nhà tài trợ. Tuy nhiên, việc "cháy vé" ở lần ra Bắc đầu tiên cũng là tín hiệu vui để các nghệ sĩ có quyền hy vọng vào sự thành công của chuyến lưu diễn. NSƯT Hồng Vân chia sẻ rằng: "Chúng tôi rất tự tin về chuyến đi này vì khán giả miền Bắc đã biết nhiều đến thương hiệu "kịch Phú Nhuận" thông qua một số chương trình hài trên truyền hình. Hơn nữa, chuyến lưu diễn thành công trước đó là động lực để chúng tôi tiếp tục thực hiện kế hoạch này".

2.Có thể nói, việc kịch miền Nam ra đất Bắc lần này là một sự kiện gây chú ý đặc biệt, nhất là khi sân khấu miền Bắc vẫn trong tình trạng ảm đạm. Hơn nữa, đây là chuyến lưu diễn miền Bắc đầu tiên của một đơn vị sân khấu xã hội hóa ở phía Nam trong gần 20 năm qua. Cũng có ý kiến cho rằng, đây là một sự "liều lĩnh" bởi lâu nay, tâm lý ngại đến rạp xem kịch của khán giả miền Bắc là điều có thật. Khách quan mà nói, lưu diễn xa, dài ngày là sự "hy sinh" của đơn vị phía Nam bởi các điểm diễn trong Nam phải tạm thời ngừng hoạt động, trong khi khán giả xem kịch đã đi vào nền nếp. Chưa kể, chi phí đi lại, ăn ở cho mấy chục con người là điều không đơn giản. "Nếu chỉ tính riêng bài toán kinh tế thì chắc chắn ít ai quyết định ra Bắc diễn. Bởi chỉ cần ngay tại Tp HCM, các nghệ sĩ sân khấu cũng đủ sống rồi" - nghệ sĩ Hồng Vân chia sẻ.

Hàng chục năm nay, chúng ta mới chỉ quen việc kịch Bắc vào Nam chứ ít có chiều ngược lại. Trong kế hoạch biểu diễn năm của hầu hết các đoàn nghệ thuật ở phía Bắc đều có một vài chuyến lưu diễn phục vụ khán giả miền Nam. Trong khi, theo ý kiến của những nghệ sĩ sân khấu thì lần gần đây nhất, nghệ sĩ Phước Sang và các đồng nghiệp đưa kịch ra Bắc cách đây cũng đã… 17 năm với vở "Xích lô". Vở kịch đã tạo nên một “hiện tượng” tại Hà Nội khi "hút" khán giả trong suốt một tháng. Sau đó còn được mang đi công diễn tại Hải Phòng, Quảng Ninh và một vài tỉnh lân cận.

Sau này, Sân khấu kịch 5B Võ Văn Tần mang "Dạ cổ hoài lang" và Sân khấu Idecaf mang "Ba chàng lính ngự lâm" ra miền Bắc nhưng đều có sự hỗ trợ với mục đích biểu diễn giới thiệu. Ví dụ, "Dạ cổ hoài lang" được Cục Nghệ thuật biểu diễn lo chi phí đi lại, ăn ở. Còn "Ba chàng lính ngự lâm" cũng có "Mạnh Thường Quân" là Đại sứ quán Pháp bao toàn bộ chi phí.

Không phải các sân khấu kịch phía Nam không có ý định mang kịch ra phía Bắc mà dự định ấy gặp phải rất nhiều khó khăn. NSƯT Khánh Hoàng, Giám đốc Nhà hát kịch Tp HCM cũng từng có ý định mang hai vở là "Tả quân Lê Văn Duyệt" và "Người thi hành án tử" ra Bắc nhưng không thành vì lý do kinh tế. Với những vở diễn về đề tài lịch sử hoành tráng, chi phí lưu diễn không hề nhỏ. Muốn đủ chi phí, không gì khác là phải tìm được nguồn tài trợ và bù đắp bằng nguồn thu từ bán vé.

Tâm lý ngại mang kịch ra Bắc là hoàn toàn có thật và có lý do của nó. Bên cạnh lý do kinh tế như chi phí đi lại, ăn ở tốn kém mà hiệu quả bán vé tù mù "5 ăn, 5 thua", việc một đoàn nghệ thuật rồng rắn ra Bắc còn đồng nghĩa với việc hoạt động nghệ thuật của họ tại Tp HCM phải ngừng lại. Chưa kể đến tâm lý ngại đi xa của các nghệ sĩ bởi họ khá bận rộn. Họ không chỉ diễn kịch mà còn đóng phim, làm MC, đi hát… Vì vậy, việc lưu diễn xa khiến mọi kế hoạch bị đảo lộn. Ngoài ra, một tâm lý e ngại thường trực là không biết khán giả có thích kịch phía Nam không.

Một lý do nữa khiến các sân khấu phía Nam ngại ra Bắc vì khán giả nơi đây không có thói quen ra rạp mua vé, phải có mạng lưới tiếp thị đến các trường học, cơ quan, xí nghiệp. Chưa kể các thủ tục từ duyệt kịch bản đến thuê rạp, làm quảng cáo cũng nhiêu khê và phức tạp hơn. Ngay cả chuyện đơn giản là "giọng nói" cũng là vấn đề. Sân khấu kịch Idecaf từng mang vở kịch thiếu nhi "Thánh Gióng" ra Bắc nhưng khán giả nhí ngoài này tỏ ra không hiểu lời thoại tiếng Nam làm giảm sự hấp dẫn. Và nói như NSƯT Trần Nhượng, dù khó khăn như thế nhưng các nghệ sĩ đều cố gắng với mục tiêu góp phần làm phong phú đời sống tinh thần, tạo nên sự giao lưu văn hóa giữa 2 miền. Đó là điều đáng được ghi nhận, cổ vũ

Khánh Thảo
.
.